Nguyên nhân bé bị ho và 7 loại bệnh khiến bé bị ho

Thứ hai - 26/08/2013 13:37
Khi bé bị ho, đặc biệt là ho có đàm và ho suốt đêm, hẳn các bà mẹ rất lo lắng. Vậy nguyên nhân vì sao bé bị ho. Có tới 7 loại bệnh có thể khiến cho bé bị ho.Bất cứ bà mẹ nào cũng cảm thấy căng thẳng và lo lắng khi con mình bị ho, nhất là những cơn ho dai dẳng và khiến không ít chị em cồn cào như lửa đốt vào giữa đêm. Những tiếng khò khè cùng hơi thở nặng nhọc của con là nỗi ám ảnh của các bà mẹ. Tuy nhiên, nếu mẹ biết cách theo dõi và lắng nghe các cơn ho của bé, rất có thể sẽ phát hiện sớm căn...
Khi bé bị ho, đặc biệt là ho có đàm và ho suốt đêm, hẳn các bà mẹ rất lo lắng. Vậy nguyên nhân vì sao bé bị ho. Có tới 7 loại bệnh có thể khiến cho bé bị ho.

Bất cứ bà mẹ nào cũng cảm thấy căng thẳng và lo lắng khi con mình bị ho, nhất là những cơn ho dai dẳng và khiến không ít chị em cồn cào như lửa đốt vào giữa đêm. Những tiếng khò khè cùng hơi thở nặng nhọc của con là nỗi ám ảnh của các bà mẹ. Tuy nhiên, nếu mẹ biết cách theo dõi và lắng nghe các cơn ho của bé, rất có thể sẽ phát hiện sớm căn bệnh đang có trong cơ thể con mình để điều trị cho bé kịp thời.

Bệnh hen, suyễn khiến cho bé bị ho

Lắng nghe tiếng ho: Cơn ho của bé dai dẳng kèm theo những tiếng rít khẽ và khò khè, có thể đã kéo dài hơn 10 ngày và trở nên tệ hơn vào ban đêm hoặc có biểu hiện dị ứng với phấn hoa, thời tiết lạnh, lông hoặc mùi động vật, bụi bẩn và khói.

Những biểu hiện khác: Bé thở nhanh, gấp và tiếng thở bị khô, khò khè

Thủ phạm chính: Hen, suyễn thường là bệnh mãn tính, kinh niên khi đường hô hấp trao đổi không khí với lá phổi bị thu hẹp, có khi bị sưng làm đường thông khí bị tắc nghẹt, tạo nên các chất nhầy và co thắt, khiến trẻ thở khó khăn hơn. Những yếu tố chủ yếu gây nên căn bệnh này bao gồm những tác động của môi trường, vi khuẩn lây lan và trong quá trình vận động của trẻ. Theo các bác sỹ trẻ em, trẻ nhiễm căn bệnh này thường có lá phổi rất nhạy cảm.

Mẹ nên làm gì: Theo các bác sỹ trong trường hợp bị hen suyễn nhẹ thì cơn ho dai dẳng là biểu hiện duy nhất của căn bệnh này. Các mẹ hãy cho bé đi khám để có được cách trị bệnh khoa học và dứt điểm. Mẹ đừng quên nói với bác sỹ trong trường hợp trong gia đình có người đã có tiền sử căn bệnh này hay các loại bệnh dị ứng khác nhé, vì rất có thể đó cũng là nguyên nhân khiến bé bị bệnh đấy.

bé bị ho 1

Viêm tiểu phế quản khiến cho bé bị ho

Lắng nghe tiếng ho: Cơn ho của bé có đờm, khò khè và thường kéo theo hơi thở nhanh, nông và khó khăn.

Những biểu hiện khác: Bệnh có thể bắt đầu bằng các triệu chứng của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi trong vòng một tuần, sau đó có cơn sốt khoảng 39,4 độ C, bé ngủ lịm đi và thở ra tiếng khò khè

Thủ phạm chính: Nguyên nhân của bệnh viêm tiểu phế quản do nhiễm trùng đường hô hấp nhỏ phía dưới phổi gọi là tiểu phế quản. Virus hợp bào hô hấp là thủ phạm chính gây nên tình trạng nhiễm trùng trên và thường những con virus đáng ghét này tác oai tác quái vào thời điểm cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Các mẹ đừng nên nhầm lẫn với bệnh viêm phế quản ở người lớn và trẻ em lớn hơn nhé, trẻ sơ sinh và trẻ đang tập đi hay bị nhiễm căn bệnh viêm tiểu phế quản này.

