Chuẩn bị sức khỏe và tiêm chủng trước khi mang thai theo hướng dẫn của bác sĩ

Thứ sáu - 08/11/2013 21:50
Theo các bác sĩ sản phụ khoa, để sinh con khỏe mạnh, thông minh, các mẹ bầu tương lai cần chuẩn bị sức khỏe như tẩy giun sán, bổ sung sắt và acid folic trước khi mang thai, đồng thời cần phải nắm rõ lịch tiêm chủng cần thiết trước khi mang thai như tiêm ngừa cúm, tiêm ngừa rubella.Bác sĩ Trần Việt Cường, Trưởng khoa sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) cho biết, để có sức khỏe tốt, người phụ nữ cần thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, không đẻ nhiều, đẻ dày, tránh mang thai ngoài ý muốn. Nên tẩy...

Theo các bác sĩ sản phụ khoa, để sinh con khỏe mạnh, thông minh, các mẹ bầu tương lai cần chuẩn bị sức khỏe như tẩy giun sán, bổ sung sắt và acid folic trước khi mang thai, đồng thời cần phải nắm rõ lịch tiêm chủng cần thiết trước khi mang thai như tiêm ngừa cúm, tiêm ngừa rubella.


Bác sĩ Trần Việt Cường, Trưởng khoa sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) cho biết, để có sức khỏe tốt, người phụ nữ cần thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, không đẻ nhiều, đẻ dày, tránh mang thai ngoài ý muốn. Nên tẩy giun sán cho tất cả thành viên gia đình, kiểm tra sức khỏe răng miệng, tiến hành tiêm phòng và một số xét nghiệm trước khi mang thai để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.


Theo bác sĩ Cường, phụ nữ không nên có con trước 22 tuổi, vì đẻ sớm quá cơ thể người mẹ chưa phát triển đầy đủ, cơ quan sinh dục và các tuyến nội tiết cũng chưa phát triển hoàn thiện. Không nên sinh quá muộn sau 35 tuổi, vì đẻ muộn khung xương chậu, các dây chằng cứng khó giãn nở, dẫn đến nguy cơ đẻ khó. Mặc khác thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh nếu thai phụ lớn tuổi. Tốt nhất nên đẻ ở lứa tuổi 25 đến 30 và khoảng cách mỗi lẫn sinh là 3-5 nǎm.


Thăm khám cần thiết trước khi mang thai:


tiêm chủng trước khi mang thai 1


- Tẩy giun sán trước khi muốn có thai vì bạn sẽ không thể tẩy giun trong khi đang mang thai. Cần phải tẩy giun cho toàn bộ thành viên trong gia đình cùng một thời gian để đảm bảo không có sự lây lan chéo ngược lại.


- Bắt đầu uống bổ sung viên sắt và acid folic trước khi quyết định có thai 6 tháng để phòng tránh dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Tiếp tục uống acid folic kèm với sắt đến sau khi sinh một tháng. Nên lựa chọn viên sắt có chứa 60mg sắt nguyên tố và 400mcg acid folic.


- Kiểm tra răng miệng. Vệ sinh răng miệng kém và bệnh nha chu làm gia tăng nguy cơ sinh non, tiền sản giật (cao huyết áp thai kỳ). Ngưng việc sử dụng chất làm trắng răng, hiện chưa rõ những chất làm trắng đó liệu có an toàn cho thai nhi và thai phụ hay không. Tốt nhất là nên chuẩn bị một hàm răng chắc khỏe hoàn toàn trước khi mang thai.


- Tiêm phòng một số bệnh như cúm, rubella, thủy đậu, viêm gan siêu vi B… Nên chích ngừa ít nhất 3 tháng trước khi quyết định mang thai.


- Kiểm tra huyết áp và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi mang thai vì huyết áp cao gây nhiều tình huống nguy hiểm cho tính mạng của cả bản thân người mẹ và thai nhi.


- Tầm soát bệnh đái tháo đường. Nếu mắc bệnh, nên kiểm soát đường huyết tốt và có sự tư vấn của bác sĩ về dinh dưỡng, vận động và dùng thuốc trong thai kỳ.


- Tầm soát bệnh thiếu máu. Thiếu máu gây cảm giác yếu ớt và làm cho bà bầu lúc nào cũng mệt mỏi. Cần bổ sung viên sắt đầy đủ trước khi mang thai.


Xét nghiệm nên làm trước khi mang thai


tiêm chủng trước khi mang thai 2


- Xét nghiệm máu, biết công thức máu, Hb, Hct để xác định tình trạng thiếu máu, nhóm máu để khi cần thiết thì truyền máu, yếu tố Rh để phòng bất đồng nhóm máu mẹ và con. Việc xác định yếu tố Rh rất quan trọng, một số trường hợp trẻ sau khi chào đời đã tử vong vì mẹ mang máu Rh.


- Xét nghiệm hóa sinh máu, xét nghiệm đường huyết trong máu xem bạn có bị mắc bệnh đái tháo đường, xét nghiệm đánh giá chức năng gan, chức năng thận.


