Vì sao phương pháp phê bình con cái của người Nhật khiến con tâm phục

Thứ ba - 06/08/2013 20:18
Đối với vấn đề cha mẹ phê bình con cái, quan điểm của các chuyên gia giáo dục sớm Nhật Bản cho rằng đây là việc làm cần thiết.Theo các chuyên gia giáo dục sớm Nhật Bản, những đứa trẻ không từng bị bố mẹ phê bình trong gia đình, đến khi ra làm việc ngoài xã hội thường dễ rơi vào tình trạng như: vừa gặp phải sự phê bình của cấp trên lập tức cảm thấy tất cả sụp đổ, tư tưởng mất phương hướng, hành động đi vào tiêu cực bằng cách nộp đơn xin thôi việc…Theo các chuyên gia giáo dục sớm, bố mẹ nên cần...

Đối với vấn đề cha mẹ phê bình con cái, quan điểm của các chuyên gia giáo dục sớm Nhật Bản cho rằng đây là việc làm cần thiết.



Theo các chuyên gia giáo dục sớm Nhật Bản, những đứa trẻ không từng bị bố mẹ phê bình trong gia đình, đến khi ra làm việc ngoài xã hội thường dễ rơi vào tình trạng như: vừa gặp phải sự phê bình của cấp trên lập tức cảm thấy tất cả sụp đổ, tư tưởng mất phương hướng, hành động đi vào tiêu cực bằng cách nộp đơn xin thôi việc…

Theo các chuyên gia giáo dục sớm, bố mẹ nên cần phải phê bình con cái. Phê bình có những tác dụng giáo dục riêng. Thông qua sự phê bình của bố mẹ, trẻ có thể nhận thức đúng sai, hiểu được mặt tích cực hay tiêu cực của vấn đề. Khi trẻ mắc lỗi, nếu bố mẹ đương nhiên bỏ mặc thì coi như chưa làm tròn trách nhiệm của người bố, người mẹ. Điều khó khăn là trong phê bình con cái, bố mẹ phải luôn luôn có thái độ cẩn trọng và nghiêm túc, không những không thể tuỳ tiện quát mắng con cái vô lý mà còn cần những cách thức nói năng sao cho trẻ nhận thức được vấn đề thay vì hình thành tâm lý chán ghét, ứng phó, chống đối bố mẹ. Khi đã phê bình con cái, bố mẹ phải rõ ràng về lập trường, đúng là đúng, sai là sai, phải hợp tình, hợp lý và có sức thuyết phục. Hãy để con cái thật sự tôn trọng và kính phục khi “được” lắng nghe những lời phê bình của bố mẹ!

Để có thể vừa giúp con nhận thức ra và sửa chữa những sai lầm, đồng thời không làm tổn thương đến lòng tự trọng của con, đối với tất cả những người làm bố, làm mẹ, đòi hỏi cả một “nghệ thuật” trong phê bình.

nghệ thuật phê bình con cái 1

Trước hết, khi phê bình con cái, bạn hãy giữ thái độ nghiêm trang, nói chuyện với con bằng lý lẽ mà không phải bằng những lời chì chiết. Quan điểm, lập trường của bạn phải trước sau như một trong suốt câu chuyện. Bản thân “phê bình” có giá trị giáo dục nhưng nếu bạn phê bình con cái một cách hồ đồ thì kết quả dẫn tới sẽ rất không hay. Thêm vào đó, cùng một sự việc, nếu hôm nay bạn ngăn cấm, phê bình con, ngày mai bạn lại cho phép, như thế không những bạn đã không rõ ràng về quan điểm mà đối với trẻ, việc nào đúng, việc nào sau cũng trở nên rất mơ hồ.

