Phương pháp rặn đẻ đúng cách và chia sẻ kinh nghiệm rặn đẻ

Thứ hai - 12/08/2013 20:34
Các mẹ đã học lớp tiền sản hay chưa học lớp tiền sản, đã biết phương pháp thở rặn đẻ khi sinh hay chưa, nhưng cũng rất băn khoăn lo lắng không biết đến lúc mình vượt cạn thì như thế nào. Hãy cùng nghe các mẹ có kinh nghiệm trong việc rặn đẻ chia sẻ về vấn đề này.Theo thống kê của các bác sỹ sản khoa, hầu hết chị em đã từng vượt qua một lần sinh nở đều cho biết khi lên bàn đẻ họ đều rặn đẻ theo cảm tính. Có nhiều người tuy đã được học lý thuyết về cách rặn đẻ nhưng khi lên bài đẻ lại quên khuấy...
Các mẹ đã học lớp tiền sản hay chưa học lớp tiền sản, đã biết phương pháp thở rặn đẻ khi sinh hay chưa, nhưng cũng rất băn khoăn lo lắng không biết đến lúc mình vượt cạn thì như thế nào. Hãy cùng nghe các mẹ có kinh nghiệm trong việc rặn đẻ chia sẻ về vấn đề này.

Theo thống kê của các bác sỹ sản khoa, hầu hết chị em đã từng vượt qua một lần sinh nở đều cho biết khi lên bàn đẻ họ đều rặn đẻ theo cảm tính. Có nhiều người tuy đã được học lý thuyết về cách rặn đẻ nhưng khi lên bài đẻ lại quên khuấy hết vì đau quá. Có những chị em lại chẳng cần học hành gì mà chỉ làm theo những hướng dẫn của bác sĩ những cũng sinh nở dễ dàng. Vậy rặn đẻ có thực sự khó khăn?

kinh nghiệm rặn đẻ 1

Hãy nghe các mẹ đã từng có kinh nghiệm trong vấn đề này chia sẻ về cách rặn đẻ nhé!

Một thành viên trên diễn đàn phụ nữ chia sẻ: “Khi rặn đẻ, các mẹ hãy bình tĩnh, tập trung nghe theo lời dặn của bác sĩ, bác sĩ bảo gì thì làm nấy, đau quá cũng cố đừng la khóc vì càng la khóc các mẹ sẽ mất sức lắm. Mình nhớ khi cổ tử cung mở được 10 phân và bác sĩ rạch xong thì bác bảo khi nào muốn rặn thì hít sâu và rặn thật mạnh y như rặn đi vệ sinh ấy. Chú ý tay nắm chặt vào ghế nằm để lấy sức. Khi mình rặn xong hơi đầu tiên thì đầu bé ra. Bác sĩ kêu thôi thì hít thở liền để lấy sức. Sau đó bác sĩ sẽ hô tiếp tục, mình lấy hơi và rặn tiếp, ráng rặn thật mạnh, thật nhanh thì con mau ra mà mình cũng khỏe. Lúc rặn thì thật tập trung, dùng hết sức bình sinh các mẹ nhé. Rặn 3 hơi thật mạnh là con mình ra rồi, chắc chỉ khoảng 2 phút quá, mình cũng không ngờ luôn. Vậy là mình kết thúc ca sinh nở, cũng đau nhưng nhìn thấy con yêu thì tự nhiên mọi đau đớn tan biến hết”.

Mẹ Thanh Uyên thì chia sẻ: “Nói chung là lúc đau đẻ ít người nhớ lý thuyết để làm cho chuẩn lắm, các mẹ cứ nhớ thế này là được nhé: Khi rặn đẻ các mẹ hãy nhớ hít sâu bằng mũi, miệng ngậm kín, rặn mạnh (như kiểu rặn lúc bị táo bón). Chị em cũng cần chú ý tư thế: cằm tì xuống ngực, chân mở rộng và tay tỳ vào đùi làm điểm tựa. Lúc nào thở, lúc nào rặn, lúc nào ngưng càn tuyệt đối làm theo chỉ dẫn của bác sỹ. Quan trọng nhất là phải bình tĩnh nhé, cứ nghĩ thế này: đau đẻ ai cũng trải qua, và ai cũng làm được, và có lý do gì để mình không làm được đâu”.

