Tìm nguyên nhân và cách điều trị dị ứng sữa bò ở trẻ em

Thứ hai - 26/08/2013 01:28
Bệnh dị ứng sữa bò ở trẻ nhỏ không phải là hiếm gặp. Theo bác sỹ chuyên khoa da liễu nhi khoa, có khoảng 2-3% trẻ em trên toàn cầu bị dị ứng sữa bò.Theo bác sĩ Hoàng Thị Tín, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, có khoảng 2-3% trẻ em trên toàn cầu bị dị ứng sữa bò (tức cứ 100 bé thì có 4 cháu mắc căn bệnh này). Trong đó 50% em hết bị dị ứng sữa khi tròn 1 tuổi, 70% bé tròn 2 tuổi và khi trẻ lên 3.Hiện vẫn chưa được kết luận chính xác nguyên nhân sữa gây dị ứng ở trẻ. Tuy nhiên theo bác sĩ, các yếu tố...

Bệnh dị ứng sữa bò ở trẻ nhỏ không phải là hiếm gặp. Theo bác sỹ chuyên khoa da liễu nhi khoa, có khoảng 2-3% trẻ em trên toàn cầu bị dị ứng sữa bò.


Theo bác sĩ Hoàng Thị Tín, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, có khoảng 2-3% trẻ em trên toàn cầu bị dị ứng sữa bò (tức cứ 100 bé thì có 4 cháu mắc căn bệnh này). Trong đó 50% em hết bị dị ứng sữa khi tròn 1 tuổi, 70% bé tròn 2 tuổi và khi trẻ lên 3.


Hiện vẫn chưa được kết luận chính xác nguyên nhân sữa gây dị ứng ở trẻ. Tuy nhiên theo bác sĩ, các yếu tố di truyền kết hợp với việc cho trẻ bú sữa bò hay sữa đậu nành quá sớm có thể là tác nhân gây nên hiện tượng trên.


Cũng theo bác sĩ Tín, triệu chứng dị ứng sữa bò có thể xuất hiện trong vài tháng sau sinh. Một số trẻ có triệu chứng dị ứng tức thì ngay sau khi bú sữa bò nhưng một số trẻ khác có biểu hiện chậm hơn.


Theo các khảo sát, nếu cả bố mẹ đều bị dị ứng thức ăn thì tỷ lệ bé bị dị ứng là trên 60%; còn nếu chỉ một người mắc chứng này thì tỷ lệ di truyền cho trẻ gần 40%. Thức ăn gây dị ứng ở trẻ ngoài sữa còn có lòng trắng trứng, lạc, lúa mì, bột cá.


Kiểu phản ứng dị ứng nhanh thường xảy ra đột ngột với các biểu hiện như ói mửa, thở khò khè, nổi ban đỏ, mặt sưng phù. Nặng hơn là phản ứng phản vệ toàn thân. Biểu hiện của phản ứng dị ứng chậm thường nhẹ hơn như quấy khóc, tiêu chảy, nôn trớ, đầy hơi, tăng cân chậm.


dị ứng sữa bò ở trẻ em 1


Bác sĩ Chu Chí Hiếu, Trưởng phòng Dị nguyên, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dị ứng là phản ứng của mỗi người trước từng loại thực phẩm khác nhau. Riêng bản thân của sữa bò nói chung đã có chứa sẵn thành phần có thể gây dị ứng. Còn hiện tượng dị ứng có xảy ra hay không lại phải tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người sử dụng.


Cũng theo ông Hiếu, muốn tìm hiểu chính xác nguyên nhân dị ứng cần phải có điều tra dịch tễ chi tiết với nhiều xét nghiệm, phân tích lâm sàng khác nhau.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng bộ môn Dị ứng, Đại học Y Hà Nội, cho biết, hiện tượng dị ứng thường sẽ giảm dần theo thời gian. Tức sau 5 năm giảm xuống còn 50%, sau 10 năm giảm đến 80%, tuy nhiên cũng có trường hợp người cơ địa nhạy cảm phải tránh luôn những loại thức ăn gây dị ứng đến suốt đời.


