Sức khỏe phụ nữ, em bé và nam giới | Glenn doman việt nam | Kiến thức giáo dục sớm cho trẻ

http://hoidapbacsi.org


Chóng mặt, buồn nôn khi mang thai

Chóng mặt, buồn nôn có thể coi là những triệu chứng phổ biến và gây khó chịu nhất trong thời kỳ mang thai. Đây là dấu hiệu sinh lý bình thường, đa phần không có gì lo ngại. Tuy nhiên các mẹ nên biết cách khắc phục để giảm cảm giác mệt mỏi khó chịu do chóng mặt buôn nôn gây ra. Đồng thời các hiện tượng này cần được theo dõi nếu có dấu hiệu chuyển biến bất thường thì cần sự thăm khám ngay của bác sĩ.Thời kỳ này, hệ thống tim mạch của bạn trải qua những thay đổi lớn: nhịp tim của tăng lên, tốc độ...

Chóng mặt, buồn nôn có thể coi là những triệu chứng phổ biến và gây khó chịu nhất trong thời kỳ mang thai. Đây là dấu hiệu sinh lý bình thường, đa phần không có gì lo ngại. Tuy nhiên các mẹ nên biết cách khắc phục để giảm cảm giác mệt mỏi khó chịu do chóng mặt buôn nôn gây ra. Đồng thời các hiện tượng này cần được theo dõi nếu có dấu hiệu chuyển biến bất thường thì cần sự thăm khám ngay của bác sĩ.


Thời kỳ này, hệ thống tim mạch của bạn trải qua những thay đổi lớn: nhịp tim của tăng lên, tốc độ bơm máu của tim nhanh hơn, và lượng máu trong cơ thể tăng 40-45%. Trong thai kỳ bình thường, huyết áp của bạn giảm dần trong thời gian đầu, đạt mức thấp nhất ở khoảng giữa thai kỳ. Sau đó bắt đầu tăng và trở về bình thường vào cuối thai kỳ.


Hầu như, hệ thống tim mạch và thần kinh của bạn có thể điều chỉnh để phù hợp với tất cả những thay đổi này vào mọi thời điểm. Tuy nhiên, đôi khi sự điều chỉnh là không kịp thời và làm cho bạn có cảm giác chóng mặt. Đây là nguyên nhân do thay đổi cơ thể trong thời kỳ mang thai và có thể sẽ ảnh hưởng tới các quá trình hoạt động của cơ thể mẹ.


Nguyên nhân gây chóng mặt khi mang thai


Dưới đây là một vài nguyên nhân gây chóng mặt hay gặp nhất trong khi mang thai:


- Đứng lên quá nhanh: Khi bạn ngồi, máu dồn lại ở phần dưới cơ thể. Nếu cơ thể không kịp điều chỉnh khi bạn đứng lên, lượng máu trở về tim sẽ không đủ và kết quả là, huyết áp của bạn giảm xuống nhanh chóng gây ra choáng hoặc hoa mắt. Điều này cũng có thể xảy ra ở những người không mang thai.


- Nằm ngửa: Trong giai đoạn thai kỳ thứ hai và ba, tử cung đang lớn dần của bạn có thể làm chậm sự lưu thông máu ở chân do chèn lên các tĩnh mạch chủ dưới (tĩnh mạch lớn đưa máu từ phần dưới cơ thể về tim) và các tĩnh mạch khung chậu. Nằm ngửa khiến cho vấn đề này trở nên trầm trọng hơn. Trên thực tế, khoảng 8% phụ nữ mang thai ở giai đoạn hai và ba mắc phải một tình trạng gọi là hội chứng hạ huyết áp khi nằm ngửa: Khi nằm ngửa, nhịp tim tăng, huyết áp giảm, và cảm thấy bồn chồn, hoa mắt, buồn nôn cho đến khi họ thay đổi vị trí.


- Không ăn uống đủ chất: nếu bạn ăn uống không đủ chất, lượng đường trong máu có thể bị hạ thấp (hạ đường huyết), khiến bạn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Trong thời gian mang thai, điều này lại càng dễ xảy ra hơn.


- Thiếu nước cũng có thể gây chóng mặt khi mang thai.


- Thiếu máu: Nếu bị thiếu máu, lượng oxy tới não và các cơ quan khác giảm, có thể làm cho bạn có cảm giác chóng mặt, choáng váng. Thiếu sắt là nguyên nhân thường gặp nhất khi thiếu máu.


- Nóng quá: ở trong một căn phòng quá nóng hoặc tắm nóng lâu có thể làm cho các mạch máu của bạn giãn ra, gây hạ huyết áp và khiến bạn chóng mặt.


- Thở quá nhanh: Tập luyện hoặc lo lắng quá mức đôi khi có thể làm bạn thở nhanh, chóng mặt và hoa mắt.


