Kiến thức mang thai: Tuần thai đầu tiên và tuần thai thứ 2

Thứ sáu - 16/08/2013 12:30
Tuần đầu tiên của thai kỳ, có một chút thay đổi về dung tích máu khiến mẹ chóng mặt hơn. Trong khi đó, thành quả của việc tinh trùng gặp được cô trứng đã biến thành túi phôi nhỏ nhưng chúng ta vẫn chưa thể nhìn thấy bé bằng mắt thường được đâu.Nhật ký bé trong bụng mẹ - Tuần đầu tiênNgày đầu tiên: Ngày này, một trong hàng trăm triệu tinh trùng đã chiến thắng trong cuộc đua thụ tinh cho trứng và hình thành tế bào đơn nhất (hợp tử) sẽ phát triển thành em bé. Màu tóc, màu da, màu mắt và các đặc...
Tuần đầu tiên của thai kỳ, có một chút thay đổi về dung tích máu khiến mẹ chóng mặt hơn. Trong khi đó, thành quả của việc tinh trùng gặp được cô trứng đã biến thành túi phôi nhỏ nhưng chúng ta vẫn chưa thể nhìn thấy bé bằng mắt thường được đâu.

Nhật ký bé trong bụng mẹ - Tuần đầu tiên



Ngày đầu tiên: Ngày này, một trong hàng trăm triệu tinh trùng đã chiến thắng trong cuộc đua thụ tinh cho trứng và hình thành tế bào đơn nhất (hợp tử) sẽ phát triển thành em bé. Màu tóc, màu da, màu mắt và các đặc điểm tính cách của bé sau này được thiết lập khi nhiễm sắc thể số 23 của mẹ kết hợp với nhiễm sắc thể số 23 của người cha.

Ngày thứ 2: Hợp tử có sự biến chuyển phức tạp hơn đôi chút và tách thành 2 tế bào (nguyên phôi bào). Những tế bào này sẽ tiếp tục phân chia khoảng một lần mỗi 24 giờ cho đến khi tạo thành tất cả các bộ phận phức tạp của cơ thể đứa trẻ.

Ngày thứ 3: Kích thước trứng thụ tinh không thay đổi trong ngày này nhưng phân chia thành nhiều tế bào hơn và đã bắt đầu di chuyển chầm chậm xuống ống dẫn trứng về phía tử cung. Trứng sẽ bám rễ và lưu lại đây trong suốt thai kỳ.

tuần thai đầu tiên 1

Ngày thứ 4: Lúc này, trứng thụ tinh đã gồm khoảng 16 tế bào và đã bắt đầu tiến vào tử cung.

Ngày thứ 5: Em bé của mẹ vẫn còn rất nhỏ để có thể thấy được bằng mắt thường, nhưng bé sẽ lớn rất nhanh thôi. Từ ngày thứ 5, trứng thụ tinh bắt đầu làm tổ ở lớp nội mạc tử cung.

Ngày thứ 6: Chùm tế bào mới trong tử cung sẽ phân chia thành hai phần riêng biệt trong ngày này. Phần nằm bên trong sẽ phát triển thành em bé trong khi phần bên ngoài sẽ tách ra để tạo thành hệ thống hỗ trợ cho thai nhi.

Ngày thứ 7: Những phụ nữ dưới 35 tuổi có nhiều cơ hội thụ thai hai bé song sinh khác trứng hơn. Nếu mẹ đang mang song thai khác trứng, vào ngày thứ 7 của thai kỳ, hai túi phôi nhỏ xíu này sẽ bám vào tử cung.

Nhật ký mẹ mang thai – Tuần đầu tiên



Ngày đầu tiên: Ống dẫn trứng có thể đã lưu trú một phép màu sống trong ngày này, nhưng cơ thể bạn vẫn giữ kín về nó. Dấu hiệu mách bảo như đau ngực, đau thắt bụng dưới, buồn nôn hay các triệu chứng nghén kinh điển khác vẫn chưa xuất hiện.

tuần thai đầu tiên 2

Ngày thứ 2:
Cơ thể bạn đã đủ khôn ngoan để sản sinh ra một protein đặc biệt tên là EPF giúp cơ thể bạn nhận biết bào thai vừa hình thành của bạn không phải là một dị vật cần phải đào thải.

Ngày thứ 3: Nếu bạn phải cần đến sự trợ giúp của thụ tinh trong ống nghiệm để có thể mang thai, đây là ngày tốt nhất để quyết định số trứng đã thụ tinh đưa vào trong tử cung của bạn.

Ngày thứ 4: Nhờ có sự gia tăng nội tiết tố trong cơ thể, những lớp niêm mạc êm ái bắt đầu lót đầy tử cung để chuẩn bị cho em bé làm tổ.

Ngày thứ 5: Trong khoảng 24 giờ, em bé sẽ tiết ra nội tiết tố hCG vào trong máu của mẹ. HCG sẽ báo cho cơ thể bạn ngừng chu kỳ kinh nguyệt và cảnh báo với bạn rằng bạn đã là một thai phụ (xét nghiệm thụ thai cũng được thực hiện dựa trên hCG được tìm thấy trong nước tiểu của thai phụ). Bằng cách này, bé yêu đã chính thức giao tiếp với mẹ.

Ngày thứ 6: Khi em bé làm tổ trên những lớp niêm mạc tử cung, một vài mảnh niêm mạc có thể bị bong. Điều này có thể khiến mẹ bị chảy ra một chút máu và đây chính là dấu hiệu để mẹ tự hỏi liệu có phải mình đang mang thai.