Do không có xét nghiệm để dự báo trước cơ địa bị dị ứng thức ăn nói chung hoặc dị ứng sữa nói riêng, nên theo các chuyên gia, việc phát hiện dị ứng phụ thuộc vào mỗi người. Tức nếu sau ăn, uống một loại thực phẩm nào đó mà có những phản ứng bất thường, thì lần sau nên tránh hoặc đổi thức ăn.


Riêng các trẻ được xác định dị ứng protein sữa bò thì cần chuyển sang dùng thử các loại sữa có thành phần protein ít gây phản ứng dị ứng như sữa gạo, sữa hạnh nhân, sữa có công thức Non-dairy hay Pareve. Trẻ sơ sinh, tốt nhất nên dùng sữa mẹ. Tuy nhiên mẹ cũng phải cẩn thận trong khẩu phần ăn vì sữa bò có thể hấp thu vào sữa mẹ nếu mẹ dùng sữa bò.


Các bác sĩ khuyên, với những trẻ có cơ địa dị ứng, phụ huynh nên kiểm tra thành phần ghi trên nhãn sản phẩm trước khi sử dụng. Ngay cả những sản phẩm dùng quen vẫn phải đọc lại thông tin trên nhãn vì nhà sản xuất có thể thay đổi thành phần. Việc thông báo cho người chăm sóc trẻ như bảo mẫu, cô giáo, ông bà về tình trạng dị ứng của bé là thực sự cần thiết.


Trong trường hợp trẻ có biểu hiện xấu sau khi dùng thức ăn như đau bụng, chóng mặt, đau đầu, tím tái, cần nhanh chóng đưa đi bệnh viện để được tìm hiểu nguyên nhân xem bé bị ngộ độc hay dị ứng với thức ăn và kịp thời xử trí.



Nguyên nhân và cách điều trị dị ứng sữa bò ở trẻ em


Sữa là một trong những sản phẩm được sử dụng nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày trên thế giới. Sản phẩm từ sữa hay những thực phẩm có chứa sữa trong thành phần vô cùng phong phú về chủng loại, từ những loại sữa không béo, sữa có năng lượng cao, sữa dành cho trẻ bị tiêu chảy, cho đến các loại bánh kẹo, chocolate, thực phẩm dinh dưỡng.


dị ứng sữa bò ở trẻ em 2


Ðối tượng khách hàng chính tiêu thụ sữa và các sản phẩm có chứa sữa là trẻ em. Hiệu quả của sữa về mặt dinh dưỡng thì có lẽ bất kỳ ai cũng đều hiểu rõ, nhưng một vấn đề không nhỏ có liên quan đến sữa ít được biết đến, đó là vấn đề dị ứng với protein trong sữa bò ở trẻ em, mà ta sẽ gọi tắt là dị ứng sữa bò.


Dị ứng sữa bò là gì? Tại sao trẻ lại bị dị ứng?


Trước tiên cần phải phân biệt với tình trạng bất dung nạp Lactose, là một tình trạng hoàn toàn khác với tình trạng dị ứng sữa bò. Bất dung nạp Lactose xảy ra khi cơ thể mất khả năng tiêu hóa Lactose, một loại đường có trong sữa. Còn dị ứng với sữa bò là tình trạng hệ miễn dịch trong cơ thể của trẻ "tấn công" một cách bất thường những thành phần protein đã được định lượng một cách chuẩn mực trong thành phần của sữa dành cho trẻ, gây ra phản ứng dị ứng.


Theo các thống kê cho thấy, có từ 1-7,5% trẻ nhỏ bị dị ứng với các protein chứa trong sữa bò. Khi bị dị ứng với sữa bò, việc đầu tiên các thầy thuốc thường khuyến cáo cha mẹ là cho trẻ chuyển sang uống sữa đậu nành thay cho sữa bò, tuy nhiên lại có khá nhiều trẻ bị dị ứng sữa bò cũng bị dị ứng với các protein trong thành phần của sữa đậu nành.


Cho đến nay, mặc dù đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khác nhau về lĩnh vực miễn dịch học ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn nguyên nhân gây ra dị ứng thực phẩm nói chung và dị ứng sữa bò nói riêng, cũng như tại sao lại có một số trẻ bị dị ứng còn một số trẻ khác lại không? Nhưng người ta tin rằng, nguyên nhân gây ra dị ứng sữa bò là do sự kết hợp giữa những yếu tố về di truyền học và việc cho trẻ bú sữa bò hay sữa đậu nành quá sớm. Một số nghiên cứu đã cho thấy những trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít bị nguy cơ dị ứng hơn so với những trẻ chỉ bú sữa bò hay sữa đậu nành. Tuy nhiên, để có được những giải đáp một cách thấu đáo, cần có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa.