Mẹ nên làm gì: Các mẹ hãy gọi bác sỹ ngay hoặc đưa con đi khám khi phát hiện thấy bé khó thở và không muốn ăn uống gì. Trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản cần được nhập viện để điều trị bằng khí oxygen. Nếu bé chỉ bị viêm nhẹ (chỉ ho khò khè mà không bị khó thở), các mẹ có thể đặt thêm máy phun sương trong phòng ngủ của con để giúp trẻ long đờm trong phổi và đảm bảo rằng bé uống đủ nước.

Trẻ bị ho do cảm lạnh

Lắng nghe tiếng ho: Bé ho ướt (ho có đờm, sặc nước bọt) nhưng hơi thở không bị khô, khò khè, thở nhanh bất kể ngày hay đêm

Những biểu hiện khác: Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, và có khi sốt nhẹ (nhiệt độ thường là 38,6 độ C)

Thủ phạm chính: Bệnh cảm lạnh thường do tác động của vi khuẩn lây nhiễm qua đường mũi, viêm xoang, cổ họng và đường hô hấp chính của phổi. Cơn ho thường kéo dài với cả đợt cảm lạnh của bé (thông thường từ 7 đến 10 ngày), cũng có trường hợp kéo dài hơn gấp đôi nhưng bệnh lại giảm nhẹ từng ngày.

Mẹ nên làm gì: Trong trường hợp này các mẹ hãy cố gắng giữ cho mũi của bé luôn được sạch và thông thoáng nhé. Chứng tắc mũi, nghẹt mũi hay bị nhỏ giọt có khi còn làm bệnh nghiêm trọng hơn. Với trẻ sơ sinh hay các bé đang tập đi chưa thể tự xì mũi, các mẹ hãy nhỏ nước muối sinh lý và giúp con hút các chất bẩn trong mũi, nước mũi ra bằng cách dùng ống hút mũi theo hướng dẫn của bác sỹ nhé. Các loại thuốc thông mũi có thể được sử dụng cho trẻ hơn 2 tuổi nhưng các mẹ nên tham khảo ý kiến của các bác sỹ trước khi cho con dùng thuốc, vì có thể bé bị viêm xoang (bệnh do vi khuẩn gây nên trong thời tiết lạnh) hoặc các căn bệnh khác như hen, suyễn hay bị viêm họng đấy.

Viêm tắc thanh quản

Lắng nghe tiếng ho: Tiếng ho chát chúa, khô khốc và khác biệt so với các cơn ho khác và thường bắt đầu vào buổi đêm. Tiếng ho của trẻ bị viêm tắc thanh quản không giống như bất cứ một cơn ho bình thường nào mà các mẹ biết.

Những biểu hiện khác: Căn bệnh này của trẻ thường trở nên tệ hơn vào ban đêm và đỡ hơn vào ban ngày, bé có thể bị sốt nhẹ. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn mặt bé tím lại, hơi thở gay gắt và có tiếng the thé khi bé hít vào, hơi giống với tiếng rít khi trẻ khóc thét lên.

Thủ phạm chính: Bệnh viêm tắc thanh quản do virus lây lan gây bệnh khiến cho cổ họng và khí quản bị sưng và thu hẹp lại. Phần lớn trẻ em từ sáu tháng đến ba tuổi rất dễ nhiễm căn bệnh này. Ở người lớn và trẻ em mẫu giáo khí quản rộng hơn nên khi bị sưng ảnh hưởng ít hơn lên nhịp thở.

Mẹ nên làm gì: Mẹ hãy ngồi với con trong phòng tắm ướt khoảng 5 phút. Độ ẩm ướt lúc này sẽ giúp bé long đờm trong phổi và kiềm chế cơn ho cho bé. Ban đêm nếu nhiệt độ trở lạnh các mẹ hãy ủ ấm bé trong chăn và mặc quần áo dài cho bé nhưng tuyệt đối đừng đóng kín cửa nhé, hãy để cửa sổ mở và không khí tràn vào phòng để giúp đường hô hấp của bé đỡ sưng hơn. Hãy gọi ngay bác sỹ nếu thấy bé có biểu hiện xấu hơn hoặc thở ngày càng nặng nhọc hơn. Rất có thể bác sỹ sẽ phải cho bé uống thuốc để giảm sự viêm nhiễm. Các mẹ lưu ý căn bệnh này thường chỉ kéo dài 3-4 ngày thôi nhé.

