Trẻ bị sốt xuất huyết - Dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc trẻ tại nhà tốt nhất

Thứ hai - 04/11/2013 19:35
Sốt xuất huyết ở trẻ em là một bệnh thường gặp, chỉ cần cha mẹ phát hiện sớm và chăm sóc bé đúng cách thì thường một tuần sau bé sẽ khỏi. Tuy nhiên, nếu chủ quan không phòng ngừa và phát hiện sớm, trẻ có thể bị sốt xuất huyết nặng. Sau đây mời các bậc cha mẹ tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết theo hướng dẫn của các bác sĩ nhi khoa.Dấu hiệu nhận biết sớm nhất trẻ bị sốt xuất huyếtĐa số những trường hợp sốt xuất huyết có biến chứng nặng thường là đến bệnh viện trễ, làm ảnh hưởng xấu đến kết quả điều...
Sốt xuất huyết ở trẻ em là một bệnh thường gặp, chỉ cần cha mẹ phát hiện sớm và chăm sóc bé đúng cách thì thường một tuần sau bé sẽ khỏi. Tuy nhiên, nếu chủ quan không phòng ngừa và phát hiện sớm, trẻ có thể bị sốt xuất huyết nặng. Sau đây mời các bậc cha mẹ tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết theo hướng dẫn của các bác sĩ nhi khoa.

Dấu hiệu nhận biết sớm nhất trẻ bị sốt xuất huyết

trẻ bị sốt xuất huyết 1

Đa số những trường hợp sốt xuất huyết có biến chứng nặng thường là đến bệnh viện trễ, làm ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị. Vậy làm thế nào có thể nhận biết sốt xuất huyết sớm nhất? Đây là câu hỏi được đặt ra không chỉ cho gia đình bệnh nhân, mà còn là vấn đề của thầy thuốc, bởi vì chẩn đoán sớm sốt xuất huyết thật sự không đơn giản chút nào.

Thông thường trẻ bị sốt xuất huyết cần phải được xác định trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi khởi sốt. Chẩn đoán sớm không dựa vào các xét nghiệm, mà chủ yếu dựa vào các triệu chứng của bệnh nhân. Các mẹ cần lưu ý hai yếu tố:

- Yếu tố dịch tễ (tức là trong gia đình hoặc hàng xóm có người bệnh sốt xuất huyết). Nếu cháu có sốt trong thời điểm hiện nay thì nghĩ nhiều đến khả năng trẻ bị sốt xuất huyết.

- Yếu tố lâm sàng (triệu chứng của bệnh nhân): Lưu ý 3 ngày đầu tiên.

Ngày thứ 1 của bệnh sốt xuất huyết: Trẻ mắc bệnh sốt cao, đột ngột, liên tục, sốt không ớn lạnh, mặt ửng đỏ, họng đỏ không đau. Không cần làm xét nghiệm vì lúc này các xét nghiệm đều bình thường. Cần dặn dò bệnh nhân đến tái khám hàng ngày để theo dõi các dấu hiệu khác.

Ngày thứ 2: Bệnh nhân tiếp tục sốt cao, liên tục. Hãy cố gắng tìm các dấu hiệu xuất huyết trên cơ thể bé như xuất huyết dưới da trên bụng, tay chân, mí mắt, cổ. Trong trường hợp không thấy dấu xuất huyết tự nhiên thì chúng ta làm dấu xuất huyết nhân tạo, tức là làm dấu dây thắt bằng cách lấy máy đo huyết áp đo cho em bé, giữ mức huyết áp trung bình giữa huyết áp tối đa và tối thiểu trong 5 phút, sau đó xem trên tay có dấu xuất huyết dưới da hay không? Dấu “dây thắt” dương tính là có 5 nốt xuất huyết dưới da trở lên trên một diện tích da là 1cm2. Xét nghiệm máu trong ngày thứ 2 cũng chưa thay đổi rõ ràng nên cũng không cần làm.

Ngày thứ 3: Dấu hiệu sốt xuất huyết trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Bệnh nhân vẫn còn sốt cao, có thể xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng. Nếu trẻ trên tuổi dậy thì hỏi thêm về kinh nguyệt có ra huyết bất thường không? Bệnh nhân có thể cảm giác khó chịu, đau bụng nhợn ói. Hãy làm xét nghiệm máu, kết quả máu nếu có Hct tăng 39-40%, tiểu cầu giảm dưới 150.000 tế bào/mm3 là chẩn đoán sốt xuất huyết chính xác đến trên 90%. Test nhanh sốt xuất huyết có thể làm trong ngày này.