- Xét nghiệm nước tiểu, tìm các bất thường trong nước tiểu như máu, đạm, đường, vi khuẩn … trong nước tiểu.


- Xét nghiệm tầm soát một số bệnh có thể lây truyền qua con như viêm gan siêu vi B, C, HIV, giang mai.. để được bác sĩ tư vấn trước khi quyết định có con.


- Siêu âm ổ bụng để phát hiện bất thường ở các tạng trong ổ bụng như gan, lách, tụy, thận, tử cung, buồng trứng.


- Chụp nhũ ảnh để phát hiện u vú nếu bà mẹ trên 35 tuổi.


- Xét nghiệm Pap Smear để phát hiện ung thư cổ tử cung.


- Điện tâm đồ, phát hiện các bệnh lý về tim.



Tiêm phòng trước khi mang thai: những điều cần biết


tiêm chủng trước khi mang thai 3


Tiêm phòng rubella


Virut rubella lây truyền qua đường hô hấp, thời gian ủ bệnh từ 12 – 23 ngày (trung bình là 18 ngày). Nhiễm rubella trong đầu thai kỳ (3 tháng đầu hoặc 20 tuần đầu) có thể gây thai chết hoặc hội chứng rubella bẩm sinh, hội chứng này đặc trưng bởi nhiều khuyết tật, đặc biệt là với não, tim, tai và mắt. Virut rubella có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể trẻ mang dị tật bẩm sinh, thường là trên 1 năm và được bài xuất qua dịch tiết hầu họng, nước tiểu và đó là nguồn lây nhiễm cho những người tiếp xúc.


Tất cả phụ nữ, vị thành niên nữ đều có thể tiêm phòng rubella, trừ các trường hợp: dị ứng với thành phần của thuốc, suy giảm miễn dịch; thận trọng khi có tiền sử dị ứng trứng, hoãn tiêm khi sốt, bệnh cấp tính, có thai. Tác dụng phụ: đau, sưng tại chỗ tiêm, sốt, phát ban.


Lưu ý: Tránh có thai trong vòng 3 tháng sau tiêm.


Tiêm phòng thủy đậu (trái rạ)


Phụ nữ chuẩn bị có thai được tiêm phòng thủy đậu sẽ tránh được tình trạng mẹ bị thủy đậu trong nửa đầu thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh do lây nhiễm qua nhau thai. Những dị tật bẩm sinh gồm: viêm võng mạc bồ đào, teo vỏ não, thận ứ nước, những khiếm khuyết của da và xương chân. Nguy cơ cao nhất là 2% ở tuổi thai từ 13-20 tuần. Tác dụng phụ: đau, sưng tại chỗ tiêm, sốt, phát ban sau 1 – 3 tuần.


Không tiêm vắc – xin thủy đậu cho các trường hợp: quá mẫn với thành phần của thuốc, có thai, suy giảm miễn dịch, hoãn tiêm khi sốt, bệnh cấp tính, thận trọng 2 ngày trước tiêm khi bị dị ứng, co giật.


Lưu ý, nên tránh có thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm.


Tiêm phòng viêm gan B


Phụ nữ chuẩn bị mang thai muốn tiêm phòng viêm gan siêu vi B nên xét nghiệm huyết thanh học trước khi tiêm. Xét nghiệm huyết thanh học để đánh giá tình trạng nhiễm HBV đang được áp dụng phổ biến là xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs. Cũng có thể xét nghiệm huyết thanh học cho cả chồng để có thêm dữ liệu về nguy cơ của người vợ, tình trạng nhiễm viêm gan B của chồng.


Các loại bệnh khác


Ngoài ra, phụ nữ chuẩn bị mang thai có thể tiêm phòng các loại bệnh khác như: cúm, viêm gan siêu vi A, thương hàn, phế cầu, viêm màng não do não mô cầu A+C…



Chuẩn bị mang thai – Người phụ nữ cần phải có cơ thể khỏe mạnh


Sức khỏe của thai nhi có liên quan mật thiết với sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của bố mẹ. Đặc biệt là sức khỏe của người mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi. Trên thực tế, chế độ ăn uống bảo đảm cân bằng dinh dưỡng của người mẹ khi chuẩn bị mang thai là yếu tố quan trọng đối với việc hình thành và phát triển của bào thai trong tử cung, nhằm cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi. Cho nên, nếu bạn chuẩn bị mang thai cần phải ăn uống đầy đủ các loại chất dinh dưỡng.


Phụ nữ chuẩn bị mang thai chú ý nâng cao tiêu chuẩn dinh dưỡng có thể làm nâng cao chất lượng của tế bào sinh sản. Khi bạn biết chính xác là đã thụ thai mới tăng dinh dưỡng thì trên thực tế đã không đáp ứng được nhu cầu phát triển của thai nhi trong thời gian đầu rồi. Nâng cao tiêu chuẩn dinh dưỡng trước khi mang thai là 1 trong những biện pháp quan trọng nhất để thai nhi khỏe mạnh.


tiêm chủng trước khi mang thai 4


Ngoài chế độ ăn uống ra, bạn còn cần phải chú ý rèn luyện sức khỏe như tập thể dục hàng ngày, bơi lội, khiêu vũ, đi bộ, hít thở không khí trong lành…


Trứng rụng và tinh trùng khỏe mạnh là điều kiện cần thiết cho giai đoạn chuẩn bị mang thai


- Mỗi 1 sinh mệnh mới đều được kết hợp giữa tế bào trứng của người mẹ và tế bào tinh trùng của người bố.


