Trẻ bị sổ mũi, chảy nước mũi - Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Thứ hai - 28/10/2013 22:13
Khi bé bị sổ mũi, hắt hơi, đó là triệu chứng ban đầu của nhiều bệnh, ví dụ như trẻ có thể đã bị cảm lạnh hoặc viêm xoang. Các mẹ có thể hút mũi cho con bằng các dụng cụ hút mũi và cho trẻ uống nhiều nước. Đồng thời, cho trẻ đi gặp bác sỹ nếu bệnh kéo dài, trở nặng.Cha mẹ có thể phán đoán nguyên nhân chảy nước mũi ở bé, dựa trên những dấu hiệu khác đi kèm. Tuy nhiên, Để biết chính xác bé mắc chứng bệnh nào, bé phải được đi khám và tuân theo kết luận cuối cùng của bác sĩ.Chảy nước mũi kèm hắt hơi,...

Khi bé bị sổ mũi, hắt hơi, đó là triệu chứng ban đầu của nhiều bệnh, ví dụ như trẻ có thể đã bị cảm lạnh hoặc viêm xoang. Các mẹ có thể hút mũi cho con bằng các dụng cụ hút mũi và cho trẻ uống nhiều nước. Đồng thời, cho trẻ đi gặp bác sỹ nếu bệnh kéo dài, trở nặng.


Cha mẹ có thể phán đoán nguyên nhân chảy nước mũi ở bé, dựa trên những dấu hiệu khác đi kèm. Tuy nhiên, Để biết chính xác bé mắc chứng bệnh nào, bé phải được đi khám và tuân theo kết luận cuối cùng của bác sĩ.


Chảy nước mũi kèm hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể, có thể có sốt.


Nguyên nhân: Có thể do cảm lạnh.


Các chăm sóc khi bé bị cảm lạnh:


- Luôn có sẵn các vật dụng y tế cần thiết cho bệnh cảm lạnh trong tủ thuốc gia đình: nước muối sinh lý để nhỏ mũi, dụng cụ hút mũi, thuốc hạ sốt, nhiệt kế, máy tạo độ ẩm.


- Nếu con bạn còn quá bé, dưới 3 tháng tuổi, hãy gọi cho bác sĩ khi có dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh, chẳng hạn như chảy nước mũi, ho, hoặc sốt.


- Đối với trẻ lớn hơn, bạn nên gọi cho bác sĩ nếu bé bị sốt cao, mất nước, ngày càng ho nặng hoặc khó thở, hoặc các triệu chứng nhẹ nhưng kéo dài hơn một tuần.


- Giúp em bé của bạn hít thở dễ dàng bằng cách sử dụng nước nhỏ mũi để vệ sinh bên trong mũi, và dùng các thiết bị hút mũi khác để làm sạch dịch nhầy từ mũi nghẹt của bé.


- Khi bé bị nghẹt mũi, tư thế ngủ tốt cho bé là phần đầu được nâng cao lên một chút. Hãy đặt thêm khăn dưới gối của bé để chỉnh độ cao phù hợp cải thiện giấc ngủ cho bé trong khi bị cảm lạnh.


- Các mẹ nên cho bé bú sữa nhiều hơn, uống nước nhiều hơn khi bé bị cảm lạnh.


- Trong khi chữa cảm lạnh cho bé, mẹ cũng phải chú ý đến việc tự bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng cách rửa tay thường xuyên để tránh nhiễm vi trùng từ bé hay ngược lại.


Chảy nước mũi, kèm ho, sốt cao (có khi trên 38ºC); bị tiêu chảy, nôn trớ, mất cảm giác thèm ăn.


trẻ bị sổ mũi 1


Nguyên nhân: Có thể do cảm cúm. Cảm cúm thường xảy ra từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm.


Chăm sóc khi bé bị cảm cúm:


- Có chế độ ăn uống tăng sức đề kháng: Nên cho con bạn ăn những thực phẩm dễ tiêu, tránh các món có nhiều dầu mỡ. Nên dùng thức ăn có nhiều khoáng chất và vitamin để tăng sức đề kháng (nhất là các loại súp, trái cây, rau quả...).


- Cho trẻ uống nhiều nước nếu con bạn bị sốt; khi đó, cơ thể cần nhiều nước hơn. Nên cho uống nước chanh ấm, trà mật ong (với bé lớn); không được uống nước lạnh hoặc những thức uống gây kích thích.