Những biểu hiện của tình trạng dị ứng sữa


Những triệu chứng của tình trạng dị ứng sữa bò nói chung thường xuất hiện trong vòng 6 tháng tuổi đầu tiên và sẽ thuộc 1 trong 2 kiểu biểu hiện: Phản ứng dị ứng nhanh hoặc chậm. Trong đó biểu hiện phản ứng dị ứng chậm là thể lâm sàng thường gặp.


- Kiểu biểu hiện phản ứng dị ứng nhanh thường xảy ra đột ngột với các biểu hiện như: ói mửa, thở khò khè, nổi ban đỏ, mặt sưng phù, hay nặng hơn là phản ứng phản vệ toàn thân. Có những trẻ nhạy cảm với sữa đến mức chỉ dùng khăn có dính sữa lau miệng hay uống chung ly của trẻ khác có dính ít sữa còn sót lại cũng gây nên phản ứng dị ứng.


- Biểu hiện phản ứng dị ứng chậm thường nhẹ, không rõ ràng. Những triệu chứng gợi ý tình trạng dị ứng có thể là: trẻ bứt rứt khó chịu, quấy khóc thường xuyên, ói mửa, đau bụng, đi cầu phân lỏng (có thể có ít máu trong phân), chậm tăng cân và tăng trưởng không đạt mức bình thường. Thể lâm sàng này thường khó chẩn đoán vì những biểu hiện triệu chứng trên cũng có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác. Hầu hết trẻ em ở thể bệnh này sẽ hết tình trạng bất dung nạp với sữa vào lúc 2 tuổi.


Cần phân biệt những triệu chứng của bất dung nạp Lactose với dị ứng sữa bò. Bất dung nạp Lactose thường có biểu hiện triệu chứng là: chướng bụng, đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy do không tiêu hóa được đường Lactose có trong thành phần sữa.


Chẩn đoán bệnh ra sao?


- Nếu những triệu chứng xảy ra rõ ràng, nhất là ở thể phản ứng dị ứng nhanh, việc chẩn đoán thường không khó, nhưng nếu là thể phản ứng dị ứng chậm thì khó hơn vì có thể nhầm với những bệnh lý khác.


- Tình trạng bứt rứt khó chịu và quấy khóc ở trẻ là biểu hiện bình thường, bất kỳ trẻ nào cũng có thể có, nhưng nếu xảy ra quá nhiều thì có thể có một sự bất thường nào đó. Vì không thể chắc được đây là những quấy rối bình thường của trẻ hay là bệnh lý, và có phải do dị ứng sữa bò hay do một tình trạng nào khác hay không? Do đó tốt nhất nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để có được chẩn đoán chính xác. Tại phòng khám, để xác định chẩn đoán, các bác sĩ sẽ thăm hỏi kỹ lưỡng về tiền sử dị ứng của gia đình bạn, khám bệnh, đồng thời sẽ làm những xét nghiệm đặc hiệu cho trẻ.


- Xét nghiệm phân có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Phân của trẻ bị dị ứng sữa bò thường có lẫn máu. Trong khi đó phân của trẻ bị bất dung nạp Lactose lại có tính acid và chứa thành phần đường không tiêu hóa được.


- Xét nghiệm thử phản ứng dị ứng trên da được thực hiện bằng cách tiêm một ít protein có trong sữa bò vào dưới da để tạo ra phản ứng miễn dịch. Nếu có dị ứng thì sẽ thấy nổi một đốm đỏ, cứng ở chỗ tiêm mà thông thường hay được gọi là nổi mề đay. Tuy nhiên, test này vẫn chưa phải là đặc hiệu hoàn toàn vì có rất nhiều trẻ nhỏ bị dị ứng với sữa bò vẫn cho kết quả âm tính, và nhiều trẻ lớn hơn không bị dị ứng sữa lại cho kết quả dương tính.