Cảm cúm

Lắng nghe tiếng ho: Bé bị khản giọng, ho khan hoặc ho ướt không phân biệt ngày hay đêm

Những biểu hiện khác: Mẹ thấy bé bơ phờ, mệt mỏi và bé than cổ họng bị rát, như có gì đang lạo xạo trong họng và thấy đau đầu, đau lưng hay đau chân. Bé bị sổ mũi, sốt và có khi lại thấy buồn nôn.

Thủ phạm chính: Cảm cúm do virus gây ra thường trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Mười một hàng năm

Mẹ nên làm gì: Mẹ hãy gọi bác sỹ ngay nếu con sốt hơn 38,6 độ C, bé có biểu hiện bị tiêu chảy và không muốn ăn uống gì. Bác sỹ sẽ cho mẹ các cách để tránh cho bé bị mất nước. Mẹ cố gắng cho bé uống thật nhiều nước và sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng để giảm bớt sự tắc nghẽn ở đường hô hấp của con nhé. Ngoài ra để ngăn ngừa căn bệnh này các mẹ hãy đưa con đi tiêm phòng hàng năm, tốt nhất cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 23 tháng, độ tuổi rất dễ lây nhiễm căn bệnh này.

bé bị ho 2

Trào ngược dạ dày thực quản cũng khiến bé bị ho

Lắng nghe tiếng ho: Tiếng ho khàn, khò khè, lách cách đứt quãng và bé ho dai dẳng sau khi ăn xong. Cơn ho thậm chí trở nên tệ hơn khi bé nằm xuống.

Những biểu hiện khác: Bé cảm thấy nóng rát và buồn nôn hoặc ợ khi nuốt xuống. Ở những bé sơ sinh có thể bị đau bụng và khó chịu, ở những bé lớn hơn đang tập đi có thể dần hình thành một thói quen ăn uống cầu kỳ vì hay bị trào ngược khi ăn xong.

Thủ phạm chính: Trào ngược dạ dày (hay còn gọi là GERD – gastroesophageal reflux disease) là căn bệnh gây nên do cơ giữa thực quản và dạ dày của bé còn yếu, dẫn đến axit bị chảy ngược lại. Đôi khi các loại nước kích thích có thể xâm nhập vào phổi và gây ra các cơn ho mãn tính ở trẻ.

Mẹ nên làm gì: Mẹ hãy đưa bé đi khám nếu cơn ho khò khè kéo dài hơn 2 tuần. Bác sỹ sẽ khuyên các mẹ nên giữ cho bé ngồi thẳng ít nhất 30 phút sau khi ăn, để bé gối cao đầu trong lúc ngủ. Với những trẻ lớn hơn các mẹ không nên cho con ăn một số loại thức ăn có khả năng làm bệnh nặng hơn như nước uống có ga, có caffein, socola, bạc hà, đồ ăn cay như pizza, các loại quả có axit như cam, cà chua hay các loại đồ ăn nhanh nhiều chất béo, đặc biệt không được ăn trong vòng 2 tiếng trước khi đi ngủ. Uống thuốc theo toa kê của bác sỹ cũng có thể làm giảm căn bệnh này.

Ho gà

Lắng nghe tiếng ho: Tiếng ho khan, khô khốc và rất nhanh, có cảm giác như 25 lần ho trong một lần thở vậy. Khi bé hít vào mạnh tạo nên âm thanh the thé như tiếng gà.

Những biểu hiện khác: Trước khi bị ho gà bé có triệu chứng của bệnh cảm lạnh nhưng không sốt. Ở trẻ sơ sinh bệnh có thể trở nặng và gây ra niêm mạc bong bóng từ lỗ mũi của bé. Khi bé quá mệt có thể dẫn tới hiện tượng co giật và ngừng thở.

Thủ phạm chính: Vi khuẩn lây nhiễm khiến cho cổ họng, khí quản và phổi của bé bị viêm gây nên căn bệnh ho gà. Trẻ em chưa được tiêm chủng phòng ngừa căn bệnh này có khả năng bị nhiễm nhiều hơn. Thường trẻ em được tiêm chủng lúc 2 tháng, 4 tháng và 6 tháng, tiêm mũi tiếp theo trong khoảng từ 12 đến 18 tháng và được nhắc lại trong độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi. Sau này hệ miễn dịch dần suy yếu khi mỗi người già đi, vì thế có cả trường hợp người lớn bị mắc bệnh ho gà.

Mẹ nên làm gì: Mẹ hãy gọi ngay bác sỹ nếu con có biểu hiện xấu hơn. Trẻ em bị ho gà cần được nhập viện để bác sỹ kiểm chế cơn ho và hút đờm từ cổ họng cho bé. Căn bệnh này thường được trị bằng thuốc kháng sinh và có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí cả tháng trời.