- Giữ yên tĩnh để trẻ có thể nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn. Sau những giấc ngủ sâu, con bạn sẽ có sức lực chiến đấu với virus cúm và mau lành bệnh.


Chảy nước mũi, kèm hắt hơi, mắt bị ngứa và chảy nước. Có thể bị ho.


Nguyên nhân: Có thể do dị ứng.


Chăm sóc khi bé bị dị ứng: cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân gây dị ứng và có cách chăm sóc, chữa trị kịp thời.


Chảy nước mũi, kèm ho liên tục (cả ngày và đêm). Đau ở xương gò má hoặc một bên mũi. Sốt nhẹ


Nguyên nhân: Có thể do viêm xoang.


Chăm sóc khi bé bị viêm xoang:


Vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ. Đây là một việc làm thường xuyên của các bà mẹ, các cô nuôi dạy trẻ, bảo mẫu. Việc làm này tuy đơn giản nhưng rất có ích trong việc ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp và bệnh về tai, mũi, họng.


Chảy nước mũi ở một bên mũi. Đôi khi, dịch mũi tiết mùi khó chịu.


Nguyên nhân: Có thể do dị vật nằm trong mũi.


Bạn nên đưa bé đi gặp bác sĩ ngay.



Trẻ bị sổ mũi kéo dài dễ bị viêm xoang


trẻ bị sổ mũi 2


Thấy con gái 5 tuổi chỉ ho, sổ mũi, chị Lan (Hà Nội) nghĩ con bị cảm thường nên tự mua thuốc cho uống. Nhưng một tuần sau khi đưa con đi khám, chị mới biết bé đã bị viêm xoang


Thời tiết trở lạnh, nên chị Lan nghĩ việc trẻ con ho, sốt, sổ mũi cũng là bình thường. Chị cứ bám theo cách điều trị sổ mũi thông thường, tự chữa. Tuy nhiên, chỉ sau mấy ngày, chị thấy con sụt cân và xanh xao, chảy nước mũi xanh đặc, ăn uống hay nôn. Đưa con vào bệnh viện, chị không ngờ con mình còn nhỏ đã bị viêm xoang.


"Bác sĩ nội soi hốc mũi và bảo bé đã bị xoang, tôi vẫn không tin. Tôi đã đưa cháu đến 2 bệnh viện lớn để kiểm tra và kết quả vẫn thế. Giờ cứ trời trở lạnh hay thay đổi đột ngột, tôi lại nơm nớp lo bé bị xoang lại", chị Lan tâm sự.


Theo thạc sĩ Hà Minh Lợi, khoa Mũi xoang dị ứng, Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương, nhiều người nghĩ bệnh xoang chỉ người lớn mới bị, còn trẻ thì không. Tuy nhiên, thực tế bệnh này cũng khá phổ biến ở trẻ từ 6 tuổi trở lên.


Việc chảy nước mũi là bình thường, ở một số trẻ có thể tự khỏi. Tuy nhiên, khi đã thò lò mũi xanh, đồng nghĩa trẻ đã có dấu hiệu bị viêm xoang. Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm màng niêm mạc lót ở trong xoang, đặc biệt là những xoang quanh mũi, thạc sĩ Lợi cho biết.


Biểu hiện của bệnh có thể là chảy mũi vàng - xanh đặc, hơi thở hôi, ăn uống hay bị nôn, đau đầu, người mệt mỏi, phù quanh mắt, sốt nhẹ hoặc sốt cao. Bệnh được chia thành 3 loại dựa theo thời gian các triệu chứng kéo dài, dưới 4 tuần là viêm xoang cấp, 4-12 tuần là bán cấp và sau 12 tuần là viêm xoang mãn tính.


"Điều đặc biệt là có đến 50% số trẻ bị viêm xoang đều khởi đầu từ những biểu hiện như sổ mũi, cảm cúm thông thường do virus gây ra như trường hợp con chị Lan. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điềutrị dứt điểm sẽ chuyển sang bị bội nhiễm (do vi khuẩn), dẫn đến viêm xoang", thạc sĩ Lợi cho biết.


Ngoài ra, ở một số trẻ có những yếu tố thuận lợi như viêm Amidan quá phát, Amidan to, hay bị viêm đường hô hấp trên, trẻ suy sinh dưỡng, sức đề kháng kém... đều dễ bị xiêm xoang.


