Vì sao trẻ biếng ăn và các giải pháp giúp kích thích trẻ ăn ngon miệng

Thứ hai - 12/05/2014 06:16
Theo thống kê có khoảng 30% trẻ em độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi biếng ăn. Trẻ biếng ăn tức là trẻ không hề có hứng thú trong chuyện ăn uống, mẹ phải dọa nạt hay dỗ dành trẻ mới chịu ăn từng chút một, chậm chạp và theo kiểu đối phó với mẹ.Xoay quanh câu chuyện trẻ kén ăn, lười ăn và không tăng cân, chậm lớn, đến nay vẫn còn nhiều bà mẹ ‘chống chế’ rằng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” – con tôi vốn sẵn có tính biếng ăn thì có nỗ lực thế nào cũng không cải thiện được. Trên thực tế, theo tôi, chính các...
Theo thống kê có khoảng 30% trẻ em độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi biếng ăn. Trẻ biếng ăn tức là trẻ không hề có hứng thú trong chuyện ăn uống, mẹ phải dọa nạt hay dỗ dành trẻ mới chịu ăn từng chút một, chậm chạp và theo kiểu đối phó với mẹ.

Xoay quanh câu chuyện trẻ kén ăn, lười ăn và không tăng cân, chậm lớn, đến nay vẫn còn nhiều bà mẹ ‘chống chế’ rằng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” – con tôi vốn sẵn có tính biếng ăn thì có nỗ lực thế nào cũng không cải thiện được. Trên thực tế, theo tôi, chính các bà mẹ là người định hình nên thói quen ăn uống cũng như một phần khẩu vị của trẻ.

Tôi xin liệt kê ra đây các lỗi lớn nhất mà tôi nghĩ không chỉ có tôi mà cũng rất nhiều bà mẹ Việt đang mắc phải trong chuyện chăm sóc bữa ăn cho bé yêu, hi vọng sẽ hữu ích đối với các mẹ:

1. Mẹ không làm gương cho trẻ

Thói quen ăn uống và một phần khẩu vị của trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều khẩu vị của cha mẹ cũng như nề nếp của gia đình. Chính vì thế mà điều đầu tiên mẹ có thể làm để giúp trẻ có một chế độ ăn uống lành mạnh đó chính là người lớn cũng phải làm những việc tương tự, ít nhất là trước mặt trẻ. Nếu bạn ghét ăn thịt, bạn muốn giảm cân, chồng bạn lại ghét ăn rau, chỉ ưa đồ xào rán..vậy làm sao các chị em lại có thể ‘ôm mộng’ hi vọng con mình sẽ ăn uống khoa học?

Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến khích các gia đình ngoài việc xây dựng các loại thực đơn bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe còn phải tạo một môi trường ăn uống vui vẻ, hạnh phúc để trẻ em cùng tham gia. Những biểu hiện như: ăn kiêng, ăn quá nhiều, không ăn rau hay đơn giản là để trẻ ăn một tôi cũng mang đến những tác động xấu về mặt tâm lý khiến trẻ dễ mắc phải các vấn đề ăn uống.

trẻ biếng ăn 1

2. Đừng đổi chác hay treo thưởng cho miếng ăn của con

Con trai tôi đã từng rất ghét ăn rau. Lo con không đủ chất dinh dưỡng, tôi đã nghĩ phải làm mọi cách để con chịu ăn rau mới thôi. Mỗi lần đến bữa ăn, tôi đều nói với con rằng: “Con ăn rau ngoan rồi lát mẹ cho kẹo”. Sau này tôi mới biết việc trao đổi như vậy sẽ không làm thay đổi khẩu vị của con mà thậm chí còn khiến con có suy nghĩ rằng kẹo còn có giá trị hơn so với thịt và rau.

3. Ép trẻ ăn

Trước đây tôi suy nghĩ rất đơn giản: trẻ cứ ăn được càng nhiều thì càng tốt và làm mọi cách để con trai tôi phải ăn nhiều nhất có thể. Đôi khi tôi đã bỏ qua cảm giác no của con và cứ ép để con ăn hết bát bột mới thôi. Nhưng thực sự điều này không chỉ làm trái với các nguyên tắc về chế độ dinh dưỡng hợp lý của trẻ (dễ khiến trẻ bị quá tải) mà còn tạo ra một áp lực tâm lý khiến trẻ sợ ăn.

