Bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ em - Hướng dẫn chế độ ăn uống và cách chăm sóc tại nhà

Thứ bảy - 02/11/2013 00:05
Viêm phế quản phổi ở trẻ em có nhiều dạng chính như sau: viêm phế quản rít, viêm phế quản co thắt, viêm phế quản hen... Các bậc cha mẹ cần tìm hiểu những triệu chứng của bệnh để phát hiện điều trị kịp thời cho trẻ nằm tránh biến chứng xấu, đồng thời nếu bệnh diễn tiến lâu, tái đi tái lại trẻ dễ bị viêm phế quản mạn tính.Không khí khô hanh vào mùa đông làm cho trẻ nhỏ rất dễ bị ho, cúm, sốt ...và nặng hơn có thể là viêm phế quản.Biểu hiện của viêm phế quản phổi trẻ emViêm phế quản là một dạng...

Viêm phế quản phổi ở trẻ em có nhiều dạng chính như sau: viêm phế quản rít, viêm phế quản co thắt, viêm phế quản hen... Các bậc cha mẹ cần tìm hiểu những triệu chứng của bệnh để phát hiện điều trị kịp thời cho trẻ nằm tránh biến chứng xấu, đồng thời nếu bệnh diễn tiến lâu, tái đi tái lại trẻ dễ bị viêm phế quản mạn tính.


Không khí khô hanh vào mùa đông làm cho trẻ nhỏ rất dễ bị ho, cúm, sốt ...và nặng hơn có thể là viêm phế quản.


Biểu hiện của viêm phế quản phổi trẻ em


trẻ bị viêm phế quản phổi 1


Viêm phế quản là một dạng viêm nhiễm hay sưng viêm ở những đường thở lớn trong phổi. Khi trẻ nhỏ mắc phải những chứng như ho, đau họng, cúm, hay viêm xoang do vi rút gây nên, thì rất có thể chính các loại vi rút gây bệnh này lại là "thủ phạm" gây nên chứng viêm phế quản nếu không được nhanh chóng điều trị kịp thời và dứt điểm


Ban đầu có thể bé chỉ có biểu hiện của chứng bệnh cảm lạnh như đau họng, mệt mỏi, sổ mũi, sốt nóng, sốt lạnh. Sau đó nếu không được điều trị dứt điểm bé sẽ bị ho, xuất hiện đờm trong cổ họng, nặng hơn có thể là nôn mửa trong khi ho. Ngoài ra, bé cũng có thể phải chịu đựng cảm giác đau ngực, khó thở, thở khò khè.


Các chuyên gia cũng cho rằng, những người lớn thường xuyên hút thuốc lá hay những trẻ em chung sống với môi trường có khói thuốc lá cũng dễ có nguy cơ mắc chứng viêm phế quản, mà thậm chí có thể là viêm phế quản mãn tính.


Chính vì thế, để giúp bé phòng ngừa chứng bệnh viêm phế qủan đó là hãy để bé không phải chung sống trong môi trường có khói thuốc.


Khắc phục chứng viêm phế quản ở trẻ nhỏ


Để điều trị chứng viêm phế quản ở trẻ nhỏ, bạn cần nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do một loại vi khuẩn gây viêm nhiễm, bác sĩ sẽ kê cho bạn những loại kháng sinh thích hợp để điều tri dứt điểm.


Tuy nhiên, nếu "thủ phạm" gây nên chứng bệnh này lại là một loại vi rút thì việc sử dụng kháng sinh trong thời điểm này hoàn toàn là vô tác dụng.


Thông thường, sau khoảng từ 7 - 10 ngày điều trị, bé sẽ có những chuyển biến tích cực về mặt sức khoẻ.


Bên cạnh việc dùng thuốc, các bậc cha mẹ cũng cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc sau để giúp trẻ có thể nhanh chóng cải thiện tình hình.


- Cho trẻ uống đủ lượng nước: Lượng nước cơ thể bé cần mỗi ngày là khoảng từ 8 - 10 cốc nước. Điều này sẽ giúp trẻ phòng ngừa được hiện tượng khử nước và sung huyết.


