Lời khuyên của bác sỹ phụ sản về kỹ thuật đẻ không đau gây tê ngoài màng cứng

Thứ ba - 06/08/2013 19:55
Mỗi lần vượt cạn là mỗi lần đau đớn. Có rất nhiều mẹ thích sinh con, thích có nhiều con, nhưng không chịu được cơn đau khi sinh đẻ. Do đó bây giờ có rất nhiều bà mẹ quan tâm đến phương pháp “đẻ không đau”. Vậy thế nào là “đẻ không đau” và biến chứng mà sản phụ có thể gặp phải là gì?Đẻ không đau là một thuật ngữ nói về việc giảm đau cho sản phụ bằng các kỹ thuật dùng thuốc và không dùng thuốc. Với sự tiến bộ của y học, ngày nay kỹ thuật được ưa chuộng nhất là “Gây tê ngoài màng cứng liên tục”....

Mỗi lần vượt cạn là mỗi lần đau đớn. Có rất nhiều mẹ thích sinh con, thích có nhiều con, nhưng không chịu được cơn đau khi sinh đẻ. Do đó bây giờ có rất nhiều bà mẹ quan tâm đến phương pháp “đẻ không đau”. Vậy thế nào là “đẻ không đau” và biến chứng mà sản phụ có thể gặp phải là gì?



Đẻ không đau là một thuật ngữ nói về việc giảm đau cho sản phụ bằng các kỹ thuật dùng thuốc và không dùng thuốc. Với sự tiến bộ của y học, ngày nay kỹ thuật được ưa chuộng nhất là “Gây tê ngoài màng cứng liên tục”. Các bác sĩ Gây mê hồi sức có thể đặt 1 Catheter ngoài màng cứng, qua 1 Syringe điện, để bơm 1 lượng thuốc tê nhỏ liên tục vào khoang ngoài màng cứng bao bọc xung quanh tủy sống giúp giảm đau khi chuyển dạ.

Sản phụ sẽ ít phải chịu đau, đỡ mất sức, cuộc chuyển dạ sẽ xảy ra nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn, và do đó em bé ít bị sang chấn hơn. Kỹ thuật này được áp dụng tại Pháp từ những năm 1970. Ở nước ta Bệnh viện Phụ Sản Hùng Vương đã thực hiện những ca đầu tiên vào năm 1987, Sau đó đã được áp dụng khá rộng rãi ở 1 số bệnh viện lớn như: BV Từ Dũ, BV Phụ sản Trung ương…hàng chục ngàn sản phụ đã được đón nhận niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người mẹ mà không phải trải qua đau đớn. Tuy vậy đây là 1 thủ thuật nên cũng có thể có 1 số biến chứng mà sản phụ và gia đình cần hiểu rõ, và người làm thủ thuật phải luôn cố gắng để giảm thiểu tối đa tần suất xảy ra.

kỹ thuật đẻ không đau 1

Đẻ không đau là một thuật ngữ nói về việc giảm đau cho sản phụ bằng các kỹ thuật dùng thuốc và không dùng thuốc.

1. Gây tê ngoài màng cứng được tiến hành thế nào?

Sản phụ sẽ được bác sĩ sản khoa khám và tiên lượng đẻ được, bác sĩ gây mê sẽ khám toàn diện để chọn lựa các trường hợp có chỉ định, giải thích cho sản phụ và được sản phụ ký giấy tự nguyện xin làm giảm đau.

2. Cuộc gây tê ngoài màng cứng sẽ do các bác sĩ giàu kinh nghiệm thực hiện.

Trước khi gây tê sản phụ sẽ được truyền dịch để tránh tụt huyết áp do tác dụng tê gây ra. Khi gây tê sản phụ có thể ngồi cong lưng hoặc nằm nghiêng trái. Một mũi tiêm nhỏ gây tê tại chỗ vùng cột sống sẽ giúp sản phụ không đau khi làm thủ thuật. Bác sĩ GMHS sẽ đưa 1 kim chuyên dụng vào tới khoang ngoài màng cứng. Qua kim này, 1 Catheter sẽ được luồn vào trong khoang màng cứng, kim chuyên dụng sẽ được rút ra, và sản phụ có thể nằm thoải mái với Catheter nhỏ, mềm mại này.

3. Khi gây tê ngoài màng cứng sản phụ sẽ trải qua những cảm giác gì?

Tại thời điểm tiến hành thủ thuật, khi gây tê tại chỗ sản phụ sẽ có cảm giác đau như 1 mũi tiêm thông thường. Khi bắt đầu bơm thuốc qua Catheter có thể cảm nhận được 1 dòng mát dưới lưng ( hoặc không thấy gì cả). Ít phút sau sản phụ sẽ thấy đỡ đau. Tùy theo người đôi khi sẽ có cảm giác âm ấm ở 2 bàn chân, tê như kiến bò 2 bàn chân, hay nặng ở chân.

4. Sản phụ có lợi gì khi gây tê ngoài màng cứng ?

Gây tê ngoài màng cứng sẽ giúp sản phụ tránh được cái đau như đau đẻ, cuộc chuyển dạ sẽ trở nên nhẹ nhàng, sản phụ sẽ hoàn toàn thoải mái và cảm nhận được từng giai đoạn của cuộc đẻ và không bị mất sức.

Nhờ tác dụng của thuốc giảm đau, bác sĩ sản khoa có thể chỉ huy được cuộc đẻ theo xu hướng tốt nhất cho mẹ và thai. Trong trường hợp phải mổ lấy thai cấp cứu thì có thể sử dụng chính Catheter này để làm vô cảm.

