Trẻ chậm biết nói - Chăm sóc như thế nào và có phải trẻ bị tự kỷ?

Thứ tư - 06/11/2013 21:04
Trẻ từ 3 tuổi trở lên mà chưa biết nói, có thể nghi ngờ trẻ bị tự kỷ tuy nhiên không phải chậm nói là bị tự kỷ, cần thêm các triệu chứng điển hình để xác định. Phần lớn nguyên nhân trẻ chậm nói là do rối loạn cảm xúc và tâm lý trẻ có vấn đề. Do đó, các bậc cha mẹ phải biết cách chăm sóc trẻ chậm nói đúng phương pháp để trẻ có thể phát triển bình thường trở lại.Trẻ 3 tuổi đã có thể giao tiếp tốt bằng ngôn ngữ; ông bà ta có câu: "Thỏ thẻ như trẻ lên ba". Nếu quá tuổi này mà trẻ chưa có khả năng...

Trẻ từ 3 tuổi trở lên mà chưa biết nói, có thể nghi ngờ trẻ bị tự kỷ tuy nhiên không phải chậm nói là bị tự kỷ, cần thêm các triệu chứng điển hình để xác định. Phần lớn nguyên nhân trẻ chậm nói là do rối loạn cảm xúc và tâm lý trẻ có vấn đề. Do đó, các bậc cha mẹ phải biết cách chăm sóc trẻ chậm nói đúng phương pháp để trẻ có thể phát triển bình thường trở lại.


Trẻ 3 tuổi đã có thể giao tiếp tốt bằng ngôn ngữ; ông bà ta có câu: "Thỏ thẻ như trẻ lên ba". Nếu quá tuổi này mà trẻ chưa có khả năng trao đổi những điều thông thường nghĩa là đã bị chậm nói.


chăm sóc trẻ chậm biết nói 1


Trung bình trẻ 1 tuổi có thể sử dụng được khoảng 10 từ ngữ; lên 1 tuổi rưỡi có khoảng 30-40 từ. Từ 1 tuổi rưỡi tới 2 tuổi, vốn từ của trẻ tăng lên rất nhanh: khoảng 300 từ; từ 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi: trên 500 từ. Cuối năm thứ 3, vốn từ có thể đạt tới 1.200-1.500 và trẻ có thể trao đổi được bằng lời nói những điều thông thường trong sinh hoạt.


Đó là khả năng của những trẻ được phát triển trong "môi trường ngôn ngữ" tốt (cha mẹ chăm trò chuyện với trẻ, gia đình đông anh chị em, được gửi vườn trẻ...). Những trẻ ở vùng cao, vùng sâu, ít được tiếp xúc thì ngôn ngữ thường kém phát triển hơn. Những trẻ đẻ non, còi xương, thể tạng yếu đuối, suy dinh dưỡng... cũng thường chậm nói, đi kèm với chậm mọi phát triển về vận động khác (lẫy, bò, đi...).


Với trẻ chậm nói, cần phân biệt 2 khả năng về ngôn ngữ. Nếu trẻ vẫn hiểu được lời nói (chỉ đúng những gì ta hỏi như "tai đâu, mắt đâu..." và thực hiện đúng những mệnh lệnh giản đơn như lấy mũ, dép) thì đó chỉ là chậm nói đơn thuần. Nếu được giúp đỡ tốt, những trẻ này có thể phát triển lời nói rất nhanh để không bị chậm trễ về mặt ngôn ngữ khi đến tuổi đi học.


Ngược lại, những trẻ bị chậm cả diễn đạt lẫn cảm thụ ngôn ngữ thường có căn nguyên nghe kém hoặc chậm khôn; việc giúp đỡ sẽ khó khăn hơn nhiều. Trẻ nhất thiết phải được thầy thuốc chuyên khoa tai khám, đo sức nghe và đo chỉ số IQ.


Trong quá trình học nói, trẻ cần có sức nghe hoàn hảo để ghi nhận được chính xác các âm thanh của lời nói, có trí tuệ tốt để phân biệt và ghi nhớ mối liên hệ giữa khái niệm và tên gọi của nó. Mặt khác, khả năng phát âm của trẻ còn phụ thuộc vào sự thuần thục dần của hệ thần kinh (lời nói đòi hỏi sự hiệp đồng tinh tế nhiều cơ của bộ máy phát âm và cấu âm), không thể đốt cháy giai đoạn.


Các chỉ số của phát triển ngôn ngữ ở trẻ vào giai đoạn học nói (từ 1 tuổi đến 3 tuổi) phản ánh rất đầy đủ sự phát triển đồng bộ về thể chất và trí tuệ của trẻ trong giai đoạn này. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần hết sức quan tâm theo dõi.