Nguyên tắc thứ đến trong phê bình con cái là cách phê bình, mức độ phê bình thoả đáng, hợp lý. Chuyên gia giáo dục sớm Nhật Bản dẫn một ví dụ về một em nhỏ ở tuổi học trung học như sau: vì cho rằng những nội quy của nhà trường là quá khắt khe, cậu bé này đã rủ một số bạn khác phá hoại, gây mất trật tự ở khu ký túc xá. Sau khi gây ra vụ việc, mấy cậu bé quyết định sẽ bỏ học. Biết câu chuyện, thầy Hiệu trưởng đích thân gọi mấy cậu học sinh đã gây lộn xộn trong trường lên phòng của mình. Thầy Hiệu trưởng rưng rưng nước mắt nói với mấy cậu bé: “Thầy thấy những việc các em làm thật đáng trách vô cùng. Nhưng lúc này, thầy không muốn nói điều gì cả. Thầy nghĩ chắc các em cũng đang phải suy nghĩ lại về hành động của mình, đúng không? Thầy hy vọng rằng các em sẽ suy nghĩ lại về những hành động đó”.

Thái độ phê bình nhưng là với tinh thần rộng lượng, kêu gọi sự nghĩ lại của thầy Hiệu trưởng đối với những học sinh trung học này đã có tác động vô cùng mạnh mẽ. Sau lời nói của thầy Hiệu trưởng, những cậu học sinh này đã thôi ý định bỏ học, không những nhận thức được những hành vi sai phạm mà còn hết sức cố gắng để sửa chữa lỗi lầm, rèn luyện bản thân.

Như vậy, vấn đề không phải ở “phê bình con trẻ” mà “làm thế nào để phê bình có tác dụng tối ưu nhất”. Phê bình nghĩa là muốn thay đổi suy nghĩ, thái độ cho đến hành động của đối tương. Nếu như người nghe phê bình chỉ cảm thấy như “vào tai này, ra tai kia” thì những lời phê bình coi như mất giá trị. Với con trẻ, những điều này càng quan trọng. Khi chúng ta thật lòng phê bình con trẻ, ngay đến âm sắc giọng nói cũng nên nhẹ nhàng, thái độ, nét mặt nên từ tốn, nghiêm trang. Khi thực hiện việc “phê bình”, điều chúng ta muốn đưa đến cho bọn trẻ không phải là sự chì chiết mà là thái độ đúng đắn, có lý lẽ, có sức thuyết phục. Giáo sư Hirakv còn rất chi tiết với lời khuyên các bậc phụ huynh nên “ở tư thế đứng” khi tiến hành phê bình con trẻ. Ông cho rằng “đứng” là tư thế nghiêm trang, tạo sức nặng “chính nghĩa” cho hành động phê bình!

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý đến không khí trước khi thực hiện “phê bình”. Không nên gây căng thẳng cho cuộc nói chuyện ngay từ phút đầu bằng những mệnh lệnh, những lời quát tháo “phủ đầu”. Thay vì thế, bố mẹ hãy cố gắt bắt đầu bằng những lý lẽ con trẻ dễ chấp nhận, dễ đồng tình. Bố mẹ càng tạo được tâm lý “lắng nghe, chịu nghe” ở con trẻ bao nhiêu thì sự phê bình sau đó càng có kết quả bấy nhiêu. Mỗi lúc con trẻ gây ra một sai lần nào đó, sự việc chắc chắn cũng có những nguyên do ít nhiều. Vì thế, trước khi thực hiện phê bình, bố mẹ cũng nên để con cái tự nói lên những lý do về hành động sai phạm của chính bản thân chúng. Như thế, bố mẹ không chỉ tránh được tính chủ quan trong phê bình mà còn có cơ hội tìm những điểm dựa tâm lí của con để tiến hành phê bình hiệu quả hơn.

nghệ thuật phê bình con cái 2

Phê bình con làm sao để con tâm phục khẩu phục?



Phê bình con làm sao để bé nghe lời và rút kinh nghiệm cũng là cả một nghệ thuật. Chỉ là những điều rất nhỏ nhặt nhưng lại rất quan trong cách giáo dục một đứa trẻ đạt hiệu quả cao nhất.