- Dùng máy duy trì độ ẩm: Việc duy trì độ ẩm thích hợp trong phòng ngủ cũng như khu vui chơi của bé trong thời điểm này là rất cần thiết, điều này càng đặc biệt cần thiết nếu đó là mùa khô hanh, trong môi trường không khí thiếu đi độ ẩm cần thiết. Duy trì độ ẩm trong không khí sẽ giúp bé dễ thở và cảm thấy thoải mái hơn.


- Dùng nước muối loãng để giảm cảm giác nghẹt mũi, khó chịu cho bé. Bạn cũng có thể mua sẵn dung dịch này tại các hiệu thuốc hay tự pha, đơn giản chỉ cần nhỏ từ 1 - 2 giọt vào trong mũi sẽ giúp bé dễ chịu ngay.


- Nên dành thời gian cho bé nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi sẽ giúp trẻ nhanh chóng phục hồi hơn.


Lưu ý các bậc cha mẹ:


- Để phòng ngừa chứng viêm phế quản cho trẻ nhỏ, bạn cần nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay, ăn uống hợp lý đảm bảo dinh dưỡng, ngủ đủ giấc.


- Giữ vệ sinh môi trường sống. Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ em theo đúng quy định.


- Không để cho trẻ chung sống với môi trường có khói thuốc lá.


- Bạn không nên dùng thuốc ho để điều trị chứng ho khan ở trẻ, nếu ho giúp bé tống hết đờm ra ngoài, thì hoàn toàn lại là việc rất hữu ích, nó sẽ giúp bé mau chóng bình phục hơn.


- Ngay khi trẻ bị cảm lạnh hay mắc các chứng bệnh không đáng lo ngại, thì cũng nên điều trị dứt điểm ngay, để tránh các biến chứng về sau.


- Trong trường hợp bé có biểu hiện thở dốc, tái mặt hay ho ra máu, bạn nên đưa bé tới bệnh viện ngay trước khi quá muộn vì khi đó bé đang gặp nguy hiểm.



Cách phát hiện bé bị viêm phế quản phổi


trẻ bị viêm phế quản phổi 2


Bé ho khan liên tục, sốt cao, quấy khóc, bỏ ăn, khó thở, cánh mũi phập phồng, co rút lồng ngực… thì cần nghĩ đến bệnh viêm phế quản phổi và đưa bé đi khám càng sớm càng tốt.


Bệnh viêm phế quản phổi là bệnh thường hay gặp ở đối tượng trẻ em dưới 3 tuổi vào mùa đông, nhất là dưới 1 tuổi, suy dinh dưỡng, cơ địa dị ứng, mắc các bệnh mãn tính… Theo thống kê của Chương trình phòng chống viêm phổi, trẻ em đi khám vì các triệu chứng liên quan đến viêm phổi chiếm 30 - 40% ở các bệnh viện.


Biểu hiện ban đầu của bệnh viêm phế quản phổi không đặc trưng và hay bị nhầm sang các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp khác nên đa phần viêm phế quản phổi được phát hiện vào giai đoạn bệnh đã toàn phát nên điều trị khá vất vả.


Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong với tỷ lệ chiếm 75% trong các bệnh hô hấp cấp tính và chiếm 30 – 40% so với tỷ lệ tử vong chung.


Tuy nhiên, các cha mẹ hoàn toàn có thể nhận biết các triệu chứng bệnh ở bé và đưa bé đi khám bệnh càng sớm càng tốt khi nghi ngờ bé bị viêm phế quản phổi.


Viêm phế quản phổi là gi?


Viêm phế quản - phổi là bệnh viêm cấp tính các phế quản nhỏ, phế nang và tổ chức quanh phế nang. Thường viêm rải rác cả hai phổi nên bệnh rất nặng và gây suy hô hấp. Bệnh thường gặp vào mùa đông, tiến triển nặng, dễ dẫn đến tử vong.


Làm sao biết bé bị viêm phế quản phổi?


Triệu chứng bệnh được chia ra làm hai giai đoạn: khởi phát và toàn phát.


