Chuyên gia dinh dưỡng tư vấn: Trẻ biếng ăn phải làm sao?

Thứ năm - 03/07/2014 18:20
Trẻ biếng ăn là tình trạng trẻ không hề thấy đói và không bao giờ đòi ăn, trẻ ăn rất ít trong ngày. Theo thống kê của Viện Dinh Dưỡng có khoảng 20% trẻ em trong độ tuổi 1 đến 5 tuổi gặp phải tình trạng biếng ăn. Trong khuôn khổ bài viết này, các chuyên gia dưỡng sẽ hướng dẫn các bà mẹ đang nuôi con nhỏ cách giải quyết vấn đề khi trẻ lười ăn.Bé 2 tuổi biếng ăn, phải làm sao?Hỏi: Tôi có một cháu trai gần 24 tháng tuổi nhưng cân nặng chưa đến 11 kg. Cháu rất biếng ăn. Gia đình cho cháu uống sữa...
Trẻ biếng ăn là tình trạng trẻ không hề thấy đói và không bao giờ đòi ăn, trẻ ăn rất ít trong ngày. Theo thống kê của Viện Dinh Dưỡng có khoảng 20% trẻ em trong độ tuổi 1 đến 5 tuổi gặp phải tình trạng biếng ăn. Trong khuôn khổ bài viết này, các chuyên gia dưỡng sẽ hướng dẫn các bà mẹ đang nuôi con nhỏ cách giải quyết vấn đề khi trẻ lười ăn.

Bé 2 tuổi biếng ăn, phải làm sao?



Hỏi: Tôi có một cháu trai gần 24 tháng tuổi nhưng cân nặng chưa đến 11 kg. Cháu rất biếng ăn. Gia đình cho cháu uống sữa ngoại nhập nhưng cũng không tăng cân, bé ăn ít mà có vẻ khó ăn. Mỗi lần ăn, cháu hầu như không chú ý mà phải dụ vừa chơi vừa ăn, được một ít lại thôi. Thuờng cháu ngủ rất khuya có khi đến 11-12 h đêm và cứ đòi xem phim họat hình hoặc đi tới đi lui chơi chứ không chịu nằm.

Tôi cho cháu chuyển sang dùng sữa khác thì ăn được nhiều hơn một ít. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi nên đưa cháu đi khám dinh dưỡng tại đâu? Loại sữa cũng như thực phẩm dùng cho trẻ biếng ăn như cháu. Cháu rất lanh lợi, nói rất nhiều và rất khôn lanh, có điều gầy quá so với trẻ cùng lứa nên gia đình thấy bất an.

trẻ biếng ăn phải làm sao 1

Trả lời của bác sĩ dinh dưỡng nhi khoa:

Chào chị,

Thứ nhất tôi muốn nói với chị rằng, để đánh giá cháu bé có bị suy dinh dưỡng hay không thì không thể chỉ dựa vào cân nặng đơn thuần, mà còn cần rất nhiều thông số khác, trong đó kể đến trước nhất là chiều cao của bé.

Thông thường để đánh giá tương đối chính xác mức độ phát triển của trẻ, người ta dùng bộ ba thông số là cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi và cân nặng theo chiều cao. Trong một số trường hợp, người ta còn tính thêm các chỉ số khác như vòng bụng, chiều dài chi…

Ở đây, tôi chỉ tạm dùng cách tính đơn giản để đánh giá vấn đề này dựa trên cân nặng của bé. Trung bình trẻ Việt Nam có cân nặng lúc sinh vào khoảng 3 kg. Sau 24 tháng tuổi, cân nặng của trẻ nhìn chung tăng gấp 4 lần lúc mới lọt lòng, tức là vào khoảng 12 kg.

Bé nhà chị đã được 24 tháng tuổi, chỉ đạt 11 kg. Như vậy nhìn sơ bộ, cháu đã nhẹ cân so với độ tuổi. Tôi xin nhắc lại, để đánh giá chính xác, cần có thêm một số thông tin khác nữa, trong đó quan trọng nhất là chiều cao của bé.

Về vấn đề biếng ăn của trẻ, người nhà đã sai khi hình thành ở trẻ thói quen xấu trong lúc ăn. Đó chính là việc để bé tự ý đi lại trong lúc ăn, sau đó tìm cách dụ bé ăn. Lâu dần tạo cho cháu thói quen không chú tâm vào bữa ăn và do vậy dễ bị phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài và biếng ăn. Vì thế việc cần thiết chị nên làm ngay là thay đổi thói quen xấu này của bé.

Người nhà cần tập cho trẻ ngồi vào bàn ăn, ngay ngắn và chú tâm, đồng thời định ra thời gian quy định cho các bữa ăn. Nếu bé không chịu ăn hay ăn kém một tí, người nhà không nên quá lo lắng vì việc bỏ 1 hay 2 bữa ăn sẽ không gây tác hại nhiều ở trẻ. Thay vào đó, việc hình thành thói quen tốt khi ăn bao gồm đúng giờ và nghiêm túc trong lúc ăn đem lại cho trẻ nhiều lợi ích về lâu dài. Đây là phương thức dạy con áp dụng rộng rãi ở các nước phương Tây, đem lại hiệu quả rất cao.

