Dạy trẻ những thói quen tốt trong nhà

Thứ tư - 30/10/2013 01:16
Trẻ em như một tờ giấy trắng, những thói quen của trẻ tốt hay xấu đều phụ thuộc vào những gì bạn viết lên trang giấy ấy. Là một người mẹ, tôi luôn ý thức được những gì mình làm ảnh hưởng đến con như thế nào và luôn cố gắng để giúp con học được những thói quen quan trọng giúp con vững bước trong cuộc sống sau này. Một trong những cách hiệu quả nhất mà tôi rút ra được là làm gương cho con hằng ngày. Trẻ tiếp thu phần lớn các kiến thức qua việc quan sát thế giới xung quanh chúng, vậy nên chúng sẽ...

Trẻ em như một tờ giấy trắng, những thói quen của trẻ tốt hay xấu đều phụ thuộc vào những gì bạn viết lên trang giấy ấy. Là một người mẹ, tôi luôn ý thức được những gì mình làm ảnh hưởng đến con như thế nào và luôn cố gắng để giúp con học được những thói quen quan trọng giúp con vững bước trong cuộc sống sau này. Một trong những cách hiệu quả nhất mà tôi rút ra được là làm gương cho con hằng ngày. Trẻ tiếp thu phần lớn các kiến thức qua việc quan sát thế giới xung quanh chúng, vậy nên chúng sẽ làm theo những gì bạn làm. Hãy cùng trang web Glenn Doman tham khảo những thói quen tốt như thế nào để xây dựng cho bé nhé:
1. Cư xử tốt
Bản thân tôi cho rằng một trong những thói quen tuyệt vời nhất mà trẻ nên có là việc cư xử tốt. Tôi đã chứng kiến rất nhiều gia đình, có thể do vô ý hay nghĩ trẻ con quá nhỏ để biết, cho rằng việc đứa con 3 tuổi của mình có quát nạt, đánh lại bố mẹ hay nói những từ bậy bạ là việc buồn cười và bỏ qua. Thậm chí tôi đã “hết hồn” khi cậu bé 1 tuổi rưỡi nhà hàng xóm còn chỉ tay nói với bố “Im đi” khi bị mắng. Tôi luôn nói với Mía, con trai tôi rằng bé phải cư xử tốt để có những gì bé muốn. Điều đó có nghĩa là Mía phải học cách nói “cảm ơn” và “được không ạ” vào mọi lúc, giữ cửa cho người khác nếu mình đi trước và tỏ ra lịch sự với mọi người xung quanh. Để Mía có thể học được những điều đó thì tôi chính là người thực hành nó đầu tiên. Mía chỉ quên mất vài ngày đầu, những cũng quen dần và tôi thậm chí còn ngạc nhiên vì tiến bộ của con.


2. Có trách nhiệm
Đây là một thói quen cơ bản tôi mong bé nhà mình học được. Tôi muốn Mía học được cách chịu trách nhiệm với hành động và đồ vật riêng của con vì vậy nên tôi cũng luôn nhắc mình phải làm y hệt như vậy. Ví dụ như, mỗi người trong nhà, cả bố mẹ và Mía phải có trách nhiệm với đống bát đĩa hay quần áo bẩn của mình. Mía luôn phải hoàn thành bài tập và cất đồ chơi đi khi đã chơi xong. Tất nhiên đôi khi bé vẫn cần mẹ nhắc nhở nhưng để bé có thể nhớ được những gì mẹ muốn thì mẹ phải luôn dọn dẹp gọn gàng đồ của mẹ và luôn cố gắng hoàn thành công việc mà mẹ hứa với bé.


3. Ăn uống một cách khoa học
Cân nặng luôn là vấn đề khiến các bậc cha mẹ phải đau đầu. Tôi có quen một chị bạn có đứa con 6 tuổi, vì bé được chiều nên thức ăn khoái khẩu hàng ngày của bé là các món ăn nhanh nhiều dầu mỡ như gà rán hay pizza, hôm trước chị kể bé đi khám sức khoẻ ở trường và bác sĩ nói bé hơi bị quá cân. Vậy là cực chẳng đã, hai mẹ con bắt đầu vật lộn với quá trình ăn kiêng mà cả mẹ lẫn con đều mệt mỏi. Tôi thấy thương bé quá vì bé tí đã phải ăn uống kiêng khem, chị bạn tôi cũng tâm sự, “nhìn nó thèm quá mà thương em ạ nhưng phải cứng rắn thôi”. Rồi gần đây tôi lại đọc được trên báo có vụ việc các mẹ bị lừa mua thuốc không tốt để giúp con tăng cân mà thấy xót xa. Cân thì tăng thật nhưng hệ quả để lại thì khó có thể lường trước được. Trước tình hình đó, tôi quyết đình phải giúp con mình có thói quen ăn uống khoa học. Vậy thì làm cách nào để con có thể học được? Đơn giản là các mẹ phải cho con thấy cách ăn uống khoa học của mình trước đã. Hãy cho bé thấy mẹ chỉ ăn đúng bữa với các món ăn đầy đủ dinh dưỡng và trình bày đẹp mắt, bỏ qua những bữa ăn vặt và các đồ ăn không có ợi cho sức khoẻ. Tất nhiên, không phải bạn hoàn toàn nói không với đồ ăn vặt, nhưng hãy làm cho bé thấy rằng đó là những đồ ăn mà chỉ được ăn vào những dịp đặc biệt nào đó ví dụ như bé được điểm cao chẳng hạn.