Giai đoạn khởi phát: có hai dạng triệu chứng chính:


- Khởi phát từ từ: thường khó phát hiện và hay nhầm sang các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp khác.Trẻ thường có các biểu hiện sốt nhẹ (làm cho cha mẹ hay chủ quan), ho khan, hắt hơi, ngạt mũi và quấy khóc. Vì triệu chứng ban đầu thường nhẹ nên bố mẹ hay để theo dõi “xem sao”. Nếu không được điều trị thì bệnh sẽ sang giai đoạn toàn phát.


- Khởi phát đột ngột: thường đuợc phát hiện và đưa đi khám sớm do các triệu chứng khá rõ ràng làm bố mẹ lo lắng. Trẻ sốt cao, khó thở, tím tái và kèm theo một số rối loạn tiêu hóa như chán ăn, nôn chớ, chướng bụng, tiêu chảy, …


Giai đoạn toàn phát: nếu trẻ không được điều trị vào giai đoạn khởi phát thì sẽ diễn biến đến giai đoạn toàn phát.


- Sốt cao: Trẻ sốt rất cao, thậm chí có thể lên đến 400C, ít đáp ứng với thuốc hạ sốt, (thường lâu hạ sốt và nhiệt độ tăng trở lại 2-3 giờ sau khi đã dùng thuốc hạ sốt), có thể li bì, co giật, thậm chí là hôn mê nếu không hạ sốt kịp thời.


- Ho: ho dữ dội và liên tục (ho liên tục như ho gà, cảm giác như trẻ chỉ dừng cơn ho để thở rồi lại ho tiếp), ho co thắt, có thể xuất tiết đờm, chảy mũi đặc và vàng. Đây cũng là triệu chứng khá quan trọng để nghĩ đến bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ.


- Khó thở: cánh mũi phập phồng, khi kéo áo bé lên bạn sẽ thấy co thắt lồng ngực, trên và dưới xương ức rút lõm.


- Tím tái: gặp ở trẻ đã bị nặng. Trẻ bị tím tái quanh môi, đầu chi, lưỡi hoặc toàn thân.


- Các triệu chứng khác kèm theo: trẻ rối loạn tiêu hóa (bỏ ăn, chán ăn, chướng bụng, nôn chớ, tiêu chảy, …


Trên đây là những triệu chứng chính mà bạn có thể quan sát và phát hiện ở nhà. Bạn cần phải đưa bé đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Mô tả triệu chứng của bé với bác sĩ, họ sẽ thăm khám và làm thêm các xét nghiệm chuyên môn để biết bé có bị viêm phế quản phổi hay không.


Bệnh viêm phế quản phổi diễn biến rất nhanh và tỷ lệ tử vong do bệnh này rất cao, do vậy cha mẹ hãy cẩn trọng, giữ gìn cho bé, đặc biệt là về mùa đông, mùa của các bệnh viêm đường hô hấp phát triển.



Hỏi về bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em


Hỏi: Con tôi bị viêm phế quản co thắt, cứ mỗi khi thời tiết thay đổi là cháu lại bị ho trở lai. Tôi rất lo lắng vì tình trạng bệnh của cháu . Xin bác sĩ cho biết có cách nào chữa đuợc căn bệnh này rứt điểm không ? Tôi cho cháu dùng cá ngựa có được không ? Xin cảm ơn ! (Lê Ngân)


Trả lời của bác sĩ nhi khoa:


Ở trẻ em, có nhiều kiểu viêm phế quản: viêm phế quản rít, viêm phế quản co thắt, viêm phế quản hen, viêm phế quản thể hen, viêm phế quản giả hen. Nghiên cứu dịch tễ học thực tễ cho thấy: viêm phế quản và hen có tiếng rít chỉ là một và đều là một bệnh có biểu hiện phản ứng quá mức của phế quản


- Hen phế quản thường bắt đầu từ 2-10 tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ có bố hoặc mẹ bị hen phế quản cao hơn nhiều so với trẻ không có bố hoặc mẹ mắc bệnh