1. Thái độ không nghiêm túc

Nếu đã phê bình con đến nửa ngày trời mà bé vẫn có thái độ như chưa có chuyện gì xảy ra thì trước hết bạn hãy khoan tức giận mà thay vào đó nên tự nghĩ lại xem thái độ của mình khi phê bình con, trách mắng con có đúng hay không, có gây ấn tượng cho bé không?

Nếu như từ đầu đến cuối bạn chỉ tập trung vào việc mắng con thì sẽ khiến bé buồn chán, trong lòng thầm nghĩ “Lại nữa rồi” nhưng không hề quan tâm đến lời nói của bạn.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng khi trách mắng hay phê bình con, thái độ cần nghiêm túc, đúng mực và không nên tỏ ra “nộ khí xung thiên”. Điều cần quan tâm là thời điểm, phương pháp và thái độ của bạn khi phê bình bé.

Khi bé làm việc gì sai, bạn có thể để con ngồi xuống rồi bình tĩnh trò chuyện với bé. Việc trò chuyện này không chỉ dùng ngôn từ mà còn thông qua sắc mặt, ngữ điệu, ánh mắt… để bé cảm nhận được thái độ nghiêm túc của bạn, từ đó hiểu được mức độ sai của mình.

2. Nhanh chóng mềm lòng

Sau khi bị cha mẹ phê bình, bé thường nước mắt ngắn dài trông vừa tội nghiệp vừa đáng yêu. Vì thế, người lớn thường cảm thấy mắng như vậy đã đủ rồi, thậm chí còn hơi quá lời nên thường không mắng con nữa mà ôm bé vào lòng vỗ về, có người còn xin lỗi con.

Làm như vậy không hề có lợi trong việc giáo dục con cái bởi trước hết bé sẽ không nhận thức được lỗi của mình gây ra, thứ nữa là dần dần bé sẽ nhận ra cách “điều trị” bố mẹ cho nên những lần trách mắng con sau này hầu như không có tác dụng. Nguy hiểm hơn là bé có thể nghi ngờ bố mẹ “làm quá” mọi chuyện.

3. Chỉ dọa suông

Khi con không nghe lời, nhiều người thường đưa ra hình thức để dọa con, như: không cho ăn cơm, không cho đi chơi, đem cho nhà hàng xóm nuôi… Nhưng tất nhiên chẳng ai biến những lời dọa nạt đó thành hiện thực.

Một vài lần đầu có thể bé sẽ sợ mà vâng lời bạn nhưng khi thấy không có hình phạt nào được thực hiện, bé sẽ bị “nhờn thuốc” và không coi trọng lời nói của cha mẹ nữa.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng đưa ra hình phạt trong việc giáo dục con là không sai, nhưng bố mẹ nên chọn những hình thức phù hợp và phải nghiêm túc thực hiện, giám sát, như: không cho xem ti vi, không cho chơi đồ chơi…

4. Chỉ phê bình con mà không khen

Nếu bạn chỉ chăm chăm nhìn vào khuyết điểm của bé mà bỏ qua ưu điểm và những việc tốt bé làm được thì đó hoàn toàn không phải cách giáo dục tốt. Cách tốt nhất là mắng con đúng lúc, khen đúng mực thì hiệu quả trong lời nói của bạn sẽ được bé “hưởng ứng” tốt hơn, biết nghe lời cha mẹ hơn.

nghệ thuật phê bình con cái 3

Cha mẹ khen ngợi hoặc phê bình không đúng dễ khiến con hư



Những phân tích dưới đây có thể cho thấy 4 lỗi cơ bản khiến con hư đều xuất phát từ bố mẹ khen ngợi hoặc phê bình không đúng.

1. Không có tính tự lập, phụ thuộc vào ý kiến của người khác

Nguyên nhân: Bố mẹ thường khen ngợi hoặc phê bình thái quá cũng khiến con hư.

