Cách chế biến các món ăn dặm kiểu Nhật cho bé

Thứ ba - 13/08/2013 22:52
Phương châm của ăn dặm kiểu Nhật là chú trọng sử dụng thực phẩm của tự nhiên hoặc do nuôi trồng. Đó là rau, củ, quả, cá, thịt, đậu… còn các thực phẩm đã qua chế biến như đồ hộp, thịt hun khói, gia vị các loại… họ đều khuyến cáo đừng cho trẻ ăn sớm từng nào hay từng đó.Vì thế, chọn ăn dặm kiểu Nhật là chọn cách cho bé ăn nhạt, vị của cháo, của súp… tất cả đều là từ rau củ quả, hoặc dashi (cá bào và rong biển konbu). Cho bé ăn nhạt từ đầu sau điều chỉnh rất dễ, chứ cho bé ăn mặn sớm, sau này những...
Phương châm của ăn dặm kiểu Nhật là chú trọng sử dụng thực phẩm của tự nhiên hoặc do nuôi trồng. Đó là rau, củ, quả, cá, thịt, đậu… còn các thực phẩm đã qua chế biến như đồ hộp, thịt hun khói, gia vị các loại… họ đều khuyến cáo đừng cho trẻ ăn sớm từng nào hay từng đó.

Vì thế, chọn ăn dặm kiểu Nhật là chọn cách cho bé ăn nhạt, vị của cháo, của súp… tất cả đều là từ rau củ quả, hoặc dashi (cá bào và rong biển konbu). Cho bé ăn nhạt từ đầu sau điều chỉnh rất dễ, chứ cho bé ăn mặn sớm, sau này những đồ nhạt (đặc biệt là rau) bé sẽ không chịu đâu. Tập thói quen ăn mặn nhanh lắm, chỉ vài bữa là xong, ăn nhạt mới khó đấy. Điều này rất mâu thuẫn với phương pháp cho trẻ ăn ở Việt Nam, vì thế các mẹ cũng nên chuẩn bị trước.

cách chế biến các món ăn dặm kiểu Nhật cho bé 1

Người Nhật mong muốn thành quả gì ở bé. Thứ nhất, mong bé phát triển bình thường, không mong bé béo. Thực đơn của món dặm Nhật chú trọng nhiều rau, cân đối giữa chất bột, đạm, vitamin, đặc biệt là chất đạm ăn rất ít (giai đoạn cuối 12-18 tháng mà cũng chỉ cho con ăn nhiều nhất là 20g), không quan trọng phải ăn thật nhiều đường sữa. Trẻ con Nhật không béo nhưng chắc và chơi khỏe, tự lập.

Thứ hai, thông qua ăn dặm, họ giáo dục trẻ biết cách ăn. Đứa trẻ biết nhai, có ý thức trong việc ăn uống, biết yêu cầu, từ chối, biết khẳng định mình… Để đạt được thành quả như thế quả là 1 quá trình gian nan nhất là với các mẹ Việt Nam mình, luôn mềm yếu, thôi thì miễn bé ăn đc cho mình là tốt rồi, thế là lại bài ca bật ti vi, vừa chơi vừa ăn… hoặc bế rong cho ăn.

Sau đây, Mời các mẹ đọc bài hướng dẫn chi tiết ăn dặm kiểu Nhật mẹ bé Châu. Mẹ bé Châu đã áp dụng ăn dặm kiểu Nhật cho bé thật tốt.

Bé Châu đã hoàn thành xuất sắc bốn giai đoạn ăn dặm. Mẹ ghi lại đây những gì hai mẹ con đã cùng nhau thực hiện trong suốt thời kỳ ăn dặm của con để rút ra bài học kinh nghiệm và để khích lệ hai mẹ con.

Kinh nghiệm

Theo lý thuyết thì thời kỳ ăn dặm của bé là từ 5 đến 15 tháng tuổi. Nhưng thực tế còn tùy vào khả năng của từng bé mà thời gian ăn dặm có thể dài hơn một chút, có thể kéo dài đến 18 hoặc 20 tháng tuổi. Đây là lần đầu tiên mẹ áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật để chăm con nên chưa được thuần thục lắm. Mẹ vừa áp dụng theo sách, vừa học hỏi thêm từ những mẹ đã có kinh nghiệm trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật.