Bé chậm nói có phải là dấu hiệu của tự kỉ?


“Ngay từ khi mới sinh, cháu đã ngoan ngoãn, ít quấy khóc, không giật mình. Mình cứ ngỡ đó là bình thường, giống gen bố ‘lầm lì ít nói’, vậy mà khi được 18 tháng, tình trạng này vẫn không khá hơn là bao. Dù mình đứng gần gọi và thu hút sự chú ý của bé thế nào, bé vẫn không có biểu hiện gì. Lúc này linh cảm mách bảo sự chẳng lành, đưa con tới khám thì cũng muộn…”, chị vừa khóc vừa tâm sự.


Mẹ vô tâm khiến con tự kỷ


Ngay khi còn nhỏ, Duy Anh đã tỏ ra là một cậu bé thông minh nhưng vô cùng lầm lỳ, khép kín, lúc nào bé cũng thích chơi tha thẩn một mình. Thế giới của cậu luôn chỉ là tivi và cái tầu hỏa mà bố mua cho.


Vì bận rộn nên sau khi sinh con, chị Hoa (Đống Đa, Hà Nội) – mẹ của bé trở lại với công việc, tất thảy việc trông nom Duy Anh, chị Hoa dựa hoàn toàn vào cô giúp việc.


Khi Duy Anh được khoảng 16 tháng, cô giúp việc đôi lần tâm sự với chị nên đưa bé đi khám bởi dường như bé “lờ tịt” với bất kỳ lời nói nào của người khác. Ngoài ra, bé không bao giờ ngồi bô hay để người lớn xi mà phải đóng bỉm, lên giường nằm rồi bé mới ị hay tè được.


Chị Hoa lại cười xòa và khẳng định không thể nào lại có chuyện đó, xem tivi là một tín hiệu tốt cho thấy bé ham thích tìm hiểu mọi thứ xung quanh mình.


Mãi đến khi 2,5 tuổi nhưng bé chẳng nói chẳng rằng suốt ngày ngẩn ngơ không chơi một mình thì cũng cắm mặt vào màn hình tivi, những lúc chị tìm cách ôm ấp thì bé nằng nặc từ chối, tránh né, chị mới đưa con đi khám thì đã quá muộn, tại đây, bác sĩ chẩn đoán Duy Anh bị hội chứng tự kỷ.


Nghe xong, chị òa khóc vì sự vô tâm của mình, chị tự trách bản thân nếu sớm phát hiện ra thì con đâu có khổ như thế này.


Bị điếc bẩm sinh, mẹ tưởng con ngoan, ít nói


Ai nhìn vào nhà chị Thanh Ngọc (Định Công, Hà Nội) cũng khen chị “đẻ khéo” vì bé Khoai xinh xắn lại rất ngoan ngoãn, đáng yêu thế nhưng sau 1 thời gian, chị mới biết cái sự ngoan ngoãn ấy có “vấn đề”.


“Ngay từ khi mới sinh, cháu đã ngoan ngoãn, ít quấy khóc, không giật mình. Mình cứ ngỡ đó là bình thường, giống gen bố ‘lầm lì ít nói’, vậy mà khi được 18 tháng, tình trạng này vẫn không khá hơn là bao. Dù mình đứng gần gọi và thu hút sự chú ý của bé thế nào, bé vẫn không có biểu hiện gì. Lúc này linh cảm mách bảo sự chẳng lành, đưa con tới khám thì cũng muộn…”, chị vừa khóc vừa tâm sự.


Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bé bị điếc bẩm sinh mức nặng, khả năng câm là rất lớn.


Con chậm nói tưởng nhầm thành tự kỷ


Bé Minh Thư – con gái chị Thúy (Tây Hồ, Hà Nội) xinh đẹp như thiên thần. Vì mãi mới được một mụn con nên ai trong nhà cũng chiều chuộng, yêu quý bé.


Nhưng đến 3 tuổi mà con chưa nói được lời nào, thêm vào đó, chiều hôm vừa rồi cô giáo mời chị đến trường vì Thư cào bạn Mạnh rách cả mặt, tóm lại Thư không chơi với ai ở lớp, bé suốt ngày đập phá, quăng đồ chơi, chị đâm lo. Lên mạng, chị ngỡ ngàng khi những dấu hiệu có ở con “hao hao” với trẻ tự kỷ. Anh chị suy sụp và cấp tốc cho con đi khám.


Nhưng may mắn làm sao bé không bị hội chứng này mà chỉ bị rối loạn cảm xúc và chậm nói mà thôi.