Mẹ Thu Ngọc kể kinh nghiệm vượt cạn của mình: "Mình chả đi học lớp tiền sản nào vậy mà vẫn rặn ngon lành, các mẹ cứ lấy hết sức bình sinh rặn như kiểu táo bón lâu ngày vậy, khi đầu em bé nhô ra, các mẹ lấy 1 hơi thật sâu rặn, khi hết hơi thì hít bằng mũi nhẹ 1 cái kiểu cầm chừng cho đừng chết thôi rồi lại rặn tiếp, liên tục như thế khi nào đầu em bé chui hẳn ra ngoài, chứ đừng thấy hết hơi ngạt thở rồi lại hà 1 cái lấy hơi tự do rồi rặn lại từ đầu, làm vậy đầu em bé lại tụt vào trong đấy"

Mẹ Bảo Bình khuyên: Ôi các mẹ tập làm chi cho mất công mất sức chứ. Đâu phải ai cũng hít vào thở ra và cùng 1 cách đẻ đâu. Mỗi người mỗi kiểu. Nếu là mình thì các mẹ nghĩ sao khi mà chưa biết cảm giác hít ra thở vào thì con đã được đưa ra ngoài,mà mình cũng chẳng có thụt rửa ở nhà gì cả. Bác sỹ cũng chẳng bảo phải rặn hay nín hay hít gì cả.

Đến lúc vào viện rồi còn nhiều vấn đề lắm. Nếu mẹ nào đẻ dễ thì không phải rặn đẻ đã ra rồi.

Còn mẹ nào rặn đẻ thì chủ yếu là hít vào giữ hơi lâu rồi rặn ra. Cố giữ sức còn rặn thôi. Còn lại bác sỹ sẽ bảo mình cách. Chứ khó đẻ quá thì sẽ chuyển sang mổ.

Mẹ Xù kết luận sau khi sinh bé là: “Theo mình, không phải chúng ta rặn đẻ sai quy cách mà là không có hơi sức để rặn, chứ lúc rặn có người đứng gần hướng dẫn tỉ mỉ hít vào thở ra khi nào. Các mẹ lưu ý cứ nhìn vào màn hình của máy monitor – đây là máy đo cơn gò tử cung. Cứ nhìn vào nhịp của cơn gò trên máy mà rặn thôi. Khi cái sóng nó bắt đầu đi lên mình cũng bắt đầu rặn, ráng làm sao rặn thật mạnh tới khi sóng âm nó lên tới đỉnh, và thở ra khi nó bắt đầu đi xuống, rồi lại lấy hơi rặn tiếp. Cố gắng bình tĩnh, lấy hơi thật mạnh theo sóng cơn gò này là đẻ thành công thôi mà các mẹ. Nhưng các mẹ cần nhớ là phải hít hơi thật sâu đấy, hơi mà cụt là coi như phí luôn cơn rặn đó.”

Hướng dẫn rặn đẻ đúng cách từ chuyên gia

kinh nghiệm rặn đẻ 2

Theo TS. BS Huỳnh Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc - BV Từ Dũ: “Thai phụ cần biết cách thở và biết cách rặn có hiệu quả, không rặn sớm quá hay rặn không đúng sẽ làm cho cuộc chuyển dạ kéo dài gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con như: bé bị ngạt trong bụng mẹ, mẹ bị mệt, tổn thương phức tạp đường sinh dục, chuyển dạ kéo dài gây băng huyết sau sinh…”.

Đồng thời bác sĩ cũng hướng dẫn chị em cách thở và rặn đẻ như sau:

Cách thở:

Dựa theo tính chất chu kỳ của cơn gò tử cung, sản phụ sẽ chú ý, tập trung vào hơi thở:

- Khi bắt đầu cảm nhận đau, nghĩa là khi bắt đầu thì co, có cơn co xuất hiện thai phụ nên tập trung vào hơi thở để tập thở nhanh dần. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Cơn đau càng tăng thì thở càng nhanh hơn và nông hơn, tần suất nhịp thở tăng dần ở thì kéo dài. Cảm nhận đau càng nhiều thì thở càng nhanh hơn. Ở thì thở ra làm sao tạo được tiếng rít gần như tiếng rít, tiếng huýt sáo nhỏ. Đến khi cảm nhận bớt đau thì thở chậm lại và thở sâu hơn, tần suất nhịp thở giảm dần.

