Hướng dẫn mẹ bầu các phương pháp giúp tăng cân ít khi mang thai

Thứ tư - 28/08/2013 22:19
Làm sao để các mẹ bầu tăng cân ít, hợp lý, vẫn giữ được vóc dáng chuẩn nhưng thai nhi vẫn tăng cân đủ tiêu chuẩn là điều mà các mẹ bầu quan tâm. Sau đây là các phương pháp được tư vấn bởi các chuyên gia dinh dưỡng sản khoa.Nghiên cứu của viện y học Mỹ đã khẳng định: "Mỗi người phụ nữ nên duy trì cân nặng ở mức ổn định trong thời kỳ mang thai. Đặc biệt, bạn chỉ cần ăn thêm 300 calo mỗi ngày là đã đủ cho em bé".Tăng cân nhiều quá trong khi mang thai dễ tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường,...
Làm sao để các mẹ bầu tăng cân ít, hợp lý, vẫn giữ được vóc dáng chuẩn nhưng thai nhi vẫn tăng cân đủ tiêu chuẩn là điều mà các mẹ bầu quan tâm. Sau đây là các phương pháp được tư vấn bởi các chuyên gia dinh dưỡng sản khoa.

Nghiên cứu của viện y học Mỹ đã khẳng định: "Mỗi người phụ nữ nên duy trì cân nặng ở mức ổn định trong thời kỳ mang thai. Đặc biệt, bạn chỉ cần ăn thêm 300 calo mỗi ngày là đã đủ cho em bé".

Tăng cân nhiều quá trong khi mang thai dễ tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, huyết áp, một nguyên nhân dẫn đến chứng tiền sản giật. Một điều mà ít bà bầu quan tâm là mẹ tăng cân nhiều có thể dẫn đến việc em bé có cân nặng lớn vượt chuẩn. Điều đó không chỉ gây khó khăn cho việc sinh nở mà còn khiến bé đối mặt với những nguy cơ như lượng đường trong máu thấp, gia tăng các vấn đề trao đổi chất dẫn đến nguy cơ tiểu đường và bệnh béo phì.

Vì vậy, để có một thai kỳ khỏe mạnh, hãy cố gắng duy trì mức tăng cân của bạn trong khoảng 11-16kg. Để làm được điều này, bạn nên chọn chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn và thường xuyên theo dõi cân nặng. Sau đây là 5 bí mật của những bà bầu mi nhon rất hữu ích mà bạn không nên bỏ qua.

1. Đi bộ 30 phút giúp các mẹ bầu tăng cân ít khi mang thai

phương pháp giúp tăng cân chuẩn khi mang thai 1

Chị Trang (Hà Nội) trước đây là người rất chịu khó tập luyện thể thao. Hàng ngày, chị dậy từ 5h30 sáng và tham gia lớp tập thể dục aerobic để giữ gìn vóc dáng và sức khỏe. Khi có bầu, chị Trang quyết định dừng tập aerobic và chuyển sang môn đi bộ. Chị tâm sự: "Bác sĩ khuyên tôi nên đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày. Ngoài ra tôi còn dành một tuần 3 buổi để đi bơi. Từ hồi đi bơi tôi cũng giảm hẳn chứng đau lưng, cơ thể nhẹ nhõm, bớt mỏi mệt hẳn". Có lẽ chính nhờ chế độ tập luyện hợp lý nên dù mang thai ở tháng thứ 8, trông chị vẫn rất gọn gàng, nhanh nhẹn. Hiện chị Trang đã tăng được 8 kg và em bé trong bụng dự tính tới ngày sinh nở sẽ có cân nặng khoảng 3,2 kg.

2. Chỉ ăn 1 bát cơm

phương pháp giúp tăng cân chuẩn khi mang thai 2

Rất nhiều bà bầu có quan niệm cần phải ăn cho hai người thì con mới khỏe mạnh, đủ chất. Nhưng Ngọc Minh (Đà Nẵng) lại phản đối tư tưởng này. Có mẹ là bác sĩ dinh dưỡng nên Minh được biết chỉ cần ăn thêm khoảng 300 calo mỗi ngày, tương đương với thêm một thanh kẹo và hoa quả là đã đủ cho bé. Minh đang mang thai ở tháng thứ 6 và mới chỉ tăng 3 kg.

