Sức khỏe phụ nữ, em bé và nam giới | Glenn doman việt nam | Kiến thức giáo dục sớm cho trẻ

http://hoidapbacsi.org


Vì sao trẻ hay đái dầm đêm và cách giúp trẻ khắc phục chứng đái dầm đêm

Bài viết này tổng hợp toàn bộ kiến thức về chứng đái dầm đêm ở trẻ em nhằm giúp các bậc cha mẹ tìm ra nguyên nhân vì sao trẻ đái dầm và có biện pháp khắc phục thích hợp, đúng phương pháp.Chứng đái dầm là rối loạn thói quen thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Chứng bệnh này thường xảy ra vào ban đêm. Ở tuổi lên 5, đa số trẻ em đã biết giữ được mình khô ráo cả ban ngày lẫn ban đêm. Nhưng nếu khi lên 7 tuổi mà trẻ vẫn bị đái dầm thì có thể coi là bất thường và có thể do trẻ bị căng thẳng về mặt tâm lý tình...
Vì sao trẻ hay đái dầm đêm và cách giúp trẻ khắc phục chứng đái dầm đêm

Bài viết này tổng hợp toàn bộ kiến thức về chứng đái dầm đêm ở trẻ em nhằm giúp các bậc cha mẹ tìm ra nguyên nhân vì sao trẻ đái dầm và có biện pháp khắc phục thích hợp, đúng phương pháp.


Chứng đái dầm là rối loạn thói quen thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Chứng bệnh này thường xảy ra vào ban đêm. Ở tuổi lên 5, đa số trẻ em đã biết giữ được mình khô ráo cả ban ngày lẫn ban đêm. Nhưng nếu khi lên 7 tuổi mà trẻ vẫn bị đái dầm thì có thể coi là bất thường và có thể do trẻ bị căng thẳng về mặt tâm lý tình cảm. Tình hình sẽ trở nên tốt hơn nếu trẻ hết căng thẳng.


trẻ đái dầm đêm 1


Các loại đái dầm của trẻ


Chứng đái dầm ở trẻ nhỏ thường được chia ra làm 2 loại:


Đái dầm tiên phát: Tức là trẻ đái dầm từ bé đến lớn và liên tục, chiếm khoảng 90% các ca bệnh đái dầm.


Đái dầm thứ phát: Có một khoảng thời gian trẻ không đái dầm nhưng sau đó lại mắc chứng đái dầm.


Do di truyền: Một số gia đình bố hoặc mẹ có tiền sử bị bệnh đái dầm, thì có khoảng 40% con cái họ cũng bị bệnh đái dầm, còn nếu trong một gia đình có cả bố lẫn mẹ bị măc bệnh đái dầm thì sẽ có khỏang 70 – 75% con cái họ sẽ bị mắc chứng này.


Nguyên nhân trẻ hay đái dầm đêm


Hiện nay người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng của chứng đái dầm, nhưng có thể do rất nhiều các nguyên nhân sau:


Nguyên nhân về thể chất:


Do có vấn đề về mặt sinh lý, những dị tật bẩm sinh của bàng quang; khả năng phát triển bàng quang không tốt, hay bàng quang nhỏ quá; không kiểm soát được cơ của ống dẫn tiểu; nhiễm trùng đường tiểu; không kiểm soát được cơ bàng quang hoặc do chậm phát triển hệ thống thần kinh; động kinh vào ban đêm…


Khi bàng quang đã đầy nước tiểu mà bệnh nhân vẫn chưa muốn thức giấc, sẽ dẫn đến đái dầm. Các bậc phụ huynh thường than phiền rằng con cái ngủ say quá nên đái dầm. Nhưng sự thực đái dầm không liên quan tới giấc ngủ. Nếu chúng thức giấc kịp thời để đi tiểu thì sẽ đỡ bị đái dầm hơn.


Nguyên nhân về cảm xúc:


Đái dầm đôi khi là vấn đề liên quan đến cảm xúc như sự chống lại những áp đặt quá đáng của bố mẹ, bắt con cái phải nghe theo họ, chẳng hạn như con cái phải luôn sạch sẽ, khô ráo…


Hoặc trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo hay tiểu học, trẻ gặp những khó khăn trong học hành.


Mẹ của trẻ sinh em bé, trẻ ít được quan tâm hơn hoặc được quan tâm nhưng không bằng lúc trước.