- Ở thì nghĩ giữa các cơn co tử cung, thai phụ nên thở sâu và nhẹ nhàng bình thường để lấy lại năng lượng đã bị mất đi khi thở nhanh, nông ở thì co và tích trữ năng lượng cho lần thở của cơn đau kế tiếp… . Nên thư giãn tòan thân là tốt nhất.

Khi bác sĩ cho phép đươc rặn, thai phụ nên tập rặn đúng cách thì mới có hiệu quả đẩy thai ra khỏi bụng mẹ và ống sinh dục được. Rặn không hiệu quả, giai đọan xổ thai kéo dài sẽ làm mất sức người mẹ và em bé có thể bị ngạt ngay khi chưa kịp sinh ra.

Cách rặn:

- Khi cảm nhận được cơn co tử cung: bụng gò cứng dần và xuất hiện cơn đau: Thai phụ nên hít vào một hơi thở thất sâu. Sau đó nín thở, miệng ngậm chặt, hai tay nắm chặt vào hai thành của bàn sinh, hai chân đạp mạnh vào hai ống treo cổ chân của bàn sinh, dồn hơi rặn mạnh để đẩy hơi xuống vùng bụng dưới giúp tống xuất thai nhi ra ngoài. Khi cảm thấy sắp hết hơi nhưng vẫn còn đau có thể hít vào một hơi khác và rặn tiếp tục cho đến khi hết cảm thấy đau bụng nữa. Chú ý là trong khi rặn, thai phụ phải giữ sao cho lưng thẳng, áp sát vào bề mặt bàn sinh và phần mông phải cong lên phía trước. Đặt biệt là phải giữ để khi rặn thì miệng không được phát ra bất cứ âm thanh nào.

- Giữa 2 cơn co tử cung, hết đau thì thở sâu điều hòa, dưỡng sức để tập trung vào đợt rặn kế tiếp.

kinh nghiệm rặn đẻ 3

Phương pháp rặn đẻ - Không phải mẹ nào cũng biết



Chỉ những người đã trực tiếp trải qua ca sinh nở mới hiểu rặn đẻ khó như thế nào.

Theo các bác sĩ khoa sản, hầu hết chị em đi sinh nở đặc biệt những người mang thai lần đầu đều không biết rặn đẻ. Tâm lý chủ quan cộng với việc sợ đau khiến chị em không phối hợp nhịp nhàng được với bác sĩ gây ra tình trạng không thể rặn đẻ hoặc rặn đẻ không đúng cách. Điều này khiến cho ca sinh nở trở lên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.

Khổ vì không biết rặn đẻ

Nhớ lại cảnh sinh cu Bi cách đây 1 năm, chị Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cười lớn kể với chúng tôi: “Đã một năm rồi mà tôi không bao giờ quên được cảnh đi đẻ và có lẽ cả cuộc đời này sẽ không quên được. Lúc tử cung của tôi đã mở gần hết và đã bị bác sĩ rạch một vài đường cơ bản rồi đấy, bác sĩ bảo chuẩn bị rặn đẻ nhé. Nhưng khi đó tôi đã gần như kiệt sức nên chả quan tâm bác sĩ nói gì”.

Chị kể rằng chị đau đẻ từ 3 giờ sáng để 4 giờ chiều tử cung mới mở được 4 phân. Đợi thêm đến tận 8 giờ tối mới bắt đầu lên bàn đẻ, mà trong suốt thời gian đau đớn ấy lại bị cách ly với gia đình, chẳng có cái gì cho vào bụng thế là đến lúc lên bàn đẻ, đã đau đẻ vã mồ hôi bụng lại đói cồn cào, hỏi lấy đâu sức mà rặn đẻ.

