Sức khỏe phụ nữ, em bé và nam giới | Glenn doman việt nam | Kiến thức giáo dục sớm cho trẻ

http://hoidapbacsi.org


Có nên xi tè cho bé,xi tè có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh ?

Có nên xi tè cho bé hay không là câu hỏi của rất nhiều ông bố bà mẹ.Nhiều mẹ cho rằng tập xi tè cho con rất tốt, nhiều mẹ cho rằng sẽ làm hại thận con. Vậy tập xi tè có tốt không? Và có nên tập xi tè sớm cho trẻ? Hãy cùng hoidapbacsi.org đi phân tích vấn đề này nhé !
có nên xi tè cho trẻ sơ sinh
Hầu như ông bà nào thuộc thế hệ trước cũng xem việc xi bé đi vệ sinh là chuyện bình thường. Ông bà có quan điểm nuôi con khác với thế hệ trẻ ngày nay và thường muốn xi bé đi vệ sinh rất sớm. Một lý do để tập xi tè cho bé sớm là để bé biết đi tè ở những thời điểm nhất định, giúp bé sớm bỏ bỉm, tránh bị hăm, bị rôm sảy. 

1. Tập xi tè cho trẻ lợi hay hại?

Tập xi tè cho trẻ nhỏ là chủ đề đang gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn như webtretho, lamchame… Nhiều mẹ cho rằng tập xi tè cho con sớm rất tốt, sẽ tạo thói quen cho con đi vệ sinh đúng giờ. Nhưng cũng có rất nhiều ý kiến phản đối, bởi họ cho rằng xi tè có thể ảnh hưởng tới bàng quang, thận của trẻ. Vậy thực hư việc này thế nào?

Xi tè có ảnh hưởng đến hoạt động của bàng quang?

Trước những ý kiến trái chiều về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai)  cho rằng, việc xi tè cho con chỉ là tạo thói quen phản xạ có điều kiện khi đi tiểu trong những thời điểm thích hợp, điều này hoàn toàn không ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như thận, bàng quang của bé.
Theo TS. Gwen Dewar, ĐH Michigan, Mỹ giải thích: Việc phối hợp co giãn bàng quang của trẻ nhẹ nhàng, không như người lớn, không đủ áp lực ảnh hưởng lên chức năng của bàng quang. Hơn nữa, cấu trúc vách bàng quang ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là ổn định, không dễ bị rò. Do đó, việc xi tè không có ảnh hưởng đến bàng quang.

có nên xi tè cho trẻ
Việc xi tè hoàn toàn không làm hại đến thận và bàng quang của trẻ.
 

Xi tè cho trẻ: Bác sĩ thận nhi nói gì?

Theo BS Hoàng Diễm Thúy (Trưởng khoa thận BV Nhi đồng 2) trẻ dưới 1 tuổi không cần thiết xi tè.

Thư của độc giả Phạm Hà Linh (Hào Nam – Hà Nội) bày tỏ lo lắng khi nghe được một người bạn nói việc xi tè cho trẻ sẽ khiến ảnh hưởng đến thận của bé thu hút sự quan tâm của đông đảo chị em.

Mặc dù, người bạn nói như vậy nhưng với chị Hà Linh, việc xi tè ngay từ khi bé mới sinh ra đã có tác dụng rõ rệt, độc giả này cho biết: “Ngày 3 lần, cứ khi nào em bế bé kêu "xi xi" một lúc là con tè được ngay. Em rất mừng và hãnh diện về thói quen này của Mít. Con biết xi tè, mẹ vừa đỡ tốn bỉm, lại chủ động được trong việc vệ sinh, khỏi lo hăm tã”.

Một số phụ huynh khác đã tập thói quen cho trẻ, như độc giả Huy Hanh viết: “Tôi cũng có 2 con ngay từ bé khoảng 1 tháng tôi đã xì tè, đại tiểu cho bé, tập thói quen cho con mình. Cứ sáng ngủ dậy là đi cầu còn trong ngày thì xì tè như vậy khi cho con đi đâu cả ngày không phải lo con bậy ra quần. Chỉ một thời gian con sẽ quen chỉ cần căn giờ là bé tự động đi chẳng phải xì nữa (đêm tôi vẫn mang tã cho bé)”.
Một độc giả khác đồng tình quan điểm tập xi tè cho trẻ nhưng phải đúng thời điểm, phụ huynh này kể: "Bé nhà mình mới chưa đầy 2 tháng thôi đã được tập xi tè, đại tiện rồi, tất nhiên là dựa vào biểu hiện của bé và khoảng thời gian bao lâu bé tè 1 lần khi không được xi”.
 