- Ngất do cường phế vị: Một số người bị chóng mặt khi cố sức ho, hoặc đi vệ sinh. Những hoạt động này có thể kích thích đáp ứng của dây thần kinh phế vị (tức là một phản ứng trên hệ thống tuần hoàn qua dây thần kinh phế vị) – gây giảm huyết áp và nhịp tim, dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu.


Làm thế nào để giảm chóng mặt khi mang thai cho các mẹ?


- Cho dù bất kỳ nguyên nhân nào, hãy nằm xuống ngay khi cảm thấy chóng mặt, để bạn không ngã và bị đau. Nếu không thể nằm xuống lúc đó, hãy ngồi xuống và cố gắng đặt đầu giữa hai đầu gối của bạn. Và đương nhiên, nếu đang làm bất cứ điều gì có thể khiến bạn hoặc người khác có nguy cơ bị chấn thương, chẳng hạn như lái xe, bạn cần dừng lại ngay lập tức.


- Để giảm chóng mặt khi mang thai, không đứng bật dậy từ ghế hoặc giường ngủ. Nếu đang nằm, bạn hãy ngồi dậy từ từ và giữ trạng thái ngồi trong vài phút, để thả hai chân ở thành giường hay đi văng, sau đó từ từ đứng dậy. Khi cần đứng ở một vị trí trong thời gian dài, thỉnh thoảng di chuyển chân để thúc đẩy sự lưu thông của máu.


- Để hạn chế chóng mặt khi mang thai, khi ngủ bạn hãy nằm nghiêng thay vì nằm ngửa. Nằm nghiêng sang bên nào cũng tốt hơn nằm ngửa, mặc dù nghiêng sang bên phải là tốt nhất. Đặt một chiếc gối phía sau hoặc dưới hông có thể giúp bạn giữ được tư thế nằm nghiêng thoải mái, hoặc ít nhất cũng đủ nghiêng để giữ cho tử cung không chèn vào tĩnh mạch chủ


- Đảm bảo cho cơ thể đủ nước bằng việc uống 8-10 ly nước mỗi ngày – uống nhiều hơn nếu bạn tập thể dục hoặc thời tiết nóng, điều này giảm chóng mặt cho các mẹ.


- Cố gắng giữ đường huyết của bạn không quá thấp bằng cách ăn thành các bữa nhỏ và thường xuyên trong ngày thay vì ba bữa chính. Nếu ra ngoài, bạn nên mang theo mình một số thực phẩm ăn nhẹ lành mạnh để ăn khi bị đói.


- Đảm bảo một chế độ ăn uống giàu chất sắt và sử dụng một loại vitamin dành cho phụ nữ mang thai có chứa sắt, đặc biệt là trong giai đoạn thai kỳ thứ hai và thứ ba. Nếu đã bị thiếu máu, bác sĩ sẽ kê thêm cho bạn một thuốc bổ sung sắt riêng.


- Nếu cảm thấy chóng mặt khi bị nóng, bạn nên tránh những nơi đông đúc ngột ngạt và mặc nhiều lớp áo để có thể dễ dàng bỏ bớt chúng ra khi cần thiết. Tắm nước ấm thay vì nước nóng quá.


- Mặc dù tập luyện tốt cho sự lưu thông trong cơ thể bạn, tuy nhiên cẩn thận để không quá mức nhất là khi bạn cảm thấy mệt hoặc không khỏe. Hãy bắt đầu một cách từ từ, nếu bắt đầu cảm thấy hoa mắt hay chóng mặt khi đang luyện tập, bạn hãy ngừng lại và nằm xuống.


- Chóng mặt có thể kèm một vài dấu hiệu cảnh báo như: cảm giác nóng, xanh xao, vã mồ hôi, buồn nôn, ngáp và thở nhanh thường xảy ra trước khi ngất. Chú ý đến các dấu hiệu này và nằm xuống ngay để không bị ngất đi.


Nguyên nhân buồn nôn khi mang thai


Đây là hiện tượng dễ gặp phải khi mang thai đặc biệt trong gia đoạn các mẹ ốm nghén. Buồn nôn thường xuất hiện lúc mới thức dậy, nhưng cũng có thể rải rác trong ngày, xảy ra thường xuyên hơn từ tuần thứ sáu và kéo dài đến cuối quý đầu tiên cảu thai kỳ.


Những yếu tố làm phát sinh buồn nôn không tuân thủ một nguyên tắc nào cả. Với một số người, đó có thể là mùi chiên xào thức ăn, số khác lại là mùi thuốc lá, thậm chí một số người rất sợ thức ăn mà họ quen dùng bấy lâu nay, có người còn sợ mùi mỹ phẩm mà họ quen dùng. Vì vậy có lúc nhiều phụ nữ mang thai thích dùng nước ép trái cây lúc điểm tâm thay vì trà hay cà phê.