Cha mẹ cần chú ý tới hành vi của con


Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Anh Thư (Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Pháp) cho rằng cha mẹ nên chú ý đến hành vi của con, nếu thấy con mình có bất kỳ những dấu hiệu bất thường nào về ngôn ngữ, về phản xạ, hãy nhanh nhất đưa con tới bệnh viện để được các bác sĩ có chuyên môn can thiệp kịp thời.


Dấu hiệu của trẻ tự kỷ:


Trên 10 tháng tuổi, bé ngoan, khó ngủ, bé thu mình, không quan tâm đến người khác, một mình mình một thế giới, không thích chơi với bạn cùng lứa tuổi, tránh tiếp xúc tối đa, khó khăn khi tham gia các trò chơi, thích thú khi chơi đồ chơi một cách khác thường, hung hăng, dễ tự làm tổn thương bản thân, không phản ứng với tiếng gọi, ánh mắt đờ đẫn, không biết đáp lại khi có người gọi tên, mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội….


Nguyên nhân gây nên hội chứng này có thể do các yếu tố sinh học hoặc môi trường, hoặc cả hai, bao gồm cả các yếu tố nhiễm khuẩn lúc mang thai, các khiếm khuyết của hệ thống miễn dịch, gen.


Dấu hiệu trẻ bị điếc bẩm sinh:


Trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên không có bất kỳ phản ứng nào với âm thanh lạ (dù rất to); không trao đổi ê a, không quay đầu lại với người thân (do bé không nghe được hoặc nghe thấy âm thanh vô cùng nhỏ); phát triển mạnh ngôn ngữ nét mặt, điệu bộ, cử chỉ (vì không thể biểu lộ mình bằng lời nói); bé không thích đập, ném đồ chơi (thường những bé có thính lực tốt, bé sẽ rất thích nghe những âm thanh của những vật phát ra)…


Nguyên nhân khiến bé bị điếc bẩm sinh có thể do di truyền từ người thân trong gia đình; do trong quá trình mang thai và sinh nở người mẹ gặp bất thường (sinh non, đẻ khó, bé bị ngạt trong quá trình ra đời); hoặc do bé bị bệnh viêm tai, viêm màng não, sởi, quai bị…


Bên cạnh đó, có rất nhiều em bé bị mắc bệnh về tâm lý như rối loạn tâm lý, rối loạn hành vi, chậm nói; hay điếc bẩm sinh… bị nhầm là tự kỷ hoặc ngược lại.


Bác sĩ Anh Thư nhấn mạnh, đúng là những biểu hiện của bệnh tự kỷ và điếc bẩm sinh có sự giống nhau như chậm nói; sống thu mình song những bé tự kỷ không bị điếc, bé vẫn nghe thấy những âm thanh, tiếng ồn phát ra xung quanh mình nhưng bé “lờ đi”, chắc chắn nếu có tiếng động bất ngờ, bé tự kỷ vẫn bị giật mình.


Còn với em bé không may bị điếc bẩm sinh thì khả năng nghe và phản ứng lại với âm thanh là hoàn toàn không có.


Trẻ chậm nói thường sống khép kín vì không biết chia sẻ thế nào với người khác, hoặc cũng có thể tìm cách “gây hấn” bằng những hành động “cào cấu”, điều này càng dễ bị hiểu lầm là trẻ tự kỷ.


Tóm lại, cha mẹ cần chú ý tới sự phát triển của con theo từng mốc giai đoạn cụ thể, khi phát hiện ra có những dấu hiệu lạ về hành vi, ngôn ngữ của con, cha mẹ cần bình tĩnh đưa con tới bệnh viện để thăm khám.


chăm sóc trẻ chậm biết nói 2



Bé 2 tuổi chậm nói có phải bệnh tự kỷ?


Hỏi: Con trai em nay được 2 tuổi rồi, nhưng rất biếng ăn nên chậm tăng cân. Hiện nay bé chỉ cân nặng 10,5 kg. Bé rất ít nói, khi em dạy bé nói và xem truyện tranh thì bé nói được 1 đến 2 từ và nói rất nhiều, còn bình thường có việc gì hay vòi vĩnh thì bé chỉ ư e ít nói thành tiếng. Gặp cô giáo hay người quen gần nhà hỏi chuyện thì bé làm lơ, liếc mắt ngó nơi khác không nói gì, mẹ bảo ạ cô thì không ạ, có khi ạ thì rất miễn cưỡng. Nhưng ở nhà bé rất hiếu động, đôi khi rất ngoan làm theo lời mẹ, nhưng cũng có khi mẹ bảo gì bé cũng không nghe. Cho em hỏi, bé em như vậy có bệnh tự kỷ không?, làm sao giúp bé nói được nhiều? Nếu mắc bệnh thì đưa bé đi khám ở đâu? (Em đang ở TP. HCM, bé nhà em sinh non tháng, cân nặng có 2,1 kg, thường ở nhà bé hay chơi một mình, chỉ thích chơi với bạn lớn tháng hơn, ngoài giờ đi làm em luôn dành thời gian chơi với bé, đưa bé đi chơi)