Về việc cho trẻ uống sữa, với độ tuổi này, sữa không còn là thức ăn quan trọng, hay nói cách khác, sữa không phải là bữa ăn chính của trẻ. Ở giai đoạn này, sữa chỉ là thức ăn bổ sung thêm năng lượng dùng kèm bữa ăn chính trong ngày. Nếu người nhà có suy nghĩ rằng sữa có thể thay thế cho thức ăn của bữa ăn chính thì vô hình chung, người nhà đang làm nặng thêm tình trạng biếng ăn ở trẻ. Bởi khi trẻ đã uống nhiều sữa và có cảm giác no, không muốn ăn uống thêm nữa.

Chị có thể đưa bé đi khám dinh dưỡng, tại TP HCM có Trung tâm Dinh dưỡng, hay Khoa Dinh dưỡng bệnh viện Nhi đồng 1, 2… Người nhà có thể tham khảo thêm qua các trang website giới thiệu của các đơn vị này để lựa chọn cho mình nơi thăm khám thuận tiện nhất.

Bé 2 tháng biếng ăn phải làm sao?



Hỏi:

Bé nhà mình được 2 tháng 8 ngày, cân nặng 5kg. Ở tuổi này lượng sữa trunh bình 1 ngày là 800ml, mà bé nhà mình cứ 1 lần bú chỉ có 90ml,ngày bú khoảng 5 lần, có khi không bú hết. Bé đang uống sữa Dielac Optimum, mình thấy bé biếng ăn quá, mong mọi người tư vấn dùm, cám ơn!

trẻ biếng ăn phải làm sao 2

Chuyên gia trả lời:

Em bé khoảng độ tuổi này thường bị thiếu máu sinh lý do các hồng cầu được tạo ra trong thời kỳ bào thai bị vỡ đi mà các hồng cầu mới chưa được tổng hợp kịp để bù lại. Hiện tượng này có thể làm cho bé biếng ăn.

Ngoài ra, lứa tuổi này cũng có thể bắt đầu thiếu vitamin D nếu không được phơi nắng sáng hay bổ sung vitamin D đầy đủ. Dỗ dành bé và cố đút sữa cho bé thêm bằng muỗng nhé em. Có thể bổ sung thêm vitamin D và phơi nắng sáng mỗi ngày. Nếu tình trạng không cải thiện thì nên đưa bé đến khám tại các phòng khám dinh dưỡng để được tư vấn thêm, em nhé!

Cách trị con biếng ăn của các bà mẹ đất nước Hà Lan



Beata - bà mẹ Hà Lan chia sẻ những mẹo vô cùng hiệu quả để giúp bọn trẻ hết biếng ăn.

Đến thăm Beata Polyrala, một người bạn cũ đang sống tại Rotterdam (thành phố ở phía Tây Nam Hà Lan), tôi không khỏi sửng sốt khi thấy bọn trẻ nhà chị đang ngồi ăn bữa tối của chúng một cách ngon lành, ngoan ngoãn. Trong khoảng 30 phút chúng tôi trò chuyện, 2 bé Claudia (4 tuổi) và Nicolas (gần 2 tuổi) đã hoàn thành xong phần ăn của mình với chiếc đĩa sạch bóng. Chợt nghĩ đến các con mình ở nhà, tôi bỗng lo lắng vì không biết giờ này bọn trẻ đã ăn chưa, và nhất là chúng ăn được bao nhiêu. Bởi Su và Mi Mi nhà tôi cũng cùng tầm tuổi với các bé nhà Beata, nhưng chúng siêu lười ăn và chỉ chờ lúc mẹ vắng nhà để bỏ bữa, vì chồng tôi không hề biết cách để ép các con ăn.

Tôi chia sẻ về sự phiền muộn của mình, Beata ngạc nhiên kêu lên: "Ép các con ư? Điều đó thật là tệ!", rồi cô bạn chia sẻ thêm: "Mình chỉ phải lo cho con ăn gì, và ăn vào lúc nào thôi. Hãy để tự bọn trẻ sẽ quyết định chúng ăn bao nhiêu, vì trẻ con cũng cần được tôn trọng chứ. Sẽ chẳng có tác dụng gì nếu cậu ép chúng ăn thêm vài thìa thức ăn, và để mỗi bữa ăn trở thành nỗi ám ảnh với bé". "Nhưng các con mình rất còi cọc" - tôi thốt lên như để vớt vát - "Chúng thậm chí thấp và nhẹ cân hơn rất nhiều so với các bạn cùng tuổi đó". "Ồ, bọn trẻ nhà mình cũng vậy mà, nhưng cậu thấy đấy, chúng khỏe mạnh và so với 2 tháng trước vẫn tăng cân chút đỉnh, như thế là ổn rồi. Mình không bao giờ so sánh các con với những đứa trẻ khác cả, quan trọng là chúng vẫn lớn đều và phát triển, dù có chậm một chút. Thế nên hãy để bữa ăn của các con là một sự tận hưởng thú vị, thay vì một cơn ác mộng..."

