Hạn chế nôn trớ cho trẻ và cách chăm sóc trẻ hay trớ sau khi ăn, bú mẹ

Thứ ba - 29/10/2013 17:47
Các mẹ rất lo lắng khi bé vừa bú sữa mẹ xong một lúc sau lại bị nôn trớ hết ra ngoài. Không nên băn khoăn, đây là hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh do dạ dày bé chưa hoàn thiện. Chăm sóc trẻ bị nôn trớ là một phần không thể thiếu trong giai đoạn mới làm cha mẹ.Nôn trớ là triệu chứng rất hay gặp ở trẻ em. Trẻ càng nhỏ thì biểu hiện nôn trớ càng nhiều. Đó chính là tình trạng các chất chứa đựng trong dạ dày (như thức ăn, dịch dạ dày, dịch mật…) bị tống ra ngoài theo đường miệng.Ở trẻ sơ sinh, có...

Các mẹ rất lo lắng khi bé vừa bú sữa mẹ xong một lúc sau lại bị nôn trớ hết ra ngoài. Không nên băn khoăn, đây là hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh do dạ dày bé chưa hoàn thiện. Chăm sóc trẻ bị nôn trớ là một phần không thể thiếu trong giai đoạn mới làm cha mẹ.


Nôn trớ là triệu chứng rất hay gặp ở trẻ em. Trẻ càng nhỏ thì biểu hiện nôn trớ càng nhiều. Đó chính là tình trạng các chất chứa đựng trong dạ dày (như thức ăn, dịch dạ dày, dịch mật…) bị tống ra ngoài theo đường miệng.


Ở trẻ sơ sinh, có tới 20 – 50% trẻ bị nôn trớ sau ăn và thường tự khỏi khi bé 6 – 12 tháng tuổi. Nôn trớ còn hay gặp trong nhiều bệnh khác nhau của trẻ nhỏ. Nôn trớ làm rối loạn chất điện giải và nước, gây tổn hại đến sức khỏe trẻ, vì thế cần cho trẻ đi khám, tìm nguyên nhân và được xử trí kịp thời.


cách chăm sóc trẻ bị trớ sữa 1



Thắc mắc của một phụ huynh hỏi bác sĩ về việc bé bú mẹ hay bị nôn trớ


Hỏi: Xin chào Bác Sĩ. Bác Sĩ cho tôi hỏi, cháu nhà tôi mới sinh được 3 tháng, nhưng từ lúc sinh tới giờ bé hay bị trớ sữa. Tôi đã làm nhiều cách nhưng bé vẫn luôn bị trớ sữa sau mỗi lần bé bú mẹ. Hiện giờ tôi rất lo lắng cho cháu, hiện giờ cháu đã được 3 tháng, liệu việc hay trớ sữa thế có ảnh hưởng gì tới cháu không? Mong Bác Sĩ sớm cho tôi câu trả lời (Mẹ bé Thùy An)


Trả lời của bác sĩ chuyên khoa nhi:


Nôn trớ là biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng nếu bé bị nôn trớ liên tục như vậy thì bạn nên đưa bé tới gặp Bác Sĩ. Bé của bạn cần được Bác Sĩ thăm khám trực tiếp để biết được chính xác tình trạng sức khỏe của bé.


Ngoài ra, bạn cũng có thể khắc phụ tình trạng nôn trớ của bé theo những hướng dẫn sau:


Bạn nên cho bú bên trái trước (vì bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng bên phải). Sau đó, chuyển bé sang bên phải (lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược ra ngoài.


Bạn cũng không nên cho bé bú quá lâu, trung bình 10 phút cho vú thứ nhất và 20 phút cho vú thứ hai, bú trên 30 phút không có lợi cho bé (nuốt hơi, mệt, rối loạn thèm bú/nghiền vú, chênh lệch thời gian bú).


Nếu bé của bạn có bú bình thì luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để đầu núm vú cao su đầy sữa. Không để bình sữa nằm ngang trong khi bú, tránh tình trạng bé bú hơi trong bình sữa như thế bé có thể bị trớ ngược ra ngoài sau khi bú xong để đẩy không khí ra.


Khi cho bé bú, bạn không nên để bé quấy khóc vì như vậy, bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày.


Sau khi bú, cần bế bé theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho ợ hơi. Sau đó, hãy nhẹ nhàng đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao.