Trả lời của bác sĩ nhi khoa:


Tự kỷ là hiện tượng rối loạn về tương tác xã hội, rối loạn về giao tiếp và có hành vi lặp đi lặp lại. Việc chẩn đoán thường dựa vào quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ. Ví dụ:


Nếu cha mẹ chú ý có thể phát hiện bệnh khi trẻ mới ở tháng đầu sau khi sinh. Đối với những đứa trẻ bình thường, chúng có thể nghe và ngửi được mùi của mẹ, khi được mẹ ôm vào lòng sẽ có biểu hiện khoan khoái dễ chịu nhưng trẻ tự kỷ thì không tiếp nhận được bằng các giác quan.


Thường thì trẻ 3 tháng có thể tự ngóc đầu được nhưng trẻ tự kỷ không thể làm như vậy, khi được bồng bế cơ thể như đờ ra.


Lúc 6 tháng tuổi, trẻ tự kỷ sẽ có biểu hiện quá ngoan hoặc quá hung hăng, không cười, nhìn xa xôi, không bám lấy mẹ (ai bế cũng được), không biết cách ôm ấp lại mẹ, không biết phát âm những tiếng đơn giản như a, à, ba... Trẻ bình thường ở độ tuổi này rất thích đồ chơi nhưng trẻ mắc bệnh tự kỷ lại không chú ý đến.


Khi được 1 tuổi, trẻ tự kỷ vẫn không tiếp xúc bằng mắt, không biết bắt chước, thờ ơ với tiếng động.


Lên 2 tuổi, trẻ có những vận động bất thường như đi bằng đầu ngón chân, ngồi hay lắc người, vặn xoắn tay chân... Ngôn ngữ lặp lại, tiếp xúc kém, tình cảm nghèo nàn, vệ sinh chưa tự chủ…


Trước đây, các nước trên thế giới điều trị bệnh tự kỷ như bệnh tâm thần. Ngày nay hướng điều trị mới cho các trẻ mắc bệnh này là chữa bệnh bằng tâm lý. Cụ thể:


- Xây dựng lại cấu trúc tâm lý và nhân cách cá nhân tùy từng trường hợp cụ thể, giúp trẻ trở lại đúng khung tâm lý của trẻ.


- Xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa trẻ với gia đình (đặc biệt là với mẹ), quan hệ giữa trẻ với giáo viên, với bạn bè và môi trường xung quanh để thiết lập mối quan hệ tương tác xã hội.


- Tập cho trẻ có ý thức về bản thân và tự khẳng định bản thân.


- Tập phát triển ngôn ngữ phù hợp với khả năng của trẻ.


Trường hợp bé của anh/chị tôi cũng không thể kết luận được nếu chỉ dựa vào việc bé chậm nói. Do đó, anh/chị có thể dựa vào những thông tin tôi cung cấp để tìm hiểu thật sự bé có mắc bệnh tự kỷ hay không hoặc có thể mang bé đến Khoa tâm lý của Bệnh viện nhi Đồng 2 để được chẩn đoán chính xác hơn.



Nguyên tắc can thiệp khi trẻ Chậm nói


Chậm nói là một dấu hiệu xuất hiện trong nhiều rối nhiễu tâm lý khác nhau, từ tình trạng chậm khôn cho đến trẻ có hội chứng Tự kỷ đều có tình trạng chậm nói, nhưng sự rối loạn ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ thường đa đạng và phức tạp hơn.


Trẻ tự kỷ có thể nói rất rõ, nhưng lại là những từ vô nghĩa hay không đúng ngữ cảnh, như khi ngó ra ngoài đường nhìn những chiếc xe qua lại, trẻ lại thốt lên: Cái ly đâu rồi?


Còn một trẻ chậm nói do tình trạng chậm khôn là do trẻ không đủ vốn từ để diễn tả, chúng ta sẽ có cảm nhận là trẻ rất muốn nói nhưng lại không biết nói như thế nào, hoặc chỉ có thể nói được từng từ một.