Khi con gái được 5 tháng tuổi mẹ mới đưa con sang Nhật nên mẹ không được tham gia lớp học ăn dặm kiểu Nhật trước khi con đến tuổi ăn dặm (khi bé Châu 7 tháng tuổi mẹ mới tham gia lớp học này). Vì vậy, mấy ngày đầu mẹ đã cho con ăn bột Dumex mang từ Việt Nam sang. Bột này có vị ngọt. Nhưng theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật thì ở giai đoạn đầu tốt nhất là cho bé ăn vị tự nhiên của thực phẩm. Mẹ cũng không biết cách nghiền thức ăn thành dạng bột như thế nào. May nhờ có bác Thủy (mẹ bạn Hanachan) giới thiệu cho mẹ nồi nấu cháo, bộ dụng cụ chế biến món ăn dặm, cách nấu nước dashi, nước rau luộc … Bác Thủy còn dịch và gửi cho mẹ cả thực đơn ăn dặm của giai đoạn 5 ~ 6 tháng. Với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, suốt thời gian cho con ăn dặm mẹ không cần dùng đến máy xay. Ở đây các loại thịt bằm đều bán sẵn ở siêu thị, còn khi chế biến thức ăn thì đã có dụng cụ chế biến món ăn dặm.

Tuy đã tham khảo kỹ tài liệu về ăn dặm kiểu Nhật và nghe nhiều kinh nghiệm từ các mẹ khác nhưng trong quá trình cho con ăn dặm mẹ vẫn thiếu kiên nhẫn, sốt ruột hoặc ép ăn mỗi khi con ăn ít hoặc không chịu ăn. Đây là điều tuyệt đối không nên làm trong việc cho bé ăn. Sau nhiều lần như vậy mẹ mới rút kinh nghiệm. Bé ăn theo khả năng của bé chứ không phải theo ý của mẹ. Khi con không thích ăn thì không nên ép và khi con ăn ít thì cho uống sữa bù hoặc hôm sau ăn bù. Như vậy cả hai mẹ con đều cảm thấy thoải mái.

Có nhiều bữa mẹ say sưa chế biến những món ăn ngon và hấp dẫn với hy vọng con gái sẽ có một bữa ăn ngon miệng. Nhưng kết quả lại không như mẹ mong đợi. Mẹ đành chữa cháy bằng những gói đồ ăn sẵn mua ở siêu thị. Mà có khi đồ ăn mua ở siêu thị con gái cũng không ăn. Mẹ phải thay đổi chiến lược là một bữa làm mấy món khác nhau để nếu con không ăn món này thì còn có món khác. Bé xíu mà đã biết lựa chọn món ăn mình thích.

Việc tập cho con tự ăn mẹ vẫn còn ngại dơ nên hạn chế để con tự ăn. Sau mỗi lần tập cho con tự ăn, mẹ phải rửa tay chân, mặt mũi, thay quần áo cho con và lau cả sàn nhà nữa. Cũng hơi ngại thật, hichic …

Thành quả

Cứ như vậy, hai mẹ còn từ từ đi qua hết 4 giai đoạn và thu hoạch được khá nhiều thành quả. Thành quả thu được không quên phần của bố vì bố cũng lập được nhiều công trong chuyện cho con măm măm lắm đấy.

5 ~ 6 tháng tuổi, bé Châu ăn cháo tỉ lệ 1:10 (1 gạo + 10 nước) cùng với thức ăn nấu riêng. Cháo và thức ăn đều nghiền nhuyễn thành bột và rây qua lưới. Giai đoạn này chủ yếu là tập cho bé làm quen với việc ăn bằng muỗng và vị thức ăn khác ngoài sữa. Bé Châu đáp ứng tương đối tốt. Hầu như món nào em cũng ăn được.

cách chế biến các món ăn dặm kiểu Nhật cho bé 2

7 ~ 8 tháng tuổi, bé Châu ăn cháo tỉ lệ 1:7 nguyên hạt cùng với thức ăn nấu riêng. Thức ăn giai đoạn này được ninh mềm, nghiền sơ. Giai đoạn này bé tập nuốt thức ăn thô hơn giai đoạn trước. Bé Châu cũng đáp ứng tốt. Em nuốt nhanh và không lần nào bị ọe hay trớ thức ăn. Đặc biệt, ở giai đoạn này bé Châu đã có phản xạ nhai thấy rõ.