Ðiều trị và phòng ngừa dị ứng sữa bò ở trẻ em


Nguyên tắc điều trị dị ứng sữa bò chủ yếu là tránh tác nhân gây dị ứng và thay đổi lối sống, việc dùng thuốc cần phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Vấn đề chăm sóc và phòng bệnh cho trẻ là vô cùng cần thiết.


1. Tránh tác nhân gây dị ứng và thay đổi lối sống:


- Ngưng sử dụng sữa bò cho trẻ. Nếu con bạn bị dị ứng thuộc kiểu phản ứng dị ứng nhanh, cần chuyển sang sử dụng sữa đậu nành vì trong đó cũng khá đầy đủ những thành phần dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.


- Nếu đã chuyển sang sử dụng sữa đậu nành nhưng triệu chứng vẫn không hết thì có thể con bạn đồng thời cũng bị dị ứng với thành phần protein có trong sữa đậu nành. Ở thể phản ứng nhanh, chỉ có 8%-15% trẻ nhỏ bị dị ứng với protein của sữa đậu nành, nhưng ở thể phản ứng chậm lại chiếm tỷ lệ khá cao là khoảng 50%.


Lúc này, bạn phải chuyển sang sử dụng những loại thực phẩm có thành phần protein ít gây ra phản ứng dị ứng. Những loại protein này đã được xử lý đặc biệt để hạn chế tối đa việc gây dị ứng, tuy nhiên giá thành của chúng thường đắt gấp ba lần so với sữa bò. Có thể sử dụng một số sản phẩm sau: sữa gạo (rice milk), sữa hạnh nhân, những sản phẩm ghi ngoài nhãn là Non-dairy hay Pareve (sản phẩm không chứa sữa như: kem, chocolate, pho mát, sữa chua)...


- Thời gian sử dụng sản phẩm ít gây kích ứng dị ứng ít nhất phải là 2 tháng, cũng có khi phải kéo dài đến 12 tháng. Sau thời gian này, cần cho trẻ dùng lại sữa bò để xem trẻ có dung nạp được hay chưa? Nếu vẫn còn dị ứng thì lại dùng tiếp sản phẩm thay thế và cứ mỗi 3-6 tháng lại cho trẻ dùng lại sữa bò để kiểm tra vấn đề dung nạp.


- Có thể chuyển sang cho trẻ bú mẹ nếu trẻ còn nhỏ và mẹ còn sữa, tuy nhiên chế độ ăn của mẹ phải được thiết lập bởi một bác sĩ chuyên về dinh dưỡng để có thể đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết. Cần lưu ý rằng các protein có trong sữa bò có thể đi qua sữa mẹ, vì vậy cần phải loại bỏ hết những thực phẩm có chứa sữa trong chế độ ăn của người mẹ.


2. Sử dụng thuốc:


- Các loại thuốc sử dụng khi có dị ứng cần phải theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc thường được dùng trong điều trị là: Cromolyn, Antihistamin, Ketotifen, Corticosteroid và các thuốc ức chế tổng hợp Prostaglandin. Epinephrine được sử dụng trong trường hợp bị phản ứng phản vệ cấp tính.


3. Phòng ngừa:


- Luôn luôn phải kiểm tra thành phần ghi trên nhãn sản phẩm trước khi sử dụng. Ngay cả với những sản phẩm đã dùng quen vẫn phải đọc lại vì nhà sản xuất có thể thay đổi thành phần của sản phẩm.


- Cần báo cho những người chăm sóc con bạn như người trông trẻ, cô giáo, ông bà... về tình trạng dị ứng của trẻ để họ tránh cho trẻ sử dụng sữa hay những sản phẩm có chứa sữa.
- Nếu cần, có thể dán một miếng giấy nhỏ lên những thực phẩm có chứa sữa.


- Phải ghi rõ tiền sử dị ứng của con bạn trong những hồ sơ liên quan.


- Chuẩn bị sẵn một số thuốc chống dị ứng tại nhà để dùng khi cần thiết. Ở một số nước đã có loại Epinephrine được định liều sẵn trong một ống tiêm nhỏ nhằm có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.


- Nếu con bạn bị phản ứng phản vệ cấp cần phải nhanh chóng đưa trẻ đi bệnh viện ngay.