Vì vậy, nếu chỉ dựa trên một biểu hiện là chậm nói để kết luận đó là một trẻ Tự Kỷ hay đó là trẻ Chậm khôn là một điều vội vã, cần phải có sự quan sát, chẩn đoán đầy đủ và kỹ lưỡng hơn.


chăm sóc trẻ chậm biết nói 3


Nguyên lý chăm sóc trẻ


Việc chăm sóc cho trẻ chậm nói là một tiến trình lâu dài, cần phải có một kế hoạch cụ thể, qua đó cha mẹ phải tìm ra được những gì mà trẻ có thể làm, ta xem trẻ đang cố gắng giao tiếp bằng cách nào: Dùng điệu bộ, từ hay âm. Khi biết trẻ có ý định giao tiếp ta hãy giúp trẻ có khả năng giao tiếp với từng loại thông tin khác nhau. Khi trẻ chỉ có phản ứng, ta vẫn chấp nhận phản ứng của trẻ nhưng cố gắng giúp trẻ chủ động hơn trong sự giao tiếp.


Trong trường hợp trẻ tỏ ra không biết hay không muốn giao tiếp, ta cần có những tác động kích thích (ôm ấp, vỗ về, hỏi han, cười, nhìn trẻ) Và khi trẻ đã có phản ứng, hãy khích lệ trẻ để trẻ có thể nói (bằng lời hay bằng dấu hiệu) các nhu cầu của mình.


Trẻ có thể có những phản ứng đồng ý hay không đồng ý, đôi khi chúng ta cần có những tác động để trẻ phản đối (lấy đồ chơi, bắt trẻ ngưng làm điều mà trẻ thích) nhưng là để quan sát cách biểu lộ bằng hành vi hay ngôn ngữ để phản đối của trẻ chứ không nên kéo dài, hay cố gắng trêu chọc dể trẻ phải phản ứng mạnh hơn.


Trong cuộc sống, trẻ sẽ có sự quan sát và ghi nhận những hoạt động bằng hình ảnh và ngôn ngữ xảy ra chung quanh mình. Vì vậy bố mẹ cần tích cực trong việc :


- Chào hỏi nhau, chào hỏi bạn bè, họ hàng, con cái … để trẻ học và hiểu ý nghĩa các lời chào hỏi này. Và thường xuyên tác động khi gặp trẻ bằng những câu chào hỏi.


- Mô tả, nói ra những nhu cầu của trẻ, những yêu cầu và hành động của bố mẹ, của những người xung quanh, giúp trẻ tăng cường vốn từ, sự hiểu biết.


- Khi chơi với trẻ, hãy thường xuyên đặt câu hỏi và tự trả lời (vì trẻ sẽ không thể trả lời ngay, hay chỉ có thể phản ứng bằng hành động: gật đầu, lắc đầu, đẩy ra, đưa tay tóm lấy… )


- Thỉnh thoảng có thể dấu một món đồ đi và đặt ra câu hỏi: Con búp bê đâu rồi ?


Trong việc dạy trẻ, một điều rất quan trọng là cần kết hợp giữa SỰ VUI THÍCH và YÊU CẦU. Nếu muốn trẻ học tốt, trẻ phải có sự vui thích trong khi học, vì vậy việc hướng dẫn từ ngữ nên thông qua các trò chơi là chính, phải biến đổi cả những hoạt động bình thường như ăn uống…cũng có thể trở thành những trò chơi để trẻ luôn luôn đáp ứng trong sự tự nguyện vì vui thích và mong muốn chứ không phải đáp ứng vì ép buộc hay miễn cưỡng trong sự lo lắng.


Như vậy, việc lập một kế hoạch tập nói cho trẻ phải dựa trên các yếu tố sau:


- Nói với trẻ, diễn giải ra bằng ngôn ngữ nói càng nhiều càng tốt.


- Nói và giải thích, hỏi và trả lời một cách thật cụ thể.


- Tạo ra mọi cơ hội trong mọi thời điểm và ở mọi nơi.


- Chú trọng yếu tố vui thích trong mọi yêu cầu.


Xây dựng quan hệ xã hội giúp trẻ thích giao tiếp


Phát triển sự quan hệ với mọi người là một yêu cầu thiết để giúp trẻ học cách giao tiếp. Từ nhỏ, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thường có sự hạn chế trong việc giao tiếp với mọi người, đặc biệt là với những người thân. Vì vậy trẻ cần được tăng cường các hoạt động tiếp xúc gần gũi như trong các trò chơi, cười đùa, bồng ẵm, gây tiếng động và tiếp xúc qua ánh mắt, đặc biệt là đối với bố mẹ. Bố mẹ có thể tạo ra mối quan hệ thông qua một hoạt động cùng nhau (ăn chung, chơi chung, làm một việc gì đó trong nhà chung với nhau) hay thông qua một vật (cùng trò chuyện qua một câu chuyện kể với những con búp bê, con rối – cùng nhìn về một vật, một hình ảnh nào đó) Cùng xem tranh với trẻ, chỉ cho trẻ các hình ảnh và nhân vật với lời thuyết minh ngắn gọn rõ ràng, cụ thể và đơn giản.