Tôi rất tâm đắc một câu nói của Ellyn Satter - chuyên gia về dinh dưỡng hàng đầu cho trẻ nhỏ rằng: “Cha mẹ chỉ có thể là người chế biến và trình bày món ăn, còn quyền quyết định ăn bao nhiêu và cho dù là không ăn đi chăng nữa sẽ thuộc về trẻ em”.

4. Không kiên trì tập cho trẻ ăn món mới

Tôi cũng đã từng chấp nhận giải pháp an toàn là thôi thì cứ con trai mình thích ăn món gì thì chế biến món đó cho con, còn hơn là kỳ công nấu nướng rồi con lại chỉ thử một miếng rồi nhất định lắc đầu. Tuy nhiên, tôi đã sai hoàn toàn.

Tại sao rất nhiều trẻ em chỉ ăn một vài món sở trường và nhất quyết không chịu thử bất cứ món ăn lạ nào? Một nguyên nhân quan trọng là do mẹ đã không kiên trì tập cho trẻ làm quen với đa dạng món ăn.

Lời khuyên của tôi trong trường hợp này là các mẹ phải thật sự kiên trì, bởi để trẻ thích tập ăn một loại thực phẩm mới không phải là ngày một ngày hai. Những lần đầu, mẹ đừng ép trẻ ăn quá nhiều mà hãy để trẻ ăn theo nhu cầu, lặp lại vào những ngày gần kề với số lượng tăng dần.

5. Chiều theo khẩu vị của từng thành viên trong gia đình

Việc các mẹ thường xuyên chế biến các món ăn theo khẩu vị riêng của từng người trong gia đình là một điều không nên. Điều này không chỉ khiến hạn chế về vấn đề đa dạng dinh dưỡng mà còn tạo một thói quen không tốt đối với trẻ là học theo người lớn, chỉ ăn những món mà chúng thích.

6. Quá nguyên tắc trong cách ăn của trẻ

Thời gian trước, khi cho con trai ăn, tôi rất ghét con lấy tay bốc thức ăn hoặc làm vương đồ ăn ra ngoài hoặc ăn uống không gọn gàng, mà không biết rằng, hương vị của món ăn không phải là điều duy nhất đối với trẻ. Với tính cách thích khám phá thì đồ ăn cũng có thể trở thành một đối tượng để trẻ mày mò trước khi ăn chúng.

Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, các em bé được tự mình ăn theo cách mà chúng muốn (mặc dù sẽ làm cho chiếc bánh quy vỡ vụn hoặc quả chuối hơi nát) nhưng hứng thú ăn của các bé cao hơn rất nhiều so với trẻ được mẹ yêu cầu ăn theo đúng khuôn phép.

Vì thế mà, bây giờ mặc dù con gái thứ của tôi mới có một tuổi rưỡi thôi nhưng tôi đã để con tự xúc ăn và tập ăn dặm theo phương pháp BLW từ tấm bé. Tất nhiên, sau mỗi bữa ăn thì tay, miệng rồi chỗ ngồi của con đều vương vãi thức ăn, nhưng tôi cảm nhận được rằng bữa ăn là thời gian con rất chờ đợi.

7. Chuẩn bị khẩu phần ăn quá nhiều

Đôi khi chúng ta quên mất rằng trẻ nhỏ thường thích thú và phù hợp với những thứ nhỏ xinh. Nếu mẹ lấy ra trước mặt trẻ quá nhiều đồ ăn sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ và lo lắng vì chúng sẽ phải ăn hết chừng đó đồ ăn. Thay vì một lần, mẹ có thể chia ra làm nhiều lần, trẻ ăn hết lại lấy thêm. Điều này còn giúp đồ ăn giữ được hương vị ngon hơn nữa đấy.

8. Lo lắng quá mức

Ngay cả khi việc ăn uống của trẻ không như mong muốn của cha mẹ thì nó cũng không đồng nghĩa với việc trẻ không đủ chất hay phát triển không bình thường. Thực tế thì nhiều bà mẹ với tâm lý lúc nào cũng muốn trẻ ăn thật nhiều, ăn thật đủ chất để có cơ hội phát triển tầm vóc và trí tuệ một cách tốt nhất, nên đã thường xuyên đặt tôi tâm lý lo lắng rằng việc ăn uống của con tôi như vậy vẫn là chưa hợp lý. Lời khuyên dành cho các mẹ đó là, điều quan trọng nhất đó là: nếu trẻ đang phát triển một cách bình thường thì có nghĩa rằng chế độ ăn hiện tại vẫn đang đáp ứng được những yêu cầu của cơ thể trẻ. Và đối với trẻ em, việc phát triển thể chất của trẻ liên quan đến chế độ dinh dưỡng của cả một giai đoạn chứ không phải là những bữa ăn ngày một ngày hai.

trẻ biếng ăn 2

Các giải pháp giúp trẻ biếng ăn ăn nhanh và ngon miệng



Có con lười ăn là nỗi ám ảnh của tất cả các bà mẹ. Lỗi của chị em, không phải là có con biếng ăn, mà lỗi to nhất, theo tôi, đó là để con biếng ăn mà không chịu khắc phục. Đừng nói con “nó lười ăn thế thì biết làm thế nào?”. Tôi sẽ chỉ cho chị em cách “làm thế nào” để biến một đứa trẻ lười ăn trở nên mê mệt chuyện ăn uống.