Bác sĩ chuyên khoa thận nhi nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, Th.S – BS Hoàng Thị Diễm Thúy (Trưởng khoa thận – Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết: “Việc xi tè cho trẻ để tạo thói quen phản xạ có điều kiện là tốt, không làm ảnh hưởng đến thận như một số người quan niệm. Tuy nhiên, với trẻ quá nhỏ, dưới 6 tháng tuổi, nếu xi tè cũng không tạo được thói quen. Để tập được phản xạ có điều kiện nói trên thì trẻ phải trên 1 tuổi, động tác xi tè không cần thiết với trẻ dưới 1 tuổi”.

Mặc dù việc xi tè cho trẻ để tạo thói quen đi tiểu theo những thời điểm trong ngày là tốt nhưng phải đợi sau khi cho trẻ bú một khoảng thời gian nhất định, để bé có đủ nước tiểu trong bàng quang. “Với trẻ từ 1-2 tuổi, từ sáng đến tối đi tiểu 4-5 lần, ban đêm đi thêm 1-2 lần. Như vậy, cứ 3-5 tiếng, tùy theo lượng nước đưa vào cơ thể của trẻ mà phụ huynh xi tè 1 lần là tốt nhất”, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy nói thêm.

xi tè cho trẻ nên hay không nên
Cứ 3-5 tiếng, tùy theo lượng nước đưa vào cơ thể của trẻ mà phụ huynh xi tè 1 lần là tốt nhất (hình minh họa)
 

Để đảm bảo thận của trẻ phát triển tốt ngay từ những năm tháng đầu đời, bác sĩ Thúy đưa ra lời khuyên: “Các phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ vùng đi tiểu của trẻ, khi phát hiện tiểu đục hay đau cần đưa tới bác sĩ chuyên khoa để thăm khám. Về thói quen ăn uống, nhiều phụ huynh bồi dưỡng bằng cách cho con ăn chất đạm quá nhiều nhưng thận của bé dưới 6 tháng tuổi không lọc được hết chất đạm. Lượng chất đạm đưa vào cơ thể cần phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn quá mặn ảnh hưởng đến thận. Thêm nữa, cần cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, vì có những loại thuốc gây hại cho thận”.

Một yếu tố quan trọng khác có liên quan đến hoạt động của thận là nước, tuy nhiên phụ huynh cần lưu ý  không cho trẻ uống quá nhiều hay quá ít nước. Với trẻ dưới 1 tuổi, tính cả sữa, nước canh cho vào cơ thể thì uống khoảng 1 lít/ngày là phù hợp.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, dấu hiệu của các bệnh liên quan đến thận khi rõ ràng là đã vào giai đoạn muộn. Còn dấu hiệu sớm có chăng chỉ là chậm tăng cân, xanh xao, nôn ói… nhưng nhiều phụ huynh thường bỏ qua những dấu hiệu sớm này và thường đưa đến các chuyên khoa khác để thăm khám, chứ không nghĩ đó là bệnh liên quan đến thận.

Bằng chứng khoa học liên quan đến phương pháp xi tè

Theo báo cáo của GS.BS Darcie A. Kiddoo, ĐH Alberta, Canada: Hiện tại chưa có nghiên cứu liên quan đến phương pháp này, cũng không có nghiên cứu về những tác hại của phương pháp này.

Tuy nhiên, phương pháp này đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều gia đình phương tây và được hướng dẫn bởi một số chuyên gia ở Châu Âu, Mỹ, Hà Lan.

Độ tuổi nào mới nên tập xi tè cho trẻ?

Xi tè chỉ là một phương pháp để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ học mối liên hệ giữa âm thanh và việc đi tiểu, không được định nghĩa là sự hoàn tất việc học đi tè.

