Bé bị sâu răng - các mẹ nên làm gì để khắc phục và phòng tránh giúp bé

Thứ ba - 10/12/2013 09:07
Con gái cháu được 2 tuổi rồi những từ khi được 15 tháng bé bắt đầu bị sâu răng cửa, 3 tháng sau lại bị tiếp sang cái răng bên cạnh và đến giờ chưa thấy bị lây sang cái khác. Cháu nên làm gì để khắc phục và phòng tránh giúp con? Cháu thấy mọi người bảo trẻ bị sâu răng thì răng phải xỉn và có vết ố đen nhưng con gái cháu lại không thấy như vậy mà chỉ thấy có vết ố nhỏ màu vàng và răng bị mòn dần. Vậy con gái cháu bị làm sao Bác sĩ ? Liệu nó có bị lan ra nhiều răng khác nữa không ? và có biện pháp...

Con gái cháu được 2 tuổi rồi những từ khi được 15 tháng bé bắt đầu bị sâu răng cửa, 3 tháng sau lại bị tiếp sang cái răng bên cạnh và đến giờ chưa thấy bị lây sang cái khác. Cháu nên làm gì để khắc phục và phòng tránh giúp con? Cháu thấy mọi người bảo trẻ bị sâu răng thì răng phải xỉn và có vết ố đen nhưng con gái cháu lại không thấy như vậy mà chỉ thấy có vết ố nhỏ màu vàng và răng bị mòn dần. Vậy con gái cháu bị làm sao Bác sĩ ? Liệu nó có bị lan ra nhiều răng khác nữa không ? và có biện pháp nào để chữa được không ạ? Hiện cháu chỉ vệ sinh răng cho con gái bằng chách lau, súc miệng sau khi ăn chứ chưa đánh răng cho cháu được vì nó sợ. Cháu cảm ơn Bác sĩ nhiều Mong sớm nhận được sự tư vấn! - Nguyễn Thanh Nga.


Bác sĩ trả lời: Theo thư bạn mô tả thì bé đã bị sâu răng. Có nhiều nguyên nhân gây sâu răng sữa ở bé:


- Mức độ canxi hóa của răng chưa hoàn thiện, lớp men răng sữa còn mỏng nên dễ bị vi khuẩn tấn công. Những bà mẹ ăn uống thiếu canxi khi mang thai thì sau này men răng của con cũng dễ bị yếu.


- Do bé sử dụng quá nhiều đồ ngọt.


- Do cha mẹ không biết cách chăm sóc răng cho bé.


- Ngoài ra, những yếu tố như bé bú bình, bé sinh mổ… cũng làm gia tăng tình trạng bé bị sâu răng sữa .


Nhiều cha mẹ nghĩ bé bị sâu răng sữa không quan trọng vì sớm muộn gì những răng này cũng bị mất đi và được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Điều này không hoàn toàn đúng:


- Nếu răng sữa bị sâu và rụng quá sớm thì sau này, răng trưởng thành của bé có thể bị mọc lệch lạc, gây xô hoặc nghiêng hàm.


- Ngoài ra, răng sữa cũng có tác dụng nhai thức ăn như răng vĩnh viễn. Nếu răng sữa bị rụng sớm, khả năng nghiền nát thức ăn bị hạn chế khiến bé tiêu hóa kém.


- Răng sữa cũng đóng vai trò trong việc giao tiếp, giúp bé phát ẩm chuẩn trong quá trình học nói.


Giống như người lớn, răng sữa của bé cũng có hàng nghìn loại vi khuẩn cư trú tạo thành mảng bám. Vì vậy, cha mẹ nên học cách chăm sóc để tránh sâu răng sữa cho bé ngay từ sớm, thậm chí ngay cả trong giai đoạn mang thai.


Bạn nên lưu ý để phòng tránh sâu răng cho trẻ như sau:


- Khoảng thời gian thai nghén, mẹ nên dùng những loại đồ ăn có lợi cho men răng của bé sau này như các loại cua, cá, sò, ốc, tôm, sữa… Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế căng thẳng, stress để tránh những nguy cơ lên bào thai như tật sứt môi, hở hàm ếch ở bé sơ sinh.


- Ngay khi bé mới mọc răng sữa, mẹ có thể phòng tránh sâu răng cho trẻ bằng vệ sinh răng miệng cho con hằng ngày với gạc sạch nhúng vào nước muối ấm (không nên pha nước muối quá mặn vì điều này cũng dễ phá hủy men răng bé).


Nếu trong điều kiện đi xa, không có gạc vệ sinh răng bé, bạn có thể cho bé súc miệng bằng nước ấm sau mỗi lần bé bú, uống thuốc… Nếu bé đã đến tuổi sử dụng bàn chải và kem đánh răng, mẹ dùng loại dụng cụ này để vệ sinh răng lợi cho bé.