Ngoài ra, bạn cũng không nên để bé nằm bú vì tư thế này khiến bé rất dễ bị sặc và trớ sữa. Sau khi bé bú, không nên đặt bé nằm ngay, cũng không đùa nghịch.



Giải đáp thắc mắc cho mẹ có con thường xuyên nôn trớ khi ăn


cách chăm sóc trẻ bị trớ sữa 2


Theo các bác sĩ nhi khoa, việc cho bé ăn dặm quá sớm, ăn nhiều và ăn nhanh là một trong những nguyên nhân khiến trẻ hay bị nôn trớ.


Phụ huynh hỏi: Chào bác sĩ, tôi có con trai đã 8 tháng tuổi rồi nhưng chỉ nặng 7,5kg. Cháu ăn uống rất khó khăn, mỗi lần uống sữa chỉ được 60ml mà đôi lúc còn nôn ra hết. Tôi đã đưa đi bác sĩ nhi ở Bệnh viện Trung ương Huế nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ có cho uống thuốc chống nôn trước khi ăn nhưng vẫn không có kết quả tốt.


Mong bác sĩ tư vấn tôi nên làm thế nào để tình hình của con tôi được cải thiện. Mong sớm nhận được tư vấn của bác sĩ. Xin cảm ơn bác sĩ! (Lê Thị Ánh)


Trả lời của bác sĩ nhi khoa:


Với thông tin bạn cung cấp chúng tôi chỉ có thể trả lời như sau:


Con trai của bạn hiện có cân nặng rất thấp so với chuẩn (trung bình 8 tháng tuổi bé trai nặng 8,6kg, cao 70,6cm ), như vậy có thể nói bé hiện có tình trạng đe dọa suy dinh dưỡng gầy mòn so với tuổi.


Như vậy việc nôn trớ, ăn uống khó khăn đã khiến bé chậm tăng cân so với tuổi. Do không trực tiếp thăm khám cho bé cũng như không rõ diễn biến bệnh của bé ra sao, nên chúng tôi cũng không đưa ra được chẩn đoán xác định. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng này, hơn nữa mặc dù được dùng thuốc theo đơn nhưng bệnh chưa thuyên giảm, vậy lựa chọn hiện nay là bạn sớm đưa bé gặp lại bác sĩ để thăm khám để tìm nguyên nhân sâu hơn và chỉ định hướng điều trị tiếp theo.


Việc cho trẻ ăn bổ sung không đầy đủ, cân đối và phù hợp với lứa tuổi (ăn dặm quá sớm, ăn nhiều, ăn nhanh…) là một trong những nguyên nhân gây nôn trớ cần nghĩ tới. Song song với việc điều trị theo đơn bạn nên điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp với lứa tuổi. Bạn lưu ý trong thời gian này nên thay đổi da dạng món ăn cho bé, không nên cho bé ăn nhanh, ăn nhiều một bữa, không nên ép bé ăn, các bữa ăn của bé nên tập trung, thời gian ăn không kéo dài qua 30 phút/bữa.



Ăn dặm không phù hợp cũng gây nôn trớ


cách chăm sóc trẻ bị trớ sữa 3


Việc mẹ cho con ăn bổ sung không đúng cách hoặc không phù hợp cũng có thể gây nôn trớ và chậm tăng trưởng.


Phụ huynh hỏi: Hiện tại con tôi được 7 tháng tuổi, nặng 7,6kg, như vậy bé có bị thiếu cân không? Với tháng tuổi này thì bé có thể ăn cháo được chưa? Bé rất hay bị ói, đưa cháu đi khám bác sĩ có cho thuốc uống loại Motiridon và Simethicon Stada, không biết thuốc này uống lâu dài có ảnh hưởng gì không?


Hồi bé được 4 tháng rưỡi thì bé được 7,9kg, 5 tháng bé sụt còn 7,3kg, 6 tháng bé lên 7,7kg. Không biết bé bị sụt cân như vậy có ảnh hưởng gì không.


Bé bú rất ít, tôi cố ép thì bé lại bị ói ra rất nhiều. Đi khám bác sĩ thì bảo là thiếu canxi (hàng ngày tôi đều cho bé uống canxi và phơi nắng). Hiện tại mỗi cữ bú của bé chỉ có 60ml (ngày 3 lần) và bú mẹ. (Chúc Phạm)


Trả lời của bác sĩ nhi khoa:


Hiện tại con bạn có cân nặng nhẹ hơn so với tuổi (trung bình 7 tháng tuổi bé trai nặng 8,3kg, cao 69,2cm; bé gái nặng 7,6kg, cao 67,3cm). Có thể nói trong 2,5 tháng qua tốc độ tăng cân của bé không ổn định, chậm nhiều so với chuẩn (giảm 0,3kg/2,5 tháng, trung bình tăng khoảng 1kg).