Bố mẹ thiếu khuyến khích, hoặc có những mong đợi, kỳ vọng quá sức đối với trẻ khiến trẻ cảm thấy bị căng thẳng


Cha mẹ, anh chị hay những người xung quanh chế giễu chê bai sẽ làm cho chứng đái dầm thêm trầm trọng hơn.



Khắc phục chứng đái dầm ở trẻ


Thực tế, các bậc cha mẹ nếu thấy con mình có những biểu hiện của chứng này thì nên đưa trẻ đi khám về thân thể trước xem có phải vì nguyên nhân về mặt sinh lý không. Rồi sau đó mới đưa đến gặp bác sĩ tâm lý để có phương pháp trị liệu.


Điều quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm của bố mẹ đối với trẻ; nên giúp đỡ trẻ qua những lúc khó khăn, đừng trừng phạt trẻ; không nên đổ lỗi cho trẻ, mà ngược lại nên giúp trẻ hiểu biết, có trách nhiệm để có thể làm được những gì cần phải tự làm.


Nếu trẻ cố gắng thức giấc, tự đi tiểu, hay đêm nào không bị đái dầm, thì nên khen ngợi. Phương pháp này có thể giúp trẻ khỏi hẳn đái dầm, tỉ lệ lên đến 25% và giúp trẻ thêm tiến bộ tự kiểm soát được đái dầm khoảng 75%.


trẻ đái dầm đêm 2


Để khắc phục chứng đái dầm ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:


Đái dầm không phải do lỗi của trẻ, vì thế cha mẹ không nên mắng mỏ, chể giễu hay chê bai trẻ.


Nên khuyến khích và khen ngợi trẻ khi mà trẻ tự chủ được và không đái dầm.


Các biện pháp như giới hạn uống nước trước khi đi ngủ và đánh thức trẻ dậy để đi tiểu trong đêm cũng rất tốt. Phương pháp dùng băng thấm và máy reo để trị đái dầm tức là máy sẽ reo khi tấm trải giường bị ướt, thành công trong một số trường hợp nhưng không nên áp dụng cho trẻ con dưới 7 tuổi.


Cách đối phó tốt nhất với chứng đái dầm là xem nó như một tình trạng chậm phát triển hơn là một căn bệnh, và không dồn sự chú ý quá nhiều vào trẻ.



Đối phó với chứng đái dầm ở trẻ


Nhiều bậc cha mẹ lo lắng khi con đã lớn mà vẫn còn đái dầm. Vậy đái dầm có phải bệnh hay không và cách chữa trị như thế nào.


Tiến sĩ Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng Khoa Thận – Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, đái dầm là tình trạng rỉ nước tiểu không kiểm soát, xảy ra trong lúc ngủ. Trong quá trình phát triển của mình, đứa trẻ sẽ dần dần nhận biết rằng chúng có thể kiểm soát được việc tiểu tiện ở lứa tuổi lên 4 – 5, thế nhưng có khoảng 20% trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo và 10% trẻ dưới 10 tuổi lại mắc chứng đái dầm. Khi cơ bàng quang giãn ra, thay vì tự thức dậy để đi tiểu thì những trẻ này vẫn tiếp tục ngủ, và thế là giấc ngủ của trẻ sẽ trở nên ẩm ướt vì sự tiểu tiện mất kiểm soát.


Ngoài một số bệnh lý gây đái dầm như nhiễm trùng tiểu, tiểu đường – thường kèm theo một số triệu chứng khác – thì đái dầm đơn thuần không phải là bệnh lý. Tác hại thường thấy nhất của chứng đái dầm là làm trẻ khó chịu khi ngủ và gây ra chứng stress (sang chấn tâm lý) ở trẻ lớn. Trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ và không dám tham gia vào các hoạt động tập thể, những trẻ học bán trú phải ngủ lại trường sẽ có tâm lý sợ đến trường, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập.


Nếu trước đó trẻ không đái dầm nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện dấu hiệu này thì nhiều khả năng trẻ đang bị căng thẳng. Đái dầm có thể xuất hiện khi trẻ bị các chấn động tâm lý như ba mẹ ly hôn, có người thân qua đời hay mẹ sinh em bé. Trong những tình huống này, cha mẹ nên giúp nâng đỗ tinh thần trẻ và khuyến khích bé nói ra nỗi lo sợ của mình.


