Glenn Doman khuyên hãy để con trẻ học tập ngay từ đời sống thường ngày

Thứ sáu - 19/07/2013 22:40
Theo các chuyên gia giáo dục sớm, con trẻ cần được học tập ngay từ những hoạt động đời thường. Vì vậy, trong việc giảng dạy ở nhà trường, các thầy cô giáo cần hết sức lưu tâm tới vấn đề gắn kiến thức sách vở với thực tiễn.Một giáo viên tiểu học khi giảng giải cho các học sinh về sản xuất dây chuyền trong nhà máy, đã cho phép các em được tự do đặt câu hỏi. Thầy giáo này cho biết anh đã gặp những câu hỏi hết sức bất ngờ, chẳng hạn như:“Thưa thầy, khi người ta tiến hành sản xuất dây chuyền, nếu một...
Theo các chuyên gia giáo dục sớm, con trẻ cần được học tập ngay từ những hoạt động đời thường. Vì vậy, trong việc giảng dạy ở nhà trường, các thầy cô giáo cần hết sức lưu tâm tới vấn đề gắn kiến thức sách vở với thực tiễn.

Một giáo viên tiểu học khi giảng giải cho các học sinh về sản xuất dây chuyền trong nhà máy, đã cho phép các em được tự do đặt câu hỏi. Thầy giáo này cho biết anh đã gặp những câu hỏi hết sức bất ngờ, chẳng hạn như:

“Thưa thầy, khi người ta tiến hành sản xuất dây chuyền, nếu một người trong đó muốn đi vệ sinh thì sẽ ra sao ạ?”…
Đây là một thầy giáo rất coi trọng vấn đề thực tiễn trong giảng dạy, vì vây, anh đã không trả lời một cách lấp liếm trước những câu hỏi này. Anh bèn ghi chép lại toàn bộ những câu hỏi của các em học sinh trong lớp, viết thư gửi đến nhà máy sản xuất theo dây chuyền nhờ giải đáp. Nhà máy sau khi nhận được thư đã rất vui vẻ hồi đáp với những lời giải đáp cặn kẽ, tỉ mỉ.

Để giảng cho các học sinh về công việc của nhân viên ở bến xe, một thầy giáo khác tự mình đi mượn về một số dụng cụ, sau đó bố trí lớp học giống như một bến xe. Tiết học ngày hôm đó, các học sinh cảm thấy vô cùng hứng thú, nhiều em nhỏ quyết định sau buổi học sẽ ra bến xe để quan sát, tìm hiểu kỹ hơn về công việc của những nhân viên ở đây.
Nhờ phương pháp giảng dạy mang tính thiết thực cao, các học sinh đã nhìn nhận được giá trị thực tiễn và ý nghĩa của nhiều hoạt động đời sống mà các em bình thường, thậm chí khong để ý, quan tâm đến.

Giáo dục trong gia đình cũng cần lưu tâm đến ý nghĩa thực tiễn. Hãy để con trẻ học tập ngay từ đời sống thường ngày! Chỉ cần bố mẹ chú ý kết hợp giữa thực tiễn với việc học tập của con thì dù trong những hoạt động rất nhỏ cũng có thể thu được hiệu quả cao. Đưa học tập gắn với thực tiễn không những có thể tạo cho trẻ nhiều cơ hội học tập hơn mà đối với những trẻ em chán học, đây cũng là một liệu pháp hữu ích. Trong phương pháp của Glenn Doman nhiều bà mẹ chưa hình dung cách áp dụng thực tiễn cho con như thế nào. Nhưng chính những kiến thức trang bị bằng phương pháp Glenn Doman như dạy trẻ thế giới xung quanh sẽ giúp bé hiểu hơn về cuộc sống muôn màu muôn vẻ quanh ta.

Ví dụ, chúng ta có thể để trẻ tự hoạch định kế hoạch đi du lịch cho cả nhà, với sự hướng dẫn khéo léo của bố mẹ, chắc chắn trẻ sẽ tiếp thu được không ít kiến thức về địa lý. Chuẩn bị lên đuờng, bố mẹ hãy đề nghị trẻ đóng vai làm “hướng dẫn viên du lịch” để giới thiệu cho cả nhà nghe về nơi sắp đến nghỉ. Trong suốt chuyến đi, bố mẹ có thể trao đôi trẻ nhiệm vụ “một người trưởng đoàn”. Với tính cách ưa hoạt động của con trẻ, trẻ nhất định sẽ hứng thú và cố gắng làm cho ra “một người trưởng đoàn” thực thụ. Điều đó có nghĩa là trẻ không chỉ vận dụng những kiến thức đã chuẩn bị từ nhà để giới thiệu điểm này, điểm kia về noiư nghỉ, mà còn phải luôn luôn quan sát, để ý mọi hoạt động liên quan đến hành trình, thậm chí sẽ còn rất nhớ lịch trình của chuyến đi!