- Nhiều khi cơn hen xuất hiện dưới dạng viêm phế quản hay viêm mũi- phế quản: cơn hen đầu tiên xuất hiện thường là sau một đợt nhiễm trùng nặng về đường hô hấp, đôi khi đó là do bụi, lông súc vật, hơi khói của bếp than tổ ong, phấn hoa, khói thuốc lá.... Có trường hợp cơn hen xuất hiện sau một thời gian cắt amidan, gắng sức trong khi chạy bộ, tiêm thuốc hay tiêm chủng, thay đổi khí hậu, môi trường sống... Hen thường kèm theo sốt, viêm họng.


Triệu chứng của các thể hen phế quản


trẻ bị viêm phế quản phổi 3


- Viêm phế quản co thắt: có thể trẻ chỉ biều hiện duy nhất bằng những cơn ho giống như ho gà nhưng lúc hít vào không tháy ồn ào, đôi khi lẫn lộn giữa cơn ho có tiếng rít. Nhưng hậu quả của cơn ho dữ dội chính là do trẻ bị viêm phế quản co thắt, đôi khi ăn song trẻ bị nôn vọt vì ngứa họng và luôn muốn ho.


- Viêm phế quản khó thở nhiều: hen cũng có thể biều hiện dưới dạng một viêm phế quản khó thở. Khi khó thở và ho, nhiều dịch tiết ra và không giống như hen kinh điển, bắt đầu và kết thúc không đột ngột


- Hen gắng sức: khác hẳn với khó thở gắng sức, kiểu hen này thường xuất hiện sau gắng sức ở trẻ em như leo cầu thang, chạy nhảy nhiều, hoặc có thể xuất hiện khi trẻ hít phải không khí lạnh đột ngột.


- Hen ác tính: khi các cơn hen liên tiếp xảy ra vào chiều và đêm, không đáp ứng với các thuốc dãn phế quản ở liều thường dùng.


Tiến triển bệnh: rất thất thường, một số trường hợp ổn định nhưng sau 15 năm lại bị hen lại, thậm chí sau 20-30 năm. Nếu được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả thì làm giảm đáng kêt tần suất hen người lớn, nhất là các thể nặng.


Do vậy, điều trị viêm phế quản co thắt trẻ em đòi hỏi sự kiên nhẫn của người lớn vì thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Không tự ý ngưng thuốc mặc dù tình trạng trẻ có khỏe hơn.



Dùng thuốc trị hen phế quản ở trẻ em thế nào cho đúng?


Hen phế quản trẻ em thường bắt đầu từ 2-10 tuổi. Khởi đầu là tình trạng viêm đường thở, ở người có cơ địa nhạy cảm thì quá trình viêm gây co thắt cơ phế quản khó thở, thở rít, ho, đau tức ngực từng đợt tái diễn và thường bị về đêm đến sáng sớm. Cơn hen đầu tiên thường xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng nặng ở đường hô hấp hoặc do bụi, lông súc vật, khói bếp than, khói thuốc lá, phấn hoa, hoạt động gắng sức… Hen thường kèm theo viêm họng, sốt.


Dấu hiệu nhận biết hen phế quản ở trẻ em


Các triệu trứng như cơn khó thở, thở rít, thường gặp ở trẻ em khi bị viêm nhiễm đường hô hấp đặc biệt là bị nhiễm virut. Có tới 1/3 số bệnh nhi này có thể bị hen và thường bị chẩn đoán là viêm phế quản co thắt. Việc chẩn đoán nhầm dẫn tới điều trị không thích hợp thì bệnh nhân dễ chuyển thành thể hen nặng kéo dài hay tái phát gây dị dạng lồng ngực, giảm phát triển cơ thể. Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu sau thì cần nghĩ đến hen phế quản: thở khò khè trước 3 tuổi và cha hoặc mẹ bị hen phế quản hoặc bị chàm; tăng bạch cầu ái toan trong máu, khò khè dù không bị cảm lạnh và viêm mũi dị ứng.