- Hệ thống sinh sản bình thường của phụ nữ được cấu thành bởi buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, âm đạo…


- Buồng trứng sản sinh ra trứng và tiết ra hormone sinh dục nữ, trong buồng trứng có chứa khoảng 4- 5 triệu trứng, sau đó giảm dần. Đến tuổi dậy thì, trong buồng trứng chỉ còn lại 500.000 trứng. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt có khoảng từ 10- 100 trứng bắt đầu phát triển. Nhưng khi rụng trứng, thường chỉ có 1 trứng có thể hoàn toàn trưởng thành và kết hợp được với tinh trùng.


- Ống dẫn trứng là 2 đường ống có tính đàn hồi gấp khúc và rỗng, 1 đầu nối với 2 cạnh của đáy tử cung, đầu kia như hình cái ô nằm gần buồng trứng, gọi là loa vòi. Khi trứng rụng từ buồng trứng ra, rơi rất nhanh vào ống dẫn trứng. Trứng sẽ theo ống dẫn trứng vào tử cung. Nếu lúc đó giao hợp, tinh trùng từ âm đạo qua cổ tử cung, vào tử cung di chuyển vào ống dẫn trứng và bơi về phía trứng. Thông thường, trứng và tinh trùng kết hợp ngoài ống dẫn trứng. Sau đó, trứng thụ tinh mất khoảng 7 ngày mới có thể vào được tử cung. Sau khi trứng thụ tinh vào trong niêm mạc tử cung sẽ không ngừng phát triển và trở thành 1 thai nhi.


- Vợ chồng muốn sinh con, trước tiên phải chuẩn bị điều kiện kết hợp cơ bản là lúc trứng rụng và tinh trùng khỏe mạnh.


tiêm chủng trước khi mang thai 5


Chuẩn bị tâm lý trước khi mang thai dù bạn sinh con trai hay con gái đều tốt cả


Chuẩn bị tâm lý trước khi mang thai thường bị đa số các cặp vợ chồng coi nhẹ. Họ chỉ chuẩn bị sức khỏe và kiến thức y học, trong khi đó chuẩn bị tâm lý lại vô cùng quan trọng.


Mang thai, đối với các cặp vợ chồng trẻ là 1 chuyển biến khá lớn, là 1 bước ngoặt về tình cảm. Trong thế giới 2 người sẽ biến thành thế giới của 3 người, đa số các cặp vợ chồng ngoài vui mừng còn có không ít lo lắng.


Vì thế, các cặp vợ chồng nên có con vào lúc tâm lý ổn định nhất. Nếu gia đình hoặc bản thân có vấn đề gì thì nên tạm hoãn kế hoạch có thai.


Vào đầu thai kỳ, người vợ vì có thay đổi về sinh lý nên có rất nhiều thay đổi về hành vi và tâm lý. Người chồng nên có sự chuẩn bị trước để có sự thông cảm và quan tâm đối với vợ, như vậy sẽ rất tốt cho sự phát triển tính cách của đứa con sau này.


Ở nước ta còn có những quan niệm phong kiến, lạc hậu, 1 số cặp vợ chồng vì muốn sinh con trai hay con gái đã trở thành áp lực tư tưởng cho việc chuẩn bị mang thai. Vấn đề này cần tuyệt đối không để ảnh hưởng đến thai phụ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách sau này của con cái.


Nên chuẩn bị mọi thứ thật tốt trước khi mang thai


Mang thai và sinh con tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu kinh tế. Sau khi đứa con sinh ra, vợ chồng sẽ phải đối mặt với 1 loạt vấn đề như nuôi con, việc học hành, ốm đau của con cái…


Trước tiên, phải có sự chuẩn bị nhất định về kinh tế cho việc mang thai, sinh con và nuôi con. Nếu người vợ đi làm thì nguồn thu nhập trong thời gian mang thai và sinh con sẽ bị giảm đi, thậm chí toàn bộ nguồn kinh tế đều dựa vào người chồng, do đó phải có kế hoạch hợp lý các loại chi tiêu để tránh rơi vào tình trạng khó khăn.


Ngoài ra, nên cải thiện và sửa sang chỗ ở để thai phụ cảm thấy thoải mái, tâm trạng vui vẻ. Như treo 1 bức tranh trẻ em đáng yêu, bụ bẫm, bày 1 vài con thú bông ngộ nghĩnh, mua 1 vài con búp bê… Thực ra, đây cũng là để chuẩn bị cho đứa con sắp sinh ra. Còn có thể nghe nhiều nhạc trữ tình, những bài hát thiếu nhi.