Cũng theo thạc sĩ Lợi, bệnh viêm xoang ở trẻ khó phát hiện hơn so với người lớn. Bởi vì, khi đi khám, người lớn có thể nói đầy đủ và đúng các triệu chứng của bệnh còn trẻ thì không. Các bác sĩ phải tiến hành nội soi mềm vào hốc mũi hoặc thậm chí chụp CT Scan khi cần thiết mới phát hiện được.


Bên cạnh đó, do đặc điểm thể trạng, xoang trẻ em dễ bị nhiễm trùng lan tỏa và dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều như: áp xe mắt (có thể dẫn đến tử vong), viêm não, nhiễm trùng huyết, viêm thận, viêm tai giữa...


"Đặc biệt, các biến chứng ở mắt là phổ biến nhất. Mắt bị viêm và phù nề dữ dội, bị đẩy lồi ra phía trước, nhãn cầu bị hạn chếvận động, bị mù hoàn toàn nếu thiếu máu cục bộ kéo dài trong 90 phút",thạc sĩ Lợi nói.


Đã có một trường hợp bé gái 4 tuổi từng vào bệnh viện cấp cứu vì bị áp xe mắt, nguy hiểm đến tính mạng.


Thạc sĩ Lợi cho biết, khi vào viện, bé bị sốt cao, người mệt mỏi, ăn kém, mắt trái bị sưng tấy, mắt dần lồi ra phía trước. Các bác sĩ đã phải chụp CT Scan và chẩn đoán bé đã bị xiêm xoang mãn tính và có biến chứng ở mắt. Dù đã được phẫu thuật cấp cứu nhưng thị lực của bé giảm chỉ còn 7/10.


Để phòng bệnh viêm xoang ở trẻ, cha mẹ cần phòng ngừabệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ bằng việc mặc ấm vào ngày lạnh, tránh bụi, khói, đặc biệt là khói thuốc lá. Thường xuyên dùng nước mũi loãng rửa mũi cho trẻ.


Khi trẻ bị sốt, ho, sổ mũi thông thường, cha mẹ nên đưa con đi khám, để chữa dứt điểm. Đặc biệt, khi trẻ đã xuất hiện tình trạng chảy mũi vàng xanh, đặc sánh chứng tỏ bé đã bị viêm mũi thì cần phải đi khám ngay. Khi trẻ đã bị viêm xoang, thì cha mẹ tuyệt đối không dùng kháng sinh tùy tiện tránh gây các biến chứng nguy hiểm.


Ngoài ra, trẻ còn cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều trái cây, rau xanh và tập luyện thể dục để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.



Hút mũi cho bé thật hiệu quả với ống hút chân không


trẻ bị sổ mũi 3


Khi bé bị sổ mũi hay nghẹt mũi, bạn có thể dùng dụng cụ hút mũi dạng ống cao su để loại bỏ dịch mũi cho con. Hút mũi sạch khiến bé thở, ăn và ngủ ngon hơn.


Bên cạnh ống hút mũi, bạn cần mua nước nhỏ mũi dạng muối sinh lý để làm mềm chất dịch nhầy trong mũi của con trước khi hút. Nước mũi muối sinh lý dễ dàng được mua tại các nhà thuốc hoặc bạn tự pha ở nhà theo tỷ lệ ¼ thìa muối với 200ml nước ấm. Nếu tự pha nước muối nhỏ mũi, nên bảo quản trong lọ thủy tinh có nắp kín, để ở nơi khô ráo.


Cách dùng ống hút mũi dạng bầu


Bé nhà bạn có thể không chịu “hợp tác” nhưng dụng cụ hút mũi này thường không gây đau. Tốt nhất nên hút mũi cho bé trước khi ăn, vì việc kích thích ở mũi khi đã ăn no có thể làm bé bị nôn trớ.


Bắt đầu bằng cách cho bé nằm trong lòng mẹ, với đầu của bé kê trên hai đầu gối mẹ, chân chống vào bụng mẹ, để đầu bé hơi ngửa ra đằng sau. Nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi và giữ nguyên đầu bé ở tư thế đó trong khoảng 10 giây. Lau mũi nhẹ nhàng cho bé sau khi nhỏ nước muối.


