Cho trẻ ngồi xe tập đi sớm - Lợi hay hại?

Thứ hai - 26/08/2013 08:05
Có nhiều luồng ý kiến xung quanh việc có nên cho trẻ ngồi xe tập đi sớm hay không? Lợi hay hại của việc cho bé ngồi xe sớm? Nên cho bé ngồi xe tập đi từ tháng mấy? Ngồi xe tập đi, càng sớm càng tốt?Nhím mới 4 tháng tuổi bố chồng em đã hồ hởi sang nhà chị họ mượn xe tập đi về cho cháu, em lo quá!Nhím nhà em hôm nay vừa tròn 4 tháng, con trộm vía ti mẹ nên cứng cáp lắm. 1 tháng rưỡi biết lẫy, 3 tháng rưỡi đã ngồi. Giờ thì cô nàng toàn đòi bố mẹ bế đứng. Bố mẹ chồng em thấy cháu nhanh nhẹn thế thì...
Có nhiều luồng ý kiến xung quanh việc có nên cho trẻ ngồi xe tập đi sớm hay không? Lợi hay hại của việc cho bé ngồi xe sớm? Nên cho bé ngồi xe tập đi từ tháng mấy?

Ngồi xe tập đi, càng sớm càng tốt?



Nhím mới 4 tháng tuổi bố chồng em đã hồ hởi sang nhà chị họ mượn xe tập đi về cho cháu, em lo quá!

Nhím nhà em hôm nay vừa tròn 4 tháng, con trộm vía ti mẹ nên cứng cáp lắm. 1 tháng rưỡi biết lẫy, 3 tháng rưỡi đã ngồi. Giờ thì cô nàng toàn đòi bố mẹ bế đứng. Bố mẹ chồng em thấy cháu nhanh nhẹn thế thì thích lắm. Suốt ngày bế Nhím đi khoe khắp nơi.

trẻ ngồi xe tập đi 1

Hôm vừa rồi, để 'kỉ niệm' ngày Nhím tròn 4 tháng, bố chồng em hồ hởi sang ngay nhà chị họ mượn xe tập đi về cho cháu. Em đi làm về thì 'tá hỏa' khi thấy con đang chới với trong cái xe đẩy giữa nhà, chân không chạm đất, cứ ngọ ngoạy liên tục rồi lấy người đẩy xe. Hỏi ông bà thì ông sẵng giọng: "Tập cho nó đi càng sớm càng tốt chứ sao. Nhím nó cứng cáp hơn đứt mấy đứa con hàng xóm, bây giờ càng phải tập đi sớm cho nó. Thế mới phát triển vượt bậc được. Mà cũng sớm gì nữa, nó chẳng đòi đứng mấy hôm nay rồi". Em nghe mà lo lắng lắm. Em sợ hệ xương của con chưa phát triển hết, ngồi xe đẩy sớm, sau chân vòng kiềng con lại giận mẹ ngày xưa ham hố cho bé tập đi. Vậy nhưng tối tâm sự với chồng, anh cũng chẳng giúp em được gì vì tinh chồng em trước giờ không làm trái lời bố bao giờ.

Em băn khoăn quá các chị ơi, nhìn con ngồi con chưa vững, cứ đu đưa trong cái xe tập đi mà lòng em như lửa đốt. Làm dâu nên em cũng không muốn nói lại bố mẹ chồng. Các chị ơi, có đúng là ngồi xe tập đi càng sớm càng tốt không ạ? Đã có chị nào cho con ngồi từ 4 tháng như Nhím nhà em không? Chân có bị vòng kiềng không các chị nhỉ?

Cho trẻ ngồi xe tập đi quá sớm – lợi ít, hại nhiều



Theo bác sỹ nhi khoa, việc ngồi xe tập đi sớm lợi bất cập hại. Sau khi nhận được ý kiến của độc giả Đỗ Linh Hương (Ba Đình – Hà Nội) về việc bé Nhím (con của chị Hương) mới 4 tháng tuổi đã được ông nội mượn xe tập đi về cho cháu, với mong muốn bé sẽ biết đi sớm.

Câu chuyện từ chị Linh Hương đã thu hút sự quan tâm của nhiều chị em. Đa số các ý kiến bình luận đều cho rằng, việc cho ngồi xe tập đi từ 4 tháng là quá sớm. Dù chị Hương có nói: “Nhím nhà em hôm nay vừa tròn 4 tháng, con trộm vía ti mẹ nên cứng cáp lắm. 1 tháng rưỡi biết lẫy, 3 tháng rưỡi đã ngồi. Giờ thì cô nàng toàn đòi bố mẹ bế đứng”.

Một độc giả chia sẻ: “Bạn đừng cho con đi, con mình đi từ 4,5 tháng, bây giờ ngồi gù hết cả lưng rồi đang buồn hết cả lòng. Đang tìm bác sĩ để chữa cho cháu đây”.

Còn một người làm mẹ khác bày tỏ: “Bạn phải bảo vệ con mình chứ? Bạn mà nhu nhược con bạn lãnh đủ. Mới bốn tháng, xương còn yếu chân không chạm đất, chới với mà bạn chiều bố mẹ chồng để con ngồi được cũng tài thiệt”.

trẻ ngồi xe tập đi 2

Trao đổi vấn đề này với bác sĩ Mai Trung Dũng (Phó Chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện 354 Hà Nội) cho rằng: “Trẻ mới 4 tháng đã cho ngồi xe tập đi là quá sớm. Hệ xương của trẻ lúc đó còn rất yếu, không thể ngồi như vậy được. Việc ép buộc trẻ ngồi như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cột sống, sụn đầu xương và các cơ”.