Sang ngày thứ 4, thứ 5 các triệu chứng rõ ràng nhất

Như vậy để chẩn đoán sớm sốt xuất huyết là trong 3 ngày đầu tiên chúng ta lưu ý kỹ về các triệu chứng của bé. Các bà mẹ phải nhớ ngày khởi phát sốt của con, các dấu hiệu của con để báo bác sĩ và tập trung các trẻ có dấu hiệu đã kể ở trên để sớm nhận ra bệnh SXH. Hãy đưa trẻ đến khám bệnh hàng ngày và bất cứ khi nào trẻ có dấu hiệu khác thường như: Lừ đừ, ói nhiều, đau bụng nhiều, chảy máu nhiều, tay chân mát lạnh. Chẩn đoán sớm, đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời thì điều trị sốt xuất huyết sẽ đạt kết quả tốt nhất.

Khi trẻ được bác sĩ chẩn đoán là sốt xuất huyết thì các bà mẹ sẽ làm gì để chăm sóc con tại nhà?

Cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết


trẻ bị sốt xuất huyết 2

Khuyến khích trẻ uống thật nhiều nước

Khi sốt trẻ dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, kém uống làm cho trẻ dễ thiếu nước thêm, vì vậy chúng ta nên chú ý cho trẻ uống thật nhiều nước. Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500-1.500ml trong ngày, trẻ trên 5 tuổi khoảng 2.000 đến 2.500ml trong ngày. Tất cả các loại nước mà trẻ thích đều dùng được như nước cam, nước dừa, nước chanh, nước suối, nước sôi để nguội. Nên thay đổi các loại nước khác nhau để trẻ không thấy chán.

Không nên cho trẻ uống những loại nước có màu đỏ, nâu, đen hoặc có ga như nước xá xị, nước trái cây sậm màu, nước củ dền, dưa hấu vì sẽ khó nhận biết giữa chảy máu ở bao tử có màu nâu đỏ và nước trái cây khi trẻ có nôn ói.

Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu như cơm nhão, cháo, súp. Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ trẻ sẽ thấy đầy bụng khó tiêu. Không ăn huyết heo, huyết vịt vì trẻ sẽ đi tiêu phân có màu đen, dễ lầm tưởng bị xuất huyết tiêu hoá.

Dùng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc

Không có thuốc điều trị đặc hiệu của bệnh sốt xuất huyết. Chỉ có thuốc hạ sốt và một ít thuốc bổ được thầy thuốc cho bệnh nhân dùng tại nhà. Thuốc hạ sốt chỉ dùng loại không ảnh hưởng xấu đến dạ dày hoặc làm tăng nguy cơ chảy máu. Thuốc dùng an toàn là Paracetamol, sử dụng liều lượng theo hướng dẫn, ngày dùng khoảng 4 lần khi bệnh nhân có sốt. Kết hợp với lau nước ấm nếu bệnh nhân sốt quá cao trên 39 độ C.

Các thuốc hạ sốt như Ibufrophen, Aspirin không được dùng, vì rất có hại trong bệnh nhân bị SXH.

Tái khám hàng ngày, có khi nhiều lần trong ngày, tuân thủ thực hiện các lời dặn của thầy thuốc, không nên tự ý ngừng tái khám, vì có những trường hợp các cháu hết sốt là biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết đang trở nặng.

Có 5 dấu hiệu trẻ trở nặng, các bà mẹ cần nhận biết sớm để đưa con đến bệnh viện ngay: Lừ đừ, li bì hoặc bứt rứt, ói nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân mát, lạnh.

Chỉ cần có 1 trong 5 dấu hiệu trên thì phải đến bệnh viện gần nhất. Thực tế trong những trường hợp bệnh có dấu hiệu trở nặng, các bà mẹ hay bỏ qua, tưởng cháu bị đau bao tử hay ăn không tiêu nên tiếp tục để tại nhà, khi đưa vào bệnh viện thì đã quá muộn, điều trị khó khăn vô cùng.

Điều trị sốt xuất huyết là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình bệnh nhân và thầy thuốc, trong đó vai trò của người chăm sóc trực tiếp các cháu nói chung, của bà mẹ nói riêng là hết sức quan trọng góp phần bảo vệ sức khoẻ của các cháu một cách tốt nhất.