Ngay cả trong các hoạt động bình thường, khi thấy trẻ có vẻ muốn hỏi (đưa mắt nhìn) ta nên nói cho trẻ biết công việc mình đang làm: Mẹ đang nấu cơm, đang soạn bài, đang xếp quần áo, đang đánh vi tính … Khi trao đổi, cha mẹ nên nói một cách chậm rãi, kiên nhẫn chờ trẻ trả lời dù rất ngắn với thái độ vui vẻ, khích lệ. Bố mẹ nên tìm ra các hoạt động đơn giản trong khi chơi với trẻ để dạy như lần lượt tung quả bóng lên – xây các tháp gỗ bằng cách lần lượt đặt các mẩu gỗ lên – lần lượt vỗ tay …


Bắt chước là một kỹ năng thiết yếu trong việc giao tiếp, trẻ có thể bắt chước hành động (ngôn ngữ không lời) và tiếng nói. Với trẻ bắt chước bằng hành động là dễ nhất, và thông qua những hành động mà trẻ có khả năng bắt chước, ta có thể đánh giá khả năng tiếp thu của trẻ. Ta có thể kích thích hay tập cho trẻ bắt chước bằng cách bắt chước chính những động tác của trẻ


Ví dụ: Trẻ dơ tay sờ mũi, ta cũng sờ mũi trẻ sẽ bắt chước lặp lại hành vi trên, điều này sẽ tạo ra sự chú ý cho trẻ, từ đó chuyển sang hành động khác như sờ tai, trẻ sẽ làm theo…


Với một số trẻ tỏ ra thờ ơ trong việc bắt chước, ta hãy kiên nhẫn tập cho trẻ lập lại những động tác trên bằng cách nắm lấy tay trẻ sờ vào mũi, vào tai của ta – Sự tiếp xúc trực tiếp giữa hai cơ thể là điều kích thích cảm giác nơi trẻ . Khi trẻ đã bắt đầu có hứng thú trong việc bắt chước các hành động, ta sẽ chuyển dần sang sự bắt chước các âm thanh. Cũng bắt đầu với âm thanh mà trẻ tự phát ra hay tự bắt chước. Việc khen thưởng và động viên bằng hành động (vuốt ve, xoa đầu, ôm vào lòng, cười hài lòng) hay bằng lời nói ( khen ngợi) là điều quan trọng, cần tiến hành thường xuyên trong việc tập cho trẻ các hành vi bắt chước.


Thường trẻ thích bắt chước tiếng súc vật (gà gáy, chó sủa …) tiếng xe cộ, máy bay … trước khi nói được. Hoạt động này, nếu có điều kiện nên diễn ra với sự tham gia của các trẻ khác hay với các người thân trong gia đình – Bố me, anh chị cùng tham gia, cùng phát âm (trong những trò chơi) để trẻ được kích thích, khích lệ phát ra lại các âm thanh đã nghe được.


Ta hãy hình dung một người nước ngoài đến Việt Nam, hay khi đi ra nước ngoài mà không biết một ngoại ngữ nào, điều đó cũng giống như một đứa trẻ, lớn lên giữa một biển âm thanh, nghe được tất cả nhưng không hiểu đó là gì! Vì thế trẻ phải được tạo điều kiện để được lắng nghe, và được giải thích với những hình ảnh cụ thể, sinh động.


Khi ta nghe từ “mèo” ta có ngay hình ảnh một con thú nhỏ, có bộ lông mịn, hai tai nhọn, đôi mắt long lanh, cái đuôi ngoe nguẩy, và tiếng kêu meo meo rất đặc trưng. Đó chính là những ảnh có trong tâm trí của ta, do đã được ghi nhận qua nhiều lần tiếp xúc với con mèo thực. Tuy nhiên, cũng có những con thú đã tuyệt chủng như khổng tượng, khủng long… nhưng khi nhắc đến các con thú này, ta vẫn có được những hình ảnh của chúng, do đã được xem qua trên phim ảnh, trong các câu chuyện có hình ảnh minh họa … Vì vậy, đó cũng là một phương tiện giúp cho trẻ hình thành được những hình ảnh trong tâm trí, mà ta gọi đó là những hình ảnh trí tuệ (mental pictures). Tuy nhiên, để làm được việc ghi nhận những hình ảnh, gắn liền nó với một danh từ nào đó, thì khả năng trí tuệ của trẻ phải phát triển đến một trình độ nhất định, và điều đó chỉ có thể có được qua tập luyện.