Như vậy tình trạng nôn trớ (hay bị ọc) đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của bé và có thể nói hiện bé đang có dấu hiệu đe dọa suy dinh dưỡng (ngừng tăng trưởng).


Tuy nhiên, còn có những nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng này của bé. Bạn nên điều trị cho bé theo đơn của bác sĩ, không nên tự ý thay đổi thuốc, tự dừng thuốc, hoặc tăng thêm liều vì có thể gây bất lợi cho bé hoặc có thể khiến bệnh khó chữa hơn.


Nên khám lại cho bé theo hẹn hoặc ngay khi có biểu hiện bất thường trong quá trình điều trị.


Việc cho bé ăn bổ sung không đúng cách hoặc không phù hợp cũng có thể gây nôn trớ và chậm tăng trưởng ở bé. Bạn nên tham khảo khẩu phần khuyến cáo sau:


Ở lứa tuổi này (cho đến tròn 10 tháng tuổi) trong ngày (24 giờ) bé cần khoảng 500ml sữa (sữa mẹ là tốt nhất, sữa mẹ đủ bé không cần ăn thêm sữa công thức và các sản phẩm từ sữa…). Và 3 bữa bột/cháo xay (600ml/ngày) tổng gồm khoảng 40 - 60g gạo tẻ trắng, 40 - 60 thịt (tôm, cá…), 15g dầu (mỡ), rau xanh, quả chín…


Trong thời gian này bạn nên kiên trì nhẹ nhàng với bé, thay đổi đa dạng các loại thực phẩm… không nên ép bé ăn, thời gian ăn không quá 30 phút/bữa, nên tăng thêm bữa cho bé khi không đủ khẩu phần. Bạn nên xem xét cho bé ăn đầy đủ, cân đối phù hợp với hướng dẫn trên.


Bên cạnh đó hãy tăng cường cho bé bú (việc này giúp lượng sữa mẹ tăng lên). Bạn nên ăn đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm, uống nhiều nước, ăn thêm bữa hoặc 200ml sữa công thức trước khi ngủ (vì sữa mẹ được tiết nhiều vào đêm).



Hướng dẫn mẹ cách cho bé ăn để tránh nôn trớ


cách chăm sóc trẻ bị trớ sữa 4


Bác sĩ dinh dưỡng nhi khoa sẽ hướng dẫn các mẹ cách cho bé hay bị nôn trớ ăn để hạn chế tình trạng này.


Hỏi: Chào bác sĩ! Tôi là Quốc Linh. Vợ tôi vừa sinh em bé được 3 tuần tuổi. Hiện chúng tôi đang cho bé bú cả sữa mẹ và sữa bột do sữa mẹ khá ít. Cân nặng của bé khi mới sinh là: 3.4kg. Cân nặng hiện tại là: 3.65kg. Bác sĩ có thể cho biết tốc độ phát triển của bé như vậy có bình thường không?


Thêm một số vấn đề khác nhờ bác sĩ tư vấn giúp:


- Bé hay bị nôn trớ trong khi bú. Có phải vì sữa của cữ trước không tiêu hóa được, nên đến cữ sau khi bú tiếp thì bé bị no và ọc ra không?


- Làm thế nào để bé nằm yên trong khi bú? Bé hay cựa quậy khó chịu trong lúc bú, lại hay vừa bú vừa đại tiện. Mà mỗi lần bé đại tiện là không chịu nằm yên, phải thay tã ngay bé mới chịu, trong khi đó lại đang bú, nếu đặt bé nằm xuống lại sợ bé nôn trớ. Tôi phải làm sao?


- Hiện chúng tôi đang cho bé bú thêm sữa ngoài, bé đại tiện ra phân khi khô, khi ướt, đôi khi có lẫn cả nước giống nước tiểu, nhưng tôi không nghĩ là bé bị đau bụng. Mẹ bé lo bé không tăng cân nên muốn đổi sang sữa khác. Theo bác sĩ trong trường hợp này việc đổi sữa có cần thiết và có vấn đề gì không?


Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ! (Quốc Linh)


Bác sĩ tư vấn:


Bé đã gần 1 tháng tuổi mà tăng có 200g như vậy là quá ít. Bình thường tối thiểu 1 tuần cũng phải tăng 200g rồi, như vậy là do bé ăn chưa đủ hoặc do hấp thu kém.


Hiện tượng nôn trớ ở tuổi này là bình thường vì dạ dày của bé còn nằm ngang, cơ thắt tâm vị yếu nên bé rất hay nôn trớ, để giảm bớt tình trạng này cần chia nhỏ nhiều bữa ăn trong ngày, mỗi bữa chỉ ăn 30- 40ml, có thể 1h lại cho ăn 1 lần.


Khi trẻ bú mẹ thì sau khi bú xong nên bế trẻ 10-15 phút rồi mới đặt trẻ nằm. Những lúc cho trẻ bú bình thì lưu ý sao cho sữa ngập núm vú bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày.


Vợ chồng bạn cũng nên lưu ý tư thế khi bé nôn trớ nên để bé nằm nghiêng hoặc đỡ bé ngồi dậy, đề phòng khi bé nôn, chất nôn sẽ tràn vào khí quản, gây sặc rất nguy hiểm. Đã từng có trường hợp bé nôn trớ khi nằm ngửa, chất nôn tràn vào phổi gây ngừng thở, đến khi người nhà phát hiện đưa bé vào viện thì bé đã tím tái , không còn cứu chữa được.


Ở lứa tuổi của bé đi ngoài 3 – 4lần/ ngày là bình thường, nhưng nếu đi liên tục, đi nhiều nước là bé bị tiêu chảy bạn nên đưa cháu đi khám bác sĩ, làm xét nghiệm phân để tìm nguyên nhân.


Về sữa thì hãy cố gắng cho bé bú mẹ càng nhiều càng tốt, khi thiếu mới nên ăn sữa ngoài, nếu sữa bé đang uống không lên cân, rối loạn tiêu hoá thì bạn nên đổi sữa khác. Có nhiều bé do bất dung nạp đường lactose trong sữa, cũng gây rối loạn tiêu hoá, lúc đó cần dùng sữa không có lactose.


Với trường hợp của con bạn nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân nôn trớ và rối loạn tiêu hoá, nếu cứ để tình trạng này kéo dài bé sẽ bị suy dinh dưỡng.



Cách hạn chế tình trạng nôn trớ của bé


cách chăm sóc trẻ bị trớ sữa 5


Phụ huynh hỏi: Bé 14 tháng, nặng 11kg, cao 82cm. Bắt đầu từ lúc 3 tháng tuổi cháu bú và ăn rất hay bi nôn trớ, mà cứ nôn là lên ca mũi nên cháu rất hay bị ngạt mũi, thở khò khè.


Cháu rất lười ăn, mỗi lần cho ăn thì cả mẹ và con như đi đánh trận vậy. Một ngày cháu ăn 4 bát cháo nhỏ và khoảng 350ml sữa công thức. Ngoài ra còn ăn thêm váng sữa và sữa chua.nhưng đặc biệt không bao giờ cháu chịu ăn hoa quả.


Bác sỹ cho em hỏi cháu ăn hay bị nôn trớ như vậy có cách nào làm đỡ không ạ.Và mỗi lần như vậy thi phải dùng thuốc gì? (Khương Thị Hương)


Bác sĩ nhi khoa tư vấn về cách giảm nôn trớ cho trẻ:


Bé bú sữa thường bị trớ ngay khi ăn có thể do hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, bé hay bị ho kéo dài, có thể do cha mẹ thực hiện độ dinh dưỡng chưa hợp lý. Bạn có thể khắc phục bằng những cách sau:


- Không ép bé ăn nhiều. Chia thức ăn ra nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng thức ăn cần thiết. Thời gian tối thiểu giữa hai lần bú là 2h, tối đa là 4-5h (nhu cầu thay đổi ở từng bé và trên cùng một bé cũng ở mỗi ngày). Ăn nhiều bữa cũng là phương pháp chống nôn trớ hiệu quả.


- Đối với bé bú mẹ: Nên cho bú bên trái trước (bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng bên phải). Sau đó, chuyển bé sang bên phải (lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược.


- Không nên cho bé bú quá lâu, trung bình 10 phút cho vú thứ nhất và 20 phút cho vú thứ hai, bú trên 30 phút không có lợi cho bé (nuốt hơi, mệt, rối loạn thèm bú/nghiền vú, chênh lệch thời gian bú).