“Bác sĩ hô bắt đầu rặn, tôi cũng rặn nhưng hình như cơn rặn của tôi không sâu hay sao ấy mà bác sĩ cứ quát ầm ầm bảo rặn mà sao cứ thở thế. Mà bác sĩ càng nói nhiều, tôi càng cuống thành thử ra rặn hay thở chẳng thể phân biệt được. Tôi bảo bác sĩ: “Cháu không biết rặn đâu, bác sĩ cho cháu đi mổ đi”. Có lẽ thấy tôi mệt và cuống quá, bác sĩ trấn an rằng hầu hết mọi người đều không biết rặn đẻ, bác còn bảo tôi chỉ cần làm theo những hướng dẫn của bác là ổn. Tôi dần lấy lại được bình tĩnh và bắt đầu làm theo hướng dẫn của ekip. Cũng may Bi ngoan, sau khoảng 10 phút thì chào đời. Sinh xong, bác sĩ chốt lại một câu là không biết rặn đẻ, lần sau có sinh thì học rặn đẻ trước đi nhé. Tôi cứ nhớ mãi câu nói của bác sĩ, có lẽ sẽ phải đi học rặn đẻ trước khi quyết định có tập 2 mất.”

Chung hoàn cảnh với chị Hoa, chị Ly kể: “Tớ cũng là một trong những thành phần không biết rặn đẻ đây. Hồi mang bầu, có mấy lớp học tiền sản miễn phí mời mà một phần vì bận việc, một phần vì chủ quan nên chẳng tham gia, đến lúc lên bàn đẻ mới thấy hối hận. Lúc lên bàn đẻ, mình chả biết rặn thế nào mà cứ há hốc mồm, liên tục gào thét khiến mất hết cả sức. Hậu quả là con ở trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợ tóc vì sắp bị ngạt. Trước khi mẹ ngất đi chỉ nghe thấy bác sĩ hô y tá lấy forcep. Ơn trời, mẹ tròn con vuông, mặc dù mẹ đau ghê gớm do rạch quá nhiều vì forcep, còn con thì đầu dài ngoằng và có sẹo trên trán.”

Quên rặn đẻ là chuyện thường

Không chủ quan như chị Hoa và chị Ly, ngay từ hồi mang bầu tháng thứ 6, Liên đã lên kế hoạch để hai vợ chồng cùng tham gia lớp học tiền sản ở Bệnh viện Phụ sản. Cứ cuối tuần, hai vợ chồng lại chở nhau đi. Ở lớp học này, anh chị không chỉ học được nhiều kinh nghiệm về chăm sóc thai kỳ, ăn uống thế nào tốt cho thai nhi, cách chăm sóc trẻ sơ sinh và quan trọng nhất là cách rặn đẻ, Chị bải: “Ở cơ quan ai cũng kêu đi đẻ mà chẳng biết rặn đẻ thế nào nên tôi quyết tâm học bằng được”. Trong suốt quá trình học, chị luôn chăm chú nghe các chuyên gia hướng dẫn và hỏi ngay khi có thắc mắc. Chẳng thế mà sau khi khóa học kết thúc chị đã chắc mầm kiến thức rặn đẻ trong tay.

Chị kể khi lên bàn đẻ mình tự tin với kiến thức trong đầu lắm thế nhưng thực tế không hẳn như mình tưởng. Khi những cơn đau trở lên dữ dội chị bắt đầu không kiểm soát nổi hành động của mình nữa. “Lúc đó bác sĩ hô rặn đẻ nhưng tôi chả biết phải rặn thế nào. Mà hình như vào hoàn cảnh đó, mẹ nào cũng vậy thì lý thuyết đã được học là sẽ rặn theo may đo con co tử cung trước mặt và theo lời bác sĩ ấy thế nhưng đau quá, chả còn nhìn thấy gì, nghe thấy gì nữa”.

Oái oăm nhất là khi đầu của em bé đã ra đến ngoài mà chị không thể rặn đẻ được nữa nên không thể đẩy được bé ra, cuối cùng các bác sĩ phải lấy tay để ấn bụng chị. Cũng may là em bé chào đời an toàn nhưng cả ekip hôm đó được một phen hú vía vì những tưởng chị sẽ rặn đẻ “ngon lành” lắm. “Tin nhắn đầu tiên nhắn tôi gửi cho chồng khi tỉnh dậy là: Em vẫn không biết rặn đẻ - Chắc là chồng tôi buồn cười lắm vì bao ngày mất công chở tôi đi học “đẻ” – chị cười nói.