Ngày thứ 7: Dung tích máu của mẹ bắt đầu tăng lên trước cả ngày này nhằm cung cấp máu bổ sung cho em bé, tử cung của mẹ và tiền nhau thai. Bạn có thể sẽ cảm thấy chóng mặt như thể bị hạ huyết áp.

Mang thai tuần thứ 2



Phôi thai đã bám vào thành tử cung của mẹ để sẵn sàng cho hành trình kỳ diệu của mình trong 9 tháng tới. Bé đã bắt đầu giao tiếp với mẹ qua sự trao đổi chất rất nhỏ mà mẹ chưa thể nhận thấy được. Tuy nhiên, một chấm máu báo thai hay hai vạch mờ trên que thử thai đã có thể xem là một bằng chứng rõ rệt vào thời điểm này.

Tuần thứ 2 em bé phát triển như thế nào?

Rất nhiều điều kỳ lạ đang xảy ra trong tử cung bạn. Em bé đang thành hình của mẹ bây giờ mới chỉ là một quả bóng nhỏ với vài trăm tế bào phân chia nhanh chóng mặt. Một khi "quả bóng" này làm tổ trong tử cung, một phần của nó sẽ phát triển thành nhau thai và bắt đầu sản sinh nội tiết tố hCG. Nội tiết tố này sẽ báo cho buồng trứng ngừng rụng trứng nhưng tiếp tục sản xuất estrogen và progesterone để duy trì màng đệm tử cung với “hành khách” nhỏ xíu đang cư ngụ trên đó. Tại thời điểm này, một xét nghiệm đơn giản bằng que thử tại nhà đã có thể cho mẹ biết tin vui, nhưng thường thì nên đợi thêm vài ngày nữa để kết quả chính xác hơn.

thai nhi tuần thứ 2

Nước ối bắt đầu tích tụ quanh phôi thai tạo thành túi ối - là chiếc đệm êm ái cho bé trong những tháng và tuần tiếp theo trong bụng mẹ. Ngay lúc này, phôi thai đã trao đổi chất với cơ thể mẹ: lấy oxy và chất dinh dưỡng, rồi "trả” chất thải qua hệ tuần hoàn sơ khai được tạo thành bởi các mao mạch li ti nối giữ em bé với các mạch máu trên thành tử cung. Nhau thai sẽ không ngừng phát triển để tiếp nhận nhiệm vụ này vào cuối tuần tới.

Cuộc sống của người mẹ thay đổi như thế nào?

Vậy là cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa trứng và chú tinh trùng vô địch đã diễn ra, trứng đã được thụ tinh, làm tổ trong tử cung của mẹ và bắt đầu lớn lên. Em bé của mẹ đang dần thành hình. Mẹ có thể chưa biết mình mang thai, nhưng có thể nhận thấy một chút máu thấm ra do trứng đào vào lớp niêm mạc tử cung đã được tăng cường máu (quá trình này bắt đầu ở ngày thứ 6 sau khi thụ thai). Không phải bà mẹ nào cũng nhận ra hiện tượng “máu báo” này.

Một số phụ nữ có thể cảm nhận được mình đang mang thai trước cả khi que thử cho được kết quả đúng. Đó là nhờ vào các dấu hiệu sớm sau đây:

- Ngực căng và đau: Nhiều phụ nữ nói rằng cảm giác này giống như hiện tượng cương ngực trước kỳ kinh nhưng nặng hơn.

- Mệt lả đột ngột dù không làm gì quá sức cả. Thủ phạm chính là mức nội tiết tố progesterone tăng vọt và cơ thể phải dồn sức để tạo nên một sinh linh nhỏ bé.

- Tiểu tiện liên tục: Khá nhanh sau khi thụ thai, người phụ nữ sẽ cảm thấy dường như mình buồn tiểu tiện nhiều hơn.

- Nhạy cảm đặc biệt với mùi: Nhiều thai phụ cho biết ngay từ giai đoạn rất sớm của thai kỳ, họ đã nhạy mùi hơn nhiều. Đây là một trong những tác dụng phụ do mức estrogen tăng cao.

- Sợ thức ăn: Sở thích ăn uống của người mẹ đột nhiên thay đổi 180 độ. Mẹ đột nhiên đâm sợ những món vốn rất thích ăn.

- Buồn nôn và ói mửa: Các cơn nghén phải vài tuần nữa mới hoành hành, nhưng một số phụ nữ có thể “được” trải nghiệm sớm điều này.

- Thân nhiệt duy trì ở mức cao. Nếu thân nhiệt cao hơn bình thường trong 18 ngày liên tục là đã có tin vui rồi đấy.

- Chảy máu hoặc rỉ máu: Một số phụ nữ chỉ thấy một lượng máu nhỏ hoặc một đốm máu đỏ / hồng / ngả đỏ vào khoảng thời gian đáng ra họ phải có kinh. (Nhưng nếu thấy đau kèm theo hiện tượng rỉ máu này, hãy đến bệnh viện ngay vì có thể đó là dấu hiệu của thai ngoài tử cung.)

Đừng vội vã thử hết que thử này đến que thử khác làm gì, chỉ phí tiền thôi. Kết quả thử thai vào thời điểm này chưa chính xác đâu, tốt nhất hãy dùng đến que thử khi mà mẹ đã thực sự trễ kinh.

Mẹ nên làm gì tuần này?

Mua bộ dụng cụ thử thai để sẵn sàng bộ thử trong tay trong trường hợp bạn không thấy kinh nguyệt trong tuần tới – tức sau thời điểm rụng trứng hai tuần. Hãy mua vài chiếc vì bạn nên thử vài lần cho kết quả chắc chắn hơn, và tốt nhất là nên thử vào sáng sớm khi vừa ngủ dậy.