Lưu ý khi dùng thuốc


trẻ bị viêm phế quản phổi 4


Điều trị hen ở trẻ em chúng ta cần chú ý điều trị dự phòng là công việc quan trọng nhất, khi trẻ có cơn hen cấp cần xử trí nhanh chóng và theo dõi chặt chẽ. Loại bỏ các dị nguyên gây bệnh: phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc… giảm phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ khi đã phát hiện được, tránh cho các cháu tiếp xúc với bụi khói đặc biệt là khói thuốc lá; nên tiêm phòng cúm hằng năm vào mùa thu cho bệnh nhân.


Điều trị dự phòng tốt nhất bằng thuốc nhóm corticoid dạng hít, cho bệnh nhân hít qua buồng đệm với liều ban đầu dùng liều thấp. Tăng tới liều trung bình hoặc liều cao đến khi kiểm soát được. Cứ mỗi 3 tháng bệnh nhân cần đi khám, nếu bệnh được kiểm soát tốt mới hạ liều thuốc. Khi điều trị 1 năm mà bệnh hen phế quản được kiểm soát hoàn toàn thì có thể ngừng điều trị dự phòng, tránh ngừng thuốc điều trị dự phòng đột ngột vì triệu chứng của bệnh có thể tái phát nặng.


Thuốc nhóm chủ vận tác dụng kéo dài chỉ nên dùng dưới dạng phối hợp với thuốc nhóm corticoid dạng hít như seretide, symbicort. Dùng dự phòng trong trường hợp hen phế quản trẻ em đã dùng liều trung bình corticoid dạng hít mà không kiểm soát được.


Có thể dùng các thuốc nhóm kháng leucotriene ở bệnh nhi mắc hen phế quản nặng khó kiểm soát khi đã hít liều cao corticoid. Điều trị cắt cơn hen tốt nhất là dùng thuốc nhóm chủ vận b2 tác dụng nhanh (salbutamol, bricanyl dạng hộp xịt có liều định chuẩn, xịt mỗi lần 2 nhát qua buồng đệm). Cha mẹ của bệnh nhi bị hen phế quản cần thường xuyên có thuốc đó dự trữ để dùng cắt cơn hen cho trẻ khi cần. Tuy nhiên, nếu trẻ phải dùng thường xuyên các thuốc cắt cơn này thì phải chú ý tăng liều thuốc dự phòng. Chú ý khi thấy trẻ tím tái, thở rất nhanh > 70 lần/phút, khóc yếu ớt hoặc nói nhát ngừng, xịt thuốc cắt cơn không đỡ thì nên đưa trẻ đến cấp cứu tại các cơ sở hồi sức gần nhất càng sớm càng tốt.


Do có nhiều tác dụng phụ nên các thuốc nhóm corticoid cần rất hạn chế khi dùng đường toàn thân (uống hoặc tiêm) chỉ dùng trong đợt kịch phát nặng. Thuốc cắt cơn nhóm xanthine không nên dùng cho trẻ em vì nhiều tác dụng phụ.


Các loại thuốc cụ thể


Thuốc cắt cơn hen: Là các loại thuốc nhanh chóng cắt cơn hen do tác dụng làm giãn các cơ bao quanh đường dẫn khí giúp mở đường dẫn khí đang bị hẹp. Các loại thuốc cắt cơn thường dùng hiện nay: ventolin (salbutamol), bricanyl (terbutaline) ... dùng dưới dạng xịt qua các bình xịt định liều hoặc dạng phun khí dung. Thuốc còn được sử dụng để cấp cứu cơn hen suyễn.


Thuốc kiểm soát cơn hen: Là nhóm thuốc có tác dụng ngăn ngừa cơn hen bao gồm hai loại thuốc chính: thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài. Trong đó, thuốc chống viêm là thuốc cơ bản do làm giảm tình trạng viêm giúp giảm chít hẹp đường dẫn khí do phù nề và giảm sự nhạy cảm đường dẫn khí với các chất kích thích. Thuốc hiện nay thường được sử dụng là các loại corticoid hít dưới dạng đơn chất: pulmicort (budesonide), flixotide (fluticasone) hoặc phối hợp: symbicort (budesonide-formoterol); seretide (fluticasone-salmeterol)...