Rặn đẻ như thế nào là đúng cách



Ai cũng biết, thở và rặn đẻ đúng cách sẽ giúp cho cuộc chuyển dạ diễn ra nhanh hơn, sản phụ sẽ bớt mệt mỏi và ít đau đớn hơn. Nhưng thở và rặn thế nào mới đúng và hiệu quả? Sau đây chúng tôi xin giới thiệu với các bạn những cách thở đúng cho từng giai đoạn khác nhau của quá trình sinh con.

Bài tập 1: Thở ngực chậm

Khi thấy cổ tử cung mở 2-6 cm, cơn co diễn ra trong khoảng 20-25 giây, tần số thưa, khoảng cách giữa các cơn co dài (khoảng 4-5 phút xuất hiện một cơn), bạn hãy thở ngực chậm để giữ sức và lấy nhiều oxy cho hai mẹ con.

Cách tiến hành: Bắt đầu cơn co, hãy hít thật sâu không khí qua mũi vào tận đáy phổi và thở ra bằng miệng để đẩy hết thán khí ra.

Nếu thực hiện đúng, bạn sẽ thở khoảng 9-11 lần/phút.

Bài tập 2: Thở ngực nông

Khi cổ tử cung mở 6-8 cm, các cơn co lúc này diễn ra mau hơn, mạnh hơn, kéo dài hơn (40- 50 giây/cơn), khoảng cách giữa các cơn khoảng 3 phút/ lần. Lúc này cơn đau tăng, nếu không ngồi được thì bạn có thể đứng.

Cách tiến hành:
• Khi bắt đầu cơn đau, hãy hít một hơi thật sâu qua mũi rồi thở ra bằng miệng.
• Sau đó thở ngắn qua miệng, nhịp thở ngắn dần theo mức tăng của cơn đau.
• Khi cơn đau đạt đỉnh điểm hơi thở nhanh, gấp, nối tiếp nhau.
• Khi cơn đau giảm, chuyển thở ngắn giống ban đầu.
• Hết cơn đau, hít thật sâu rồi thổi ra và cân bằng khí.
(Cách cân bằng khí: lấy hai tay chụm lại đặt dọc trước mũi miệng thổi dài hơi và hít không khí trong tay mình).

Khi tập thở kiểu này bạn sẽ cảm thấy hơi mệt, chóng mặt nhưng đây là hiện tượng sinh lí bình thường, không cần lo lắng.

Bài tập 3: Thở ngắn – nhanh – nông

Khi cổ tử cung đã mở 8- 10 cm, đầu thai nhi tụt xuống, làm chèn ép vào bàng quang, và trực tràng nên cảm giác đầu tiên của người mẹ là muốn rặn. Cơn đau dồn dập, rất mạnh (2-3 phút/cơn), cơn co kéo dài 50- 55 giây.

Khi này, bạn càng phải bình tĩnh hơn, thở để tránh rặn non có thể gây phù nề cổ tử cung gây khó khăn cho cuộc đẻ.

Cách tiến hành: Khi cơn co bắt đầu, hãy thở 3 lần bằng hơi thở ngắn, đến hơi thở thứ 4 thì thổi mạnh. Lặp lại 4 lần như vậy, lần thứ 5 thì hít vào, thổi ra từ từ. Sau đó cân bằng khí.

Lưu ý: Khi tập 3 bài tập trên, bạn cần áp dụng tư thế ngồi nghỉ của bà bầu đó là: Hai chân khoanh tròn trước mặt, không chân nào đè vào chân nào, đầu, lưng thẳng, hai vai xuôi, hai tay đặt nhẹ lên gối.

Nên ngồi tập nơi yên tĩnh và thoáng khí.

Bài tập 4: Thở khi rặn đẻ

Ngồi trên sàn, hai chân gấp lại thành hình chữ V ngược, hai bàn chân mở rộng, hai bàn tay luồn qua mặt ngoài đùi và ôm lấy đùi.

Khi bác sĩ thông báo đã đến lúc và yêu cầu rặn, bạn hãy hít một hơn thật dài, nín thở ngậm hơi trong mồm, và nhẩm chậm trong đầu từ 1 đến 7, đồng thời đưa hơi xuống kênh đẻ.

Chú ý khi rặn đẻ:

Cằm phải tì xuống ngực để dồn ép không khí xuống dưới, giúp đẩy thai nhi ra ngoài dễ dàng hơn.

Không được gào thét kêu la to làm mất sức và thiếu không khí cho cả hai mẹ con. Làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.