Hiện tại, báo cáo chính thức của Viện Hàn Lâm Nhi Khoa, Mỹ đưa ra hướng dẫn là từ 18 tháng tuổi trẻ mới có thể học hoàn toàn việc đi tè từ nhận thức là đã tới ngưỡng bàng quang, tạo áp lực lên thành bàng quang, dẫn đến giãn cơ và muốn tè. Hơn nữa, lúc này trẻ mới biết đi đến chỗ tè hoặc ngồi trên toilet.

Việc xi tè được áp dụng nhiều nơi trên thế giới. Trong báo cáo năm 2004 "Huấn luyện xi tè cho trẻ sơ sinh ở các gia đình phương Tây của TS.Sun (ĐH Verona, Ý) cho biết: Xi tè dưới 18 tháng chỉ giúp bé học sự liên kết giữa âm thanh và việc đi tè, trẻ chưa hiểu việc đi tè đúng nghĩa, cha mẹ vẫn cần phải tập và dạy trẻ cách đi tè đúng nghĩa sau 18 tháng tuổi. 

Xi tè dưới 18 tháng tuổi chưa có bằng chứng liên quan đến việc gây hại cho bàng quang tính đến hiện nay.

Theo các chuyên gia nhi khoa, với trẻ quá nhỏ, dưới 6 tháng tuổi, nếu “xi” tè cũng không tạo được thói quen. Để tập được phản xạ có điều kiện trên thì trẻ phải trên 1 tuổi. Trẻ sơ sinh có thể tiểu tiện cả ngày lẫn đêm là do bàng quang rất nhỏ khiến bé tiểu tiện một cách không kiểm soát, não bé chưa phát triển đầy đủ và sự phản xạ kém dù chỉ tích một lượng nhỏ nước tiểu.

Khi bé lớn dần (1-2 tuổi), hệ thần kinh phát triển, não bắt đầu hiểu được tín hiệu nhu cầu cần tiểu tiện. Bé có thể trữ nhiều nước tiểu hơn do khả năng lưu trữ của bàng quang tăng lên. Bàng quang có thể gửi tín hiệu đã “đầy” đến não, não sẽ dẫn truyền tín hiệu “đã đến lúc tiểu tiện” và ngược lại.
 

có nên tập xi tè cho trẻ nhỏ
 

Lưu ý khi tập xi tè cho bé

Khi trẻ từ 18 tháng tuổi, cha mẹ có thể dạy trẻ hiểu về việc đi tè cần phải đúng chỗ. Không nên dạy trẻ đi tè ngoài đường nữa, mà bắt đầu dạy bé đi tè trong nhà vệ sinh. Trước khi đi, bạn nên chỉ bé đây là nhà vệ sinh, khi con mắc tè thì nên đi vào đây.

Đôi lúc nhiều bé chưa quen, khóc và không chịu tè, đừng la mắng bé, cứ xi tè bé bình thường. Đợi 1 dịp bé thoải mái hơn dạy lại cho bé.
 

2. Làm sao nhận biết con muốn đi tè?

Như vậy, việc xi tè sớm cho con thực tế không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ nhưng đòi hỏi thời gian và sự kiên trì của mẹ. Để việc này diễn ra thuận lợi, mẹ nên quan sát những dấu hiệu bé muốn đi tè, “ị” nhé:

- Đối với bé trai: dấu hiệu đi tè, ị ở bé trai thường dễ nhận biết hơn bé gái. Nếu bé muốn tè, chim sẽ cong lên, nếu bé muốn "ị", hai bên tinh hoàn săn lại. Ngoài ra, một số bé có dấu hiệu như ngừng bú, khóc, đạp chân cũng cho thấy bé muốn đi vệ sinh và khi mẹ xi bé dễ dàng “xả tự do”.
- Đối với bé gái: dấu hiệu nhận biết bé gái phức tạp và khó hơn so với bé trai. Mẹ cần dành thời gian quan sát dấu hiệu quả bé để xi con đúng lúc, kịp thời. Bé có thể khóc, không bú, rùng mình... khi buồn đi vệ sinh.