Sai lầm cần tránh khi trẻ ho



Sau các cơn ho kéo dài thường xuyên, bé Nghé ăn bao nhiều là nôn ói ra bấy nhiêu. Xót con nên mỗi lần như thế, chị Oanh (TP HCM) lại cho con dùng siro ho.

Siro ho có vị ngọt khiến bé rất thích, hơn nữa lúc đầu dùng thấy hiệu quả rất nhanh nên chị Oanh thường xuyên "ưu ái" sử dụng. Sau một thời gian bé Nghé bị nhờn thuốc, bây giờ mỗi lần điều trị ho cho bé rất vất vả.

Sốt ruột vì chăm mãi mà con vẫn ốm đau, thường ho húng hắng và chậm tăng cân, chị Vân Hà, nhân viên thu ngân của một nhà hàng tại Bình Thạnh đưa con đi khám bác sĩ. Bé được kết luận bị viêm họng và kê thuốc về uống. Dùng 3 ngày thấy đã bớt ho, hơn nữa bé lại bị tiêu chảy, sợ con còi cọc thêm nên thay vì báo lại bác sĩ, chị tự động cho con dừng thuốc, khiến bệnh không dứt điểm mà tái phát dai dẳng.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khoa Dịch vụ 1 bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, ho là một triệu chứng làm cho cha mẹ lo lắng , tuy nhiên đôi lúc ho là phản xạ tốt, là cơ chế có thể giúp tống chất nhầy nhớt ra khỏi phế quản, giúp bảo vệ họng và phổi của bé.

"Không nên tự động cho trẻ uống kháng sinh, thuốc ức chế ho, thuốc ngủ, hoặc thuốc chống dị ứng. Điều này vô cùng nguy hiểm vì những loại thuốc này có thể làm nặng thêm tình trạng viêm phổi, viêm thanh phế quản và hen suyễn ở trẻ. Ngoài ra những thuốc này còn có thể gây suy hô hấp ở trẻ nhỏ", bác sĩ Thanh khuyến cáo.

Bác sĩ Thanh đưa ra lời khuyên, nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế khi trẻ ho đột ngột kèm co thắt, khò khè, hoặc thở rít, tím tái. Đây có thể là do trẻ bị dị vật đường thở, phải sơ cứu ban đầu và cho trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Khi trẻ ho kèm nôn ói hoặc sốt cao 39 độ C, trẻ ho kèm khó thở, thở nhanh, nông, trẻ co giật hoặc li bì khó đánh thức, trẻ ho kèm thở mệt, cánh mũi phập phồng, co lõm ngực, tiết đàm nhớt nhiều... cũng cần được nhanh chóng đi gặp bác sĩ.

Trong trường hợp khi bé ho do cảm lạnh kèm sổ mũi, không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng bé vẫn ăn uống, chơi đùa bình thường, không nôn ói, có thể theo dõi bé ở nhà. Nên chăm sóc bé bằng cách cho bé uống nhiều nước cam, chanh hoặc ăn trái cây tươi, nấu cháo hoặc súp để bé dễ ăn hơn và theo dõi nhiệt độ của bé. Nếu bé đỡ ho, ăn uống tốt, không sốt, thở dễ thì thường bé sẽ khỏi trong vòng một tuần. Nếu bé hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.

Chia sẻ về liều dùng kháng sinh ở trẻ, bác sĩ Võ Quang Phúc, phó giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết, liều dùng kháng sinh cho các trường hợp bị ho thường một đến hai tuần, theo từng mức độ nặng nhẹ khác nhau. Việc lạm dụng hay ngưng thuốc nửa chừng có thể dẫn việc nhờn thuốc, bệnh dễ tái phát và khó điều trị hơn. Trẻ em sử dụng kháng sinh khi có những triệu chứng như tiêu chảy, mẩn ngứa, dị ứng... cần phải báo cho bác sĩ biết để đổi thuốc hợp lý.

"Trẻ em phải tùy theo cân nặng, trọng lượng của cơ thể sẽ có liều lượng sử dụng thuốc phù hợp. Nhiều cha mẹ không tuân theo chỉ định của bác sĩ mà tự động cho con dùng một nửa liều của người lớn, điều này có thể dẫn đến những hậu quả tai hại", bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Trẻ bị ho và nôn có khả năng do bị viêm họng



Hỏi: Thưa bác sỹ, trước đây con em không bị nôn, nhưng bắt đầu được 10 tháng thì cháu mọc răng, sổ mũi và ho. Em cho cháu uống kháng sinh sau khi đã ăn no, do thuốc quá đắng nên cháu bị nôn. Giờ em không cho uống thuốc nữa và chỉ cho cháu ăn vừa phải chứ không ăn no, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày nhưng sau lần đấy (cách đây 3 tuần) cháu rất dễ bị nôn lúc đang ăn hoặc sau khi ăn khoảng 1 tiếng.