Bà bầu xinh đẹp cho biết: "Trước đây mỗi bữa mình ăn 1 bát cơm, giờ có bầu mình vẫn ăn như vậy. Nhưng mình uống rất nhiều sữa, mỗi ngày tới 1 lít sữa tươi không đường. Hoa quả thì loại nào tốt cho bé là mình ăn, hạn chế những loại quả nóng như dưa hấu, vải, nhãn là được. Ở bàn làm việc của mình lúc nào cũng có sẵn hoa quả, vì thế mình không bị rơi vào cảm giác đói bụng. Hiện em bé nhà mình cân nặng vẫn đủ chuẩn. Mình thường xuyên tham khảo chế độ dinh dưỡng từ mẹ nên cũng rất yên tâm khi ăn theo thực đơn này".

3. Hạn chế nước ép

phương pháp giúp tăng cân chuẩn khi mang thai 3

Chị Mai Lan (Bắc Ninh) cũng từng rơi vào giai đoạn khủng khoảng của cân nặng khi mang bầu 3 tháng đã tăng gần 5 kg. Chị tâm sự: "Tôi may mắn không bị nghén, vì thế khi vừa có bầu là tôi đã ăn rất nhiều. Mẹ chồng tôi lại đảm đang và chiều con dâu, vì thế vừa biết tôi có tin vui là bà đã tích cực bồi dưỡng. Bên cạnh chế độ ăn uống với nhiều đạm, mỗi bữa ăn của tôi còn có thêm một cốc nước ép hoa quả, khi thì cam, khi thì táo, khi thì dưa hấu. Được chăm bẵm quá nên có bầu 3 tháng tôi đã phát hoảng vì cân nặng lên gần 5 kg. Cứ thế này chắc lúc đẻ tôi thêm 20kg nữa mất".

Sau khi đi khám bác sĩ và nhận được những cảnh báo về cân nặng, chị Mai Lan đã tìm cách cân bằng lại chế độ dinh dưỡng. Bác sĩ cho biết uống nước ép tuy bổ dưỡng nhưng nhiều quá lại dễ tăng cân nhanh. Đặc biệt là lượng đường trong nước ép sẽ không tốt cho cả mẹ và bé. Giờ thì đã bước sang tháng thứ 7 nhưng Mai Lan chỉ tăng thêm gần 2kg nữa. Chị chia sẻ: "Giờ tôi ăn ít tinh bột đi, thay sữa bà bầu thành sữa không đường tách béo. Đặc biệt, nước ép giờ tôi giảm xuống chỉ còn ngày 1 cốc, tránh cho thêm đường. Còn lại tôi sử dụng thêm nước lọc. Mẹ bầu đừng chủ quan, vì nước ép tốt nhưng cũng làm tăng cân khủng khiếp nếu lạm dụng đấy".

4. Làm bạn với khoai lang

Vốn là tạng người tròn trĩnh nên khi mang bầu, Lê Hoa (Hải Phòng) tăng cân vùn vụt. Khi mang thai 6 tháng, Lê Hoa đã tăng tới 11 kg khiến ai gặp cũng tưởng cô đã tới ngày lâm bồn. Lê Hoa tâm sự: "Mình cũng có muốn tăng nhiều đâu, nhưng do tạng người, cộng với ăn uống tốt nên mình lên cân vù vù. Mà tăng thế này lo lắm, nhỡ tiểu đường, rồi tiền sản giật thì sau này khổ cả mẹ cả con".

May mắn là bác sĩ đã yêu cầu Lê Hoa kiểm soát lại cân nặng, xem xét lại chế độ dinh dưỡng, tập luyện vì nếu không sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Vậy là hàng tối, sau khi ăn cơm xong, Lê Hoa lại cùng chồng đi bộ vài vòng quanh sân khu tập thể. Giảm tinh bột, uống sữa không đường tách béo cũng là cách mà cô lựa chọn để bớt tăng cân. Lê Hoa còn bật mí: "Giờ mình làm bạn với món khoai lang. Vì mình quen ăn nhiều nên nhanh đói, trước cứ đói là ăn cơm, giờ thay bằng khoai lang, vì no bụng, vừa chống táo bón lại hạn chế đưa tinh bột vào người. Mình đọc thông tin trên mạng thấy khoai lang cũng có rất nhiều vitamin tốt cho bà bầu lắm. Cũng nhờ chế độ ăn này mà cân nặng của mình 2 tháng gần đây có xu hướng chậm hẳn lại".