Một nhà văn kể rằng nhiều năng lực của ông bây giờ là kết quả được bồi dưỡng từ ngày còn nhỏ. Khi mới học tiểu học, ông thường cùng bố cắt những mẩu báo hay để giữ lại. Đây cũng chính là điều kiện để ông sớm có thói quen quan tâm đến những vấn đề xã hội. Theo lời kể của ông, ngồi cắt những mẩu báo kông chỉ là một trò chơi thú vị mà còn được rèn luyện nhiều về khả năng đọc. Hơn nữa, việc làm này cho ông hiểu rằng người bố của mình vẫn không ngừng học tập, không ngừng tích luỹ, đó thật sự là tấm gương sáng có tác động mạnh mẽ đối với ông ngay từ những ngày bé thơ.

Trường hợp trên đây chỉ ra cho chúng ta một phương pháp dạy trẻ khá hiệu quả – “bố mẹ hãy làm gương cho con cái”. Đối với con trẻ, những lời giáo huấn dù sâu sắc đến đâu cũng không có ảnh hưởng lớn bằng những tác động trực quan. Khi nhìn và cảm nhận thấy người cha, người mẹ của mình vẫn không ngừng cố gắng học tập, tích luỹ, một cách tự nhiên theo kiểu “cảm nhiễm”, trẻ sẽ hình thành ý thức dối với học tập cũng như tinh thần luôn luôn bền bỉ, phấn đấu trong học tập. Đây cũng là một cách thức bố mẹ giáo dục con thông qua thực tiễn. Theo Giáo sư Hirakv, phương pháp này rất thích hợp với những đứa trẻ còn đang chán học, ngại học.

Giáo sư về lĩnh vực giáo dục sớm Hirakv cũng cho biết một số phụ huynh cũng vì mong muốn cho con cái hiểu biết hơn đã giành nhiều thời gian đưa con đi thăm quan bảo tàng. Thế nhưng, nhiều trẻ em vẫn không tỏ ra mấy hứng thú khi đến bảo tàng. Lý do là vì nhiều bố mẹ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần cho con đến bảo tàng là chúng sẽ hiểu biết nhiều hơn. Để con cái thực sự được đi tham quan bảo tàng, bố mẹ vừa phải là người hướng dẫn vừa phải là người khách đi cùng xem với con. Nếu như bố mẹ đưa con đến bảo tàng rồi bảo bọn trẻ tự đi xem thì trẻ cũng sẽ chẳng còn mấy hứng thú. Vì vậy, hãy thật sự cùng con đi thăm quan bảo tàng, chính bố mẹ hãy cho con trẻ thấy rằng bảo tàng đúng là rất thú vị và có ý nghĩa.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn thường gặp tình huống, nếu cùng làm thì mọi người rất hào hứng, ngược lại, chỉ một mình thì thậm chí không muốn động chận, động tay. Cũng như vậy, đối với con trẻ, nhiều khả năng chúng có suy nghĩ rằng tại sao cả nhà chỉ mỗi mình nó phải học bài. Đây cũng là một kiểu suy nghĩ dẫn đến tâm lý nản học ở con trẻ, chúng ta có thể lợi dụng phương pháp “tập thể cùng làm”. Chẳng hạn, con bạn chán học, bạn hãy đề nghị cả nhà mỗi ngày cùng nhau dành 10 phút cho việc làm bài tập. Nếu cả nhà cùng làm, trẻ sẽ không có lý do nào để từ chối, thậm chí sẽ cảm thấy rất vui vẻ vì có cả bố và mẹ cùng làm với mình.

Ngoài ra, các nội dung con trẻ có thể học được từ đời sống hằng ngày đương nhiên không chỉ bó hẹp trong những kiến thức sách vở. Bạn hãy để trẻ làm một số công việc trong nhà như quét nhà, lau nhà, gấp quần áo… Những hoạt động này sẽ rèn luyện cho trẻ nhiều kỹ năng và những đức tính cần thiết trong cuộc sống. Đây không đơn thuần chỉ là con cái giúp đỡ cha mẹ mà còn là một cơ hội rèn luyện rất tốt đối với trẻ. Khi tham gia làm những công việc gia đình, trẻ sẽ dần biết cách thu xếp kế hoạch, cân đối giờ giấc giữa việc nhà và việc học. Ngoài ra, công việc này cũng giúp trẻ hình thành tinh thần trách nhiệm với gia đình cũng như tính kiên trì, nhẫn nại – bởi vì, đây là công việc được phân công trong gia đình và đương nhiên không thể không hoàn thành.