Tuy cháu không nôn thường xuyên (trong 3 tuần nôn khoảng 4 – 5 lần) nhưng em rất lo. Em xin chi tiết thêm, Cháu phát triển bình thường (10 tháng 10kg), cháu mọc chiếc răng đầu tiên lúc tròn 10 tháng tuổi đúng lúc cháu mọc răng thì cháu bị sổ mũi và ho vài tiếng. Cháu bị như vậy khoảng 2 tuần, sau khi khỏi bệnh được mấy ngày em lại thấy cháu mọc chiếc răng thứ 2 và lại bị sổ mũi. Vậy xin hỏi bác sỹ con em bị gì ạ? Cháu bị sổ mũi và nôn có phải do mọc răng hay do cháu bị viêm tai giữa hoặc viêm màng não… không? Em có cần cho con đi khám không ạ? Chân thành cảm ơn bác sỹ!

Trả lời của bác sỹ chuyên khoa nhi: Nôn, trớ là triệu chứng thường gặp ở trẻ em, nhất là khi trẻ bị viêm mũi – họng. Con em có triệu chứng chảy mũi, ho như vậy có khả năng cháu bị viêm họng, các triệu chứng này không liên quan gì đến mọc răng cả, cháu cũng không bị viêm tai giữa hay viêm não gì cả, vì viêm tai giữa thường kèm theo sốt cao, nếu không điều trị kịp thời trẻ có thể bị chảy mủ tai, còn viêm não lại càng không phải vì viêm não trẻ nôn vọt, kèm theo co giật, nếu không điều trị kịp thừi trẻ có thể bị hôn mê. Nếu trong 3 tuần mà chỉ nôn có 4 – 5 lần thì chẳng có gì phải lo ngại cả.

Tuy nhiên nếu quá lo lắng em cũng có thể cho bé đi khám bác sỹ để xem mức độ viêm họng của cháu thế nào, nếu cần dùng thuốc BS sẽ kê đơn. Còn chế độ ăn em nên chia nhỏ nhiều bữa, không ép khi trẻ không muốn ăn, vì con em hiện tại cũng đang bị thừa cân rồi, không cần ép cháu ăn nhiều nữa.

Chăm sóc khi bé bị ho



Hỏi: Con em 19 tháng, cháu bị ho 3 ngày hôm nay. Xin hỏi cách chăm sóc để cháu chóng khỏi ho, cháu có cần kiêng ăn món gì không?

Trả lời của bác sỹ chuyên khoa nhi: Chế độ ăn khi trẻ bị ho nên tăng cường các loại rau xanh sẫm giàu vitamin A, giàu chất kẽm, chất sắt có trong thịt bò, gà, trứng… và các loại quả giàu vitamin C như cam, bưởi, lựu… Cho cháu uống nhiều nước và ăn uống bình thường không cần kiêng thức ăn nào cả, nếu ăn tôm thì mẹ có thể bóc bỏ vỏ tôm kẻo bé bị ngứa cổ họng.

Tuy nhiên, khi trẻ ốm trẻ thường biếng ăn nên mẹ hãy nấu những món có nhiều nước, dễ tiêu như: súp, cháo, sữa… đảm bảo bốn nhóm bột, béo đạm, rau và phù hợp với khẩu vị hàng ngày của trẻ.

Ngoài ra cần giữ ấm cho trẻ, kiêng quạt gió. Nếu cần dùng quạt và điều hoà thì mẹ chú ý không để luồng gió thốc trực tiếp vào người trẻ.

Về dùng thuốc, nếu trẻ chỉ ho nhẹ, vẫn ăn uống bình thường thì mẹ có thể áp dụng các bài thuốc chữa ho dân gian cho con như: quất hấp mật ong, húng chanh đường phèn vá lá hẹ, phật thủ và mạch nha hoặc cho con uống các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược. Nếu bé ho nhiều, mẹ cần cho con uống các loại thuốc ho theo đơn của bác sĩ. Mẹ nên vệ sinh mũi cho bé bằng cách nhỏ nước muối sinh lý giúp đường thở của trẻ thông thoáng. Thông thường trẻ sẽ khỏi ho sau 7 ngày.

Chúc bé mau chóng khỏi ho!