4. Luyện tập thể thao
Tôi biết việc tập luyện thể thao đều đặn hàng ngày là một điều rất khó thực hiện với các ông bố bà mẹ trẻ vì còn có biết bao nhiêu công việc không tên chờ bạn thực hiện, tuy nhiên, tôi cố gắng ưu tiên việc tập luyện để con tôi học được tập thể theo là một thói quen sống chứ không phải là việc mà con phải làm. Giúp bé có niềm vui khi luyện tập là một điều quan trọng, bạn hãy ra ngoài
chơi cùng bé, có thể là tập bóng, tập cầu lông hay bất kì một môn nào khác. Làm được điều này, bạn vừa có thể giúp con học được thói quen giữ gìn sức khoẻ, vừa trải nghiệm được thời gian vui vẻ bên con.


xay dung thoi quen tot cho tre


5. Sự cảm thông chia sẻ
Tôi nghĩ rằng cũng rất quan trọng khi trẻ được lớn lên trong một thế giới có sự thông cảm và sẻ chia lẫn nhau. Vì thế nên tôi luôn cố nhìn nhận sự việc dưới con mắt của người khác trong mỗi tình huống cụ thể và nói với Mía những điều người khác có thể cảm nhận trong mỗi một hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ như hôm trước, khi tôi cho Mía đi chơi công viên, chúng tôi gặp một bạn cũng trạc tuổi con phải đi bán kẹo cao su. Mía thấy lạ và hỏi mẹ tại sao bạn phải đi bán kẹo mà lại không đi chơi như mẹ con mình, tôi giải thích cho con rằng bạn phải kiếm tiền để giúp gia đình và hoàn cảnh của bạn khó khăn hơn nhà mình. Và hành động của con lúc đó làm tôi vừa ngạc nhiên vừa hạnh phúc, đó là Mía “đàm phán” với mẹ rằng con sẽ không ăn kem nữa mà số tiền mẹ định mua kem Mía sẽ dùng để mua kẹo cho bạn.


6. Sự tử tế
Tôi quan niệm rằng chúng ta luôn cần phải đối xử tử tế với mọi người xung quanh, dù cho họ có đôi lúc không tốt đi chăng nữa. Tôi nói với Mía rằng, nếu con có không thích ai đó, hoặc có ai làm con cảm thấy bực tức và không vui, con cũng không nên gây gổ và nói hỗn với họ. Tôi cũng luôn tránh việc xô xát và nói những thứ không hay với những người gây phiền toái cho mình, nhất là khi có mặt Mía, vì như vậy con sẽ học được cách đối xử tử tế với mọi người.


7. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
Đây có thể nói là một thói quen mỗi bé rất nên duy trì bởi nó sẽ giúp bé luôn sạch sẽ và khoẻ mạnh. Thông thường trẻ sẽ không giỏi lắm trong việc giữ vệ sinh bởi chúng còn mải nghịch ngợm, khám phá và chưa được làm quen với các phương pháp giữ vệ sinh cơ bản. Vì vậy các mẹ nên cho con thấy ngày nào mẹ cũng đánh răng 3 lần mỗi ngày sau khi thức dậy, ăn xong và trước khi đi ngủ (nếu có thể đấnh răng cùng con là tốt nhất), chải tóc gọn gàng mỗi khi ra ngoài, tắm rửa sạch sẽ sau khi về nhà, rửa tay trước khi ăn v.v. Bé sẽ dần học được lịch trình ấy của mẹ mà mẹ sẽ không phải quá vất vả để bắt con làm hàng ngày.


Trên đây là những thói quen tôi luôn cố gắng duy trì cho con hằng ngày bằng cách làm gương cho con học hỏi trước tiên. Tôi nghĩ điều này vừa giúp mẹ và bé hiểu nhau hơn và đồng thời cũng giúp bé hình thành những thói quen tốt hỗ trợ cho bé sau này.




Xây dựng những thói quen tốt, cơ bản cho trẻ ngày từ sớm