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em – Chớ lơ là khi trẻ hết sốt


trẻ bị sốt xuất huyết 3

Các bác sĩ lưu ý các bậc cha mẹ, cần theo dõi diễn tiến bệnh của trẻ vào ngày thứ 3-6 là các ngày tưởng chừng bé đã hết sốt.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm siêu vi cấp tính do 4 týp huyết thanh vi-rút Dengue gây ra. Bệnh có thể gây tử vong nhanh chóng và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có thuốc chủng ngừa.

Sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành do bị muỗi Aedes Agypti (muỗi vằn) đốt. Muỗi này sống trong nhà, đẻ trứng trong nước sạch, đốt trẻ vào ban ngày và sẩm tối. Tất cả mọi người từ trẻ sơ sinh đến người lớn đều có thể mắc sốt xuất huyết. Hiện tuổi mắc bệnh đang có chiều hướng tăng.

Khi trẻ sốt cao 2 ngày trở lên phải nghĩ đến sốt xuất huyết và nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và theo dõi.

Sốt xuất huyết diễn ra theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: 3 ngày đầu

Trẻ sốt cao liên tục khiến trẻ mệt mỏi, biếng ăn, có khi bị co giật. Trẻ lớn có thể than nhức mỏi tay chân, đau đầu.
Khi dùng thuốc hạ sốt đường uống hoặc nhét hậu môn, do tác dụng của thuốc, có thể trẻ sẽ giảm sốt nhiều hoặc hết sốt vài tiếng đồng hồ rồi sốt cao trở lại; nhưng cũng có khi thuốc không thể đưa nhiệt độ cơ thể về mức bình thường.

Giai đoạn 2: ngày thứ 3-6

Phần lớn trẻ sẽ hết sốt. Nếu không có hiểu biết về bệnh sốt xuất huyết, gia đình tưởng trẻ khỏi bệnh, cảm thấy nhẹ nhõm và an tâm; nhưng thật ra, trong vòng 24 – 48 giờ sau khi hết sốt (thường là ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh) là thời gian nguy hiểm nhất. Hầu như tất cả các trường hợp sốt xuất huyết nặng có sốc, có biến chứng đều xảy ra trong khoảng thời gian này.

Vì vậy, trong giai đoạn này, đặc biệt là khi trẻ hết sốt, gia đình cần chăm sóc trẻ sát sao để phát hiện những dấu hiệu báo động bệnh chuyển nặng như: Ói nhiều; Đau bụng; Lừ đừ, bứt rứt, lạnh tím tay chân, vã mồ hôi; hoặc có dấu hiệu xuất huyết bất thường.

Nếu có 1 trong những dấu hiệu nêu trên, phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay; nếu trẻ đang nằm viện thì phải báo ngay cho điều dưỡng và bác sĩ.

Khoảng hai phần ba trẻ bị sốt xuất huyết có giai đoạn 2 khá êm đềm rồi chuyển sang giai đoạn 3 và hết bệnh; nhưng cần lưu ý là khoảng một phần ba trẻ bị sốt xuất huyết chuyển biến phức tạp trong giai đoạn 2, thường có những biến chứng nguy hiểm và đôi khi dẫn đến tử vong.

Giai đoạn 3: ngày thứ 7- 8

Trẻ bắt đầu hồi phục, ăn được hơn và bắt đầu chịu chơi đùa. Một số trẻ có dấu hiệu hồi phục đặc biệt – “ban hồi phục”, da đỏ ửng, xuất hiện rất nhiều chấm đỏ li ti, kèm theo ngứa, thường xuất hiện ở chân, tay. Trong thực tế, đã có nhiều thân nhân lo sợ, đưa trẻ đến bệnh viện vì những biểu hiện này.

Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà khá đơn giản

trẻ bị sốt xuất huyết 4

Để hạ sốt, nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol, không nên dùng các loại thuốc như Aspirin, nhóm nonsteroid, corticoid… Có thể kết hợp lau mát toàn thân bằng nước ấm cho trẻ. Đây là biện pháp hạ nhiệt rất hữu hiệu. Khi lau, không nên vắt khăn quá khô, nên đắp khăn ở những nơi như hõm nách, vùng bẹn.

Ngoài ra, nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước chín nguội, nước trái cây, nước Oresol để phần nào bù nước đã bị thất thoát do thân nhiệt cao. Nên cho trẻ ăn thức lỏng, dễ tiêu và nghỉ ngơi, không chơi đùa quá sức. Điều quan trọng là phải tái khám theo đúng lịch hẹn và báo rõ những biểu hiện bệnh của trẻ cho bác sĩ.

Đối với trẻ dưới 12 tháng, trẻ dư cân, béo phì, khi mắc sốt xuất huyết bệnh có thể diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, nên cho trẻ đến khám ở các cơ sở có chuyên khoa nhi, bác sĩ sẽ cho nhập viện sớm để theo dõi sát và can thiệp kịp thời các biến chứng.

Phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ như thế nào?

Bệnh sốt xuất huyết hoàn toàn có thể phòng tránh một cách hiệu quả. Trước hết là ngừa không cho trẻ bị muỗi đốt như cho trẻ ngủ mùng ban ngày, mặc áo dài tay, thoa kem chống muỗi…

Ngoài ra, cần tích cực diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy). Muỗi truyền bệnh Aedes Agypti là loại muỗi sống trong nhà hoặc chung quanh nhà, đẻ trứng ở những chỗ chứa nước sạch như: lu vại, bình cắm hoa, những vật dụng phế thải vứt quanh nhà chứa đựng nước mưa… Vì thế cần phát quang sạch sẽ, thoáng đãng quanh nhà và dọn dẹp những lu vại, đồ chứa, miểng sành… tránh để tạo thành những nơi tồn đọng nước thích hợp cho muỗi phát triển…

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh sốt xuất huyết


Nước cam: chứa nhiều năng lượng và vitamin, có thể giúp tiêu hóa, làm tăng lượng nước tiểu và tăng cường kháng thể giúp phục hồi nhanh.

trẻ bị sốt xuất huyết 5

Đu đủ: các chuyên gia và bác sĩ cho rằng lá đu đủ là thức ăn tốt nhất cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Nghiền nát 2 lá đu đủ tươi và ép để chiết xuất lấy nước. Trẻ em bị sốt xuất huyết nên dùng 2 muỗng canh nước ép này mỗi ngày, vào buổi sáng hoặc tối.

Cháo: khi trẻ đang cố gắng chống chọi với vi rút chết người này, thực phẩm tốt nhất là cháo. Ăn cháo giúp tăng sức lực, đẩy lùi bệnh tật.

Trà thảo dược: một cách tốt để giảm sốt là uống các loại trà thảo dược tự nhiên như trà gừng.

Nước dừa: trẻ em bị sốt xuất huyết cũng nên uống nhiều nước dừa để bổ sung chất điện giải, chất khoáng bị mất do cơ thể mất nước.

Nước rau củ ép, nước hoa quả: các loại nước trái cây, rau củ tươi đều tốt cho trẻ em bị sốt xuất huyết. Các chuyên gia nói rằng nước rau ép nguyên chất có thể cung cấp những dưỡng chất cơ bản và giúp phục hồi nhanh chóng. Trẻ em bị sốt xuất huyết cần bổ sung thêm nhiều vitamin C để tăng hệ miễn dịch. Trái cây giàu vitamin C là dâu tây, ổi, kiwi, đu đủ, giúp sản xuất các tế bào lympho. Vitamin C cũng có ảnh hưởng trực tiếp lên các vi khuẩn, vi rút.

Chất đạm: thực phẩm giàu chất đạm (protein) như trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa không thể thiếu vào thời điểm này.

Súp: sẽ giúp trẻ có sức mạnh để chống lại các cơn đau ở khớp. Nó cũng giúp kích thích cơn đói và cải thiện vị giác.

Nước ép chanh: giúp loại bỏ các độc tố khỏi cơ thể do các vi rút sốt xuất huyết gây ra. Nước chanh tống vi rút qua đường nước tiểu.

Thực đơn cho trẻ bị sốt xuất huyết


Đối với trẻ bị sốt xuất huyết, ngoài việc điều trị bằng thuốc (Tây y hay Đông y), trẻ bệnh cần có chế độ, thực đơn ăn uống sao cho giảm sốt (thanh nhiệt), giảm đau (chỉ thống), nâng cao sức đề kháng, chống nôn... là điều rất quan trọng để phục hồi sức khỏe.

Các món canh dưới đây có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và phòng chống xuất huyết. Chủ vị là hạt lạc xay nát hoặc giã nhỏ, gọi là “nhuyễn lạc”, kết hợp với một số loại rau.

1. Đối với trường hợp chưa xuất huyết

- Rau ngót rửa sạch, vò nát 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g, nấu thành canh ăn.

- Gan lợn tươi ép cho ra hết máu, rửa sạch, băm nhỏ 20-30g; rau ngót rửa sạch, vò nát 60-100g; nhuyễn lạc 30-50g. Nấu rau ngót với lạc thật chín rồi cho gan lợn vào đảo đều, đun sôi 5 phút là được.