9 ~ 11 tháng tuổi, bé Châu ăn cháo 1:5 cùng với thức ăn nấu riêng. Em ăn được thịt heo, thịt bò, thịt gà, tôm xay nấu súp, xào, hoặc viên tròn rán, kho. Đối với rau, đậu hũ thì cắt miếng 0,5 cm. Lúc này bé Châu biết tự bốc trái cây, thức ăn dạng miếng, viên cho vào miệng. Giai đoạn này, mục tiêu quan trọng nhất là tập cho bé nhai và bé Châu biết nhai tốt. 9 tháng tuổi em mới có 4 cái răng cửa nhưng em nhai tốt thức ăn bằng lợi. Vì thức ăn được nấu mềm nên bé có thể nhai bằng lợi. Vì vậy, mặc dù ăn miếng to nhưng em nhai tốt nên mẹ không sợ vấn đề tiêu hóa hay bao tử của em. Ngoài ra, giai đoạn này mẹ còn tập cho em cầm muỗng và nĩa.

12 ~ 15 tháng tuổi, 4 tuần đầu bé Châu ăn cháo 1:3 (cơm nát) và sau đó là cơm. Cơm có vẻ dễ ăn hơn cháo 1:3, bé Châu ăn cháo 1:3 hay bị nghẹn vì cháo dẻo và dính. Bây giờ thì em biết cầm nĩa tự ghim đồ ăn cho vào miệng giỏi rồi. Em biết cầm muỗng đưa thức ăn vào miệng nhưng múc chưa khéo, dễ làm đổ thức ăn trước khi cho vào miệng. Mẹ sẽ giúp em luyện tập thêm cho đến khi thành thạo. Giai đoạn này mẹ tương đối nhàn khi cho em ăn. Mẹ thường xuyên làm những món dạng viên, miếng để bé Châu tự bốc ăn dễ dàng (cơm nắm, trứng đúc thịt, thịt viên chiên hoặc kho, cá kho, cá nướng, rau củ luộc hoặc xào là những món thường ngày). Những món dạng súp lỏng thì mẹ mới phải đút thôi.

cách chế biến các món ăn dặm kiểu Nhật cho bé 3

Một thành quả đáng kể nữa là bé Châu được tập ngồi vào ghế ăn từ khi bắt đầu ăn dặm nên mẹ không phải chạy theo con để cho ăn. Khi ăn em cũng có khi nghịch ngợm leo trèo lên bàn ăn và đòi ra ngoài nhưng mẹ hạn chế không chiều theo. Và hầu như những lúc như vậy là vì em chán ăn rồi nên đòi ra khỏi ghế. Nhiều lần như vậy mẹ mới biết ý và những lúc như vậy mẹ thôi không cho ăn nữa, cho em ra ngoài chơi một lát rồi cho uống sữa bù.

Hiện tại, tuy bé Châu chưa hoàn toàn ăn cùng bố mẹ nhưng mẹ thật sự hài lòng với chuyện ăn uống của con. Những dịp cả nhà đi ăn ngoài hoặc đến nhà ai chơi, mẹ không còn phải lo lắng chuyện nấu nướng riêng để mang theo cho con nữa. Bố mẹ ăn gì thì cho con ăn nấy. Ở cửa hàng Lawson có bán loại cơm nắm của Nhật mà bé Châu rất thích. Chỉ cần một nắm cơm ấy (110 g) với thêm một ít rau hoặc canh ăn cùng bố mẹ là đủ một bữa cho con. Sau đó có thể ăn thêm một ít hoa quả. Bé ăn no rồi chơi rất ngoan. Bố mẹ cứ thoải mái ăn uống và trò chuyện với mọi người.

Mẹ vừa chăm con vừa vui với những thành quả đạt được. Bây giờ thì bé Châu biết ăn hầu hết các loại cá (trừ món cá sống), thịt heo, thịt bò, thịt gà, tôm, xúc xích, trứng, rau bina, cải ngọt, cải cúc, cải thìa, cải thảo, bắp cải, súp lơ trắng, súp lơ xanh, bí xanh, bí đỏ (tuy không thích lắm), khoai tây, cà rốt, hành tây, củ cải, cà chua, cà tím, ớt chuông, dưa leo … Trái cây thì em không chê loại nào, từ loại mềm như chuối, nho, cam, quýt, kiwi, dâu đến loại cứng như táo em đều măm được. Em đặc biệt thích chuối và nho.

Nhờ phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, mẹ không phải vất vả với tình trạng cho con đi ăn rong, con ngậm cháo, con không biết nhai, ép ăn, làm trò khi cho con ăn, thậm chí là quát mắng con khi cho con ăn. Mỗi bữa ăn của bé Châu không kéo dài quá 30 phút và thường xuyên kết thúc bữa ăn trong vòng 15-20 phút.