Theo bác sĩ Dũng, khi trẻ ngồi xe tập đi sớm như vậy ảnh hưởng đầu tiên đến cột sống. Việc chịu áp lực chèn lên cột sống, có nguy cơ khiến trẻ bị gù, cong vẹo cột sống. Ngoài ra các cơ của trẻ đang yếu chưa thể chống đỡ với sức nặng.

Khi trẻ ngồi xe tập đi, chân bị dạng ra như vậy cũng có thể dẫn đến việc đi vòng kiềng, chân bị khuỳnh về sau, làm mất thẩm mỹ của dáng đi.

Mặt khác, với xương đang yếu, sụn đầu xương là cơ sở để phát triển xương cũng bị ảnh hưởng khi trẻ ngồi sớm. “Các sụn xương bị tì đè sớm, có thể dẫn đến xơ hóa sớm, làm cho xương phát triển chậm lại. Bé không đạt được chiều cao như bình thường. Các sụn có thể bị ảnh hưởng như sụn ở cột sống, sụn ở khớp gối và háng”, bác sĩ Mai Trung Dũng nhấn mạnh.

Với các phụ huynh, bác sĩ Dũng đưa ra lời khuyên: “Suy nghĩ cho trẻ ngồi xe tập đi sớm để nhanh biết đi là không đúng, không nên ép trẻ ngồi xe tập đi sớm, tôn trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ. Để tới giai đoạn biết đi là một quá trình tự nhiên như các cụ đã nói “4 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9-10 tháng lò dò biết đi”.

Một số chuyên gia khác cũng đồng quan điểm này và cho rằng, cho trẻ ngồi xe tập đi quá sớm, khi xương chưa thật sự cứng cáp là điều không nên. Khi trẻ ngồi xe tập đi sớm, chân chới với để cố rướn, tạo thói quen khiến trẻ đi theo 5 đầu ngón chân. Mặt khác, bánh xe tập đi có nhiều bánh khi chuyển động có hiện tượng xoay nên các phụ huynh cần giám sát trẻ cẩn thận.

Chân trẻ bị cong do ngồi xe tập đi sớm



Bế cắp nách, cho bé ngồi xe tập đi sớm sẽ làm trẻ bị cong chân, đi vòng kiềng, hay bế đứng lúc bé chưa cứng cổ dễ khiến bé gãy cổ... đều là những cách hiểu sai khá phổ biến của nhiều người.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, trưởng khoa phẫu thuật chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ dưới 2 tuổi thường không bị sai khớp do chấn thương, (nếu bị thì thường có gãy xương kèm theo) vì trong giai đoạn này hệ thống xương và dây chằng của các bé rất mềm mại,đàn hồi và bù trừ tốt, ngoại trừ những bé bị bệnh xương thủy tinh hay còi xương, xương mềm.

Dưới đây là lý giải của bác sĩ Hưng về một số cách hiểu sai hay gặp của các bậc phụ huynh:

Cho trẻ ngồi xe tập đi sớm, dắt trẻ đi lúc còn nhỏ... sẽ khiến chân bé bị cong

trẻ ngồi xe tập đi 3

Thực tế có nhiều cháu dùng xe tập đi bị ngã do xe lao rất nhanh, lăn xuống bậc thềm hoặc cầu thang. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng tư thế của bé khi đứng trong xe lâu ngày sẽ dẫn đến biến dạng xương, gây dị tật chân vòng kiềng chữ O, chữ X lại không đúng. Thật ra, việc cho bé ngồi xe này (khoảng 6 tháng tuổi trở đi) hoặc dắt cho trẻ tập đi không ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ.

Xương và hệ thống dây chằng của các bé rất mềm mại và đàn hồi tốt. Hơn nữa, mỗi trẻ có tốc độ phát triển riêng, có bé đi được từ lúc 10 tháng, bé khác có khi phải 16 tháng mới đứng được. Hơn nữa, có khi bố mẹ muốn bắt trẻ tập đi sớm cũng không được, vì nếu chưa sẵn sàng thì dù bà, mẹ có cố dắt đi, bé cũng cứ ì ra, ngồi thụp xuống chứ nhất định không chịu nhấc chân và đó là điều hoàn toàn bình thường.

Tốt nhất, cứ để trẻ phát triển tự nhiên, phù hợp với nhu cầu và "lộ trình" riêng của mình.

Nếu thấy con đi vòng kiềng hay chân bị cong thì nên đi chữa cho con càng sớm càng tốt

Điều này hoàn toàn sai. Do hiểu biết không đầy đủ,nhiều bậc phụ huynh cứ thấy con chân chữ O, chữ X là cho đi mổ, nắn chân, có khi phải bẻ, đục xương. Thực ra, từ khi sinh ra đến lúc 5 tuổi, trẻ có 2 lần chuyển dạng sinh lý về xương, tức là chân bé đang thẳng lại cong rồi đang cong lại thẳng. Vì thế, có thể bạn thấy chân con vòng kiềng nhưng thực chất đó chỉ là bé đang trong thời kỳ 2 lần thay đổi đó. Và tuyệt đối, bố mẹ không nên đưa con đi chữa trị, nhất là mổ nắn xương chân trước 5 tuổi nếu bé không có bệnh lý gì khác.

Nếu bé cứng cổ, chỉ nên ẵm ngửa, không nên bế đứng vì có thể bé ngọ ngoậy quay qua quay lại hoặc gập cổ ra sau gây gãy cổ

Trẻ bình thường không bao giờ bị gãy cổ hay sai các khớp khác do chấn thương. Lý do vẫn là vì cấu tạo xương và hệ thống dây chằng ở trẻ đàn hồi rất tốt.