5. Gây tê có hại gì cho sản phụ và thai nhi không ?

Là 1 thủ thuật y khoa nên bên cạnh lợi ích to lớn mà nó đem lại, gây tê NMC cũng có những nhược điểm và biến chứng nhất định.

Thuốc tê có thể gây giãn mạch, tụt huyết áp, và có thể ảnh hưởng đến cung cấp máu cho thai nhi. Một số sản phụ có thể thấy buồn nôn, toát mồ hôi, mệt xỉu hay khó thở vì tụt huyết áp. Có thể phòng tránh bằng truyền dịch trước khi gây tê. Trong khi gây tê huyết áp mẹ và tim thai luôn được theo dõi sát sao liên tục.

Cơn co TC có thể phần nào bị ảnh hưởng bởi thuốc tê, nhưng bằng việc theo dõi tần số và cường độ cơn co tư cung bằng Monitoring sản khoa, các bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh sẽ biết được chính xác khi nào và bằng cách nào để can thiệp làm tăng cơn co tử cung.

Gây tê ngoài màng cứng không làm tăng tỷ lệ mổ đẻ hay can thiệp dụng cụ khi sổ thai.

6. Một số biến chứng ít gặp

Trong một số trường hợp sản phụ có thể đau đầu vài ngày sau đẻ, đau có thể tự hết hoặc hết sau khi dùng thuốc cũng như nằm nghỉ ngơi đúng tư thế.

Nhiễm trùng khoang NMC là 1 biến chứng nặng có thể xẩy ra, Tuy nhiên có thể thể giảm thiểu biến chứng này bằng cách tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc vô trùng.

Ngoài ra Y văn còn ghi nhận các trường hợp tai biến chảy máu gây tụ máu NMC với tần suất thấp (0,04%). Có thể phát hiện chính xác biến chứng này bằng chụp công hưởng từ để có phương pháp xử lý thích ứng.

7. Sản phụ nào có thể được gây tê ?

Tất cả các sản phụ có nhu cầu giảm đau mà bác sĩ sản khoa tiên lượng đẻ được, Cổ TC chưa mở quá 6cm, không có các chống chỉ định gây tê.

8. Những sản phụ nào không nên gây tê ?

Đó là các chống chỉ định như: dị ứng thuốc tê, nhiễm trùng toàn thân nặng, rối loạn huyết động và các chức năng sống nặng, tiểu cầu

Cũng không nên làm tê ngoài màng cứng trong các tình huống cấp cứu mà tính mạng của mẹ hoặc con bị đe dọa.

kỹ thuật đẻ không đau 2

Sử dụng kỹ thuật “Đẻ không đau” - Nên hay không?



Nhiều thai phụ muốn con mình sinh ra theo lối sinh thường, nhưng bản thân lại vô cùng lo sợ những cơn đau đẻ (có thể do nghe từ người khác kể lại, hoặc cũng có thể có kinh nghiệm từ lần sinh trước). Chính vì vậy, hiện có rất nhiều bà mẹ quan tâm đến phương pháp “đẻ không đau”. Vậy thế nào là “đẻ không đau” và ai không nên áp dụng phương pháp này?

Thế nào là “đẻ không đau”?

Kỹ thuật “đẻ không đau” là phương pháp gây tê ngoài màng cứng, tức là tiêm thuốc gây tê vào cùng cột sống ở thắt lưng (vùng này chứa các dây thần kinh chi phối các cảm giác đau từ vùng bụng trở xuống). Nhờ tác dụng của thuốc tê, các cơn co tử cung vẫn xảy ra đều đặn và thúc đẩy cuộc chuyển dạ nhưng sản phụ sẽ không có cảm giác đau đớn.

Ở Việt Nam, kỹ thuật sinh này đã được ứng dụng thành công tại nhiều bệnh viện. Phương pháp này có ưu điểm là giúp sản phụ tiết kiệm sức để rặn đẻ tốt hơn vì không phải trải qua những cơn chuyển dạ đau đớn. Thuốc tê có thể kéo dài để giảm đau sau đó nhiều giờ, và không ảnh hưởng đến em bé vì nó không qua nhau thai.

Trong quá trình sinh nở, nếu sản phụ không thể tự sinh thường thì bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ để an toàn cho cả mẹ và con. Khi phải sinh mổ, chỉ cần thêm liều thuốc tê qua đường truyền để giảm đau trong lúc mổ.

Ai không thể dùng phương pháp “đẻ không đau”?

Để thực hiện một ca đẻ không đau, bác sĩ sản khoa sẽ phải khám thật chi tiết cho sản phụ để biết về tiểu sử bệnh lý, tình trạng chuyển dạ, tình trạng cơn co và xem có phù hợp với phương pháp sinh này không.

Phương pháp sinh này phù hợp với các sản phụ có các bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim…, nhưng lại không được áp dụng cho các sản phụ có bệnh lý liên quan đến cột sống, rối loạn đông máu hoặc đang có tình trạng nhiễm trùng…

Các tác dụng phụ có thể gặp

Khi áp dụng phương pháp sinh thường không đau, một số sản phụ có thể gặp trạng thái chóng mặt, ớn lạnh hay lạnh run, buồn nôn, nôn hay khó vận động chân ngay sau khi tiêm thuốc. Một số trường hợp có thể bị nhức đầu nhẹ, đau lưng trong thời kì hậu sản. Nhưng các triệu chứng này không nguy hiểm và sẽ tự hết sau vài giờ. Hiếm hơn, một số người có thể có cảm giác lạ vùng mông, đùi (như kiến bò, rát bỏng) trong thời gian ngắn hậu sản và sau đó sẽ tự khỏi.