Bóp nhẹ bầu ống hút mũi để tạo chân không, sau đó nhẹ nhàng đưa đầu ống hút vào một bên mũi của bé. Từ từ thả bầu ống ra để hút dịch trong mũi. Nhấc ống ra bên ngoài, bóp bầu ống để dịch mũi chảy ra ngoài, sau đó lau vào khăn giấy. Lau sạch đầu ống hút mũi và lặp lại cách trên cho bên mũi còn lại.


Nếu bé còn ngạt mũi trong 5-10 phút sau đó, nhỏ nước mũi sinh lý một lần nữa và tiếp tục hút mũi. Tuy nhiên, không được hút mũi cho con quá 2-3 lần mỗi ngày vì làm như thế sẽ kích thích niêm mạc mũi. Đồng thời, bạn cũng không nên nhỏ nước muối sinh lý cho bé quá 4 lần/ngày vì sẽ làm khô mũi và khiến tình hình nghiêm trọng hơn.


Lau chùi dụng cụ hút mũi


Rửa sạch dụng cụ hút mũi cho bé với nước ấm và dung dịch cọ rửa. Xả lại thật nhiều lần với nước ấm sạch. Có thể tháo đầu ống hút để cọ rửa sâu bên trong bầu ống. Cuối cùng, để ống hút ở nơi khô ráo và sạch sẽ. Khi ống hút đã khô, có thể cho vào lọ thủy tinh sạch, khô để cất.



Các sai lầm khi chữa sổ mũi cho trẻ


Thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể nhiều trẻ không thích nghi kịp, dễ mắc các bệnh về mũi họng.


Không muốn con uống kháng sinh, nhiều mẹ tự chữa cho con theo cách “truyền miệng”, tuy nhiên do chữa không đúng cách khiến bệnh của bé càng thêm nặng. Dưới đây là 4 sai lầm các ông bố, bà mẹ nên tránh:


Nhỏ nước tỏi ép vào mũi bé


trẻ bị sổ mũi 4


Nhiều bà mẹ thường truyền nhau cách ép nhánh tỏi rồi trộn với nước muối sinh lý nhỏ vào mũi của bé để trị chứng hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên, BS Nguyễn Văn Lộc– nguyên PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ cho hay, đây là quan niệm sai lầm. Tỏi chứa chất Allicin có thể diệt vi trùng và vi nấm. Nó có thể phòng ngừa cúm và điều trị cúm.


Tuy nhiên, việc nhỏ nước tỏi ép vào mũi là rất nguy hiểm vì nó dễ gây nóng rát, phù nề có thể làm bỏng niêm mạc mũi của trẻ. Trẻ dưới 3 tuổi càng có nguy cơ nhiều hơn do niêm mạc mũi trẻ rất mỏng, trong khi đó nước tỏi lại nóng và cay, nhất là nước tỏi đậm đặc. Ngay cả với người lớn, nếu dùng nước ép tỏi nhỏ mũi nồng độ quá đặc cũng dễ bị bỏng niêm mạc mũi.


Khi niêm mạc mũi bị bỏng rộp, nếu không phát hiện điều trị sớm, có thể dẫn tới hoại tử. Hơn nữa, trẻ cũng sẽ khó thở bằng đường mũi mà buộc phải thở bằng miệng, không khí không được làm ấm dễ gây viêm họng, viêm phổi. Vì thế, tốt nhất không nên sử dụng nước tỏi ép để trị viêm mũi, sổ mũi cho trẻ.


Rửa mũi cho bé quá nhiều


Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai), nhiều cha mẹ còn cẩn thận xịt, rửa mũi hàng ngày cho bé dù con không bị ngạt mũi hay viêm mũi để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp. Đây cũng là sai lầm làm hại tới trẻ.


Mũi của trẻ và người lớn cũng như nhau, bình thường có cơ chế tự làm sạch. Rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi. Trong khi đó, chất nhầy này có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Nếu mất đi chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi, dễ bị viêm hơn.


Việc dùng quá thường xuyên cũng có thể làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác. Chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt mũi khi trẻ có triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, có nước mũi trong, mũi đặc… Nhưng cần lưu ý, trước khi nhỏ nước muối vào mũi, nếu trời lạnh các mẹ nên ngâm lọ nước muối sinh lý vào nước nóng cho ấm lên rồi nhỏ cho trẻ mỗi bên mũi chừng 1/3 - 1 lọ tuỳ theo độ tuổi. Rửa khoảng 3 - 4 lần/ngày.