Ta nên biết rằng trẻ nhỏ dưới 1 tuổi ít khi nhìn theo một vật đang rời xa khỏi tầm mắt của chúng, vì với trẻ, hình ảnh đó không còn tồn tại nữa. Để tập cho trẻ khái niệm tồn tại, thì một trò chơi đơn giản mà rất nhiều bố mẹ đã từng chơi, đó là trò “ú òa” hay trốn tìm. Bố mẹ sẽ dùng tay hay cái quạt giấy, bìa sách, cái gối, cái mền.. che mặt mình lại, dấu người mình đi hay che một vật nào đó, rồi mở ra cho trẻ thấy, rồi lại che đi … điều này được lập đi lập lại, và sẽ tạo cho trẻ một nhận thức về sự tồn tại.


Từ khả năng này, cần phải tập cho trẻ phân biệt sự khác nhau giữa các vật, bằng cách cho trẻ chơi (tiếp xúc) với các vật, không chỉ đơn thuần là những món đồ chơi, mà có thể đó là những vật thực (trái banh, cái muỗng, cái ly, cái bàn chải …. ) trẻ có thể cầm, nắm ,đập, xé, nhai thử … Từ đó trẻ sẽ khám phá ra sự khác biệt về cảm giác, trọng lượng, âm thanh, mầu sắc … Và khi trẻ đang khám phá, thì ta có thể gọi tên các vật đó, nhiều lần trẻ sẽ có khái niệm, biết được món đồ đó, và có thể nói lại vào một thời điểm thích hợp.


Tiến trình can thiệp cho trẻ Chậm nói là một chuỗi các hoạt động kéo dài từ 6-12 tháng hay hơn nữa, vì vậy sự kiên nhẫn và lạc quan là điều quan trọng nhất.



Trẻ chậm nói nghi ngờ tự kỷ nên đi khám ở đâu?


ĐỊA CHỈ MỘT SỐ CỞ SỞ KHÁM BỆNH / TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT
(dành cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển, khuyết tật ...)


Kinh nghiệm của tôi là nên cho con đi khám nhiều nơi, kể cả công lập lẫn tư vì thực sự để khám và chuẩn đoán về rối loạn phát triển là rất khó. Ở VN mình thì khám thường chỉ một thời gian ngắn, thậm chí có những cơ sở tư nhân không làm hồ sơ bệnh án nữa kia. Bởi vậy mình nên đi nhiều nơi để lượm lặt thông tin mỗi nơi một ít. Ngoài ra các phụ huynh có con chậm nói khi đưa con đi khám đại đa số sẽ nhận được chuẩn đoán là "CÓ NÉT TỰ KỶ", bởi vậy cũng không nên quá hoang mang. Giữa tự kỷ và chậm phát triển có rất nhiều triệu chứng giống nhau, bởi vậy các bác sĩ hay ghi luôn là "có nét" cho chắc. Thực ra tự kỷ hay không tự kỷ cũng không quan trọng bằng việc phải làm gì để can thiệp cho con và cái này thì mình nên tham khảo nhiều nơi để lấy được càng nhiều thông tin càng tốt.


Cơ sở TPHCM:


1/ Bệnh viện Nhi đồng 1


-Phòng khám Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng: điều trị ngoại trú vật lý trị liệu, xưởng chỉnh hình cụ, điều trị trẻ nói ngọng, lượng giá và điều trị phục hồi trẻ bại não, chăm sóc và điều trị ban ngày các trẻ khuyết tật.


- Phòng khám Tâm lý trẻ em và vị thành niên:
Khám và tư vấn các vấn đề về tâm lý cho trẻ em và vị thành niên.
Làm việc liên tục hàng ngày trong giờ hành chính (chiều thứ Bảy, Chủ nhật nghỉ).


Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh - P.10 - Q.10 - TP.Hồ Chí Minh


2/ Bệnh viện Nhi đồng II - khoa Tâm lý
14 Lý Tự Trọng, Q1, TP.HCM , ĐT: 829 5723


3/ Phòng khám Tâm lý Bà mẹ và Trẻ em
Bệnh viện Đại học Y dược, cơ sở 3
221B Hoàng Văn Thụ - Q. Phú Nhuận, TP. HCM


4/ TT hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập cho nguời khuyết tật
(108 Lý Chính Thắng – P8, Q3)


5/ Trường chuyên biệt Q10 (trường công lập trực thuộc Phòng GD ĐT)
322/3 Điên Biên Phủ P11, Q10


6/ Trường dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ.
Trường Mầm Non Nam Phương được thành lập trên mặt bằng của công ty 27/7 trực thuộc SỞ Lao Động Thương Binh Xã Hội TP. HCM, có chức năng chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập. Đặc biệt là trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ
Địa chỉ 153 XVNT, P.17, Q. Bính Thạnh