trẻ biếng ăn phải làm sao 3

Tôi bắt đầu giật mình vì sự suy nghĩ quá khác biệt giữa hai người. Nhưng tôi công nhận Beata có lý. Vậy nên tôi bắt đầu tham khảo những ý kiến của cô ấy về cách chăm sóc con của mình (mục đích chủ yếu là biết cách làm sao để bọn trẻ nhà tôi ăn ngoan như Clau và Nicolas). Và tôi thực sự "gặt hái" được nhiều "bí kíp" từ cô bạn.

Cho con cùng vào bếp

Beata kể rằng, Claudia đã từng rất lười ăn. Và để thay đổi tình hình, cô ấy đã "dụ" bé vào bếp để cùng mẹ nấu nướng. Beata hướng dẫn con cùng làm các món ăn, vừa làm vừa giải thích rằng chúng ta sẽ nấu gì, và món này sẽ ngon ra sao. Làm như thế con sẽ có hứng thú với thức ăn hơn, và kết quả là mỗi bữa Claudia đều háo hức chờ đợi "tác phẩm" mà mình góp sức vào có mùi vị ra sao. Dần dà, cô bé tìm được cảm hứng với thức ăn hơn, và kết quả là bây giờ con luôn "chén sạch" đĩa của mình mà không để lại mẩu bánh nhỏ.

trẻ biếng ăn phải làm sao 4

"Cũng có lúc bé bỏ dở thức ăn vì không hợp vị, nhưng mình không hề ép. Mình thường tìm cách "thủ thỉ" trò chuyện với con vào lúc khác, chủ yếu là giải thích cách làm ra thực phẩm như: Làm thế nào để có sữa, có bột mì, có rau,... để con bé hiểu và biết trân trọng thức ăn hơn. Đó là lý do về sau Claudia thường cố gắng ăn hết phần của mình, dù món ăn hôm đó không hợp khẩu vị cho lắm!" - Beata chia sẻ.

Tạo không khí vui vẻ, ấm áp trong bữa ăn

Gia đình Beata thường ngồi ăn cùng nhau, thay vì cho bọn trẻ ăn riêng để chúng khỏi phá phách mọi thứ trên bàn. Lý do là để các con hứng thú ăn hơn với không khí thân mật cùng mọi người. Họ cũng cố gắng để các con có tâm trạng thoải mái nhất. Ví như nếu Nicolas không thích ăn thìa, cậu bé có thể "bốc bải" thức ăn bằng tay. Sẽ chẳng ai "mắng mỏ" gì nếu bé làm thức ăn dính be bét vào quần áo và cả trên mặt nữa.

trẻ biếng ăn phải làm sao 5

Thường xuyên trò chuyện, vui chơi cùng con

Đó là cách mẹ hiểu được bọn trẻ muốn gì, và trở nên thân thiết với chúng hơn. Nghe có vẻ không liên quan nhưng điều đó tác động rất nhiều đến cảm giác ngon miệng của bé vào mỗi bữa. Beata nói rằng: "Khi các con thấy hoàn toàn thoải mái và gần gũi với mọi người, chúng sẽ ăn rất ngoan bởi chẳng có vấn đề nào khác khiến chúng bận tâm cả" - Beata nói.

Cô bạn cũng chia sẻ thêm rằng, cô ấy không bao giờ quan tâm tới việc Claudia và Nicolas không cao lớn như những đứa trẻ khác. Với cô ấy, quan trọng nhất là chúng khỏe mạnh, khỏe cả về thể chất và tinh thần. Thậm chí cô ấy đã cảm thấy mừng vì các con không "béo ục béo ịch", bởi như thế mọi chuyện con nan giải hơn rất nhiều.

Cuộc trò chuyện với Beata làm tôi "ngộ" ra nhiều sai lầm của mình, hóa ra lâu nay tôi luôn "đàn áp" tinh thần các con mình. Và mặc dù sự ép uống khiến con tăng cân hơn đôi chút, nhưng tệ hơn là tâm hồn các con đã "không khỏe" như lời bà mẹ Hà Lan. Có lẽ tôi cũng nên cân nhắc về cách cho con ăn của mình. Nhưng đó là khi về nhà, còn hiện tại, nhìn các con của Beata mà tôi chỉ muốn tặng cô ấy một từ: "ngưỡng mộ!".

Chúc các bà mẹ học tập theo mẹ Hà Lan trị hết được chứng biếng ăn của con mình nhé.