Thường người ta viện dẫn nguyên nhân liên quan đến hormone. Ðôi khi, triệu chứng buồn nôn báo hiệu trường hợp có bầu sinh đôi và trong một số trường hợp cực hiếm, vấn đề phát triển lúc mang thai, dạng dị thường của nhau thai...


Người ta biết rằng một số yếu tố tâm lý cũng có thể có liên quan đến trạng thái buồn nôn, chẳng khác nào cơ thể phản ứng lo âu trước việc mang thai. Nhưng điều đó không giải thích được hết tất cả và hơn nữa, mức độ những cơn khó chịu thay đổi ở từng người. Một số chịu đựng chỉ vài tuần lễ và theo từng giai đoạn, số khác thì chịu đựng lâu hơn hoặc với mức độ cao hơn.


Giúp mẹ bầu giảm buồn nôn khi mang thai


Dù cơn buồn nôn không gây nguy hiểm cho bào thai, tốt hơn là tìm cách làm nó biến mất. Để giảm buồn nôn khi mang thai, hãy loại ra khỏi thực đơn những thức ăn và thức uống làm cho bạn có cảm giác ghê sợ. Chỉ ăn những gì mà bạn thích, nhưng cần tránh những loại thức ăn chiên xào hoặc quá nhiều chất béo. Loại thức ăn dễ dùng nhất là rau cải luộc, thịt cá, mơ, dưa hấu, nho... Uống nhiều nước, tốt nhất là trước hoặc sau bữa ăn, với liều lượng ít nhưng thường xuyên để tránh mất nước. Hãy tạo thói ngủ trưa dù chỉ là một giấc ngắn nhưng không nên ngủ ngay sau bữa ăn vì buồn nôn làm tăng cảm giác mệt mỏi.


GIảm buồn nôn khi mang thai bằng cách thay đổi cách nấu nướng cho dễ ăn hơn, tránh những thức ăn hoặc mùi làm bạn khó chịu. Bạn đừng để mình đói, cũng đừng ăn quá no, vì dạ dày khó chịu dễ buồn nôn. Nếu hay nôn vào buổi sáng, khi thức giấc bạn đừng vội trở dậy. Hãy nằm yên trên giường và ăn nhẹ.


Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong thời kì đầu, cần ổn định tình cảm, chú ý nghỉ ngơi, bảo đảm môi trường xung quanh trong sạch. Đồng thời chú ý điều chỉnh ăn uống, ăn uống cần thanh đạm hợp khẩu vị, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa hấp thụ, đồng thời chú ý bảo đảm lượng dịch thể. Về khẩu vị, cần cố hết sức thỏa mãn thị hiếu đặc biệt của phụ nữ mang thai về các vị chua, ngọt đắng, cay. Hàng ngày tận dụng cách ăn ít, ăn nhiều bữa, không để bụng đói. Bệnh ói mửa thì bị nặng hơn vào buổi sáng ngủ dậy, nếu điều kiện cho phép có thể ăn sáng và nghỉ ngơi khoảng 30 phút ở trên giường rồi mới ra khỏi giường, hoặc trước khi ra khỏi giường ăn 1 chút, làm như vậy đều có thể giảm buồn nôn khi mang thai.


Chóng mặt, buồn nôn khi mang thai có nguy hiểm?


Chóng mặt, buồn nôn khi mang thai không có gì là trầm trọng vì vậy các mẹ không cần lo lắng. Tuy nhiên nên theo dõi nếu kèm theo các dấu hiệu khác đồng thời tình trạng có vẻ nặng hơn so với thông thường hoặc nếu các biện pháp khắc phục đơn giản đã đưa ra ở trên không hiệu quả, chóng mặt kéo dài, thường xuyên hoặc bị ngất, bạn cần đi khám bác sĩ.


Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn bị chóng mặt kèm theo nhức đầu nặng, mắt mờ, líu lưỡi, đánh trống ngực, tê liệt, ngứa ran, chảy máu, hoặc bị ngất lịm. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn với bạn hoặc em bé.


Thời gian đầu trong thai kỳ, đau bụng kèm theo chóng mặt có thể là biểu hiện của mang thai ngoài tử cung, cần phải chú ý ngay lập tức.


Một số ít phụ nữ mang thai có phản ứng thai nghén tương đối nghiêm trọng, ói mửa xối xả, bị đi bị lại, ảnh hưởng tới việc ăn uống thậm chí xuất hiện hiện tượng mất nước và trúng độc, hiện tượng bệnh lý này được y học gọi là ói mửa do thai nghén, lúc đó phải đến bệnh viện điều trị.