7/ Trường chuyên biệt tư thục Ước Mơ
284/4/10 Lý Thường Kiệt P.14, Q.10 , ĐT : 864 5347 ;


8/ Trường Mầm non Tuổi Ngọc


9/ Trường mẫu giáo chuyên biệt Sương Mai
Nam Kỳ Khởi Nghĩa (góc đường NKKN và Điện biên Phủ, kế bên trường Lê Thị Hồng Gấm)


10/ Trường chuyên biệt Gia Định
280 Bùi Hữu Nghĩa phường 2 Quận Bình Thạnh , ĐT : 803 0056 ;


11/ Trường Giáo dục trẻ tự kỷ & chậm phát triễn POOH PI,
22 lô C Trường Sơn P 15 , Q 10 , ĐT : 970 3936


12/ Phòng khám đa khoa Tân Định
146bis Võ Thị Sáu P8 Q3 ( gần ngã ba Phạm Ngọc Thạch - Võ Thị Sáu )
ĐT: 820 6662 khoa Tư vấn Tâm lý;


13/ Câu Lạc Bộ Trăng Non (Chi Hội Trị Liệu Tâm Lý Trăng Non )
đặt tại số 29 Phan Xích Long, Phường 3, Quận Phú Nhuận, Tp.Hồ Chí Minh,


14/ Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương
Địa chỉ trường: 260/44A Nguyễn Thái Bình, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM


15/ Trường chuyên biệt Ban Mai do nhóm chuyên gia Việt kiều bên Mỹ hỗ trợ


16/ PK Tâm Gia An ở địa chỉ 122B, Đường Trần Đình Xu , Quận 1, Hồ Chí Minh
(mình nghe 1 phụ huynh đưa con đi khám ở đây và khen các bác sĩ ở đây chu đáo nhiệt tình)


Cơ sở HÀ NỘI:


1/ Trung tâm Phúc Tuệ
67 Phó Đức Chính - Hà Nội


2/ Trung tâm Sao Mai
Cuối đường Vũ Trọng Phụng , sau trường PTTH Nhân Chính. Số 4 ngõ 116 Nhân Hoà - Nhân Chính - Thanh Xuân - Hà Nội


3/ Trung tâm Hy Vọng
Địa chỉ 1: Phố Trần Quang Diệu - Hà Nội
Địa chỉ 2: Số 2 ngõ 160 phố Hào Nam - Hà Nội


4/ Phòng Khám Tâm thần - Tâm lý trẻ em
Số 2 ngõ 199 đường Trường Chinh - Hà Nội


5/ Trung tâm (thuộc Công ty TNHH Vì tương lai Trẻ tự kỷ)
Nhà số 2 ngách 10 ngõ 199 đường Thuỵ Khuê - Hà Nội


6/ Trung tâm Phục hồi chức năng BV Nhi
BV Nhi Trung Ương - đường Đê La Thành - Hà Nội


7/ Trung tâm Phục hồi chức năng BV Bạch Mai
BV Bạch Mai - đường Giải Phóng - Hà Nội


8/ Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em (N-T)
Văn phòng 46 Trần Hưng Đạo - Hà Nội
Trung tâm 1: Khoa Nhi - BV Đống Đa - HN
Trung tâm 2: 17/663 Trương Định - Hà Nội


9/Trung tâm Ánh Sao.
Số nhà 10 Q34, ngõ 152 Nguyễn An Ninh.(đường Giải Phóng qua cầu vượt ngã tư Vọng, rẽ trái vào phố Tương Mai (đoạn Nguyễn An Ninh cũ)), / Tel 04.664 6924
/ĐT di động của cô Thảo là : 0912720496/


10/ Phòng khám Tuna
26, ngõ 259/5, phố Vọng, Hà Nội


11/ Trung tâm giáo dục Hoà Nhập trẻ em Hà Nội
Địa chỉ: 22, ngách 66/40, Yên Lạc, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 042415045


12/ Mầm Non đặc biệt Hoa Trung
Đ/c: Số nhà 18, Tập thể bộ Công an, Ngách 14, Ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy
Đt: 3754 1540


13/ Trường ĐH Sư phạm I - Khoa giáo dục đặc biệt có mở trung tâm can thiệp cho trẻ khuyết tật (thứ 7, CN họ nghỉ),
ĐT của khoa GD ĐB là 3.8349541 - Cô Yến là trưởng khoa


14/- Trường mầm non đặc biệt MYOKO
Số 3 Ngõ 61/26/1 Trần Duy Hưng Hà Nội


15/ Trường chuyên biệt Albert Einstein
do chi Phạm Thị Yến (có con tự kỷ, đã được giới thiệu trên Chương trình Người Đương Thời) thành lập