Cho con tham gia vào việc chuẩn bị đồ ăn

Không phải là phán suông. Một nghiên cứu của Canada tôi đã đọc được cho biết, trẻ thường xuyên được tự tay chuẩn bị bữa ăn, nấu nướng hay đi chợ cùng mẹ sẽ ăn được nhiều hơn ít nhất 10% so với các bé khác. Vì vậy, tôi đề xuất:

- Đưa con đi chợ, đi siêu thị cùng mẹ: Tôi hay thường đi mua đồ ăn buổi sáng cùng con. Chỉ cho bé các loại rau củ và thịt ngoài chợ. Hỏi ý kiến bé xem “hôm nay nên mua gì bây giờ con nhỉ?”, “Mẹ cần 1 món thịt, 1 món xào, 1 món canh. Chíp gợi ý cho mẹ xem nào” hay “Chíp để ý tìm cho mẹ hàng bắp cải nhé. Hôm nay mẹ làm bắp cải cuốn thịt đấy”. Thường con gái tôi sẽ rất hào hứng vì được quyết định thực phẩm ăn uống trong ngày. Thêm vào đó, bé cũng học được một só nguyên tắc ăn uống cơ bản như: một bữa ăn cần có bao nhiêu món, món rau này nên kết hợp xào với thịt gì, có cần cà chua hay hành, tỏi không…

- Để con cùng mẹ nấu bếp: Tôi tìm mua được mấy chiếc rổ con xinh xinh và một cái kéo mini dành cho trẻ con. Từ đó, tôi hay nhờ con nhặt rau, dùng kéo cắt hành, đập trứng, đánh trứng hay nhúng thịt vào bột để giúp mẹ làm thịt chiên xù….

- Thỉnh thoảng “bày vẽ” một chút: Làm caramel, sữa chua, váng sữa, bánh trôi hay bánh pizza, đậu phụ “homemade” ngày nay đã không còn quá khó. Cuối tuần tôi thường rủ Chip làm cùng. Hiếm khi bé lại chê món ăn do chính mình làm ra. Đúng không nào

Nói chuyện về dinh dưỡng với con

Nghe có vẻ khô khan nhưng chiêu này hiệu nghiệm không ngờ. Cứ đến bữa ăn, khi gắp món gì ăn, tôi thường giả vờ thản nhiên nói thêm lý do vì sao tôi ăn. Ví dụ “ăn miếng trứng cho nhiều canxi, tránh loãng xương thôi!”, “Ăn rau cho đỡ táo bón nào” hay “dạo này đãng trí quá, ăn cá cho nhiều Omega 3 thông minh”. Những thói quen như vậy dần tác động vào trí óc của con gái tôi. Trẻ con rất thích bắt chước. Vậy là, vào một ngày đẹp trời, trong bữa ăn, tôi lại nghe thấy cô con gái 3 tuổi líu lo “Mẹ, mẹ để miếng cà chua đấy cho con. Ăn cà chua cho đẹp da nào” rồi hí hửng bỏ tọt quả cà chua bi vào miệng như thể vừa ăn “linh dược” hoặc uống tì tì hết cả cốc sữa to để “cho người thơm mùi sữa mẹ ạ” rất điệu đà đáng yêu.

Không được “bất công trong ăn uống”

Bắt ép con phải ăn thứ bé không thích là không nên. Khi bữa ăn trở thành một sự “bất công” thì không trẻ nào muốn hợp tác. Gợi ý của tôi là:

- Luôn chuẩn bị hai món rau một lúc cho con chọn, một là loại rau con chưa ăn hoặc không thích ăn. Loại rau kia là loại bé thích. Như vậy, tôi luôn đảm bảo con sẽ chọn 1 trong 2. Trẻ cũng sẽ cảm thấy “dễ thở” hơn. Có thể bé sẽ chỉ ăn loại rau bé thích. Nhưng cứ ăn liên tục vài bữa, tự khắc con sẽ muốn đổi vị cho chính mình.