Lưu ý khi sử dụng


Thuốc cắt cơn dạng xịt và khí dung: Tác dụng phụ rất ít gặp và không kéo dài như: tim đập nhanh, run tay, hạ kali máu với tỉ lệ ít hơn nhiều so với dùng thuốc cùng loại bằng đường uống.


Thuốc kiểm soát cơn: Bệnh hen là một bệnh mạn tính, do đó cần được điều trị dài hạn bằng nhóm thuốc chống viêm chủ yếu là corticoid nên có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề sử dụng nhóm thuốc này. Việc quan tâm đến tác dụng phụ của thuốc làm cho nhiều bệnh nhân và cả thầy thuốc không dám sử dụng thuốc để điều trị và làm mất đi cơ hội để kiểm soát tốt bệnh hen suyễn. Tác dụng phụ của corticoid dạng hít có thể gặp là: nấm miệng và hầu họng do Candida nhưng rất hiếm gặp; khàn tiếng; tác dụng toàn thân rất hiếm do liều thuốc hít hàng ngày thường nhỏ và hấp thu vào máu không đáng kể, chỉ gặp khi phải sử dụng liều cao kéo dài; có thể gặp những vết bầm trên da rất nhẹ, tự khỏi…


Trong mọi trường hợp cần cân nhắc giữa tác dụng phụ của thuốc và tác hại của bệnh để áp dụng điều trị đúng mức.



Viêm tiểu phế quản có nguy hiểm?


Trong các bệnh đường hô hấp ở trẻ em thì viêm tiểu phế quản là bệnh thường gặp quanh năm và dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Môi trường sống bị ô nhiễm khói bụi như khói bếp, khói thuốc lá, thậm chí sự thay đổi thời tiết nóng lạnh đột ngột trong mùa hè cũng như việc sử dụng máy điều hoà nhiệt độ không đúng cách đối với trẻ cũng là nguyên nhân quan trọng khiến trẻ mắc bệnh.


Nguyên nhân của bệnh viêm tiểu phế quản


Tại nước ta, số trẻ mắc viêm tiểu phế quản có tần suất nhập viện cao, chiếm khoảng 40% bệnh nhi nhập viện tại các khoa hô hấp nhi. Tác nhân làm cho trẻ bị viêm tiểu phế quản thường là do các virut như virut hợp bào hô hấp (VRS), có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có nguy cơ xảy ra thành dịch, virut này chiếm 30 – 50% các trường hợp mắc bệnh. Virut cúm và á cúm cũng gây bệnh cho khoảng 25% số trẻ bị viêm tiểu phế quản. Ngoài ra phải kể đến Adenovirus với 10% số mắc. viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính của các phế quản kích thước nhỏ, có đường kính dưới 2 mm hay còn gọi là các tiểu phế quản. Thành của các tiểu phế quản này không có sụn chỉ có cơ trơn nên dễ bị co thắt, xẹp lại khi bị viêm. Bệnh chỉ xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, thường gặp nhất là 3-6 tháng tuổi. Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn. Vì vậy, trẻ sẽ bị khò khè, khó thở và nặng hơn nữa trẻ sẽ bị thiếu ôxy để thở. Người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm VRS nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường.


Nếu trẻ sống trong vùng có dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên (do virut hợp bào) thì tỷ lệ bị lây nhiễm rất cao do sức đề kháng ở cơ thể trẻ còn quá yếu, nhất là trẻ tuổi bú mẹ mà không được bú đầy đủ sữa mẹ. Những trẻ từng bị ốm do nhiễm virut trước đó như viêm mũi họng, viêm amydal, viêm VA… đều có nguy cơ dễ nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc tốt. Các trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, sống trong môi trường hút thuốc lá thụ động, bị bệnh phổi bẩm sinh như loạn sản phổi, mucoviscidose hay bị suy giảm miễn dịch đều có nguy cơ cao mắc phải viêm tiểu phế quản.