- Tạo điều kiện cho bé tắm nắng để chống còi xương, hạn chế xương hàm của bé kém phát triển và phòng tránh hiện tượng răng bé mọc lệnh, yếu, dễ bị vi khuẩn tấn công.


- Không nên cho bé ngậm bình sữa (hoặc bình nước hoa quả) khi bé nằm trên giường hoặc trên cũi. Các loại đường sữa sẽ phá hủy lớp men răng và gây sâu răng cho bé.


- Phòng tránh sâu răng cho trẻ bằng cách hạn chế những loại đồ uống chứa đường sữa vào buổi tối. Với bé trên 1 tuổi, tốt nhất, bạn chỉ nên cho bé uống nước lọc trước giờ đi ngủ.


- Phòng tránh sâu răng cho trẻ ngay trong việc tránh cho bé thói quen ngậm đồ ăn, đồ uống trong miệng vì điều này sẽ khiến vi khuẩn có điều kiện tiếp xúc với răng lợi bé lâu hơn và gây nên hiện tượng sâu răng.


- Pha loãng nước hoa quả đóng hộp với nước lọc và cho bé sử dụng.


- Nếu phát hiện bé có dấu hiệu sâu răng, bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi khám. Trong trường hợp bị sâu ít, bác sĩ sẽ tiến hành cạo chỗ răng sâu và hàn lại răng cho bé. Trường hợp răng bé bị sâu nặng, bác sĩ sẽ phải nhổ răng đi.


Việc chăm sóc sức khoẻ răng miệng tốt cho bé bao gồm việc đánh răng và vệ sinh răng miệng cho bé hàng ngày bằng việc sử dụng khăn mặt ướt và bàn chải đánh răng mềm. Vệ sinh và kiểm tra răng miệng cho bé một cách đều đặn có thể giúp bé không cảm thấy khó chịu khi mọc răng và phòng ngừa sâu răng cho trẻ.


Một khi răng bé đã mọc, điều quan trọng là tạo cho bé thói quen đánh răng hai lần một ngày. Khi đánh răng cho bé, sử dụng loại kem đánh răng có chứa fluoride hai lần một ngày, vào buổi sáng sau khi bé ngủ dậy và vào buổi tối trước khi bé đi ngủ. Khi mới bắt đầu, chỉ sử dụng một lượng nhỏ kem đánh răng có chứa fluoride và tăng dần lượng kem đánh răng trên bàn chải mềm của bé. Nên chải nhẹ nhàng lên lưỡi của bé để loại bỏ vi khuẩn hình thành trên lưỡi. Cha mẹ nên đánh răng cho bé cho đến khi bé có thể tự làm lấy. Đánh răng cho bé còn giúp cha mẹ có thể kiểm tra bất kỳ những thay đổi nào xảy ra đối với hàm răng của bé, bao gồm răng mới mọc, bựa răng, những vết răng sâu.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe!


Con tôi 4 tuổi, bé bị sâu răng nhiều, tôi nghe mọi người nói cứ để răng sâu đó, khi nào răng mới mọc ra nó sẽ đẩy răng sâu đi. Nhưng tôi nghĩ nên nhổ răng sâu đi vì để đó thì răng mới mọc ra sẽ mọc chìa ra ngoài và bị xấu hoặc răng mới sẽ không mọc ra được. Xin bác sĩ tư vấn để răng con tôi sau này được đẹp – Hoàng Thùy Linh.


Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Ba tư vấn: Nếu răng của con bạn được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán là sâu mới chính xác. Trường hợp do bạn tự chẩn đoán là răng của cháu bị sâu thì có thể chưa đúng. Vì thế, chúng tôi không thể trả lời chính xác với bạn là nên nhổ răng cho cháu hay không nên nhổ.


Tuy nhiên, chúng tôi có thể nêu để bạn tham khảo như sau: Nếu răng của cháu đang bị sâu thì có thể trám lại hoặc điều trị tủy rồi trám lại thì không nên nhổ. Đặc biệt, đối với các răng sữa số 4 và số 5, bạn nên cố gắng điều trị để giữ lại vì thời gian thay răng còn rất xa, khi cháu được 10–12 tuổi mới thay răng này.


Trường hợp bé bị sâu răng chỉ còn lại phần chân răng, bạn nên nhổ bỏ vì nếu tiếp tục giữ lại sẽ gây hôi miệng do thức ăn dễ đọng vào mà khó làm sạch được, dễ bị nhiễm khuẩn chân răng. Răng bị sún, tức là răng của cháu bị cùn, bị mòn chứ không phải bị sâu, có thể tiếp tục giữ lại mà không nhổ vì cháu vẫn có thể nhai được thức ăn. Bạn nên đưa con đi khám ở chuyên khoa răng bệnh viện để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng.