Biểu hiện, triệu chứng viêm đường hô hấp trên ở trẻ và cách điều trị

Thứ ba - 08/10/2013 22:12
Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ là một bệnh thường gặp, dễ điều trị tuy nhiên hay tái phát. Các mẹ cần có những biện pháp chăm sóc cơ thể bé đúng cách khi thời tiết chuyển mùa để bé không bị bệnh viêm đường hô hấp trên, đặc biệt là các bé sơ sinh rất dễ mắc bệnh nếu ngủ phòng máy lạnh.Các biểu hiện và biến chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ Viêm đường hô hấp trên được chia thành 2 loại: viêm đường hô hấp trên cấp tính và viêm đường hô hấp trên mạn tính.- Viêm đường hô hấp trên cấp...
Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ là một bệnh thường gặp, dễ điều trị tuy nhiên hay tái phát. Các mẹ cần có những biện pháp chăm sóc cơ thể bé đúng cách khi thời tiết chuyển mùa để bé không bị bệnh viêm đường hô hấp trên, đặc biệt là các bé sơ sinh rất dễ mắc bệnh nếu ngủ phòng máy lạnh.

Các biểu hiện và biến chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ

Viêm đường hô hấp trên được chia thành 2 loại: viêm đường hô hấp trên cấp tính và viêm đường hô hấp trên mạn tính.

- Viêm đường hô hấp trên cấp tính: Bệnh thường xảy ra khi có một số yếu tố thuận lợi tác động vào như thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh; uống nước quá lạnh hoặc nước đá, kem; nằm, ngồi trước luồng gió lạnh của quạt hoặc điều hòa nhiệt độ... Triệu chứng gặp đầu tiên là sốt (có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao kèm theo rét run), kèm theo sốt là ho, hắt hơi và chảy nước mũi. Cơn ho có khi chỉ húng hắng, có khi ho liên tục. Bệnh nhân là người lớn hoặc trẻ em lớn còn có triệu chứng bị đau họng khi nuốt, khi ăn. Chảy nước mũi là triệu chứng hay gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

điều trị viêm đường hô hấp trên ở trẻ 1

- Viêm đường hô hấp trên mạn tính: khi bị viêm đường hô hấp trên cấp tính mà không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ dàng chuyển thành viêm đường hô hấp mạn tính. Triệu chứng của viêm đường hô hấp trên mạn tính là ho húng hắng, rát họng, nuốt thấy hơi vướng như có vật gì nằm trong họng, đặc biệt ở trẻ em là chảy nước mũi thường xuyên (một hoặc cả hai bên mũi). Một số trẻ em bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) thì chất nhày chảy ra ở mũi thường có màu xanh mà người ta hay gọi là “thò lò mũi xanh”. Ngoài thò lò mũi xanh, trẻ ngủ thường ngáy, thở bằng mồm. Ở người lớn, ngoài triệu chứng điển hình là rát họng, nuốt vướng còn có nghẹt mũi (một bên hoặc cả hai) do hiện tượng phì đại cuốn mũi... Trong những trường hợp viêm xoang thường có kèm theo triệu chứng đau đầu...

Viêm đường hô hấp trên không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh bao gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Mặc dù có nhiều bệnh đơn lẻ khác nhau nhưng chúng đều có một số biểu hiện chung rất dễ nhận thấy. Những triệu chứng chủ yếu bao gồm: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp…

Đặc điểm quan trọng của viêm đường hô hấp trên ở trẻ em là thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ biểu hiện bệnh nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt. Chính vì thế mà sốt trong các bệnh của viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn. Thân nhiệt thường là 39oC trở lên. Đi kèm với sốt là hắt hơi, sổ mũi, trẻ hắt hơi nhiều hơn mức bình thường, có khi đến 4-5 cái/một lần và xuất hiện nhiều lần trong ngày. Có khi hắt hơi đến rát cả mũi họng. Sau đó trẻ sẽ bị chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi.

Khi virus gây bệnh ở thanh quản thì trẻ sẽ bị khàn tiếng. Càng nói nhiều thì tốc độ khàn tiếng càng nhanh và càng nặng. Ban đầu chỉ là lạc tiếng, giọng mũi, sau đó tiếng bị khàn đục và có khi đến mất giọng.

Tuỳ thuộc vào cơ quan bị bệnh mà mỗi một mặt bệnh cụ thể đơn lẻ sẽ có những dấu hiệu điển hình và đặc thù khác nhau. Mặc dầu vậy, vì lý do giữa các bộ phận mũi-họng-thanh quản-xoang đều thông với nhau bằng đường khí và dịch nên khi một cơ quan bị bệnh thì nó sẽ nhanh chóng lây sang cơ quan liền kề và các triệu chứng sẽ nhanh chóng tổ hợp lại thành một hình ảnh bệnh lý đầy đủ.

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ đa phần là những bệnh tự khỏi, chỉ sau 5-6 ngày là bệnh đã bắt đầu lui dần tiến tới khỏi sau 2 tuần. Mặc dù các bệnh này có mức độ lâm sàng trung bình nhưng lại là những căn bệnh phổ biến nhất khiến chúng ta phải ngừng lao động và trẻ em thì không thể đến trường và có thể nặng lên ở những đối tượng mẫn cảm như trẻ em dưới 1 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và gây nhiều biến thể nghiêm trọng.

Một trong các biến thể nghiêm trọng ấy là tử vong do đồng nhiễm với bệnh đường hô hấp dưới và chúng tự làm nặng lẫn nhau. Biến thể cũng hay gặp đó là biến chứng viêm đường hô hấp dưới nếu viêm đường hô hấp trên không được xử trí đúng đắn và đúng mức. Do đó, với một bệnh hết sức thông thường như cảm lạnh trong mùa đông thì có thể đưa đến viêm phổi, nhất là ở trẻ em. Ngoài những biến chứng này thì viêm đường hô hấp trên thể nặng, thể do vi khuẩn dễ gây ra những biến chứng cơ thể khác như viêm não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp. Vì vậy cần có thái độ dự phòng đúng mức với bệnh này.

điều trị viêm đường hô hấp trên ở trẻ 2

Bệnh viêm hô hấp cấp ở trẻ em trong mùa nóng



Mùa hè, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài làm cho nhiều loại bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng đáng lo ngại nhất là trẻ em. Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, đặc biệt là đường hô hấp dưới là một bệnh đang có xu hướng gia tăng làm cho số trẻ mắc bệnh ngày càng nhiều và diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trẻ em đưa ra lời khuyên: Khi thời tiết nắng nóng, các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc trẻ, không cho trẻ ra ngoài nắng nhất là lúc nắng gay gắt. Đối với trẻ lớn, không cho trẻ chơi hoặc không cho trẻ đá bóng ngoài trời lúc còn nắng nóng. Không cho quạt xoáy thẳng vào trẻ khi trẻ chơi hoặc đang nằm ngủ. Không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ chênh lệch vượt quá xa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời (ngay cả trẻ lớn) và cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ. Hạn chế cho trẻ ăn kem hoặc uống nước có đá. Khi nghi trẻ bị sốt cần cặp nhiệt độ cho trẻ, không nên dùng tay của người lớn sờ vào trán của trẻ rồi dự đoán trẻ sốt hay không. Khi nhiệt độ vượt quá 37,5ºC cần làm giảm thân nhiệt cho trẻ bằng cách lau nước ấm (nhiệt độ của nước thấp hơn nhiệt độ của trẻ khoảng 2 độ) ở trán, nách, bẹn và cần cho trẻ uống nhiều nước. Nước uống tốt nhất là nước cam, chanh tươi, dung dịch orezol, tùy theo độ tuổi mà cho uống liều lượng thích hợp.

Trường hợp nhiệt độ của trẻ không giảm, nhưng chưa thể đưa trẻ đi khám bệnh ngay, thì cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt loại paracetamol theo liều dùng trung bình là 10 đến 15mg/kg cân nặng của trẻ/lần, cứ sau 4 giờ cho uống 1 lần. Tốt nhất là dùng thuốc paracetamol loại đầu đạn đặt vào hậu môn. Cần theo dõi nếu thấy trẻ mệt mỏi, quấy khóc nhiều thậm chí có khó thở, môi tím tái và rối loạn tiêu hóa như: Nôn, buồn nôn, tiêu chảy, thì khẩn trương cho trẻ đi khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị. Tuyệt đối không nên tự mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống.

Phòng bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em



Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính, rất hay gặp ở trẻ còn bú. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm sẽ cho kết quả tốt, những trường hợp nặng gây suy hô hấp có thể bị tử vong. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần có những hiểu biết về bệnh để chăm sóc trẻ được tốt hơn.

Những biểu hiện khi trẻ bị viêm tiểu phế quản

Triệu chứng ban đầu thường thấy nhất là tình trạng trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau từ 3 – 5 ngày, trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít. Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngừng thở. Khi thăm khám thường thấy nhịp thở của trẻ nhanh, sốt vừa, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên. Tiếng thở có thể nghe ran rít, ran ngáy, thông khí phổi kém.

Các tiêu chuẩn lâm sàng khác cho thấy trong khí máu PaO2 giảm, PaCO2 tăng, có nhiễm toan hô hấp kèm theo, đây là những chỉ số đánh giá mức độ nặng của bệnh. Để phát hiện chính xác loại virus gây bệnh, cần phải phân lập hoặc nuôi cấy virus, bằng cách lấy dịch tiết khí phế quản hoặc trong tổ chức phổi hoặc phản ứng huyết thanh.

Cần lưu ý: khi chẩn đoán bệnh cần phân biệt với các triệu chứng của viêm phế quản, viêm phổi do vi khuẩn hoặc virus, bệnh mềm sụn thanh khí quản, bệnh mạch máu, các khối u (chèn ép khí phế quản từ ngoài vào) hoặc tình trạng u mạch máu, hẹp khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp ở trong. Các bệnh như: trào ngược dạ dày thực quản, dị vật đường thở, khó thở thứ phát sau nhiễm virus… cũng cần được phân biệt với viêm tiểu phế quản ở trẻ em.
Vì sao trẻ bị viêm tiểu phế quản?

Tác nhân làm cho trẻ bị viêm tiểu phế quản thường là do các virus như: virus hợp bào hô hấp (VRS), chiếm 30 – 50% các trường hợp mắc bệnh. Virus cúm và á cúm cũng gây bệnh cho khoảng 25% số trẻ bị viêm tiểu phế quản. Ngoài ra phải kể đến adenovirus với 10% số mắc.

Nếu trẻ sống trong vùng có dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên (do virus hợp bào) thì tỷ lệ bị lây nhiễm rất cao, do sức đề kháng ở cơ thể trẻ còn quá yếu, nhất là trẻ tuổi bú mẹ mà không được bú đầy đủ sữa mẹ. Những trẻ từng bị ốm do nhiễm virus trước đó như: viêm mũi họng, viêm amiđan, viêm VA… đều có nguy cơ dễ nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc tốt. Các trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, sống trong môi trường hút thuốc lá thụ động, bị bệnh phổi bẩm sinh như: loạn sản phổi, mucoviscidose hay bị suy giảm miễn dịch đều có nguy cơ cao mắc phải viêm tiểu phế quản.
Các biến chứng thường gặp

Tất cả các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ nếu không được chẩn đoán bệnh và điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: rối loạn chức năng hô hấp, xuất hiện từng cơn khó thở ra tái phát, viêm tiểu phế quản lan tỏa. Nghiêm trọng hơn sẽ làm trẻ bị suy hô hấp cấp, tràn khí màng phổi, viêm phổi – trung thất, xẹp phổi và thậm chí tử vong.

Xử trí và phòng bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ như thế nào?

Đối với các thể thông thường, không có suy hô hấp thì ngay khi vào viện các bác sĩ sẽ tiến hành hút thông đường thở, giải phóng các chất xuất tiết. Dùng khí dung ẩm thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh như: ventolin, bricanyl, salbutamol. Kết hợp với vật lý liệu pháp hô hấp, vỗ rung, hút đờm. Những trẻ sốt cao, nôn, thở nhanh phải bù đủ dịch và điện giải theo nhu cầu cơ thể trẻ. Cần cho trẻ dinh dưỡng đủ chất, cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng kháng sinh.

Đối với những trường hợp nặng có suy hô hấp thì phải sử dụng liệu pháp oxy, hút thông đường hô hấp trên, dùng thuốc giãn phế quản đường khí dung, truyền nước, điện giải theo nhu cầu cơ thể bù lượng thiếu hụt. Nếu những biện pháp trên không cải thiện tình trạng suy hô hấp thì phải tiến hành đặt nội khí quản và các biện pháp hô hấp hỗ trợ khác. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có biểu hiện viêm nhiễm thứ phát, không nên dùng steriod cho trẻ.

Muốn phòng bệnh hiệu quả, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi, không để trẻ bị lạnh, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bếp than, khói thuốc lá. Khi đi ra đường nên giữ ấm và bảo vệ đường hô hấp trên cho trẻ, có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào mắt, mũi trẻ sau khi đi chơi về. Những trẻ bị các bệnh tim, phổi bẩm sinh càng đặc biệt lưu ý. Nếu trẻ có những biểu hiện bệnh như: sốt, ho, khó thở cần đưa ngay trẻ đến các chuyên khoa hô hấp để được điều trị đúng

Điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên tái phát



Hỏi: Cháu nhà em được 2,5 tuổi, từ khi được 1,5 tuổi đến nay cháu thường xuyên bị viêm đường hô hấp trên (triệu chứng: họng sưng đỏ, ho, sốt, nhiều đờm), thời gian tái phát lại thường từ 2 đến 3 tháng. Cháu được các bác sĩ kê đơn uống thuốc kháng sinh là Ceclo, kháng viêm và long đờm, thời gian uống liên tục 6-7 ngày, bệnh có hết nhưng một thời gian lại tái phát. Xin hỏi có cách nào điều trị bệnh để không bị tái phát lại không ạ?

Trả lời của bác sỹ nhi khoa:

Bệnh viêm đường hô hấp thường tái đi tái lại, đặc biệt là ở trẻ dưới 3 tuổi nên con bạn thường bị cũng không phải là quá bất thường. Việc uống kháng sinh hay một số thuốc đi kèm là tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng. Để phòng ngừa tái phát, cần thực hiện 1 số biện pháp như: tránh cho trẻ sinh hoạt quá lâu ngoài trời, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi, thường xuyên giữ ấm khi trời lạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh



Hỏi: "Con tôi chưa đầy tháng. Lúc đẻ ra, cháu khóc ngay, cân nặng 3,1 kg, mấy hôm nay cháu bị ho. Có nên cho cháu nhấp ít mật ong không?".

Trả lời của bác sỹ nhi khoa:

Nếu đúng như bạn kể trong thư, cháu chỉ ho thì rất có thể là chỉ bị viêm họng nhẹ và cho cháu nhấp một ít mật ong là được vì mật ong cũng có tác dụng kháng khuẩn, trị được ho, tưa miệng... lại bổ dưỡng nữa. Nhưng vì con bạn chưa đầy tháng nên bạn cần lưu ý, các triệu chứng của bệnh viêm phổi thường rất sơ sài, có trẻ sốt mà cũng có trẻ không sốt, thậm chí thân nhiệt lại hạ. Khi thấy trẻ biếng ăn, mút vú yếu, quấy khóc, da xanh, thở không đều trên 60 lần trong một phút, cánh mũi phập phồng, lõm kẽ liên sườn... là bệnh đã nặng.

Nếu bé chỉ ho, sốt nhẹ, sổ mũi hoặc không tức là bé bị nhiễm khuẩn nhẹ ở đường hô hấp trên. Chỉ cần cho bé nhấp ít mật ong (cứ 6 giờ một lần, mỗi lần nửa thìa cà phê) hoặc nhấp nước quất hấp đường kính (lấy quả quất vắt bỏ bớt nước, đem hấp cách thủy với đường kính trong 20 phút, chắt lấy nước, thỉnh thoảng cho bé nhấp miệng).

Nếu bé ho, sốt, thở nhanh (trên 50 lần trong một phút) là bé bị viêm phế quản hoặc viêm phổi nhẹ; cho bé đến trạm y tế khám bệnh và dùng thuốc theo chỉ dẫn của y, bác sĩ.

Nếu bé ho, sốt, thở nhanh, co rút lồng ngực (rút lõm) là bé bị viêm phổi rồi; cho bé điều trị tại trạm y tế, để được theo dõi và kịp thời xử trí khi cần.

Nếu bé ho, thở nhanh, co rút lồng ngực kèm theo tím tái (tím tái quanh môi, lưỡi) là bé đã bị viêm phổi nặng và đã bị biến chứng, phải cho bé đi bệnh viện ngay để được hồi sức cấp cứu.