Không khó để nhận thấy là trong cách dạy con ngày nay, sự khen ngơi, thừa nhận thành quả của trẻ đúng lúc có tác dụng rất lớn trong việc xây dựng lòng tự tin cho trẻ. Nhưng lý thuyết là như vậy nhưng trong thực tế, nhiều phụ huynh vì muốn con được sống một cuộc sống thoải mái, nhẹ nhàng nên bên cạnh việc bao bọc, còn luôn sẵn sàng khen ngợi con mình trong bất kỳ trường hợp nào. Cách giáo dục như vậy dần dần sẽ khiến trẻ thiếu ý thức tự giác, đánh mất lòng tự tin và quá chú trọng vào đánh giá của người khác, làm việc gì cũng không có chủ ý mà chỉ mong được khen, nếu bị chê là từ chối không chịu làm.

Tương tự như vậy, phê bình, mắng mỏ, chỉ trích quá nhiều làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ không nhìn ra năng lực của mình.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia tâm lý khuyên bạn hãy học cách làm “bố mẹ thông minh”, nhận ra được điểm mạnh điểm yếu của con, khen ngợi đúng lúc và chê trách ở mức độ vừa phải, quan trọng là giúp con có cơ hội sửa chữa và rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm.

2. Ương bướng, cứng đầu

Nguyên nhân: Bố mẹ quá dân chủ là nguyên nhân khiến con hư.

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, chưa đủ kinh nghiệm để suy xét và phán đoán như một người trưởng thành nên có rất nhiều việc trong cuộc sống, chúng không thể hiểu rõ ngọn ngành và đưa ra quyết định đúng đắn được. Trong những trường hợp đó, trẻ cần tin tưởng và nghe theo hướng dẫn của cha mẹ.

Nhưng nếu gia đình bạn sống trong bầu không khí quá dân chủ thì rất dễ xảy ra tình trạng trẻ không nghe lời, cứng đầu, luôn làm theo ý riêng của mình. Các chuyên gia tâm lý và giáo dục trẻ em cho rằng, đối với trẻ lớn, đã có nhận thức xã hội và phát triển tư duy ở một mức nhất đinh thì có thể phân tích đúng sai và để trẻ tự quyết định theo đúng tinh thần dân chủ. Nhưng với trẻ nhỏ thì tốt nhất vẫn nên duy trì chế độ “độc tài” để trẻ có thói quen nghe lời, hạn chế tính cách bướng bỉnh, khó bảo hình thành từ bé.

3. Không chịu sửa lỗi

Nguyên nhân: Bố mẹ lạm dụng khen thưởng mà thiếu hình phạt.

Cũng giống như ở mục 1, tính cách xấu này liên quan mật thiết đến thái độ và cách giáo dục của bố mẹ. Khi trẻ hư, không nghe lời hoặc phạm lỗi gì đó, bên cạnh việc giảng giải cho trẻ nghe làm như vậy là không tốt, không ngoan thì dù yêu con đến mấy, bố mẹ cũng phải đưa ra hình phạt tương ứng với lỗi của trẻ, nhẹ thì có thể là khoanh tay xin lỗi hoặc không cho chơi đồ chơi trong thời gian nhất định, nặng thì có thể bị tét mông hoặc đánh vào tay vài cái.

Hãy để trẻ ngay từ nhỏ đã hiểu rằng làm sai sẽ phải chịu phạt, từ đó mỗi khi làm điều gì không đúng cũng phải dè chừng.

4. Không vâng lời người lớn

Nguyên nhân: Bố mẹ bất đồng trong cách dạy con.
Xuất phát từ quan niệm và thói quen mà nhiều đôi vợ chồng không tránh khỏi có lúc phải tranh cãi về cách dạy con. Điển hình nhất là khi mẹ đang mắng con thì bố bênh, cho đó là lỗi rất nhẹ hoặc ngược lại, thậm chí nhiều bậc phụ huynh còn vô ý tranh cãi về cách dạy con ngay trước mặt trẻ. Điều này là tối kỵ trong giáo dục con cái, bởi khi thấy bố mẹ bất đồng quan điểm, trẻ sẽ rất bối rối, không biết nghe theo ai và cảm thấy không an toàn. Từ đó, trẻ sẽ luôn ở trong tư thế “phòng thủ”, không vâng lời và nhiều khi nghe lời hoặc bố hoặc mẹ.