Hút mũi cho trẻ


Bác sĩ Lộc cho hay, trẻ khi sổ mũi thường dễ bị ngạt mũi hay nhiều đờm gây khó thở, khò khè. Khi thấy trẻ có những biểu hiện vậy, nhiều phụ huynh thường tự xử trí bằng cách đưa miệng hút mũi cho em bé nhưng khi cha mẹ dùng miệng hút mũi bé thì mầm bệnh trong miệng sẽ lây cho em bé. Do đó, cách làm này sẽ lợi bất cập hại vì khiến bệnh của trẻ nặng thêm.


Ngoài ra, việc sử dụng hút mũi hay xilanh đưa nước vào khoang mũi cũng cần lưu ý. Nếu làm không đúng sẽ rất nguy hiểm, có thể làm trẻ sặc và nước sẽ tràn vào màng phổi. Mỗi lần chọc sâu ống hút vào mũi trẻ để hút thì áp lực ấy sẽ hút niêm mạc mũi lên. Nhiều lần làm sẽ gây phù nề niêm mạc mũi nhiều hơn mà nghẹt mũi vẫn kéo dài, không tốt cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.


Lạm dụng thuốc nhỏ mũi


Một sai lầm khác khi điều trị sổ mũi cho trẻ là lạm dụng các loại thuốc nhỏ mũi không theo chỉ định của bác sĩ, nhất là các loại thuốc có chứa corticoid, kháng sinh… khi chưa tìm nguyên nhân để điều trị.


Theo các bác sĩ, những thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid chỉ được dùng dưới 7 ngày và nhất định phải theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc coricoid nếu dùng không đúng sẽ gây một số biến chứng, nhất là ở trẻ em như ức chế vỏ thượng thận tiết hormone làm tăng giữ muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt, tăng đường huyết…


Đặc biệt, khi có các tổn thương khu trú ở mũi mà dùng thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid sẽ ức chế sự lành vết thương. Nếu lạm dụng thuốc co mạch có hoạt chất là Xylometazoline 0.05% - 0.1% (biệt dược Otilin, Otdin, Coldi-B…) trẻ dễ bị ngộ độc thuốc. Tốt nhất khi trẻ sổ mũi và đau họng kéo dài, sốt cao… cần đưa đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.


Lưu ý khi xử lý ngạt, sổ mũi ở trẻ:


- Tăng cường cho bé uống nhiều nước, bú mẹ.


- Với trẻ lớn khi trẻ bị sổ mũi hay mũi đặc, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tập hỉ mũi, hỗ trợ dùng nước muối sinh lý đúng lượng xịt để nước mũi loãng ra. Không nên dùng tay bịt hai bên để hỉ mũi vì sẽ làm tăng áp lực đột ngột vào mũi. Giấy để hỉ mũi nên dùng loại giấy mềm, sạch, chỉ dùng một lần.


- Sử dụng thuốc phải được bác sĩ chỉ định, không tự ý dùng thuốc và các biện pháp xử trí theo dân gian.


- Để trẻ không bị sổ mũi, viêm mũi nên giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài trời lạnh, giữ vệ sinh cho trẻ vì hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu, nhất là trẻ dưới 6 tuổi.


trẻ bị sổ mũi 5



Cha mẹ tuyệt đối không nhỏ nước tỏi vào mũi bé


Theo bác sĩ Nguyễn Trương Khương, trẻ ngạt mũi thì cha mẹ tuyệt đối không nhỏ nước tỏi giã.


Câu hỏi của mẹ bé Cún gửi đến bày tỏ băn khoăn về việc mẹ chồng dùng nước tỏi nhỏ vào mũi cháu trai để cháu bớt sụt sịt đã thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh. Bởi thời tiết đang ở thời điểm giao mùa, đặc biệt ở miền Bắc nhiệt độ giảm khi đang chuyển sang mùa đông. Vì vậy, nếu không giữ ấm cho trẻ thì rất dễ bị mắc phải các bệnh về đường hô hấp.