- Không nói với con những từ ép buộc như “Ăn nhanh lên”, “Ăn hết đi” hay “Ngồi yên một chỗ ăn đi”. Những khi con tôi nếm thử một món mà không thích chúng, tôi tôn trọng cảm nhận của con. Vậy nhưng nếu con chưa thử đã chê, điều đó lại không được chấp nhận. Đó là công bằng.

Những chuyến “thám hiểm” trong ăn uống

Khoan đừng có nhầm lời khuyên của tôi thành chuyện ăn rong. Ý của tôi là, khi trẻ được đi chơi và ăn uống ở những nơi không phải là phòng ăn quen thuộc, bé sẽ hào hứng hơn. Đó cũng là những kỷ niệm đẹp của bé, để bé mê mẩn hơn với việc ăn uống. Vậy làm sao cho khéo, tôi xin gợi ý: Hãy kiếm một cái bản đồ, hàng ngày chỉ cho bé về một địa danh trên đó. Nói với con về văn hóa, truyền thống, những điều thú vị và đừng quên mô tả thật “chảy nước miếng” về ẩm thực ở đó. Sau đó, một ngày cuối tuần đẹp trời, mẹ hãy dẫn con đi ăn: từ món phở của người Hà Nội, món bánh xèo của xứ Huế, bún bò của Nam bộ đến những nhà hàng Hàn Quốc, Nhật, Ý, Thái, Trung Quốc…. Dần dà, trẻ sẽ trở nên rất thích ăn uống và kiến thức đời sống cũng thêm dày hơn. Tuy nhiên, đừng cho con ăn hàng quá nhiều. Hãy để dành chúng thành những gì đặc biệt và hiếm hoi. Phần còn lại, mẹ có thể cùng nấu ở nhà với con.

Học bác sĩ chiêu hay trị trẻ biếng ăn



Làm sao để giúp trẻ chịu ăn, ăn ngon? Câu trả lời đơn giản nhưng không dễ thực hiện.

Ngày xưa bác sĩ Nhi khoa nổi tiếng Đỗ Hồng Ngọc có viết cuốn sách gối đầu giường dành cho các bà mẹ có con đầu lòng, hướng dẫn cách chăm sóc con sao cho có khoa học (viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng). Ngày ấy có lẽ không có những bức xúc của các bà mẹ về chuyện ăn uống của con hay “hiện tượng” biếng ăn của mấy bé như bây giờ, bởi vì ngày đó ai cũng đói và ăn còn không đủ thì lấy đâu ra chuyện than thở biếng ăn như bây giờ. Vì vậy nên tôi mạn phép vị bác sĩ đáng kính ấy để viết tiếp câu chuyện ăn uống của các bé ở tuổi chập chững biết đi đó: lứa tuổi từ 1-5 tuổi.

Ở lứa tuổi từ 1-5 tuổi đó, hầu như tất cả các bé đều có tình trạng biếng ăn như vậy, chúng hầu như không bao giờ biết đói bụng và hầu như không bao giờ muốn ăn trừ khi ba mẹ đút cho nó. Chúng có thể chạy giỡn suốt ngày không biết mệt, nhưng ăn thì rất ít, nên nhiều người lớn cũng thắc mắc sao mà chúng lại có năng lượng như thế.

Vậy tại sao các bé ở tuổi đó lại không có cảm giác muốn ăn như vậy? Để trả lời câu hỏi đó, tôi cần phải đặt 1 câu hỏi khác: “Khi nào thì bạn đi đổ xăng cho xe của mình và khi nào thì bạn biết là xe sắp hết xăng?” Có lẽ ai cũng biết câu trả lời: khi nào sắp hết xăng thì đổ xăng, và nhìn vào đồng hồ xăng để biết khi nào cần đổ xăng. Vậy thì có xe nào đổ xăng giống xe nào không? Chắc là không. Ở đứa bé (hay bất kỳ người nào cũng vậy), khi nào có nhu cầu tăng cân hay nhu cầu nạp năng lượng thì 1 bộ phận trên não sẽ báo cho người đó biết (bộ phận đó giống đồng hồ báo xăng), đó là trung tâm kiểm soát sự thèm ăn.