Ở một số gia đình, bố mẹ thường không để con cái giúp đỡ công việc nhà với lý do “Nó vụng về lắm, nó không làm đuợc đâu!”. Hoặc khi con cái tỏ ý muốn giúp đỡ, bố mẹ lại cho rằng bọn trẻ giúp đỡ chỉ càng thêm “quẩn chân vướng tay”… những cách nhìn nhận như thế thật rất nguy hại. Bởi vì, đó không còn là vấn đề có để trẻ làm việc nhà hay không mà đã vô tính tổn hại tới lòng tự tin, tinh thần tự chủ của con trẻ.

trẻ học tập từ đời sống thường ngày phần 2

3 cách giúp rèn luyện thói quen học tập cho trẻ


Nhiều trẻ gặp khó khăn trong việc quản lý việc học tập, ngủ nghỉ và sinh hoạt; mỗi khi phải chọn lựa, những trẻ này thường từ bỏ việc ngủ hơn. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Child Development, việc dành thời gian ngủ để học tập thường đem lại nhiều bất lợi hơn là thuận lợi.

Theo nghiên cứu, trẻ dành thời gian ngủ cho việc học sẽ gặp phải khó khăn trong việc hiểu bài và khó làm tốt bài kiểm tra và bài tập vào ngày kế tiếp.

Andrew Fuligni, giáo sư tâm thần học thuộc Trường Đại học California - Los Angeles, đồng thời là tác giả chính của cuộc nghiên cứu, cho biết: “Không ai đề xuất rằng học sinh không nên học nhưng ngủ đủ giấc cũng đóng vai trò quan trọng để thành công trong học tập.”

Các nhà nghiên cứu đã chọn ra 535 trẻ từ 3 trường tại Los Angeles để ghi lại thói quen học tập và ngủ nghỉ của các trẻ trong vòng 14 ngày. Các trẻ này thuộc những nền văn hóa và có hoàn cảnh kinh tế khác nhau.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc ngủ ít đi vài giờ đã dẫn đến tình trạng thiếu ngủ ở hầu hết mọi trẻ.

Việc trẻ bớt đi thời gian ngủ cần thiết để dành cho việc học đã dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với việc học hàng ngày.

Trước tình trạng này, các bậc phụ huynh có thể giúp con em mình tránh khỏi những buổi học khuya bằng cách hình thành và phát triển thói quen học tập mỗi ngày, theo Natascha Santos, nhà tâm lý học và trị liệu hành vi ở thành phố New York.

Điều quan trọng là phụ huynh cần nắm rõ các bài kiểm tra sắp tới của con em mình để có thể nhắc nhở, đôn đốc các em học.

Sau đây là 3 cách giúp các bậc phụ huynh hình thành và phát triển thói quen học tập cho con em mình:

Lên kế hoạch học tập: Việc học nên là một thói quen hàng ngày hơn là việc nhồi nhét vào đêm trước ngày kiểm tra.

Trẻ cần lên lịch học tập hàng tuần hơn là chờ đến ngày thi mới tức tốc học.

Chuẩn bị trước lịch học ôn sẽ giúp giảm lo lắng và còn có thể giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn. Phụ huynh và học sinh cũng nên viết những ngày kiểm tra và ngày phải hoàn thành bài tập hoặc bản kế hoạch để ghi nhớ.

Loại bỏ những vật gây mất tập trung cho việc học

Di động, Facebook và TV là những thứ rất dễ làm gián đoạn việc học. Hãy giúp trẻ tập trung vào việc học bằng cách tắt hết những thiết bị điện tử không cần thiết trong suốt thời gian trẻ học bài.

Trường hợp trẻ cần làm bài tập trên máy tính, phụ huynh nên chú ý và ngăn trẻ lơ là việc học.

Chia nhỏ thời gian học: Đối với nhiều trẻ, việc học suốt 2 tiếng liền là rất khó khăn. Vì vậy, hãy nắm rõ lượng thời gian tối đa con bạn có thể học và từ đó, phân bổ thời gian học tập phù hợp, theo bài viết của nhà trị liệu tâm lý Michelle Aycock trên trang Savannah Morning Herald.

Hãy phân nhỏ nhiệm vụ thay vì gộp thành một nhiệm vụ khổng lồ. Như vậy sẽ dễ thành công hơn.