- Đậu xanh cả vỏ, vỡ đôi 50-60g, nhuyễn lạc 30-50g, nấu canh ăn.

- Rau dền (xanh hay đỏ, hoặc dền cơm) rửa sạch thái nhỏ 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau dền vào, đun sôi 10 phút là được.

- Rau mồng tơi rửa sạch, thái nhỏ 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau mồng tơi vào, đun sôi 10 phút.

- Rau sam tươi rửa sạch, thái nhỏ 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau sam vào, đun sôi 10 phút.

- Hoa thiên lý rửa sạch 30-50g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho hoa thiên lý vào, đun sôi 5 phút.

- Lá non thiên lý 60-100g rửa sạch thái nhỏ, nấu canh cùng nhuyễn lạc.

2. Đối với trẻ sốt xuất huyết

Dùng nước đậu xanh, bạc hà (vị thuốc bạc hà trong Đông y)

trẻ bị sốt xuất huyết 6

Đậu xanh 50gr, đãi loại bỏ vỏ,
Lá bạc hà 30gr,
Đường trắng 30gr.

Cho đậu xanh, bạc hà vào nồi, đổ 1 lít nước, đun sôi trong 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước hòa 30gr đường. Dùng uống nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể, chỉ khát (làm mất khát);

Nước ngân hoa dưa hấu

Lấy 200gr vỏ dưa hấu, bỏ vỏ xanh, giữ lại cùi, thái miếng
30gr kim ngân hoa

Rửa sạch nguyên liệu cho vào nồi, đun sôi cùng 1 lít nước trong 30 phút, gạn bỏ bã, lấy nước hòa cùng 30gr đường kính, uống làm nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt (làm mát) và chỉ huyết (cầm máu);

Nước rau muống cúc hoa

Rau muống 150gr, nhặt bỏ cuộng già, rửa sạch.
Cúc hoa 20gr, rửa sạch

Cho rau muống, cúc hoa vào nồi đun sôi với 1,5 lít nước trong 20 phút. Vớt bỏ bã, gạn lấy nước trong. Cho thêm 50gr đường trắng vào nước rau muống, cúc hoa, đun lại cho tan hết đường. Dùng uống nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chống xuất huyết;

Cháo rau cần đại táo rất tốt với trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết

Rau cần 150gr rửa sạch, cắt khúc ngắn,
Đại táo 5 quả rửa sạch,
Gạo tẻ 100gr vo sạch,
Đường 50gr.

Cho gạo và đại táo vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm kỹ thành cháo, cho rau cần vào đun thêm 5 phút bắc ra, cho đường vào khuấy đều dùng ăn bữa sáng, bữa tối. Cháo này có tác dụng thanh nhiệt, bình can, lương huyết, chỉ huyết, rất tốt với người mắc bệnh sốt xuất huyết.

Cháo bí đao

Bí đao 150gr, gọt bỏ vỏ xanh, thái khúc.

Gạo tẻ 100gr vo sạch,

Cho gạo vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm kỹ thành cháo rồi cho bí đao đã thái khúc vào đun thêm 10 phút, rồi cho ít muối đủ ăn hoặc 50gr đường trắng tùy theo khẩu vị. Bắc ra để nguội ăn vào 2 bữa sáng và tối. Cháo này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sinh tân rất tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Cha mẹ cần lưu ý:

Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, trẻ thường chán ăn, mệt mỏi, hay ói, đau bụng. Ta nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, nhẹ, dễ tiêu, không có màu đen hay đỏ (vì trong trường hợp nếu cháu ói sẽ không phân biệt chất ói là máu hay thức ăn có màu). Không nhất thiết bắt trẻ chỉ ăn cháo, có thể ăn súp, nui, mì… theo ý thích của cháu.

Cho trẻ uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết vì bệnh sốt xuất huyết thường làm máu bị cô đặc lại, rất khó lưu thông. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng sốc. Để phòng tránh, nên cho trẻ uống Oresol (chất thường dùng để bù nước trong bệnh tiêu chảy) hoặc nước cam, nước chanh, nước khoáng hay nước lọc đun sôi. Cho trẻ uống từ từ, thong thả vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng.

Về ăn, cần chọn các chất dễ tiêu như cháo, súp và không bao giờ được ăn no quá.

Tham khảo thêm : trẻ bị sốt nên ăn gì và kiêng gì

Tin Cùng Chuyên Mục

Loading...