Trong năm đầu đời, nhu cầu tăng cân của bé rất nhiều, trung bình tăng khoảng 6kg. Nhưng từ 1-5 tuổi thì nhu cầu tăng cân lại rất ít, trung bình chỉ khoảng 1-2kg mỗi năm thôi (xem như chỉ bằng ¼ hồi trước 1 tuổi). Vì vậy nên não của bé cũng báo bé biết là nhu cầu nạp năng lượng rất ít. Khi nào bé tiêu xài bớt năng lượng đã nạp vào trước đó, khi nào bé có nhu cầu tăng cân (nhu cầu này không phải thường xuyên mỗi tháng) thì khi đó nó sẽ ăn. Do đó, những đứa bé tuổi này có thể đứng cân 3-4 tháng là chuyện bình thường, nên ba mẹ bé cũng đừng lôi nó ra cân mỗi tháng để chuốc lấy stress không cần thiết. Nếu ba mẹ để cho chúng tự ăn theo nhu cầu của chúng (xin nhấn mạnh là nhu cầu của chúng, chứ không phải nhu cầu ba mẹ hay ông bác sĩ), thì khoảng 2-4 tuần lễ sau bé sẽ ăn lại ngon lành hơn (được vài ngày như vậy).

Vậy làm sao để giúp cho chúng ăn được? Câu trả lời thì dễ hiểu, đơn giản, nhưng không hề dễ thực hiện, nếu như không có sự nhất trí và hiểu biết từ gia đình của bé.

* Hãy để bé tự quyết định muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Nhiệm vụ của người lớn là bày ra cho chúng những đồ ăn có đủ dưỡng chất và ngon. Nếu bé không thích 1 món nào đó thì cũng đừng lo lắng hay ngạc nhiên, chuyện đó hoàn toàn bình thường. Để chúng thích được 1 món nào đó, cần phải giới thiệu cho chúng rất nhiều lần, vì vậy bạn cũng đừng nản không làm món đó nữa. Khi bé đói, nó sẽ ăn thôi (suy ra, khi nó không ăn mà vẫn chơi thì có nghĩa là nó không đói, hay nó không có cơ hội nào để đói hết)

* Đừng cho bé ăn vặt nhiều lần trong ngày hay ăn vặt trước bữa ăn. Nhiều gia đình cứ thấy bé đòi 1 miếng kẹo hay bánh là đưa cho bé, hoặc cứ để hộp sữa thoải mái cho bé muốn uống bao nhiêu thì uống. Điều này làm bé không bao giờ có cảm giác đói để ăn hết. Tối đa chỉ nên cho ăn vặt một lần mỗi ngày và chỉ cho ăn sau khi bé đã ăn bữa chính.

* Đừng bao giờ xúc cho bé ăn nếu như bé tự xúc được. Khoảng 7-9 tháng tuổi, bạn có thể tập cho bé bốc ăn, chúng sẽ biết bỏ vào mồm và nhai mặc dù chưa có cái răng nào hết. Khoảng 1 tuổi trở lên, bạn nên tập cho bé cầm thìa. Lúc đầu có thể bé nghịch trây trét đầy mâm, nhưng không sao hết, vậy nó mới thích thú và khám phá bữa ăn.

* Đừng cho bé uống quá nhiều sữa mỗi ngày. Uống sữa nhiều cũng cung cấp rất nhiều năng lượng nhưng không cung cấp đủ những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé. Ở lứa tuổi đó, bé chỉ cần uống 1-2 ly sữa tươi mỗi ngày là đủ rồi (khoảng 200-300ml). Uống quá nhiều sữa sẽ làm cho bé bị thiếu sắt và táo bón.

* Cho bé ăn ít hơn bạn nghĩ bé ăn được, để bé có cảm giác đã hoàn tất bữa ăn. Thông thường ở tuổi đó, bé chỉ uống mỗi ngày khoảng 1-2 ly sữa, ăn mỗi ngày 3 bữa và mỗi bữa chúng chỉ ăn khoảng vài thìa thôi. Do đó bạn chỉ cần xúc vào chén của bé vài thìa cơm để bé tự ăn.

* Đừng nên kéo dài bữa ăn quá 20 phút và cũng đừng nên bàn chuyện bé ăn như thế nào. Nó muốn ăn ra sao tùy bé. Nếu bạn ép bé ăn, sau này bé sẽ không cảm thấy bữa ăn là cái gì vui vẻ hay thú vị nữa, mà là một ngục tù của trại phát xít. Ông bà có câu “Trời đánh tránh bữa ăn” đó. Và cũng đừng nên làm trò hay đánh lừa cảm giác no đói của bé. Đánh lừa cảm giác no - đói sẽ làm cho sau này chúng ăn vô tội vạ không kiểm soát được và có nguy cơ bị béo phì và những bệnh gây ra do béo phì.

Nguồn: Trẻ biếng ăn