Có thể cho cháu uống thêm kẽm, vì thiếu kẽm cũng là nguyên nhân nôn trớ và biếng ăn của trẻ. Hiện tượng nôn trớ ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân, chị nên cho cháu đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân điều trị.


Chị nên tập cho cháu ăn nhiều hoa quả để cung cấp vitamin và khoáng chất cho trẻ. Có thể xay các loại hoa quả ngọt như na, nhãn, xoài, chuối… trộn vào sữa chua cho trẻ ăn.



Chia sẻ kinh nghiệm của mẹ về cách hạn chế nôn trớ cho trẻ


(Mẹ Hoa Dương) Các mẹ ơi! Bé nhà em dạo này rất hay nôn trớ, trớ rất nhiều, phun như kiểu vòi phun nước ý,có hôm trớ như thế 3,4 lần, em lo quá, không biết bé có sao không? Có phải đi bác sĩ không? Mà rốn bé nhà em to lắm. Các mẹ giúp em với


(Mẹ Kiều Nga) Con mình lúc nhỏ cũng hay nôn trớ, hầu như mỗi ngày, mình rất stress, ... rồi quen


Mình có cho bé đi khám, siêu âm, kết quả bình thường nhưng bác sĩ vẫn kê đơn: primperan (được chỉ định cho: Buồn nôn và nôn. Biểu hiện rối loạn tiêu hóa do rối loạn nhu động ruột), cốm tiêu xitrina (làm giảm tiết a-xit dạ dày), và 1 loại nữa lâu rồi mình quên tên.


Cô em chồng mình làm điều dưỡng ở BV Nhi Đồng nói thuốc primperan rất tốt cho trẻ hay ói, riêng mình đọc các tác dụng phụ thì thấy thuốc primperan ít hơn thuốc mothilumM (hơn nữa mothilumM trong hướng dẫn sử dụng ghi dùng cho trẻ từ 1 tuổi)


Bé có đỡ hơn theo thời gian nhưng tới khoảng 8 tháng mới đỡ! - nói cho bạn chuẩn bị tâm lý và yên tâm
theo mình bạn nên đưa bé đi chuyên khoa nhi khám, để bác sĩ tư vấn. Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc cũng rất quan trọng, 1 vài điều mình đã áp dụng nè:


- cho bé bú vừa, không quá no, mình chịu khó cho bú nhiều lần hơn
- bé bú xong ẵm bé dựa vào lưng mẹ (vì bé còn nhỏ) cho bé ợ hơi, bé còn nhỏ hơi khó, mẹ cố gắng nhé, bé lớn hơn cho bé ngồi dậy dễ ợ hơi (nhớ lót miếng khăn trên vai, có khi bé ợ ra ít sữa nhé)
- sau khi bé bị trớ, bạn đút ít nước tráng miệng cho bé
- trường hợp bé ói nhiều, nhớ vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý
Cố gắng đừng để bé ói nhiều, có thể không tốt cho hệ hô hấp.


Mẹ Lê Na tư vấn kinh nghiệm hay trị nôn trớ:


Bé nhà mình trước từ 2-4 tháng cũng hay bị ọc sữa, phun vòi luôn, mẹ nhìn là xanh mặt. Hình như trẻ con đứa nào cũng bị cả hay sao ấy. Quan trọng mình theo dõi và số lượng có nhiều không. Theo mình nhé, bạn cứ theo dõi bé nhà bạn hàng ngày, nếu bé ăn mà phun nhiều quá thì bạn hãy cho đi bác sĩ. Trước đây mình chả đi bác sĩ, cứ ói rồi lại hì hục cho ăn lại, rồi lại ói, rồi lại ăn lại... nhưng rồi bé cũng điều chỉnh hay sao ấy, từ từ bớt dần. Nhưng 1 ngày cũng chỉ ọc tối đa 2-3 lần thôi. Nếu bé bạn ói nhiều thì bạn hãy cho đi bác sĩ vì mình nghe nói bé sơ sinh cái dạ dày nằm ngang nên chưa diều chỉnh thức ăn, mình không chăm sóc đúng thì sẽ dễ ói hơn nữa, từ từ bé sẽ bình thường lại, bạn đừng lo lắng quá nha.


Còn cái rốn, bé nhà mình hồi 2 tháng lồi luôn ấy chứ, khóc nhiều quá mà, ông ngoại cứ chọc rốn lồi thế sao mai mốt mặc bikini nhưng 7 tháng thì đẹp lại rồi.