Biện pháp chữa trị chứng đái dầm của trẻ


Nếu bé dưới 5 tuổi, thì không cần phải làm gì. Không cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ. Không bao giờ la mắng, phê phán hay trừng phạt khi trẻ đái dầm. Khuyến khích trẻ cùng dọn dẹp chăn đệm khi thức dậy để tạo cho trẻ tinh thần trách nhiệm. Khen ngợi khi trẻ không đái dầm trong đêm.Tập thói quen đi tiểu trước khi ngủ. Hạn chế uống nước trước khi ngủ. Tránh làm trẻ xấu hổ khi kể với người khác về chứng đái dầm của trẻ.


Một số bệnh dễ nhầm với đái dầm


Nếu nếu bé cứ tiểu thoải mái, không biết nín ngay cả khi còn thức thì đấy không phải là đái dầm mà là tiểu không kiểm soát. Đây là một căn bệnh bàng quang thần kinh, cần được khám để điều trị thích hợp.


Nếu quần bé luôn ẩm ẩm, khai khai nhưng bé vẫn đi tiểu bình thường, vẫn biết nín tiểu, không để nước tiểu xè ra ào ào khi ngủ thì đó là bệnh rò nước tiểu bẩm sinh. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở bé gái, thường do 2 thận của bé ở cùng bên, một trên, một dưới. Nước tiểu từ thận trên theo ống dẫn nước tiểu không chảy xuống hết bàng quang mà lại đi thẳng ra cửa mình. Bé cần được phẫu thuật để ống nước tiểu lạc chỗ này được “tập kết” về bàng quang.



Ba mẹ cần làm gì khi trẻ mắc chứng đái dầm?


Việc trẻ mắc chứng đái dầm không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất bình thường của trẻ. Nhưng nếu đái dầm vẫn tiếp tục tiếp diễn ở trẻ lớn, đặc biệt trên 10 tuổi trở lên thì sẽ gây cho các bé nhiều vấn đề tâm lý phức tạp. Các bé sẽ là tâm điểm chú ý của bạn bè, bị chê cười, mất tự tin, căng thẳng, buồn rầu và có thể rơi vào mặc cảm. Lâu ngày, tâm tính các bé sẽ trở nên bất thường, khó chịu và khó hòa nhập. Tình trạng này kéo dài không tốt cho sự phát triển của bé về sau.


Các bậc cha mẹ đừng tỏ ra quá lo lắng về hiện tượng này và đừng la mắng trẻ vì sẽ làm cho bé căng thẳng hơn và đái dầm có thể tăng thêm. Tốt hơn hết, cha mẹ nên kiên trì và thông cảm, chú ý nhắc nhở bé đi tiểu trước khi đi ngủ và không nên uống nước 2 - 3 giờ trước khi đi ngủ. Có thể sử dụng loại đồng hồ báo thức có khả năng phát hiện sớm các giọt nước tiểu đầu tiên để đánh thức trẻ dậy. Cách thức này hứa hẹn 70 - 80% thành công. Nên ghi lại những lần bé tè dầm vào một quyển sổ hoặc lịch để theo dõi, khi trẻ chiến thắng tè dầm một lần, đừng tiếc lời khen ngợi và hãy động viên khen thưởng bé. Việc làm này sẽ khiến các bé rất quyết tâm cố gắng. Thay, giặt đồ cho bé cẩn thận trước khi đến lớp để gạt bỏ mặc cảm tự ti trước thầy cô, bạn bè. Nên tránh cho trẻ chứng kiến những cuộc cãi vã của người lớn và nên quan tâm đến các yếu tố tác động tâm lý trên trẻ trong mọi quan hệ với thầy cô, bạn bè, anh chị em ruột...


Khi dùng các biện pháp kể trên mà trẻ vẫn đái dầm thì có thể dùng thuốc. Tuy nhiên, không cần điều trị thuốc khi trẻ dưới 6 tuổi. Thuốc được dùng đầu tiên là desmopressin dưới dạng bơm xịt vào mũi cho trẻ trước khi đi ngủ. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm bài tiết nước tiểu, tránh tè dầm ban đêm. Ngoài ra, có thể dùng thuốc oxybutinin. Thuốc này tác động lên cơ của bàng quang, giúp bàng quang giữ được nước tiểu trong bàng quang tốt hơn và như thế giúp trẻ tự chủ được việc đi tiểu của mình.



Bài thuốc trị đái dầm ở trẻ em


Bài thuốc đơn giản chế biến từ màng mề gà, bong bóng lợn, dế mèn, dạ dày lớn, gan gà trống… để chữa tật đái dầm ở trẻ nhỏ.


Đái dầm là chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, khi ngủ trẻ đái ướt quần mà không biết, một đêm trẻ thường đái dầm 1 đến 2 lần, có khi 3 hoặc 4 lần.


