Có cần thiết giáo dục sớm cho con trẻ theo phương pháp Glenn Doman?

Thứ hai - 15/07/2013 10:03
Thời gian qua, có nhiều tranh cãi nên hay hay không nên giáo dục sớm cho con giữa các mẹ có con nhỏ. Theo ý kiến của các mẹ yêu thích giáo dục sớm, giáo dục sớm không phải là 1 sự ép buộc, mà là để trẻ phát huy hết tiềm năng vốn có. Chương trình học cũng không quá nặng nề, mỗi ngày chỉ cần dạy trẻ vài phút, tuy nhiên, phải chuẩn bị kỹ về học liệu giáo dục sớm. Theo ý kiến của các mẹ phản đối giáo dục sớm, hãy để trẻ phát triển theo tự nhiên vốn có, giáo sư Ngô Bảo Châu ngày xưa đâu có được giáo...
Thời gian qua, có nhiều tranh cãi nên hay hay không nên giáo dục sớm cho con giữa các mẹ có con nhỏ. Theo ý kiến của các mẹ yêu thích giáo dục sớm, giáo dục sớm không phải là 1 sự ép buộc, mà là để trẻ phát huy hết tiềm năng vốn có. Chương trình học cũng không quá nặng nề, mỗi ngày chỉ cần dạy trẻ vài phút, tuy nhiên, phải chuẩn bị kỹ về học liệu giáo dục sớm. Theo ý kiến của các mẹ phản đối giáo dục sớm, hãy để trẻ phát triển theo tự nhiên vốn có, giáo sư Ngô Bảo Châu ngày xưa đâu có được giáo dục sớm, mà ngày nay vẫn là 1 giáo sư toán học hàng đầu thế giới. Vậy giáo dục sớm thực sự có cần thiết không? Chúng ta hãy tham khảo ý kiến của Mẹ Yamanote, là 1 thành viên thuộc trường phái không ủng hộ giáo dục sớm. Sau đây là bài viết của mẹ Yamanote:

Tớ biết tớ viết thể nào cũng bị nhiều mẹ giận. Nhưng tớ không đành lòng, dường như nhiều mẹ đánh đồng giáo dục sớm với Glenn Doman. Và một công ty liên tục quảng cáo hội thảo. Công ty đang chào bán dịch vụ đào tạo này, thu phí vài triệu, và mời các mẹ đến hội thảo miễn phí. Mình đi nghe rồi. Mình xin chia sẻ thế này từ góc độ của người nghiên cứu giáo dục về việc flash card của Glenn Doman và về việc cứ đưa qua đưa lại card vài lần trong ngày với cả trẻ bé tí:

1. Đúng là trẻ được dạy dỗ kỹ từ trước 3 tuổi (Và tiếp tục được dạy dỗ kỹ sau 3 tuổi) sẽ có thiên hướng phát triển tốt hơn trẻ không được quan tâm đúng mức. Kích thích sớm có thể giúp trẻ phát triển toàn diện, chứ nói là thông minh hơn chưa thể chứng minh được. Rất nhiều trẻ lúc nhỏ là thiên tài, lớn lại thành bình thường, tại sao? Vì chu kỳ con người, giai đoạn nào đi quá nhanh sẽ phải đến giai đoạn chậm lại. Nói ví von, nếu một người kiếm tiền giỏi như điên đến lúc muốn có gia đình hạnh phúc con cái thông minh cũng buộc phải giảm khả năng kiếm tiền xuống mà dành thời gian cho con. Tớ thấy rất nhiều người cực kỳ thông minh, giải toán quốc tế này nọ nhưng lúc bé cũng không ai dạy bạn ý toán đâu. Mà các bé biết đọc biết viết sớm, mà logic (khả năng suy luận), rồi khả năng tự học, tự đào sâu không có, thì chỉ một thời gian ở bậc tiểu học là sẽ lại chậm lại. Lúc đấy sẽ rất tủi thân, hồi bé mày giỏi thế cơ mà, hồi bé mình được bố mẹ ông bà tung hô thế cơ mà, sao giờ mọi người lại hay mắng mình thế vv.

Vì vậy, hãy cố gắng dành nhiều thời gian với con để giúp con tìm ra năng khiếu và tiềm năng thực sự của mình, cho con một ấu thơ hạnh phúc. Cho con tiếp xúc với âm nhạc, hội họa, một chút logic, một chút sách vở, những trò chơi thông minh, những cách hành xử có văn hóa, bố mẹ làm gương cho con, dạy con biết yêu thương, tự tin là những điều bố mẹ có thể làm khi con dưới 3 tuổi. Sách hay; Dạy con theo kiểu Nhật bản (dạng truyện tranh), các trò chơi phát triển trí thông minh cho bé; các quyển truyện kể trang dày có minh họa đẹp, mỗi ngay dành thời gian đọc truyện cho con. Mình có cô bạn hay đọc truyện cho con, đến lúc tự dưng nó muốn biết chữ để có thể tự đọc được (4 tuổi), dạy vèo cái là học hết chữ.