Mẹ bé Cún cho biết: "Mấy hôm nay thời tiết Hà Nội đột nhiên chuyển lạnh, mưa gió liên miên ẩm ướt cả ngày dài. Dù đã em cẩn thận dặn ông bà chú ý mặc ấm cho Cún, đừng đưa cháu ra ngoài đường, vậy mà mẹ chồng em vẫn "ham vui", đẩy xe mang cháu ra đầu ngõ buôn chuyện suốt từ chiều đến tận giờ cơm mới về. Kết quả là tối hôm ấy, Cún hắt xì liên tục, đêm thở miệng khò khè vì bị ngạt mũi”.


Sau khi con trai 8 tháng tuổi bị sụt sịt, mẹ chồng của chị dùng tỏi giã lấy nước để nhỏ vào mũi bé và khẳng định:"Lấy nước tỏi nhỏ vào mũi Cún vài giọt là hết sụt sịt ngay".


Chưa biết được công dụng hay có ảnh hưởng gì sức khỏe của con hay không? “Chẳng hiểu bài thuốc ấy ở đâu ra nhưng em dứt khoát không đồng ý, nước tỏi mùi hắc, lại nóng, chẳng may lại còn lấy phải tỏi "Tầu" cũng nên. Em chỉ kiên trì nhỏ mũi cho Cún bằng nước muối sinh lý bình thường”, độc giả bày tỏ.


Để tìm hiểu những nguy cơ có thể xảy ra khi nhỏ trực tiếp nước tỏi giã nhỏ vào mũi trẻ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Trương Khương (Khoa Tai, Mũi, Họng- Bệnh viện FV).


Theo bác sĩ Nguyễn Trương Khương, tỏi có chứa chất Allicin có thể diệt vi trùng và vi nấm. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tỏi có thể phòng ngừa cúm và điều trị cúm. Tỏi cũng có hiệu quả trong điều trị khàn tiếng, long đàm và ho.


“Trong dân gian Việt nam, người ta cũng thường dã tỏi vắt lấy nước để nhỏ mũi, hoặc pha với nước ấm để xông mũi khi bị cảm và viêm xoang. Tuy nhiên chưa có công trình nghiên cứu nào đưa ra qui trình điều trị một cách có khoa học và liều lượng cụ thể”, bác sĩ Trương Khương nhấn mạnh.


Về việc có nên nhỏ nước tỏi vào mũi trẻ hay không, bác sĩ Nguyễn Trương Khương đưa ra lời khuyên: “Theo kinh nghiệm của chúng tôi hàng ngày tiếp xúc và khám bệnh cho rất nhiều bệnh nhân bị viêm xoang, chúng tôi thấy có rất nhiều trường hợp dùng nước tỏi không có hiệu quả phải đi bác sĩ chuyên khoa để điều trị, tất cả các bệnh nhân đều cho rằng nhỏ tỏi vào mũi sẽ cực kỳ rát và đau, ngay cả khi có pha loãng. Do vậy chúng tôi nghĩ tuyệt đối không nên dùng nước tỏi nguyên chất nhỏ cho trẻ em khi có sổ mũi hoặc ho”.


Vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ miền Bắc giảm vì đang chuyển sang mùa đông, để đảm bảo trẻ không bị mắc các bệnh về hô hấp hay tai, mũi, họng, bác sĩ Nguyễn Trương Khương khuyên: "Đối với trẻ em, một năm bị 4-10 lần ho, sổ mũi do nhiễm lạnh hoặc nhiễm siêu vi là bình thường. Cách phòng ngừa tốt nhất là nên chích ngừa cúm cho trẻ, giữ ấm cho trẻ, giữ vệ sinh cho trẻ thật tốt, vì hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu, chưa phát triển hoàn thiện, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi.


Khi trẻ đã bị bệnh, cách điều trị ban đầu tại nhà là nhỏ nước muối sinh lý hai bên mũi, có thể dùng ở mọi lứa tuổi, để làm long đàm, thông thoáng hai mũi, tránh tắc nghẽn. Nếu sau 3-4 ngày bệnh không thuyên giảm, sổ mũi, ho nhiều hơn, mũi trở nên đặc hơn, có mùi hôi, sốt nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để có chẩn đoán chính xác và điều trị”.



Một vài cách xử trí nghẹt mũi cho bé tại nhà


Nghẹt mũi là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến mà bé phải đối mặt nhưng cha mẹ có thể điều trị cho con dễ dàng với một số biện pháp tại nhà.