Những biểu hiện khi trẻ bị viêm tiểu phế quản


trẻ bị viêm phế quản phổi 5


Triệu chứng ban đầu thường thấy nhất là tình trạng trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau từ 3 – 5 ngày thì trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít. Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngừng thở. Khám thấy nhịp thở của trẻ nhanh, sốt vừa, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên. Tiếng thở có thể nghe ran rít, ran ngáy, thông khí phổi kém.


Các tiêu chuẩn lâm sàng khác cho thấy trong khí máu PaO2 giảm, PaCO2 tăng, có nhiễm toan hô hấp kèm theo, đây là những chỉ số đánh giá mức độ nặng của bệnh. Để phát hiện chính xác loại virut gây bệnh cần phải phân lập hoặc nuôi cấy virut, bằng cách lấy dịch tiết khí phế quản hoặc trong tổ chức phổi hoặc phản ứng huyết thanh.


Cần lưu ý: Khi chẩn đoán bệnh cần phân biệt với các triệu chứng của viêm phế quản, viêm phổi do vi khuẩn hoặc virut, bệnh mềm sụn thanh khí quản, bệnh mạch máu, các khối u (chèn ép khí phế quản từ ngoài vào) hoặc tình trạng u mạch máu, hẹp khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp ở trong. Các bệnh như trào ngược dạ dày thực quản, dị vật đường thở, khó thở thứ phát sau nhiễm virut… cũng cần được phân biệt với viêm tiểu phế quản ở trẻ em.


Tất cả các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ nếu không được chẩn đoán bệnh và điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Rối loạn chức năng hô hấp, xuất hiện từng cơn khó thở ra tái phát, viêm tiểu phế quản lan toả. Nghiêm trọng hơn sẽ làm trẻ bị suy hô hấp cấp, tràn khí màng phổi, viêm phổi- trung thất, xẹp phổi và thậm chí tử vong. Gần đây nhiều nghiên cứu còn cho rằng sự tái diễn nhiều lần của viêm tiểu phế quản còn là nguyên nhân gây ra hen ở trẻ em.


Xử trí và phòng bệnh viêm tiểu phế quản cho trẻ như thế nào?


Đối với các thể thông thường, không có suy hô hấp thì ngay khi vào viện các bác sĩ sẽ tiến hành hút thông đường thở, giải phóng các chất xuất tiết. Dùng khí dung ẩm thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh như ventolin, bricanyl, salbutamol kết hợp với lý liệu pháp hô hấp, vỗ rung, hút đờm. Những trẻ sốt cao, nôn, thở nhanh phải bù đủ nước và điện giải theo nhu cầu cơ thể trẻ. Cần cho trẻ dinh dưỡng đủ chất và cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng kháng sinh.


Đối với những trường hợp nặng có suy hô hấp thì phải sử dụng liệu pháp oxygen, hút thông đường hô hấp trên, dùng thuốc giãn phế quản đường khí dung ẩm, truyền nước, điện giải theo nhu cầu cơ thể bù lượng thiếu hụt. Nếu những biện pháp trên không cải thiện tình trạng suy hô hấp thì phải tiến hành đặt nội khí quản và các biện pháp hô hấp hỗ trợ khác. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có biểu hiện viêm nhiễm thứ phát, không nên dùng steroid cho trẻ.


Muốn phòng bệnh hiệu quả, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi, không để trẻ bị lạnh, không nên để nhiệt độ điều hoà quá lạnh trong phòng vào mùa hè (nên để ở nhiệt độ 28-29oC), không cho trẻ tiếp xúc với khói bếp than, khói thuốc lá. Những trẻ bị các bệnh tim, phổi bẩm sinh càng đặc biệt lưu ý. Nếu trẻ có những biểu hiện bệnh như sốt, ho, khó thở cần đưa ngay trẻ đến các chuyên khoa hô hấp để được điều trị đúng.