Cách dạy trẻ đi vệ sinh của các mẹ trên thế giới

Tập thói quen đi vệ sinh cho trẻ là bước khởi đầu quan trọng rèn luyện khả năng tự lập của bé. Nó cũng là thử thách cho cha mẹ bởi không phải ai cũng đủ kiên nhẫn. Theo các chuyên gia, để tạo lập thói quen tự giác đi vệ sinh cho trẻ, ngoài sự kiên nhẫn, cha mẹ còn phải am hiểu các giai đoạn phát triển và các biểu hiện thể hiện nhu cầu của bé. Thông thường, bé từ 2 tuổi trở lên đã có thể tập thói quen đi bô, mặc dù có nhiều trẻ phát triển kỹ năng này từ lúc 18 tháng.

Nếu ngay từ nhỏ, mẹ đã rèn cho trẻ giờ giấc đi vệ sinh theo đúng quy luật thì sau này việc để trẻ tự giác ngồi bô sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Mỗi nước khác nhau trên thế giới lại có một tạo thói quen đi vệ sinh cho trẻ, nhưng chung quy lại họ đều xác định được việc làm này nếu được tiến hành sớm sẽ rất tốt cho tính tự lập của bé sau này. Dưới đây là cách thức cho trẻ đi vệ sinh của một số nước khác nhau trên thế giới.

1. Kenya và Tanzania

Các bà mẹ sống tại Kenya và Tanzania sẽ hướng dẫn trẻ cách đi vệ sinh ngay từ tuần đầu tiên sau khi sinh. Họ sẽ dựa vào các biểu hiện của con để nhận biết thời điểm nên cho bé đi vệ sinh. Những đứa trẻ ở đây thường được bố mẹ cho đi vệ sinh ngay ở trên đất mà không có bất cứ một nhà vệ sinh nào.

2. Cách xi tè cho con của Mẹ Trung Quốc

Ở những khu vực nông thôn ở Trung Quốc, các em bé thường được mặc những chiếc quần xẻ đũng và đi tè, đi ị ở ngay trên sân. Các bà mẹ Trung Quốc thường ôm con và giúp con đi vệ sinh bằng những tiếng “xi xi” nho nhỏ, kéo dài và sau đó lũ trẻ sẽ đi vệ sinh luôn trên sân chơi nếu chúng có nhu cầu thực sự.

Việc tìm được một nhà vệ sinh công cộng thực sự không phải là điều quá khó khăn ở đây, tuy nhiên các mẹ Trung Quốc vẫn dạy con cách đi vệ sinh ở khắp mọi nơi mà không cần phải nhịn cho đến khi bạn tìm được nhà vệ sinh cho con.

3. Namibia

Các bà mẹ ở Namibia sẽ cho trẻ đi vệ sinh ở bất cứ chỗ nào thuận tiện vì việc tìm thấy nhà vệ sinh ở đây là rất khó. Ở nơi đây cuộc sống khó khăn khăn nên những vật dụng thiết yếu như giấy vệ sinh cũng không có, do đó sau khi cho trẻ đi vệ sinh xong, các mẹ sẽ dùng vỏ ngô để lau đít cho con.

4. Việt Nam

Ở Việt Nam, người lớn cũng giúp trẻ đi vệ sinh bằng tiếng “xi xi” như ở Trung Quốc. Nhưng khác hẳn với họ, các bà mẹ Việt vẫn cho trẻ dùng bỉm đều đặn, thậm chí có bé lên 2 vẫn được đóng bỉm đi nhà trẻ.

5. Cách dạy con đi vệ sinh của người Mỹ

Ở Mỹ, bố mẹ thường dạy trẻ cách dùng bô muộn hơn so với các gia đình khác trên thế giới. Khi trẻ được khoảng 2 đến 4 tuổi, bố mẹ sẽ bắt đầu huấn luyện cho bé dùng bô. Họ sẽ sử dụng một vài dụng cụ hỗ trợ giúp con có thể đi bô một cách dễ dàng nhất.

6. Nga

Tại Nga, khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi, đặc biệt là giai đoạn trẻ có thể tự ngồi được, bố mẹ sẽ bắt đầu dạy trẻ cách dùng bô.

7. Argentina

Các bậc cha mẹ ở Argentina cũng có cách dạy trẻ dùng bô giống như các ông bố bà mẹ phương Tây khác. Tuy nhiên có một điểm khác biệt so với Mỹ đó là bố mẹ Argentina sẵn sàng cho trẻ đi vệ sinh ở bên ngoài cho dù địa điểm đó có nhà vệ sinh công cộng.

Tổng hợp bởi Thúy Vy / Hoidapbacsi.org