Trong khi điều trị nghẹt mũi, hãy nhớ rằng bé còn quá nhỏ để lạm dụng thuốc hay các biện pháp thô bạo. Nếu con bạn dưới 3 tháng tuổi, bạn không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để khắc phục nghẹt mũi cho con. Tùy ý dùng thuốc cho bé có thể làm phức tạp thêm vấn đề sức khỏe thay vì chữa được bệnh.


Các cách chữa nghẹt mũi được các chuyên gia của Parenting khuyên là an toàn cho bé:


Xông hơi


Hơi nước trong phòng tắm chẳng hạn là một trong những biện pháp tốt để khắc phục nghẹt mũi cho bé. Tiếp xúc với hơi nước có thể giúp làm loãng các đờm được hình thành trong mũi bé. Điều này cũng giúp mũi được thông thoáng và khiến bé dễ thở. Có thể xông hơi cho bé bằng cách xả nước nóng vào một cái chậu (xô) và bế bé cẩn thận để bé hít được hơi nước nóng bốc lên. Hơi nước vào mũi và họng của bé khiến mũi, họng sạch và thông đờm.


Có thể thêm một ít muối trắng để bé hít được hơi nước muối cũng có tác dụng tốt.


Nước muối


Nước muối là một phương thuốc phổ biến lại an toàn chữa nghẹt mũi cho bé. Bạn có thể mua thuốc nhỏ mũi dạng muối sinh lý hay dạng nước biển (dùng được cho các bé) hoặc bạn tự chuẩn bị nước muối nhỏ mũi cho con ngay tại nhà. Để làm nước muối nhỏ mũi cho con rất đơn giản, bạn chỉ cần pha một cốc nước ấm với một nửa thìa cafe muối ăn là được.


Khi nhỏ giọt dung dịch nước muối vào lỗ mũi của bé cần lưu ý, chỉ một giọt cho mỗi lỗ mũi là đủ. Sau đó, xoa bóp mũi của bé nhẹ nhàng từ cả hai phía. Trong khi nhỏ xong một bên mũi, nên lau sạch đầu ống thuốc nhỏ mũi trước khi tiếp tục nhỏ thuốc vào mũi còn lại vì vòi ống thuốc có thể đã bị nhiễm khuẩn.


Dụng cụ hút mũi


Về cơ bản, để thoát khỏi ngạt mũi là cần loại bỏ các chất nhầy từ mũi. Để thực hiện điều này, bạn có thể sử dụng một thiết bị hút mũi cho con (thiết bị hút mũi có sẵn ở nhiều cửa hàng dược). Thiết bị hút mũi dạng ống cao su hình bóng đèn được nhiều người mẹ ưa thích chọn cho bé nhà mình. Đảm bảo rằng trước khi đặt ống vào mũi của bé, bạn đã bóp bầu cao su một lần. Sau đó, nhẹ nhàng hút các chất nhầy từ một bên mũi bằng cách đưa đầu ống vào mũi bé và thả nhẹ tay ra. Lặp lại tương tự cho phía mũi bên kia.


Trong khi sử dụng biện pháp khắc phục nghẹt mũi cho bé, bé có thể khóc và cử động rất nhiều, vì vậy bạn sẽ cần ai đó hỗ trợ. Chuyên gia đề nghị bạn nên sử dụng thiết bị hút mũi cho con sau khi bé được xông hơi hoặc nhỏ nước mũi muối sinh lý.


Những mẹo khác


Do mũi bị tắc, em bé của bạn sẽ phải hít thở qua miệng. Điều này có thể gây mất nước cho cơ thể của bé và do đó, bạn nên cho bé ăn với thực phẩm nhiều nước và nước hoa quả khi bé bị nghẹt mũi.


Con bạn có thể hốt hoảng vì nghẹt mũi, vì thế, bé cần được mẹ quan tâm, săn sóc. Hãy giúp bé được thư giãn.


Luôn luôn bao em bé của bạn với chăn ấm khi bé nghẹt mũi, nhất là khi trời lạnh.


Lưu ý:


Các giải pháp được liệt kê ở trên có thể được sử dụng cho các bé ở mọi lứa tuổi.


Nghẹt mũi ở bé có thể xảy ra do nhiều lý do như cảm lạnh thông thường, dị ứng... Nếu các biện pháp khắc phục nghẹt mũi cho bé kể trên không phát huy hiệu quả, bạn nên cho con đi khám. Nghẹt mũi phức tạp phải được bác sĩ kê thuốc chữa.