Hướng dẫn chế độ ăn uống cho trẻ khi bị viêm phế quản phổi


Cũng giống như những chứng bệnh viêm khác, viêm phế quản chịu tác động rất nhiều của cách ăn uống. Rất nhiều nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới đã chỉ ra rằng: có mối quan hệ mật thiết giữa ăn uống và sự tăng lên hay giảm nhẹ của tình trạng viêm phế quản.


Những thực phẩm không nên cho trẻ ăn khi bị viêm phế quản


Tránh hoặc hạn chế tối đa các món rán, xào như: khoai tây chiên, bánh rán, thịt rán,… Những món ăn giàu chất béo kể cả sữa chứa hàm lượng chất béo cao, calo cao cũng không được khuyến khích đối với bệnh nhân viêm phế quản, bởi nó là thủ phạm làm tăng triệu chứng khó thở ở bệnh nhân viêm phế quản.


Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày. Thừa muối sẽ dẫn tới tình trạng cơ thể tích lũy chất lỏng. Khi đó các mô phế quản cũng hấp thụ chất lỏng, làm tình trạng viêm phế quản gia tăng, đồng thời quá trình sản xuất chất nhầy cũng tăng theo. Muối có nhiều trong các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn đông lạnh, đồ ăn đóng hộp. Vì thế bệnh nhân viêm phế quản không nên tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, đông lạnh, chế biến sẵn.


Nên giảm lượng đường tinh luyện trong chế độ ăn đối với bệnh nhân viêm phế quản, bởi nếu bệnh nhân viêm phế quản thường xuyên tiêu thụ các loại đồ ăn như bánh kẹo, nước ngọt,… gây tình trạng đường tinh luyện trong cơ thể bị thừa, làm gia tăng hiện tượng khó thở.


Kiêng ăn các đồ cay nóng như ớt, hạt tiêu,… dễ gây kích thích niêm mạc phế quản gây hiện tượng ho.
Nên tránh các loại hoa quả chua, chát như: mận, táo chua vì những thực phẩm này sẽ khó long đờm.


Không nên uống rượu vì rượu làm gia tăng tình trạng viêm phế quản. Đặc biệt không nên uống rượu trước khi đi ngủ vì khả năng thông khí của phổi người bệnh vốn đã kém. Nếu uống rượu trước khi đi ngủ se làm liệt trung khu hô hấp, dễ gây loạn nhịp thở hoặc ngừng thở dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng.


Những thực phẩm cần thiết cho trẻ bị viêm phế quản


Chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh sẽ cung cấp lượng vitamin cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra các loại vitamin như vitamin C, E, A, có tác dụng làm giảm tình trạng viêm ở phế quản, tình trạng khó thở của trẻ. Các loại hoa quả, rau xanh giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt tốt cho bệnh nhân viêm phế quản được bác sĩ khuyên dùng: dâu tây, các loại quả mọng, bông cải xanh, rau bina và cà rốt.


trẻ bị viêm phế quản phổi 6


Nên ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như gạo, bột mì, ngũ cốc, các thực phẩm khác như đậu Hà Lan, sữa bò, sữa đậu nành, đậu phụ, trứng gà.


Các sản phẩm từ sữa rất giàu vitamin D, canxi, và protein là nguồn dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho cơ thể. Bệnh nhân viêm phế quản nên tiêu thụ nhiều các sản phẩm từ sữa (tuy nhiên cần chú ý các sản phẩm sữa đó phải có hàm lượng chất béo thấp). Tốt nhất nên ăn nhiều sữa chua vì sữa chua chứa nhiều vi khuẩn thân thiện có lợi cho hệ thống tiêu hóa và cũng có tác dụng tốt đối với bệnh nhân viêm phế quản.


Uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể đào thải các độc tố khỏi cơ thể một cách dễ dàng hơn. Trẻ em bị viêm phế quản thường dễ bị mất nước hơn so với những người bình thường, uống nhiều nước sẽ giúp giảm tình trạng viêm, tình trạng khô họng của bệnh nhân.


Như vậy đối với trẻ em bị viêm phế quản thì chế độ ăn uống cũng là một phương pháp góp phần điều trị bệnh viêm phế quản.