5. Là "fan" của món cháo

Bà bầu Minh Hà (Vũng Tàu) đã mang thai ở tháng thứ 7 nhưng mới chỉ tăng vỏn vẹn 5kg. Nhìn Minh Hà từ đằng sau, nhiều người còn tưởng là hot girl nào chứ không phải là bà bầu sắp tới ngày sinh nở. Bật mí về chế độ ăn uống, Minh Hà cho biết, trước đây cô ăn kiêng rất nhiều. Nhưng từ khi có bé, cô bỏ chế độ ăn này vì sẽ không tốt cho cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, Minh Hà vẫn hạn chế ăn tinh bột nhiều vì nếu tăng cân quá nhanh có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tiểu đường, béo phì.

Vốn thích ăn cháo, Minh Hà quyết định lựa chọn món ăn này hàng ngày. Cô tiết lộ: "Mình mua một cái nồi ủ, tối đặt bếp đun một nắm gạo, thêm thịt, cá băm nhỏ, rồi ủ tới sáng mai là có nồi cháo rất thơm ngon". Minh Hà rất chịu khó nghiên cứu các món cháo khác nhau để chống ngán, vừa bổ sung dưỡng chất cho con. Cháo cá chép được cô ưu tiên hàng đầu vì nghe nói ăn vào rất tốt cho bé. Ngoài ra, cháo gà, cháo thịt bò, cháo ngao, cháo bí đỏ... cũng thường xuyên được cô lựa chọn. Minh Hà cũng khuyên các bà bầu nên lựa chọn sữa đậu nành, sữa tươi không đường tách béo và ăn thật nhiều hoa quả để vừa đủ chất, vừa giúp da mẹ bầu tránh được tình trạng xạm nám trong thời kỳ nhạy cảm này.

Lên cân ít khi mang thai có đáng lo



Hỏi: Thưa Bác Sỹ ...con dâu tôi năm nay 20 tuổi, đang mang thai đứa con đầu lòng, lúc chưa mang thai, cháu được 42 kg, bây giờ mang thai đã được tháng thứ 7 mà cháu có 49 kg...xin hỏi Bác Sỹ lên cân như thế có phải là quá ít không? ... Xin Bác Sỹ tư vấn giúp tôi cần bổ sung thực phẩm như thế nào dể có thể đạt được yêu cầu của thời gian mang thai. Đồng thời cháu cũng bị thiếu nước ối, đang theo sự hướng dẫn của Bác Sỹ là uống nhiều nước và tái khám lại sau 2 tuần nữa. Vì hoàn cảnh gia đình, tôi không ở gần cháu ...nên tôi rất lo lắng....Kính xin các Bác Sỹ giúp đỡ tôi...Tôi xin thành thật cám ơn.

Trả lời của chuyên gia dinh dưỡng sản khoa:

Thưa bác!

Con dâu bác lúc chưa mang thai nặng 42 kg, hiện nay mang tháng thứ 7 mà lên 7kg là không ít. Thông thường 1 thai phụ tăng cân trong suốt thai kỳ từ 12-15kg là vừa. Tuy nhiên tronng 3 tháng đầu do thai hành nên có khi không tăng cân hoặc thậm chí sụt cân. Từ tháng thứ 4 trở đi tăng cân trung bình từ 1-2kg mỗi tháng. Con dâu bác còn hơn 2 tháng nữa mới đến ngày dư sanh (thai 40 tuần), như vậy còn đủ thời gian để tăng cân thêm 5kg nữa.

Các thực phẩm cần bổ sung: đạm có trong thịt, cá, trứng, sữa... đường có trong cơm, bánh mì, các thức ăn vị ngọt; chất béo: mỡ, đậu lạt, mè.... rau các lọai và trái cây. Nói chung ăn đầy đủ các chất và ăn theo khẩu vị mình ưa thích. Thiếu nước ối có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi, làm thai suy dinh dưỡng. Ngòai việc ăn uống đầy đủ, nên uống nhiều nước và sữa, khỏang 3l/ngày.