Giáo dục sớm 2



2. Liệu con có cần biết đọc sớm?

Để làm gì hả các mẹ? Để phát triển tình yêu với sách vở, biết đọc? Không, thực ra một đứa trẻ chỉ cần được bố mẹ đọc cho nghe truyện, tập kể theo, say mê tưởng tượng với các nhân vật, sau này con sẽ thích đọc. Lúc con biết đọc, bố mẹ hướng cho con đọc sách một cách có định hướng chứ không phải bạ đâu đọc đấy (Ví dụ Đỗ Nhật Nam có bị bắt tập đọc từ 6 tháng không? Không đâu ạ).

Đưa flashcard cho trẻ từ 6 tháng, mỗi lần vài giây, ngày vài lần, để làm gì hả các mẹ? Mỗi một đứa trẻ, chỉ có thể tiếp nhận một lượng thông tin nhất định ở một tháng tuổi nhất định. Nếu dùng cái bộ nhớ non nớt ấy để ghi nhớ ABC, các chấm chấm, OK thôi, sau này cháu sẽ biết đọc sớm, có khi biết đếm sớm. Nhưng cháu còn nhiều thời gian để nhớ nét mặt mẹ, ông bà, để ngắm nhìn các bức tranh, đồ chơi, màu sắc, để quan sát thế giới xung quanh không? Tập vận động cơ thể? (vận động cơ thể với trẻ nhỏ là quan trọng nhất cho phát triển trí óc) Để biết hôm nay con ăn gì, mẹ yêu con thế nào, nghe mẹ hát ru, đọc thơ, kể chuyện hay không? Nếu các mẹ dạy theo phương pháp Glenn Doman mà vẫn có thể làm tất cả những điều trên, liệu có đang quá tải cho cả con lẫn mẹ? Như mình nói, thật thích thú khi con biết đọc trước các bạn, nhưng những cái khác con sẽ lại thua kém đấy. Ví dụ một đứa bé 18 tháng biết đọc, cứ như ông cụ non lúc nào cũng ôm sách, trong khi các bạn chạy nhảy ầm ầm

3. Liệu con có cần làm toán sớm? Hay biết đếm sớm?

Cần, quả thực cần, nhưng cứ giơ giơ các chấm tròn lên, bắt con học, có đứa trẻ nào giơ phát nó nhớ ngay như trong video thì tuyệt quá, có nghĩa là con có năng khiếu, các mẹ cứ tiếp tục. Nhưng nếu nó không thích thì đừng ép. Ngoài ra, phải cho con tiếp xúc với rất nhiều trò chơi, hình ảnh khác, cứ bắt trong não nó lặp đi lặp lại các hình ảnh là các chấm tròn làm gì, có phải đơn điệu quá không? Thế giới trẻ con tràn đầy màu sắc như vậy, tại sao lại toàn các chữ cái và các chấm đen nhàm chán như thế?

Để dạy con toán, các mẹ có thể bắt đầu dạy con tập đếm, ví dụ trên tường dán mấy con khỉ? mẹ có mấy quả táo? Trong tranh có mấy quả bóng? Đứa trẻ 2 tuổi bản năng nó sẽ biết cộng trừ trong phạm vi số... 2. Cao hơn là nó sẽ lúng túng. OK, đấy là khả năng con mình, thế thì sao đâu? Trước sau gì chả biết đếm? Con mình cứ đếm một lèo khéo đến tận 20 nhưng thực ra chả hiểu gì đâu. Không phải ngẫu nhiên mà cả thế giới quy định độ tuổi đi học là 5 tuổi. Với sự ra đời của sữa công thức quá đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như các chế độ ăn quá hoàn hảo, trẻ ngày nay thông minh hơn, khoảng 5 tuổi có thể học viết và đếm, cứ dạy con mỗi ngày một tí là được.

4. Glenn Doman và các hội thảo sẽ giúp "đánh thức" các mẹ trong việc chú ý đến con hơn từ bé, nhưng có rất nhiều cách để giáo dục con thành người, thành tài (Cha giàu Cha nghèo chẳng hạn), và các mẹ sẽ còn phải theo dài dài, mệt mệt. Lúc con lớn, sẽ phải đi học Toán kiểu bàn tính gì đó, rồi NLP (Tôi tài giỏi bạn cũng thế), rồi Cha giàu cha nghèo, rồi làm thế nào hạn chế điểm yếu của hệ thống giáo dục, phát huy tiềm năng của con; rồi học ngoại ngữ như thế nào v..v... Nói chung sự nghiệp học của con là cả đời, các mẹ đừng nghĩ rằng khơi gợi con từ trước 3 tuổi mà sau này mình nhàn. Chi bằng, chú ý đến con một chút, thoải mái với con một chút, yêu thương con một chút, thay vì chấm tròn, thì "đây là mắt mẹ này, đây là mắt con, đây là mũi mẹ, mũi con, tóc mẹ tóc con... Hãy dạy cho con biết sống yêu thương và cảm giác tự tin an tâm, chứ đừng ép con chín sớm.

PS: Vẫn có những bé sẽ là thiên tài, có thể giáo dục sớm sẽ giúp đánh thức các bé, nhưng chỉ là 1 phần triệu số đông thôi. Tớ tin các mẹ cũng thích con là người giỏi giang, chứ chả cần thiên tài làm gì.

Tin Cùng Chuyên Mục

Loading...