Theo Đông y, đái dầm là do khí hóa của thận và tam tiêu suy yếu, hạ nguyên không vững chắc, bàng quang bị lạnh, sự co bóp bị rối loạn mà gây nên.


Để chữa trẻ nhỏ bị đái dầm, có thể dùng một trong các bài thuốc sau


1. Tổ bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu tiêu) 4-12g, phá cố chỉ 4-12g, thố ty tử (hạt tơ hồng) 2-8g, đảng sâm 4-12g, ích trí nhân 2-8g, ba kích (dây ruột gà) 2-8g.


Nấu với 400ml nước sắc còn 60-100ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.


trẻ đái dầm đêm 3


2. Củ mài (hoài sơn) 4 phần, sao vàng, ô dước 3 phần, ích trí nhân (quả ré) 3 phần. Ba vị sấy khô, tán mịn, luyện với hồ làm viên bằng hạt ngô, sấy khô bảo quản trong lọ sạch.


Trẻ em tùy tuổi, mỗi lần cho uống 4-8g, ngày uống 2 lần với nước ấm vào lúc đói bụng.


3. Màng mề gà (kê nội kim) sao vàng, tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2-6g với nước ấm, vào lúc đói bụng.


Có thể phối hợp với tang phiêu tiêu, lượng bằng nhau 4-12g, nấu với 400ml nước sắc còn 60-100ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.


Có thể dùng một bộ ruột gà (theo kinh nghiệm dân gian: con trai dùng ruột gà mái, con gái dùng ruột gà trống) rửa thật sạch, phơi khô, đốt tồn tính, mẫu lệ (vỏ con hàu nung) 24g, quế chi 24g, kê nội kim 1 cái phơi khô, sao vàng.


Bốn thứ hợp lại tán bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2-4g, uống với nước ấm trước bữa ăn.


- Cách chế màng mề gà: Khi mổ gà, bóc lấy màng mề gà, rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô tới độ ẩm dưới 12%. Khi dùng, đem sao với cát cho phồng lên. Lấy ra rây sạch cát là được.


Có khi người ta sao màng mề gà với lửa to cho tới khi thấy có màu vàng sẫm, vẩy vào một ít giấm, lấy ra đem phơi khô. Bảo quản nơi khô ráo, kín gió.


4. Dế mèn đen nhúng vào nước sôi, lấy ra phơi khô hoặc sấy khô. Đông y gọi là tất xuất. Dùng một con dế mèn đen tán bột, quấy với nước ấm cho uống.


Trẻ ít tuổi uống một con, mỗi ngày tăng thêm một con. Theo kinh nghiệm thường uống tới 11 con thì khỏi.


5. Mang cua biển tức là lớp trắng xốp ở trong, nấu canh hoặc chưng cách thủy, tùy tuổi của trẻ mà cho ăn ngày 1-3 lần.


6. Bong bóng lợn (trư phao) 1 cái, rửa thật sạch, nấu chung với gạo nếp cho chín nhừ, thêm ít hạt tiêu. Bỏ gạo nếp, lấy bong bóng lợn xắt nhỏ.


Tùy tuổi cho ăn ngày 1-3 lần, mỗi lần 20-50g vào lúc đói bụng.


7. Dạ dày lợn (trư đỗ) 1 cái rửa thật sạch, dồn hạt sen (bỏ vỏ và tim sen, tẩm rượu 2 đêm, sấy khô, 100-150g. Nấu chín tùy tuổi cho ăn ngày 1-3 lần.


8. Gan gà trống (luộn chín), nhục quế (tán bột mịn). Hai thứ lượng bằng nhau, quết nhuyễn, làm viên bằng hạt đậu xanh.


Mỗi lần cho uống 5-15 viên tùy tuổi, ngày uống 2-3 lần với nước ấm vào lúc không no không đói quá.


Đối với trẻ gái bị đái dầm, cần lưu ý tẩy giun định kỳ cho trẻ, vì có thể giun kim là nguyên nhân gây ra.


Ngoài ra, một số thực phẩm cần được hạn chế trong thực đơn của trẻ như sôcôla, chất cà phê, nước soda, các trái cây thuộc họ cam, quýt. Cho trẻ uống sữa và nước với lượng thích hợp sẽ giúp cải thiện được tình trạng đái dầm.


Để phòng ngừa, nên hướng dẫn cho trẻ tạo thói quen đi tiểu đúng giờ, sắp xếp giờ giấc sinh hoạt vui chơi đừng để trẻ chơi quá mệt vào buổi chiếu tối.